Đọc hiểu văn bản: “Một người Hà Nội” (Nguyễn Khải)

huong-dan-doc-them-van-ban-mot-nguoi-ha-noi-nguyen-khai

Hướng dẫn đọc thêm văn bản:

Một người Hà Nội
(Nguyễn Khải)

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả: Nguyễn Khải.

– Nguyễn Khải (1930 – 2008), tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, ông sinh ra tại Hà Nội.

– Nhà văn được rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ. Ông là một trong những cây bút hàng đầu của văn xuôi Việt Nam từ sau CMT8.

– Tác phẩm chính: ”Xung đột”, “Mùa lạc”, “Một người Hà Nội”, “Thượng Đế thì cười”,…..

– Phong cách nghệ thuật: Có khả năng phát hiện vấn đề, khả năng phân tích tâm lí nhân vật, giọng văn đôn hậu, trầm lắng, chiêm nghiệm.

2. Tác phẩm: Một người Hà Nội.

Một người Hà Nội in trong tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Khải (1990). Tác phẩm ra đời khi đất nước có nhiều thăng trầm, biến động, những giá trị truyền thồng cũng dần phai mờ, đặc biệt là những giá trị của người Hà Nội.

– Truyện đã thể hiện những khám phá, phát hiện của Nguyễn Khải về vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước.

* Tóm tắt

Truyện xoay quanh nhân vật cô Hiền, một “hạt bụi vàng” của thủ đô nghìn năm văn hiến. Cô xinh đẹp, thông minh, lại sinh ra trong một gia đình giàu có lương thiện khiến nhân vật “tôi” phải trân trọng, ngưỡng mộ. Thời trẻ, cô mở một xa lông văn học, giao lưu với khách văn chương trí thức. Đến tuổi lập gia đình, cô chọn một ông giáo Tiểu học trong sự ngỡ ngàng của biết bao người. Suốt thời kháng chiến chống Pháp, vợ chồng cô vẫn sống ở Hà Nội một cách đường hoàng, sung túc, sinh hoạt nền nếp, lễ nghi bất chấp xung quanh đói khổ, buông tuồng. Cô Hiền làm nghề hoa giấy và có cái mặt tư sản nhưng không bị cải tạo vì cô chẳng bóc lột ai. Khi người con cả xin vào chiến trường, cô không ngăn cản. Cậu thứ hai thi được điểm cao nên trường giữ lại. Năm 1975, con cả của cô trở về và đã là thượng úy. Cô Hiền tổ chức bữa ăn bạn bè như mấy chục năm nay cô vẫn làm mỗi tháng. Nhân vật “tôi” chuyển vào Sài Gòn sinh sống nhưng cứ ra Hà Nội lại ghé vào thăm cô Hiền. “Tôi” tỏ ý buồn phiền về lối ứng xử xuống cấp của người Hà Nội thời nay. Cô Hiền kể cho anh nghe chuyện cây si bật gốc vì bão ở đền Ngọc Sơn.

II. Đọc hiểu văn bản.

1. Nhân vật cô Hiền.

– Thời trẻ là cô gái thông minh, xinh đẹp, xuất thân trong một gia đình giàu có, lương thiện. Có nếp sống và nếp nghĩ độc đáo, khác lạ.

* Nếp sống, nếp nghĩa và hành động:

+ Thời chống Pháp: vẫn sống ở Hà Nội, không dính líu gì đến “chính phủ”, vẫn sống một cuộc sống đường hoàng, sung túc, vẫn giữ nền nếp sinh hoạt và lễ nghi tốt đẹp của người Hà Nội.

+ Hoà bình lập lại ở miền Bắc: vẫn giữ gìn cách sống và nếp cũ của người Hà Nội. Cô nói về niềm vui và có cả những cái có phần máy móc, cực đoan của cuộc sống xung quanh: “vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều”. Theo cô “chính phủ can thiệp vào nhiều việc của nhân dân quá”, cô tính toán mọi việc rất khôn khéo và “đã tính là làm, đã làm là không để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ”… vẫn giữ gìn cách sống và nếp cũ của người Hà Nội.

+ Miền Bắc bước vào thời kì đương đầu với chiến tranh: không khuyến khích cũng không ngăn cản con cái tòng quân. Cô Hiền dạy con cách sống “biết tự trọng, biết xấu hổ”, biết sống đúng với bản chất người Hà Nội. Đó cũng là lí do vì sao cô sẵn sàng cho con trai ra trận: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”…

+ Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975: cô Hiền vẫn là “một người Hà Nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Từ chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn, cô Hiền nói về niềm tin vào cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

– Suy nghĩ và cách ứng xử của cô trong từng thời đoạn của đất nước.

+ Nếp nghĩ: Vừa thích ứng với cái mới, vừa giữ gìn nếp sống và cách nghĩ riêng của mình: “Vui hơi nhiều…đến làm ăn chứ?”, “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”, “Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao”, “Chúng mày là người Hà Nội…buông tuồng”, “Xã hội nào cũng phải có …cho mọi giá trị”.

⇒ Trải qua nhiều biến động, thăng trầm nhưng cô vẫn giữ được cốt cách của người Hà Nội. Cô sống thẳng thắn, chân thành, không giấu giếm quan điểm, thái độ của mình với mọi hiện tượng xung quanh.

* Tính cách đặc sắc và sinh động

– Một người phụ nữ sắc sảo và tinh tế:

+ Mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình trước những điều chưa hợp lí của chế độ mới.

+ Với người giúp việc thì coi như người nhà, tình nghĩa như người trong họ.

+ Với thời cuộc, bộc lộ rõ ràng thái độ của mình: “Tao có bộ mặt rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được”.

– Một người phụ nữ thông minh, quyết đoán, có đầu óc thực tế và giỏi tính toán

+ Mọi việc cô làm đều có sự tính toán trước: Sau ngày Hà Nội giải phóng, cô có hai dinh cơ, năm 1956, cô bán ngôi nhà ở Hàng Bún…

+ Cô đã tính là làm, đã làm là không để ý đến những lời đàm tiếu của thiên hạ: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”.

– Một người phụ nữ chu toàn mọi việc, như một nội tướng trong gia đình

+ Đặc biệt quan tâm, coi trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình, coi là “nội tướng”

+ Gần 30 tuổi bà mới lấy chồng, nhưng lại chọn một anh giáo tiểu học.

+ Việc sinh con: Kết thúc vào năm 40 tuổi. Tình thương con của cô là sự sáng suốt của một người mẹ có tầm nhìn xa, trông rộng.

+ Cô quan tâm, dạy dỗ con cái từ khi còn nhỏ và từ những chuyện nhr nhất. Với cô, trách nhiệm quan trọng nhất là tạo dựng nhân cách và chuẩn bị cho con cái một tương lai tốt đẹp.

– Một con người giàu tự trọng và sống có trách nhiệm

Chuyện hai người con xin đi bộ đội: “tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”, “Tao cũng muốn sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả, hoặc chết cả, vui lẻ có hay hớm gì”

– Một con người luôn lưu giữ những nét đẹp của người Hà Nội, luôn nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc sống.

+ Có niềm tin mãnh liệt vào những giá trị cổ truyền: “Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son, mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế”

+ Câu truyện cây si và những suy nghĩ của cô Hiền.

– Cô Hiền – “một hạt bụi vàng” của Hà Nội. Một “hạt bụi ”: vật nhỏ bé, tầm thường nhưng “hạt bụi vàng”→ hạt bụi nhỏ bé nhưng có giá trị quý báu

– Cô Hiền là một người Hà Nội bình thường nhưng cô thấm sâu những cái tinh hoa trong bản chất người Hà Nội. Bao nhiêu hạt bụi vàng, bao nhiêu người như cô Hiền sẽ hợp lại thành những “áng vàng” chói sáng. Áng vàng ấy là phẩm giá người Hà Nội, là cái truyền thống cốt cách người Hà Nội.

2. Các nhân vật khác trong truyện.

* Nhân vật “tôi’: đó là một người đã chứng kiến và tham gia vào nhiều chặng đường lịch sử của dân tộc→đã có những quan sát tinh tế, cảm nhận nhạy bén, sắc sảo, đặc biệt là về nhân vật cô Hiền, về Hà Nội và người Hà Nội. Ẩn sâu trong giọng điệu vừa vui đừa khôi hài vừa khôn ngoan là hình ảnh một con người gắn bó thiết tha với vận mệnh đất nước, trân trọng những giá trị văn hoá của dân tộc. Nhân vật “tôi” mang hình bóng Nguyễn Khải, là người kể chuyện, một sáng tạo nghệ thuật sắc nét đem đến cho tác phẩm một điểm nhìn trần thuật khách quan mà đúng đắn, sâu sắc

* Nhân vật Dũng: con trai đầu, rất mực yêu quý cô Hiền. Anh đã sống đúng với những lời mẹ dạy về cách sống của người Hà Nội: lên đường hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước

* Dũng, Tuất và tất cả những chàng trai Hà Nội ấy đã góp phần tô thắm thêm cốt cách tinh thần người Hà Nội, phẩm giá cao đẹp của con người Việt nam

* Những người tạo nên “nhận xét không mấy vui vẻ” về Hà Nội đó là “ ông bạn trẻ đạp xe như gió” đã làm xe người ta suýt đổ lại còn phóng xe vượt qua rồi quay mặt lại chửi “Tiên sư cái anh già”… là những người mà nhân vật tôi quên đường phải hỏi thăm….Đó là những “hạt sạn của Hà Nội”, làm mờ đi nét đẹp tế nhị, thanh lịch của người Tràng An. Cuộc sống của người Hà Nội nay cần phải làm rất nhiều điểm để giữ gìn và phát huy cái đẹp trong tính cách người Hà Nội

3. Ý nghĩa của câu chuyện “cây si cổ thụ

– Hình ảnh đó nói lên quy luật bất diệt của sự sống. Quy luật này được khẳng định bằng niềm tin của con người thành phố đã kiên trì cứu sống được cây si

– Cây si cũng là một biểu tượng nghệ thuật, một hình ảnh ẩn dụ về vẻ đẹp của Hà Nội: Hà Nội có thể bị tàn phá, bị nhiễm bệnh nhưng vẫn là một người Hà Nội với truyền thống văn hoá đã được nuôi dưỡng suốt trường kì lịch sử, là cốt cách, tinh hoa, linh hồn đất nước

4. Giọng điều trần thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật

* Giọng điều trần thuật: với một giọng điệu rất trải đời, vừa tự nhiên, dân dã, vừa trĩu nặng suy tư, vừa giàu chất khái quát, triết lí vừa đậm tính đa thanh. Cái tự nhiên, dân dã tạo nên phong vị hài hước rất có duyên trong giọng kể của nhân vật “tôt” ; tính chất đa thanh thể hiện trong lời kể: nhiều giọng (tự tin xen lẫn hoài nghi, tự hào xen lẫn tự trào….). Giọng điệu trần thuật đã làm cho truyện ngắn đậm đặc chất tự sự rất đời thường mà hiện đại.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

– Tạo tình huống gặp gỡ giữa nhân vật tôi và những nhân vật khác

– Ngôn ngữ nhân vật góp phần khắc hoạ tính cách (ngôn ngữ nhân vật tôi” đậm vẻ suy tư, chiêm nghiệm lại pha chút hài hước, tự hào; ngôn ngữ của cô Hiền ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát…)

III. Tổng kết:

1. Giá trị nội dung:

– Khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp Hà Nội.

– Gửi gắm niềm thiết tha gìn giữ các giá trị ấy cho hôm nay và cho cả mai sau.

– Nhân vật cô Hiền là “Một người Hà Nội” mãi mãi là hạt bụi vàng trong bể vàng trầm tích của văn hóa xứ sở.

2. Giá trị nghệ thuật:

– Giọng điệu trần thuật: vừa tự nhiên, dân dã, hài hước vừa chiêm nghiệm, suy tư, triết lí.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: khắc họa nhân vật thông qua suy nghĩ, lời nói, hành động. Nhân vật được cá thể hóa cao độ với lứa tuổi, giai tầng, tính cách, cuộc đời riêng.

IV. Luyện tập:

So sánh: Nhân vật gợi lên ấn tượng sâu sắc nhất là nhân vật Phùng – người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp:

– Xuất phát từ trái tim chân thành, tinh tế của người nghệ sĩ chân chính khi đi tìm cái đẹp.
– Có sự thấu hiểu, đồng cảm với con người, và đi tìm nguyên nhân sâu xa của vấn đề.
– Nhìn ra được vẻ đẹp ẩn giấu sâu bên trong tâm hồn của con người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.