vo-nhat-nhung-nguoi-doi-ho-khong-nghi-den-cai-che-ma-nghi-den-cai-song

Qua các nhân vật trong Vợ nhặt, hãy chứng minh: Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống

Qua các nhân vật trong “Vợ nhặt”, hãy chứng minh: “Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống”

  • Mở bài:

Kim Lân là nhà văn chuyên viết về nông thon và cuộc sống người dan quê, có sở trường về truyện ngắn. Truyện “Vợ nhặt” tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám. Đến năm 1954, tác giả dựa vào một phần cốt truyện cũ để hoàn thiện. Tác phẩm viết về tình huống nhặt vợ độc đáo của nhân vật Tràng, qua đó thể hiện niềm tin mãnh liệt vào phẩm chất tốt đẹp của nhiều con người bình dị trong nạn đói thê thảm. tác phẩm khẳng định một điều: “Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống”.

  • Thân bài:

Ta nhận thấy trong câu nói của Kim Lân tinh thần lạc quan của con người, cốt lõi khát vọng cháy bỏng về cuộc sống tốt đẹp của con người trong bất chứ hoàn cảnh nào ngay cả khi cận kề với cái chết, cái đói.

Nhặt là hành động tự nhiên, không chủ định, nhặt nhạnh một thứ đồ vật nào đó bị rơi vãi. Vợ là người bạn đời, người quyết định đến hạnh phúc vợ chồng của cả một đời người. Vợ nhặt mang ý nghĩa rằng trong nạ đói, giá trị con người bị rẻ rúng như đồ vật, rơi vãi bên đường, dễ dàng nhặt được. Chi tiết có giá trị tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945.

Trong nạn đói đó, Tràng nuôi thân còn chưa đủ, song anh vẫn sẵn sang đưa cô gái về nhà cưu mang. Nhà văn phát hiện ra tấm lòng nhân hậu, giàu nghị lực sống và khát vọng yêu thương của những người lao động nghèo. Cảnh nạn đói khủng khiếp được Kim Lân dựng nên từ những chi tiết đắt giá. Đó là tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết, đó là cái bóng tối bao trùm những gian nhà úp súp tối om, đó là mùi tử khí nồng nặc. Hiện lên trên bức nền tang thương của nạn đói là cảnh những dòng người đói dắt díu nhau, là cảnh những xác chết đầy đồng. Đó là bức tranh khiến ta vừa rùng mình sợ hãi vừa xót xa đau đớn.

Ta thấy rằng trong hoàn cảnh ấy, sự sống của con người thật mong manh, dấu vết của cái chết nhan nhản khắp nơi, con người sống trong nỗi lo thường trực về cái chết, và quả thực lưỡi hái thần chết treo lơ lửng trên đầu của họ. Nay còn có thể lay lắt cực nhóc tìm miếng ăn, mai đã có thể là một xác chết nằm giữa đường. Trong hoàn cảnh ấy, con người ta rõ ràng không thể suy nghĩ, hành động, nói năng… giống như trong các hoàn cảnh bình thường khác.

Đó chính là cơ sở để chúng ta nhìn nhận cô vợ “nhặt”, bởi cô là một nạn nhân trong bối cảnh nạn đói đó. Nếu nhìn trên khía cạnh này, những lời nói của cô vợ nhặt đã nêu ở trên không thể và không nên nhìn ở khía cạnh đạo đức đánh giá nhân cách con người, hoặc nếu nhìn về phía ấy, thì cũng cần được nhìn dưới góc độ thương cảm.

Trước hết ta thấy được tác hại ghê gớm của nạn đói, nó giày xéo lên cuộc sống của con người, giày xéo lên tâm hồn của họ, khiến họ phải đánh mất tự trọng, đánh mất nhân phẩm để tồn tại. Thoạt nhìn hiện lên, cô vợ nhặt có vẻ là một người chao chát, chỏng lỏn, không gây được thiện cảm. Đàn bà con gái trong ứng xử hằng ngày, ai lại mặt thì “sưng sỉa”, lời nói thì: “Điêu, người thế mà điêu!”, “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt”, “Ăn gì thì ăn, chứ chả ăn giầu!”. Nếu tách người vợ “nhặt” ra khởi nạn đói khủng khiếp, có lẽ, người đọc có thể thấy thiếu thiện cảm với cô vợ “nhặt”, và có thể đi đến kết luận đây là một người đàn bà bỗ bã, thô tục.

Nhưng liệu rằng vấn đề ở đây có đơn thuần là câu chuyện của những con người đánh mất nhân phẩm trong nạn đói, hay còn là vấn đề khác? Với cô vợ “nhặt”, trước hết ta có thể thấy,hành động cô gặp Tràng, đòi ăn, rồi đi theo Tràng, không phải là hành động của một kẻ bị cái đói làm mất hết lí trí, mất hết nhân phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà cô vợ nhặt bảo Tràng: “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố!”

Câu nói ấy hẳn nhiên không phải chỉ là một câu thể hiện sự cảm thông, lo ngại cho Tràng, sự xuất hiện của từ “chị ấy” cho ta thấy đây là một câu dò hỏi: “Tràng có vợ hay chưa?”. Và câu dò hỏi ấy đã tỏ ra là có tác dụng, anh Tràng trả lời: “Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”.

“Này nói đùa chứ” nhưng lại thành chuyện thật! Quyết định theo không Tràng ngay tức khắc của cô vợ nhặt cho ta thấy câu nói đã trích dẫn bên trên của cô rõ ràng còn ẩn chứa một mong mỏi sau cái ướm hỏi.  Nạn đói như một cơn lũ siết dìm chết con người, cô vợ nhặt, quay cuồng trong cơn lũ ấy đã vớ được Tràng, một cái cọc cứu sinh! Đây là vấn đề bản năng sinh tồn, hay như tiến sĩ Chu Văn Sơn gọi: bản năng ham sống. Con người ta sẽ tìm mọi cách để sống, để tồn tại dù cho nghịch cảnh có khắc nghiệt như thế nào, đó là một điều tất yếu. Cô vợ nhặt trong trường hợp này cũng vậy, theo không một người đàn ông về nhà làm vợ, lại mang tiếng vợ nhặt, lại có những câu hỏi dò, không phải là không tự trọng, mà là sự trỗi dậy của bản năng ham sống. Đó là sự lựa chọn giữa sống và chết mà lằn ranh có khi chỉ trong tích tắc.

“Con người là tổng hòa của các đối cực”, ngay trong diễn biến nội tâm cô vợ “nhặt” ở đoạn này, cũng đã có thể thấy sự giao tranh, giằng co quyết liệt giữa bản năng ham số và nhâm cách làm người. Nếu như thật sự đã trâng tráo đòi ăn cho bằng được mấy bát bánh đúc của Tràng, thì tại sao trước khi ăn cô vợ Nhặt còn nói: “Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì”. Cứ cho câu đó là một phép lịch sự xã giao khi được người ta mời một món ăn, thì chỉ cần nói một lần, “Ăn thật nhá!” là được rồi, tại sao lại còn lặp đi lặp lại đến hai lần, thêm cả “Ừ ăn thì ăn sợ gì”. Ai làm gì mà sợ?

Không chỉ là phép xã giao, câu nói ấy còn có tác dụng để che đi sự hổ thẹn. “Miếng ăn là miếng nhục”, nhất là lại cong cớn chao chát chỏng lỏn để có miếng ăn, hỏi sao không xấu hổ. Nhưng ở đây không có sự lựa chọn, hoặc là ăn hoặc là chết, không có chỗ cho sự xấu hổ. Hai câu nói trên có tác dụng xua đi nỗi thẹn trong lòng cô vợ nhặt.

Như vậy cô vợ “nhặt” có thẹn! Người biết thẹn không thể là người đánh mất hết lòng tự trọng. Ở đây, Kim Lân đã khéo léo mở ra cho người đọc thấy một khía cạnh nhân phẩm của cô vợ nhặt, một vẻ đẹp khuất lấp dưới vẻ chao chát chỏng lỏn, mà để sinh tồn trong nạn đói, buộc cô vợ nhặt phải khoác lên mình. Vẻ đẹp khuất lấp ấy đến đoạn sau của tác phẩm ngày một hiện rõ hơn, cô vợ nhặt dần lột bỏ vẻ ngoài xấu xí chao chát chỏng lỏn để trở thành người vợ hiền con thảo đúng mực chăm lo cho cuộc sống của Tràng, trở thành nhân vật “vô danh nhưng không vô nghĩa”, có vai trò mở ra cho cuộc sống của Tràng một con đường sáng.

Với nhân vật Tràng, ta thấy Kim Lân xây dựng đây là một nhân vật được tạo hóa đẽo đục rất thô sơ. Nhưng sau vẻ thô sơ ấy là cả một tấm lòng chân thành, ấm áp. Khi cô vợ nhặt theo, anh cũng chợn: “Thóc gạo đến tay mình không biết có nuôi nổi mình không mà còn đèo bòng” . Nhưng anh ta chỉ tặc lưỡi: “Chậc kệ!” – đó là cái tặc lưỡi chấp nhận đánh cuộc với tử thần trong ván bài đổi lấy hạnh phúc. Vợ nhặt – theo không về nhà người ta, không đám cưới, đám hỏi, nhưng Tràng không hề khinh ghét cô, trái lại, “cảm thấy lòng đầy tình nghĩa với người đàn bà đi bên”.

Hai chữ “nhà tôi” mà Tràng nhắc mẹ khi dẫn cô vợ “nhặt” về nghĩa là Tràng đã xem cô vợ nhặt là vợ. Phải coi nhau như vợ chồng thì mới gọi nhau là “nhà tôi”, mà không chỉ coi nhau như vợ chồng, mà còn là vợ chồng thắm thiết, yêu thương nhau. Hai tiếng “nhà tôi” sao mà thân thương trìu mến, nó góp phần xoa dịu cái tủi thân bạc bẽo của hai tiếng vợ nhặt.

Bà cụ Tứ, khi gặp cô vợ nhặt, đã nhận ra “bao nhiêu cớ sự vừa đau đớn vừa xót xa”, “người ta lấy nhau lúc ăn nên làm nổi, còn con mình thì…”, nhưng bà dần dần nhận ra và chấp nhận cô. Bà nói: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Cách xưng hô “các con” –“u” có tiền giả định là bà cụ Tứ đã cho phép cô vợ nhặt và Tràng lấy nhau. Cô vợ nhặt có lấy Tràng, thì mới là con dâu bà, mới gọi là co được. Tuy vậy ở câu này vẫn có cái gì đó miễn cưỡng, có cái gì đó buồn, đó là sự xuất hiện của “thôi thì”, của trợ từ “cũng”.

Thế nhưng càng về sau, sự miễn cưỡng mất dần, bà trìu mến với với cô vợ nhặt: “Con ngồi xuống đây, ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân” (dường như cô vợ nhặt không còn là con dâu, mà trong cái thân mật này, ta cảm tưởng bà cụ Tứ đã coi cô như con đẻ, thương cô như con đẻ), bà bày tỏ sự xót xa rất chân thành tới hai con: “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.

Các từ xưng hô trong gia đình, nhà tôi, u, các con khẳng định mối quan hệ gia đình thân tình, tốt đẹp, thể hiện tình yêu thương chan hòa, trìu mến. Từ đó ta thấy được tâm hồn nhâu hậu, bao dung, khao khát yêu thương hạnh phúc của Tràng và bà cụ Tứ.

Về tác phẩm “Vợ nhặt”, Kim Lân tâm nguyện: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vân hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn sống, sống cho ra con người. Như vậy là đã rõ, Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống.

  • Kết bài:

Nhận định: “Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống” thể hiện rất rõ trong tư tưởng, chủ đề, cảm hứng mà nhà văn thể hiện qua các nhân vật của mình. Để khám phá được tư tưởng ấy, ta không thể không đi sâu vào khai thác lớp vỏ ngôn từ của văn bản. Quả thật, những tri thức công cụ của ngành ngôn ngữ học có tác dụng không hề nhỏ trong việc hiểu hơn tầng nghĩa ngôn từ của tác phẩm, từ đó làm cơ sở để người đọc thâm nhập vào tầng nghĩa hình tượng, tầng nghĩa tư tưởng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang