»» Nội dung bài viết:
PHÂN BIỆT GIỮA TẢN VĂN VÀ TÙY BÚT
Tản văn là gì?
– Tản văn là thể loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc. Người viết tản văn thường dựa trên một vài nét chấm phá về đời sống để thể hiện tâm trạng, suy nghĩ, chủ kiến của mình.
– Tản văn khá tự do trong cách biểu hiện, có sự kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả, khảo cứu…
– Ngôn từ: gần gũi đời thường, như lời chuyện trò, bàn luận, tâm sự
Tùy bút là gì?
– Tuỳ bút là một thể loại văn xuôi thuộc loại hình kí (Kí là tác phẩm văn học chú trọng ghi chép sự thật; Có những tác phẩm nghiêng về kể sự việc, có những tác phẩm nghiêng về thể hiện cảm xúc)
– Điểm tựa của tuỳ bút là cái tôi của tác giả. Qua việc ghi chép về con người, sự kiện cụ thể, có thực, tác giả tuỳ bút thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của mình. Tuỳ bút thiên về tính trữ tình, có thể kết hợp trữ tình, suy tưởng, triết lí, chính luận.
– Bố cục: khá tự do, được triển khai theo một cảm hứng chủ đạo, một tư tưởng chủ đề nhất định.
– Ngôn từ: giàu hình ảnh, giàu chất thơ.
(Theo SGK Ngữ văn 7 tập 1 KNTT)
Phân biệt Tản văn và Tùy bút
– Tản văn và tùy bút đều có nguồn gốc từ thời trung đại, tuy nhiên, tùy bút được “ẩn thân” vào thể ký nên chưa biểu hiện rõ ràng. Đến thế kỷ 20, tùy bút mới thực sự hiện diện với tư cách một thể loại văn xuôi hiện đại, rồi từng bước khẳng định sự góp mặt xứng đáng bằng nhiều tên tuổi lớn, nhiều tác phẩm có giá trị. Cả 2 hình thức này đều thuộc thể loại văn xuôi tự sự, trữ tình và đều mang tính chất hư cấu: Viết được trên cảm xúc có thật, người viết đã chứng kiến hoặc trải nghiệm qua cảm xúc ấy.
Điểm khác biệt giữa Tản văn và Tùy bút là.
– Tản văn có đề tài rộng lớn bao quát hơn. Tản văn không lấy hiệu quả ở tình tiết, cũng không lấy nhân vật để khắc họa sự hiểu biết, đồng thời cũng không yêu cầu có tình cảm đặc biệt mãnh liệt như thơ, đề tài của tản văn tuy rộng nhưng cái rộng lớn đa dạng của nó là những điều bên ngoài mà tác giả tự mình nhìn thấy, nghe thấy, suy nghĩ, mong muốn, cảm thấy, xúc động và cuộc sống thường nhật cho đến những hiện tượng khác. Nó cũng không đòi hỏi người viết sự “thâm nhập thực tế” một cách trường kỳ và cái nhìn quan sát có tính chủ ý cao như ở tùy bút hay bút ký. Một sự việc xảy ra trên đường phố ồn ào, một tiếng dương cầm vang lên giữa đêm khuya, một sắc hoa ban muốt trắng ở vùng núi cao phía Bắc khi xuân về v. v.. Tất cả những điều chừng như tủn mủn lặt vặt ấy đều có thể là cái cớ cho một tản văn ra đời. Vấn đề còn lại chỉ là sức cảm, sức nghĩ, là độ rộng và chiều sâu trong trường liên tưởng của người viết mà thôi.
– Tùy bút lại là một nhánh nhỏ trong đề tài bao la của tản văn. Tùy bút mang nét phóng túng nhưng phóng túng này mang đậm cái tôi của nhà văn. Đòi hỏi tác giả phải trải qua hành trình dài, thậm chí là gian nan, vất vả để cho ra một tác phẩm tùy bút hay. Đặc điểm gần như là nguyên tắc của tùy bút là: Coi trọng và phát huy tối đa cảm xúc, phong cách, quan điểm của người viết, tạo cho độc giả có dấu ấn nhận biết tác phẩm tùy bút của tác giả đó.
Điểm giống nhau giữa Tản văn và Tùy bút.
– Đều nguồn gốc từ thời trung đại.
– Hình thức: Văn xuôi tự sự có yếu tố trữ tình
– Cảm xúc: Dựa trên cảm xúc, trải nghiệm thực tế của tác giả.
– Cái tôi: Thể hiện cái “tôi” chủ quan của tác giả
– Ngôn ngữ: Sống động, tinh tế, giàu chất trữ tình, giàu hình ảnh và mang hơi thở cuộc sống (thể hiện qua các phép tu từ: nhân hóa, so sánh …)