trinh-bay-suy-nghi-cua-anh-chi-ve-thoi-bat-chuoc-nguoi-khac-qua-cau-chuyen-chim-chang-lang

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về thói bắt chước người khác qua câu chuyện CHIM CHÀNG LÀNG

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về thói bắt chước người khác qua câu chuyện CHIM CHÀNG LÀNG

CHIM CHÀNG LÀNG

          Chàng Làng vẫn thường hãnh diện và kiêu ngạo về tiếng hót của mình hơn hẳn đồng loại. Nó có thể hót tiếng của nhiều loài chim. Một hôm, nhân có mặt đông đủ bạn bè họ nhà chim, chú đậu tót lên cành cây cao rồi ưỡn ngực, vươn cổ cất tiếng hót. Chú hót say sưa, khi thì giống giọng của sáo đen, khi là giọng của chích chòe, hoạ mi…Ai cũng khen chú bắt chước giống và tài tình quá. Cuối buổi biểu diễn, một chú chim sâu đề nghị: Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho bọn em nghe nào! Chàng Làng đứng mãi mà không hót được giọng của riêng mình, Chàng Làng xấu hổ cất cánh bay thẳng. Bởi vì từ xưa đến nay, Chàng Làng chỉ quen nhại theo giọng hót của các loài chim khác chứ đâu chịu luyện một giọng hót riêng cho chính mình.

Nhận thức về câu chuyện:

– Câu chuyện kể về loài chim Chàng Làng (còn có tên khác là chim Bách Thanh), loài chim này có khả năng tuyệt vời là bắt chước giọng của những loài chim khác.

– Bản thân chú chim này rất tự hào về khả năng của mình và khi có mặt đông đủ bạn bè, họ hàng nhà chim chú lại trình diễn năng khiếu ấy cho mọi người thưởng thức.

– Tuy nhiên khi được đề nghị hót bằng giọng của mình thì chú xấu hổ bay đi mất vì xưa nay chú chỉ bắt chước, nhại theo chứ đâu có luyện cho mình một giọng hót riêng.

Câu chuyện phê phán thói bắt chước, nhại lại mà không chịu suy nghĩ, không chịu sáng tạo để làm nên phong cách riêng ở một số người.

Suy nghĩ của bản thân từ câu chuyện:

– Bắt chước là một thói quen được hình thành từ thuở ấu thơ, nó giúp con người học hỏi được mọi thứ từ thế giới xung quanh để thích nghi với cuộc sống.

– Bắt chước là giai đoạn đầu tiên của tư duy mà bất cứ ai cũng phải trải qua bởi khó có thể phát minh, sáng tạo ra cái mới nếu không dựa vào những ý tưởng cũ. Bắt chước trong một hoàn cảnh nào đó cũng được coi là tài năng nếu sự bắt trước y như thật.

– Tuy nhiên cuộc sống không ngừng đòi hỏi sự sáng tạo. Thành công của ngày hôm nay không thể giống với ngày hôm qua, ngày mai không thể giống ngày hôm nay vì thế con người không thể rập khuân, bắt chước những cái đã có.

– Câu chuyện đã phản ánh một thực trạng trong xã hội: nói theo, viết theo, nghĩ theo, hành động theo… nhất là đối với học sinh hiện nay. Việc bắt chước một cách máy móc đã làm các em mất đi phong cách riêng của mình, thui chột khả năng sáng tạo, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trong tương lai.

Bài học nhận thức và hành động :

– Trong cuộc sống, không nên bắt chước người khác một cách máy móc, đừng tự biến mình thành những con chim Chàng Làng.

– Không ngừng học hỏi, không ngừng tư duy, sáng tạo để khẳng định mình…

BÀI VĂN THAM KHẢO 1:

  • Mở bài:

Giữa những mối quan hệ xã hội phức tạp đan xen chằng chịt, có những người mỗi ngày phải mang không biết bao nhiêu chiếc mặt nạ khác nhau để giao tiếp với đủ loại người, làm tròn cái vai diễn mà họ đang đảm nhiệm. Học lúc nào cũng căng mình để diễn cho tròn vai, để hài lòng người khác, để được tung hô không dám sống thật với con người của mình, lâu dần trở thành một người khách lạ trong chính thân thể của mình, không còn là chính mình. Truyện ngụ ngôn “Chim chàng làng” là một bài học sâu sắc về cách sống của người xưa gửi đến hậu thế.

  • Thân bài:

1. Tóm tắt:

– Câu chuyện kể về loài chim Chàng Làng (còn có tên khác là chim Bách Thanh), loài chim này có khả năng tuyệt vời là bắt chước giọng của những loài chim khác.

– Bản thân chú chim này rất tự hào về khả năng của mình và khi có mặt đông đủ bạn bè, họ hàng nhà chim chú lại trình diễn năng khiếu ấy cho mọi người thưởng thức nhưng khi được đề nghị hót bằng giọng của mình thì chú xấu hổ bay đi mất vì xưa nay chú chỉ bắt chước, nhại theo chứ đâu có luyện cho mình một giọng hót riêng.

→ Ý nghĩa câu chuyện: Câu chuyện phê phán thói bắt chước, nhại lại mà không chịu suy nghĩ, không chịu sáng tạo để làm nên phong cách riêng ở một số người.

2. Giải thích “bắt chước” là gì?

“Bắt chước” được hiểu là làm theo, học theo cách làm của một người hay một đối tượng, sự vật nào đó một cách rập khuôn, máy móc. “Bắt chước” là hành động quen thuộc, phổ biến ở con người.

3. Phân tích, chứng minh.

– “Bắt chước” rất cần thiết trong cuộc sống.

+ Cuộc sống là sự kế thừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác từ đó tạo nên sự phát triển cho nhân loại. Mỗi ngày trôi qua, con người lại đúc kết được những tri thức mới mẻ, sáng tạo thêm những cách làm hay, những phát minh đột phá nên việc “bắt chước” học hỏi để làm theo những điều mới mẻ đó là tất yếu để giúp cuộc sống thêm văn minh, hiện đại.

+ “Bắt chước” giúp lan rộng thành quả phát triển của nhân loại, đưa những phát minh, sáng tạo đi vào cuộc sống, giúp ích cho cuộc sống và không quá lời rằng trong một chừng mực nào đó “bắt chước” cũng có thể coi là một loại tài năng thể hiện sự tinh ý, khéo léo của những người “bắt chước” để tạo ra những sản phẩm tương tự nguyên bản.

+ Bắt chước là một thói quen được hình thành từ thuở ấu thơ, nó giúp con người học hỏi được mọi thứ từ thế giới xung quanh để thích nghi với cuộc sống từ những việc giản đơn như đi lại, nói năng cho đến cạch giao tiếp, ứng xử để dần hình thành những kĩ năng cho riêng mình. Có thể nói, “bắt chước” là giai đoạn đầu tiên của tư duy mà bất cứ ai cũng phải trải qua, ai trong chúng ta cũng đã từng “bắt chước” một ai đó cách nói, cách làm, cách hành động để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Nói cách khác, “bắt chước” là điều hiển nhiên trong cuộc sống.

– Thế nhưng nếu chỉ biết “bắt chước” một cách máy móc, rập khuôn, không tư duy suy nghĩ đến mức đánh mất chính mình là hành động, cách nghĩ, cách sống sai lầm buộc ta phải trả giá đắt.

