cam-nhan-hinh-anh-nhan-vat-nguoi-me-trong-but-ki-mot-nguoi-ha-noi-cua-nguyen-khai-678

Cảm nhận nhân vật bà Hiền trong bút kí “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải.

Cảm nhận nhân vật bà Hiền trong bút kí “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải.

  • Mở bài:

Gánh nặng của kiếp mưu sinh là một chủ đề lớn trong các tác phẩm văn học của loài người nói chung và của văn học Việt Nam nói riêng. Trong nền cảnh chung của kiếp nhân sinh nhọc nhằn vì những lo toan kiếm sống thì nhân vật người mẹ của nhà văn Việt Nam hiện đại đã gợi cho người đọc bao cảm thương. Số phận của họ gộp cả vào đấy những lam lũ của kiếp người và của người phụ nữ. Ở họ còn hiện lên vẻ đẹp của người mẹ thời chiến có ý thức trách nhiệm với đất nước với dân tộc, biết sẻ chia trước đau thương mất mát của biết bao người mẹ khác. Điều đó được thể hiện rõ nét qua hình ảnh nhân vật bà Hiền trong bút kí “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải.

  • Thân bài:

Văn học Việt Nam 1945- 1975 phát triển trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc.Đất nước oằn mình gánh trên vai hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Trong hoàn cảnh ấy, văn học nước nhà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: là nguồn lực tinh thần cho cả dân tộc. Đó là lí do vì sao ta ít gặp những giọt nước mắt, nỗi đau khi phải chia li bởi “Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt” (Nam Hà). Vậy nên, “Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau” (Chế Lan Viên). Trong không khí cởi mở của văn học sau 1975, nhiều nhà văn viết về chiến tranh với những nhận thức lại, không né tránh khi viết về mất mát, đau thương. Nguyễn Khải là một trong những nhà văn xông xáo nhất trên mặt trận ấy.

Truyện ngắn “Một người Hà Nội” khá tiêu biểu cho tính triết luận trong phong cách văn xuôi của Nguyễn Khải ở giai đoạn sáng tác từ cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX. Nhân vật người mẹ trong tác phẩm được nhà văn tái hiện trong nỗi đau do chiến tranh gây ra. Khi Dũng con trai lớn của bà Hiền lên đường vào Nam chiến đấu, người mẹ trong tác phẩm không hề giấu giếm cảm xúc thực của mình với người cháu “Tao đau đớn mà bằng lòng”. Trách nhiệm công dân được bà Hiền – một người Hà Nội thanh lịch, bộc lộ không ồn ào, giả tạo. Tiễn những đứa con thân yêu, những khúc ruột của mình vào nơi hòn tên mũi đạn, lòng người mẹ nào mà chẳng đớn đau, mà nỗi đau như rút cả tim gan.

Bà Hiền trong sáng tác Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải là một người mẹ trí tuệ và đầy bản lĩnh – bản lĩnh mang cốt cách văn hóa. Lúc còn là thiếu nữ, cô Hiền đã chọn bạn đời theo một tiêu chí riêng về mái ấm gia đình khiến cả “Hà Nội phải kinh ngạc”. Trở thành mẹ, người phụ nữ ấy chú ý dạy con biết tự trọng trong tư cách của người Hà Nội có văn hóa. Giữa những biến động của thời cuộc, bà Hiền không a dua theo thời, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”. Tuy có bộ mặt rất tư sản, lối sống rất tư sản nhưng bà Hiền không phải đi học tập cải tạo bởi bà đã khôn khéo bán ngôi nhà ở Hàng Bún, ngăn không cho chồng mua máy in để kinh doanh. Người phụ nữ thanh lịch ấy chọn nghề làm hoa giấy vì “rất đủ ăn, lại nhàn”.

Những việc làm đó cho thấy sự thích ứng của con người mang bản lĩnh văn hóa trước những biến động lớn của xã hội. Khép lại tác phẩm là câu chuyện về cây si cổ thụ của bà Hiền khiến người cháu trầm trồ ngưỡng mộ: “Bà vẫn giỏi quá, khiêm tốn và rộng lượng quá”. Trước sự băng hoại, xuống cấp của văn hóa Hà Nội do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, bà vẫn thể hiện niềm tin vào sự trường tồn của văn hóa đất kinh kì. Sự sắc sảo ấy của bà có cội nguồn của sự từng trải. Qua “Một người Hà Nội”, Nguyễn Khải muốn gửi gắm khám phá của ông về bản sắc văn hóa Hà Nội, cái quyết định vận mệnh và vị thế của Hà Nội trong lịch sử, cũng là nền tảng cho bước phát triển của nó trong tương lai.

Bên cạnh nhân vật bà Hiền, Nguyễn Khải cũng tạo dựng chân dung của một bà mẹ Hà Nội khác qua chi tiết nhỏ nhưng đắt giá. Câu chuyện về mẹ của Tuất được Dũng kể trong bữa tiệc mừng chiến thắng của những người Hà Nội thành danh. Người lính trở về từ chiến trường khốc liệt không biết nên nói thế nào với người mẹ có con hi sinh. Dũng mang trong mình cái mặc cảm của người sống trong khi đồng đội của mình không còn. Anh gặp mẹ của Tuất, chưa nói được điều phải nói đã khóc, còn người mẹ ấy “run bần bật nhưng không khóc”. Sự đau đớn tột cùng được diễn tả thật đắt qua cụm từ chỉ trạng thái cảm xúc của người mẹ “ người …run bần bật” “nói run rẩy”.

Không có giọt nước mắt nào nhỏ xuống, nỗi đau mất con của người mẹ đã lặn vào trong tâm khảm, ghìm nén mà đau đớn vô cùng. Ta quý trọng những giọt nước mắt của người lính và càng cảm phục trước phản ứng của người mẹ. Điều này, một lần nữa cho thấy cống hiến thầm lặng, không màu mè, ầm ĩ của những người mẹ Việt Nam trong chiến tranh. Đồng thời, nó cũng khiến người ta ngậm ngùi nghĩ đến cái giá quá đắt của chiến thắng. Chẳng có ai có thể đo đếm được những vết thương sâu thẳm trong lòng những người mẹ và trong những người lính phải kinh qua những trận “mưa bom bão đạn” trong chiến tranh.

Khi xây dựng nhân vật bà Hiền, nhà văn Nguyễn Khải sử dụng phương thức trần thuật ở ngôi thứ nhất. Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” là người cháu họ của bà Hiền, mang dáng dấp của chính tác giả. Sử dụng cách trần thuật ở ngôi thứ nhất, ngòi bút Nguyễn Khải được tự do lựa chọn chi tiết, không quá lệ thuộc vào một cốt truyện chặt chẽ. Hơn nữa, nhà văn có thể thoải mái xen vào những lời bình luận nhận xét của người kể chuyện ví như người “cháu” đánh giá về vẻ đẹp văn hóa Hà Nội ở nhân vật bà Hiền qua hình ảnh “hạt bụi vàng”. Trong truyện, nhiều đoạn văn có những lời bình luận như thế. Nhờ có phương thức trần thuật này, tác giả tạo được một ngữ cảnh gần gũi với độc giả, gợi không khí một cuộc trò chuyện trực tiếp, lại dễ làm cho người đọc tin vào những điều được kể. Nhân vật “tôi” khi kể lại những điều mình thấy về bà Hiền còn luôn tự đối sánh, nhìn lại để phản tỉnh những quan niệm ấu trĩ, giản đơn của mình để từ đó làm nổi bật những giá trị văn hóa bền vững trong lối sống, cách ứng xử của bà Hiền.

Nhân vật mẹ Tuất được kể qua điểm nhìn của Dũng, con trai lớn của bà Hiền. Người mẹ Hà Nội ấy được hiện lên qua những suy ngẫm của Dũng vừa cảm động vừa mang những chiêm nghiệm sâu sắc.

  • Kết bài:

Nhân vật bà Hiền mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: giàu đức hi sinh, vị tha, tình mẫu tử cao đẹp, trí tuệ… Khi miêu tả, phát hiện và tôn vinh những vẻ đẹp đó của nhân vật bà Hiền, Nguyễn Khải đã đem lại cho tác phẩm giá trị nhân đạo sâu sắc, gợi trong lòng độc giả những rung cảm thẩm mĩ có sức ám ảnh và lan tỏa. Tuy nhiên, văn chương không bao giờ chấp nhận lối mòn, bất cứ sự lặp lại nào (người khác hay chính mình) sẽ dẫn đến con đường khai tử cho nghệ thuật. Thấu hiểu điều đó, Nguyễn Khải, trong tác phẩm của mình đã đặt nhân vật vào những biến cố lịch sử của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến và thời kì đổi mới. Chính những sự kiện đó góp phần tô đậm bản lĩnh văn hóa của người Hà Nội.

Phân tích bút kí Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang