Viết bài văn bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc về một lần em mắc lỗi khiến người thân buồn lòng
- Mở bài:
Có mấy ai có thể trưởng thành mà không đi qua những lỗi lầm? Có những lỗi lầm nhẹ nhàng qua đi, nhưng cũng có những lỗi lầm để lại dấu ấn sâu đậm, khiến chúng ta hối hận và day dứt mãi. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên mình khiến mẹ buồn lòng. Sự việc đó đã để lại trong tôi những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc, cho đến bây giờ tôi còn nhớ rất rõ.
- Thân bài:
Hôm ấy là một buổi chiều mùa hè nóng bức, tôi đang chuẩn bị bài học và làm bài tập cho ngày hôm sau thì một vài người bạn trong xóm rủ tôi sang nhà chơi trò xúc xắc. Vì quá thích thú với lời mời, tôi nhanh chóng bỏ dở việc học và chạy theo các bạn, trong lòng tràn đầy hân hoan. Khi ấy, tôi nghĩ rằng chỉ cần chơi một lúc rồi về học tiếp cũng không sao.
Nhưng khi đã hòa mình vào trò chơi, tôi quên hết mọi thứ. Tiếng cười nói, những vòng xoay mê hoặc của con xúc xắc khiến tôi vô cùng hào hứng, không còn nhớ đến điều gì nữa. Đến khi trời chập choạng tối, người mệt lả, tôi mới hốt hoảng nhớ ra rằng mình chưa học thuộc bài và hoàn thành bài tập cô đã dặn. Vội vàng chạy về nhà, tôi rón rén bước vào nhưng đã thấy mẹ ngồi trước bàn học của tôi với gương mặt nghiêm nghị. Ngay khi thấy tôi, mẹ đã trách mắng. Tôi sợ hãi, vội vàng viện cớ này cớ kia nhưng dường như mẹ đã nhận ra sự sai trái trong lời nói dối vụng về của tôi. Bằng ánh mắt buồn bã, mẹ chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo tôi phải chăm chỉ học tập, không được ham vui mà quên nhiệm vụ của mình.
Những lời nói của mẹ khiến tôi lặng người. Tôi biết mình đã làm mẹ thất vọng không chỉ vì chưa làm bài tập, mà còn vì tôi đã nói dối mẹ. Tối hôm đó, mẹ không nhắc gì thêm về chuyện tôi đi chơi hay nói dối. Nhưng chính sự im lặng ấy lại làm tôi cảm thấy áy náy và hối hận về hành động của mình. Tôi không thể tập trung vào bất cứ việc gì, chỉ nghĩ về ánh mắt buồn bã của mẹ.
Tôi nhớ đến những ngày mẹ dành thời gian dạy tôi học, những buổi mẹ ở bên cạnh tôi khi tôi gặp khó khăn trong bài vở. Mẹ luôn là người ủng hộ và tin tưởng tôi, nhưng tôi lại nói dối mẹ chỉ vì một trò chơi vô nghĩa.
Đêm ấy, tôi không ngủ được. Từng lời nói của mẹ vang vọng trong đầu tôi. Tôi nhận ra rằng sự lười biếng và giả dối không chỉ là một hành động sai lầm mà còn có thể làm tổn thương những người yêu thương mình.
Sáng hôm sau, khi cả nhà ngồi ăn sáng, tôi quyết định nhận lỗi với mẹ. Nắm lấy bàn tay của mẹ, tôi hứa sẽ không bao giờ ham vui mà quên việc học, không bao giờ nói dối mẹ nữa. Mẹ ôm tôi vào lòng, xoa đầu tôi, âu yếm tôi như ngày nào. Chao ôi, mẹ ấm áp quá. Tự nhiên, dòng nước mắt nóng hổi cứ trào ra, lăn dài trên má tôi.
Từ hôm đó, tôi quyết tâm thay đổi. Tôi tự nhắc nhở mình không được trốn tránh trách nhiệm và phải trung thực với bản thân cũng như với người khác. Mỗi lần định viện cớ hay lười biếng, tôi lại nhớ đến ánh mắt buồn của mẹ hôm ấy để nhắc nhở bản thân rằng, sự cố gắng và trung thực là cách tốt nhất để không làm người khác thất vọng.
Lần mắc lỗi ấy đã giúp tôi nhận ra nhiều điều. Tôi hiểu rằng những người thân yêu luôn kỳ vọng vào chúng ta, không phải để chúng ta trở thành người hoàn hảo, mà để thấy chúng ta trưởng thành, sống có trách nhiệm và trung thực.
Tôi cũng nhận ra rằng lời nói dối, dù nhỏ nhặt, cũng có thể gây tổn thương sâu sắc. Nó làm mất đi sự tin tưởng – thứ vốn rất khó xây dựng nhưng lại dễ dàng bị phá hủy. Từ đó, tôi trân trọng hơn sự tin tưởng mà mẹ dành cho tôi và cố gắng sống đúng với những kỳ vọng ấy.
- Kết bài:
Mỗi lần mắc lỗi là một bài học quý giá để chúng ta nhận ra khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Với tôi, lần khiến mẹ buồn ấy là một kỷ niệm không thể quên, giúp tôi biết trân trọng tình cảm gia đình, giá trị của sự trung thực và trách nhiệm của bản thân. Tôi tin rằng, khi chúng ta biết nhận lỗi và sửa chữa, không chỉ bản thân trở nên tốt hơn mà còn làm cho những người yêu thương chúng ta cảm thấy tự hào. Chính những sai lầm đã giúp tôi trưởng thành, để hôm nay, tôi biết sống đúng đắn hơn, không phụ lòng những người thân yêu đã luôn yêu thương và ủng hộ tôi.