+ Cuộc sống thay đổi khôn lường, mỗi khoảnh khắc trôi qua là một sự đổi khác, nó đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, ngày hôm nay đã khác với ngày hôm qua, ngày mai lại càng khác hơn nữa vì thế con người không thể rập khuân, bắt chước những cái đã có mãi được. Trong hành trình sống, mỗi người phải tự mình tìm, tự mình làm, tự mình sống, tự mình quyết định cuộc sống, phong cách, dấu ấn riêng cho chính mình.Đừng cứ mãi đi theo hướng đi của người khác, hãy thử một lần đi theo lối đi của riêng mình, dù có thể bạn lạc đường nhưng biết đâu trong lần lạc đường đó bạn sẽ bắt gặp một cánh đồng hoa rực nắng mặt trời.

+ John Mason từng nói: “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”. Nghĩa là mỗi người sinh ra là một cá thể riêng biệt, duy nhất, độc đáo, đừng lặp lại, bắt chước, sống theo bất kì người nào để trở thành bản sao của họ, mỗi người cần giữ được bản sắc riêng của mình trong suốt hành trình cuộc sống. Trời sinh ra con người không ai giống ai. Bạn tuy không xinh đẹp, tài năng nhưng bạn luôn tìm cách để hoàn thiện bản thân mình. Bạn không thể đóng góp cho nhân loại những tri thức mới, những phát kiến sáng tạo độc đáo vì bạn không phải là thiên tài hay bác học nhưng hằng ngày, hằng giờ bạn sống và tiếp thu những tri thức ấy một cách có hiệu quả, vẫn luôn sống vui vẻ yêu đời thì đó vẫn làcs ý nghĩa, đáng sống.

+ Everett Hale từng nói: “Tôi chỉ là một, nhưng tôi vẫn là một người. Tôi không thể làm tất cả mọi thứ, nhưng chí ít tôi cũng làm được một việc nào đó, và vì tôi không thể là tất cả mọi việc, nên tôi sẽ chẳng từ chối làm những gì mình có thể”. Vì vậy mỗi người trong chúng ta cần giữ được nét riêng của mình.

+ Nếu như ta cứ “bắt chước” một cách máy móc, rập khuôn như một cỗ máy, không dám sống thật với con người mình từ suy nghĩ đến hành động suy nghĩ của người khác thì vô tình như sẽ biến con người thành một bản sao nhạt nhòa, vô nghĩa giữa cuộc đời, chúng ta sẽ mệt mỏi vô cùng khi cứ phải gồng mình sống theo, làm theo người khác. Mỗi ngày trôi qua, ta lại thêm áp lực vì việc ta cố giấu con người thật của mình để chiều lòng người khác để rồi một lúc nào đó ta sẽ nhận ra cuộc sống của mình chỉ toàn là những điều giả dối,mình đang là một con rối diễn theo cuộc đời của người khác. “Nhân vô thập toàn” không ai là hoàn hảo cả,vậy nên hãy tự tin sống cuộc đời của ta, sống thật với chính mình đừng mặc cảm vì những khiếm khuyết của mình hay chóng ngợp trước điểm mạnh của người khác mà giấu mình, “bắt chước” theo họ. Ta hãy sống chứ đừng tồn tại bởi vì sống cuộc sống mình mong muốn mới chính là những ngày tháng tươi đẹp nhất và cách sống mà mình muốn mới là cách sống tốt nhất.

4. Bàn luận.

+ Câu chuyện đã phản ánh một thực trạng trong xã hội: nói theo, viết theo, nghĩ theo, hành động theo ,…. nhất là đối với học sinh hiện nay.Việc bắt chước một cách máy móc đã làm các em mất đi phong cách riêng của mình, thui chột khả năng sáng tạo, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trong tương lai.

+ Để có một cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn thì ta phải luôn sống đúng với bản thân mình, không cố tạo dựng vẻ bề ngoài đẹp đẽ mà đánh mất chính mình. Chúng ta có thể lấy một ai đó làm hình mẫu để định hướng nhưng đừng bắt chước rập khuôn đánh mất mình vì họ. Mỗi người đều có những điểm mạnh của riêng mình.

+ Hãy sống bản lính, dám nói “ không” với những điều mình không thích. Hãy bảo tạo dựng nét riêng, hãy mạnh mẽ thể hiện nét riêng của chính mình, hãy tin vào chính mình, yêu quý chính mình. Hãy dám ước mơ, hãy nuôi khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện thử thách để tạo dấu ấn cho bản thân.

+ Tuy nhiên cần lưu ý, có được nét riêng là điều tốt nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ta cố chấp, ngạo mạn, ngông cuồng tạo nét riêng cho mình, không bất chấp tất cả chỉ để thể hiện mình, không vì cái riêng của mình mà ảnh hưởng đến người khác.

5. Bài học nhận thức và hành động.

-Mỗi người sống đừng bao giờ biến mình thành những con chim chàng làng, hãy sống phong cách, hãy là “ phiên bản độc nhất vô nhị” trên cuộc đời này. Hãy sống với con người thật và những giá trị vốn có của mình. Thay vì cách nghĩ mình “không có”, “không bằng” hãy nghĩ mình “có thể”, “có đủ”.

– Hãy thay đổi suy nghĩ về bản thân theo hướng tích cực, luôn trau dồi kiến thức, kĩ năng để làm phong phú cuộc sống của chính mình, tạo dựng dấu ấn, để khẳng định bản thân để cống hiến cho xã hội và đạt được những thành công như mong muốn. Luôn tự tin về bản thân, luôn hướng đến những điều tích cực và đen hững điều tích cực ấy dung hòa với mọi người để vừa giữ được nét riêng của mình vừa hài hòa với cộng đồng. Hãy sống chân thành với bản thân và mọi người xung quanh để tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Sống có chính kiến, không ba phải, a dua.

  • Kết bài:

– Câu chuyện là bài học sâu sắc để mỗi chúng ta tự tin về chính mình mà sống cuộc đời ý nghĩa. Câu chuyện cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo với những ai đang sống “bắt chước” máy móc như vô tri vô thức.

Trên thế giới này bạn chính là một cá thể duy nhất không thể có một bản sao khác giống hệt được. Đừng bao giờ đánh mất chính mình, hãy là chính mình. Được sống là quý nhưng được sống là chính mình càng quý giá hơn. Hãy là phiên bản hoàn hảo duy nhất của chính mình. Cuộc đời mỗi người là duy nhất,không thể lặp lại lần thứ hai, vì thế hãy sống sao cho rực rỡ để mỗi ngày trôi qua ta lại viết thêm một nét bút dấu ấn riêng mình vào cuộc đời.Hãy luôn là chính mình, tự tin và chú tâm vào những điều tích cực để cống hiến và sống có ích.

BÀI VĂN THAM KHẢO 2:

Cuộc sống luôn là một bức tranh sinh động muôn màu muôn vẻ như chính sự phong phú của các yếu tố tạo nên nó. Mỗi con người trong xã hội cũng như vô số hạt bụi trong bầu khí quyển, thoạt nhìn đều giống nhau về cấu tạo, hình dáng nhưng bạn chất bên trong thì không người nào giống người nào. Những điểm giống nhau về cách thể hiện mình phải chăng là do trùng hợp hay vì có những bản sao? Câu chuyện về chim Chàng Làng phần nào đề cập đến vấn đề này và đây cũng là một hiện tượng không còn mới lạ trong cuộc sống.

Câu chuyện chỉ đơn giản kể về một loài chim và đặc tính về giọng hót rất hay của nó – chim Chàng Làng. Sở hữu một giọng hót rất hay mà không phải loài chim nào cũng có, đó là một điều đáng để tự hào. Tuy nhiên, tiếng hót đó hay chỉ vì nó có thể giống bất kì giọng hát của loài chim nào. Vì vậy khi được yêu cầu thể hiện giọng hót của riêng mình, Chàng Làng đã phải ngượng ngùng bay đi. Câu chuyện về loài chim mà dường như muốn nhắc nhở về một điều đã không còn lạ trong thế giới con người: Đó là sự bắt chước, sao chép lại những điều đã sẵn có, đã tốt đẹp của người khác. Những người như vậy có thể nổi tiếng những chỉ là đằng sau tài năng của những hình bóng khác, còn bản thân họ lại không thể hiện được cái tôi cá nhân và khả năng của mình. Như vậy, những con người này sẽ tồn tại ra sao trong xã hội?

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển một cách năng động và mới mẻ. Các nhân tài trong mọi lĩnh vực xuất hiện ngày càng nhiều với những thành công rực rỡ. Điều này có tác động mạnh đến những cá nhân muốn được nổi tiếng và được nhiều người biết đến, hoặc những người cố gắng làm việc đã lâu mà không thành danh. Họ đành phải mượn hình bóng người khác, mượn những sản phẩm của người khác để thăng tiến. Trong phạm vi hẹp hơn – những tập thể nhỏ: Một lớp học, một nhóm đồng nghiệp… họ muốn bắt chước những người tài giỏi để nhận được sự nể phục của mọi người.

Sự nổi tiếng của những người như vậy cũng như sự thán phục của mọi người dành cho họ thực ra chỉ là hư danh. Người ta tán thưởng họ chỉ vì người ta thấy được trong họ hình bóng của người khác, nghĩ rằng họ “kế thừa” tài năng của những người đã thành danh. Còn những ai nhận ra được sự sao chép của những con người hư danh đó, sự tán thưởng dành cho việc: “Sao anh ta có thể bắt chước tài tình và giống đến vậy?”. Như vậy, những điều bạn có được khi sao chép của người khác chỉ là đi lên từ thành quả của người khác, nổi tiếng nhờ danh tiếng của người khác và thật trớ trêu khi bạn lại sung sướng và hài lòng vì cái hư danh của mình.

Thành công của mình thì phải do chính khả năng của mình tạo ra mới là thành công thực sự. Trên thị trường âm nhạc hiện nay, rất nhiều ca sĩ trẻ đã sao chép cách nhấn nhá giọng cũng như cách thể hiện bài hát của thần tượng. Người nghe hoàn toàn có khả năng nhận ra điều đó, cũng đồng nghĩa là người ca sĩ đó bị đánh giá là không có khả năng. Có thể bạn thật sự có tài năng nhưng khi bắt chước người khác thì tài năng của bạn cũng bị xem như sao chép của người khác và trở nên vô giá trị. Nếu thực sự có khả năng, tại sao không phát triển nó bằng cách riêng của mình và con đường riêng của mình? Khả năng của bản thân thì chính trình mới hiểu rõ nên chính bản thân ta sẽ là người tốt nhất phát triển nó. Khi đó, ta mới thực sự là chính mình mang dấu ấn cá nhân của mình, thể hiện cái tôi của bản thân để mọi người nhìn vào sẽ nhìn nhận ra là chính ta chứ không phải một ai khác. Nếu ta chưa thành danh, ít ra ta có thể tự hào vì đang đi lên bằng chính khả năng cũng như công sức của mình mà trước mắt đó đã là một thành công.

Về bản chất, việc tìm tòi, nhận ra và học hỏi cái hay, cái đẹp của người khác là điều tốt. Nhưng nó chỉ tốt khi chỉ mang tính chất tham khảo, từ đó sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình. Tham khảo, học hỏi hoàn toàn không có nghĩa là sao chép thành quả của người khác và dán lên đó cái mác của mình. Đã có bao nhiêu vụ kiện diễn ra làm tổn hại đến danh tiếng của những ca sĩ, nhà văn, nhà báo… chỉ vì vấn đề bản quyền? Chuyện gì sẽ xảy ra khi sự bắt chước, sao chép bị phanh phui trước mặt mọi người? Những hư danh là bạn xây dựng sụp đổ hoàn toàn, nếu sau này bạn có làm lại bằng chính thực lực của mình thì cũng sẽ bị người khác hoài nghi, không tin tưởng. Như vậy, nếu biết cách học hỏi từ những điều sẵn có mà sáng tạo lối đi riêng của bản thân, có thể sẽ chậm hơn những người khác, nhưng về sau không những bạn có thể khẳng định giá trị bản thân mà còn đạt được những thành công nhất định.

Ngoài ra, trong xã hội ngày càng hội nhập hiện nay, việc tìm cho mình một dấu ấn cá nhân riêng là vô cùng quan trọng. Với việc bắt chước và sao chép của người khác ngày càng phổ biến và lan rộng, những cái vốn đã cũ nay được “xào đi xáo lại” lại càng phổ biến hơn. Do đó, những điều mới lạ, những cá nhân biết sáng tạo và khẳng định được khả năng thực sự của bản thân sẽ được trọng dụng và có cơ hội thăng tiến hơn. Nếu mỗi cá nhân trong xã hội chi biết bắt chước những cái cũ, xã hội sẽ không thể nào phát triển. Sống nhờ vào việc làm bản sao của người khác cũng như sống trong thế giới ảo, sẽ có lúc phải bước ra cuộc đời thực. Đất nước không bao giờ từ chối những nhân tài, thành công cũng không bao giờ từ chối bất cứ ai có quyết tâm, ý chí.

Đừng vội nản khi thấy chưa đạt được mục tiêu mà đâm đầu vào bế tắc khi chọn cách trở thành bản sao của người khác. Hãy kiên trì nhẫn nại và rèn luyện khả năng của bản thân, học hỏi và trau dồi kinh nghiệm bất cứ khi nào có thể. Quan trọng hơn là phải luôn nhớ rằng: mỗi người đều có giá trị riêng của mình và học hỏi điều hay không có nghĩa là sao chép hoàn toàn. Mỗi người hãy tự tin cho mình lối đi riêng để chạm đến thành công.

Một vấn đề không còn mới trong xã hội và không phải không có ai nhận ra mặt tiêu cực của nó. Tuy vậy, không những nó ngừng phát triển mà ngày càng phổ biến hơn. Là một công dân Việt Nam, mỗi người cần phải có ý thức hơn trong việc xây dựng lột xã hội năng động, sáng tạo và không ngừng đổi mới. Có như vậy, đất nước ta mới phát triển phồn thịnh và trở nên tốt đẹp hơn.

BÀI VĂN THAM KHẢO 3:

Trong cuộc sống, mỗi người đều có cá tính và nét đặc trưng riêng, điều này làm nên sự phong phú, đa dạng của xã hội. Tuy nhiên, không ít người lại có xu hướng bắt chước người khác một cách mù quáng, từ lối sống, cách ăn mặc, cách suy nghĩ đến hành động. Thói bắt chước này, nếu không được nhận thức đúng đắn, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mà còn cả cộng đồng.

Trước hết, bắt chước người khác là một hiện tượng phổ biến, bắt nguồn từ bản năng học hỏi của con người. Việc quan sát và mô phỏng những hành vi, cách ứng xử của người khác giúp chúng ta học được nhiều điều mới mẻ và tiến bộ hơn. Ví dụ, trẻ nhỏ học nói, học đi từ việc bắt chước người lớn; học sinh học tập phương pháp làm bài từ thầy cô, bạn bè. Ở khía cạnh tích cực, bắt chước là cách học tập nhanh chóng và hiệu quả, giúp con người tiến bộ và hòa nhập với xã hội.

Tuy nhiên, thói bắt chước sẽ trở nên nguy hại khi nó thiếu sự chọn lọc, mù quáng, hoặc không phù hợp với bản thân. Một số người vì muốn được chú ý, nổi bật mà sẵn sàng chạy theo những trào lưu thời thượng, bất chấp chúng có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình hay không. Một số khác lại sao chép lối sống, cách hành xử tiêu cực từ người khác, như sự lười biếng, bạo lực, hay thói quen xấu, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Chẳng hạn, trong xã hội hiện đại, không ít người trẻ chạy theo phong trào “sống ảo” trên mạng xã hội, bắt chước những hình ảnh, phong cách của người nổi tiếng mà quên đi giá trị thực sự của bản thân. Họ dành quá nhiều thời gian để chăm chút cho vẻ bề ngoài, cố gắng xây dựng một hình ảnh “hoàn hảo” trong mắt người khác, nhưng lại quên mất việc rèn luyện kiến thức, phẩm chất và kỹ năng. Hệ quả là họ trở nên lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác, đánh mất chính mình và sống trong áp lực vô hình.

Nguyên nhân dẫn đến thói bắt chước người khác xuất phát từ nhiều phía. Trước hết, đó là sự thiếu tự tin và thiếu ý thức về giá trị bản thân. Khi không nhận ra điểm mạnh, nét riêng của mình, con người dễ tìm kiếm sự chấp nhận từ việc làm giống người khác. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của xã hội, truyền thông và mạng xã hội cũng là yếu tố thúc đẩy. Những thông điệp, hình ảnh về sự “hoàn hảo” trên mạng dễ dàng khiến con người so sánh và muốn bắt chước để không bị lạc lõng.

Để khắc phục thói bắt chước mù quáng, mỗi người cần nhận thức được giá trị riêng của mình. Hãy nhớ rằng, mỗi cá nhân đều có những điểm mạnh và nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên bản sắc độc đáo của mình. Việc học hỏi từ người khác là cần thiết, nhưng cần chọn lọc và áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Thay vì cố gắng trở thành bản sao của người khác, hãy nỗ lực phát triển những phẩm chất, kỹ năng và giá trị riêng.

Ngoài ra, gia đình, nhà trường và xã hội cần đóng vai trò định hướng, giáo dục con người về sự tự tin và ý thức tự lập. Trẻ em cần được khuyến khích bày tỏ quan điểm, sáng tạo và rèn luyện tư duy độc lập. Các phương tiện truyền thông cần có trách nhiệm trong việc lan tỏa những thông điệp tích cực, tránh lăng xê những trào lưu phản cảm hoặc không lành mạnh.

Tóm lại, thói bắt chước người khác không phải lúc nào cũng xấu, nhưng cần được nhận thức và kiểm soát đúng cách. Học hỏi từ người khác là cần thiết, nhưng quan trọng hơn, mỗi người cần biết tự khẳng định bản thân, phát huy cá tính và giá trị riêng. Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới thực sự sống một cuộc đời ý nghĩa, tự tin và hạnh phúc.

BÀI VĂN THAM KHẢO 4:

Trong cuộc sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa và tốc độ phát triển của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội để con người học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh hiện tượng bắt chước người khác, từ cách ăn mặc, lối sống đến tư duy và hành động. Thói bắt chước, nếu không được kiểm soát, sẽ mang lại những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân và xã hội.

Trước hết, bắt chước là một hành vi tự nhiên của con người, xuất hiện từ khi chúng ta còn nhỏ. Trẻ em học nói, học đi và nhận biết thế giới thông qua việc quan sát và bắt chước người lớn. Trong học tập và làm việc, bắt chước là cách nhanh nhất để học hỏi và cải thiện kỹ năng. Chẳng hạn, khi học vẽ, người mới bắt đầu thường sao chép tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng để rèn luyện tay nghề.

Tuy nhiên, bản chất của việc bắt chước nằm ở chỗ: nó chỉ mang lại hiệu quả khi được thực hiện có chọn lọc và sáng tạo. Nếu con người không biết lựa chọn điều gì là phù hợp và bổ ích để học hỏi, mà chỉ sao chép một cách máy móc, bắt chước sẽ trở thành thói quen nguy hại.

Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp những biểu hiện của thói bắt chước người khác. Nhiều bạn trẻ ngày nay chạy theo các trào lưu thời thượng, như ăn mặc giống thần tượng, sử dụng những câu nói hay hành động được lan truyền trên mạng xã hội mà không cân nhắc đến sự phù hợp với bản thân.

Trong môi trường học đường, một số học sinh bắt chước bạn bè trong cách ăn nói, lối sống và thậm chí cả những hành vi tiêu cực như nói dối, lười học. Tại nơi làm việc, một số người sao chép ý tưởng của đồng nghiệp mà không đưa ra sáng kiến của riêng mình. Điều này không chỉ làm mất đi cá tính của họ mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường chung.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thói bắt chước là sự thiếu tự tin và ý thức về giá trị bản thân. Khi không nhận ra điểm mạnh và cá tính riêng, con người dễ cảm thấy mình thua kém, từ đó nảy sinh mong muốn bắt chước để được chấp nhận hoặc hòa nhập.

Thứ hai, mạng xã hội và truyền thông cũng góp phần thúc đẩy thói bắt chước. Những hình ảnh, câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến thường tạo ra áp lực phải “giống người khác” để không bị tụt hậu.

Ngoài ra, môi trường giáo dục và gia đình cũng có vai trò quan trọng. Nếu trẻ em không được khuyến khích phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và nhận thức về giá trị cá nhân, chúng dễ dàng trở thành những “bản sao” của người khác.

Thói bắt chước mù quáng mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực. Trước hết, nó làm mất đi cá tính và sự sáng tạo của mỗi người. Khi chỉ biết sao chép người khác, chúng ta không còn động lực để tìm tòi, học hỏi và phát triển bản thân.

Thứ hai, bắt chước không phù hợp có thể gây ra những hậu quả xấu. Chẳng hạn, bắt chước lối sống xa hoa của người nổi tiếng mà không cân nhắc đến điều kiện tài chính có thể dẫn đến nợ nần hoặc áp lực tâm lý.

Thứ ba, thói bắt chước còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, tạo ra sự đồng nhất, thiếu phong phú và đa dạng. Khi mọi người đều giống nhau, xã hội sẽ mất đi những nét đặc sắc và những đóng góp độc đáo từ từng cá nhân.

Để hạn chế thói bắt chước mù quáng, mỗi người cần nhận thức rõ giá trị bản thân. Hãy hiểu rằng, mỗi cá nhân đều có những nét riêng biệt, là điểm mạnh mà không ai có thể thay thế. Thay vì cố gắng giống người khác, hãy tập trung vào việc phát triển những phẩm chất, kỹ năng và năng lực của riêng mình.

Ngoài ra, chúng ta cần học cách chọn lọc và sáng tạo khi học hỏi từ người khác. Học tập không chỉ là sao chép, mà còn là biết cách áp dụng và cải tiến những điều học được để phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người. Trẻ em cần được khuyến khích phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và khả năng tự ra quyết định. Đồng thời, xã hội cần thúc đẩy những giá trị tích cực, tạo điều kiện để mỗi người tự tin khẳng định bản thân.

Thói bắt chước người khác, nếu được thực hiện có chọn lọc và sáng tạo, là một cách học hỏi hiệu quả. Nhưng nếu không kiểm soát, nó sẽ trở thành rào cản, khiến con người mất đi cá tính và giá trị riêng. Mỗi người cần nhận thức rõ tầm quan trọng của sự tự lập và sáng tạo, từ đó phát huy năng lực của mình để trở thành một phiên bản tốt nhất, không phải là bản sao của bất kỳ ai. Sống đúng với bản thân không chỉ giúp chúng ta tự tin hơn, mà còn góp phần làm cho xã hội ngày càng phong phú và đa dạng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang