Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm văn học là nội dung chủ đạo, tình cảm, tư tưởng mãnh liệt được tác giả thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm, có tác động sâu sắc đến cảm xúc của người đọc.
Có thể hiểu, cảm hứng chủ đạo chính là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi tất cả các yếu tố của tác phẩm văn học, quyết định giá trị nội dung, tư tưởng của tác phẩm, đồng thời liên kết giữa nhà văn, tác phẩm và người đọc.
Trong nghiên cứu văn học hiện đại, có người phân loại cảm hứng chủ đạo thành bi kịch, chính kịch, anh hùng, cảm thương, lãng mạn, trữ tình, trào lộng, châm biếm (dùng như những định ngữ). Có thể gọi tắt những cảm húng chủ đạo là “cảm hứng”. Ví dụ: cảm hứng anh hùng, cảm hứng trào lộng,…
Cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm cụ thể là một hiện tượng độc đáo không lặp lại, gắn với tình cảm của tác giả.
Ví dụ.
– Cảm hứng chủ đạo bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng về tình bạn chân thành, sâu sắc.
– Cảm hứng chủ đạo bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: là nỗi buồn, cảm giác cô đơn và lẻ loi của nhà thơ khi đối diện với khung cảnh hoang vắng, cô đơn của Đèo Ngang, và sự nhớ nhà, nhớ quê của một thời đã qua.
– Cảm hứng chủ đạo bài thơ Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh: tình yêu thiên nhiên tha thiết, niềm tự hào về phong cảnh núi sông.
– Cảm hứng chủ đạo bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nhớ quê hương da diết, nhớ cuộc sống tự do và khát vọng mãnh liệt muốn vượt thoát ra bên ngoài của người tù cộng sản.
– Cảm hứng chủ đạo bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: Nỗi nhớ thiên nhiên và con người Tây Tiến, ngợi ca vẻ đẹp bi tráng, lãng mạn của người lính trong đoàn quân Tây Tiến.
– Cảm hứng chủ đạo bài thơ Đồng chí của Chính Hữu: Ngợi ca tình đồng chí, đồng đội, tinh thần yêu nước, dũng cảm vượt lên mọi thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy của những người lính.
– Cảm hứng chủ đạo bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương: là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn sâu sắc và tự hào lớn lao pha lẫn nỗi xót đau khi tác giả từ miền Nam ra viếng lăng Bác.
– Cảm hứng chủ đạo bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt là tình cảm bà cháu thiêng liêng, là nỗi nhớ, lòng kính yêu và biết ơn vô hạn của người cháu với bà mình cũng là với gia đình và quê hương, đất nước.