nguon-goc-va-y-nghia-nhan-van-cua-tet-nguyen-dan

Thuyết minh về nguồn gốc và ý nghĩa nhân văn của tết nguyên đán

Thuyết minh về nguồn gốc và ý nghĩa nhân văn của tết nguyên đán.

  • Mở bài:

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán Việt Nam có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Tết Nguyên Đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…

  • Thân bài:

Nguồn gốc ngày Tết Nguyên Đán.

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) diễn ra từ mùng 1 tháng giêng cho đến hết ngày rằm nguyên tiêu. Chữ “tết” là cách đọc lệch chữ “tiết” mà ra. Nguyên Đán nghĩa là khởi đầu buổi sớm. Như vậy, Tết Nguyên Đán có nghĩa là tiết khởi đầu của một năm. Trong khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, con người tiến hàn các hoạt động chào mừng, vui chơi, thăm hỏi vừa tổng kết, tiễn đưa một năm đi qua và chào đón năm mới với niềm vui và hi vọng mới.

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đến đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Mỗi thời đại đều có quy định khác nhau về ngày Tết Nguyên Đán nhưng nhìn chung cách thức tín ngưỡng không có gì khác nhau. Trong những ngày này, người ta thường tưng bừng tổ chức các lễ hội, cuộc vui, tổ chức ăn uống thật linh đình, ca hát rộn ràng, náo nhiệt. Ngày tết còn là dịp tiến hành nghi thức xuống đồng. Thường thì nhà vua sẽ tự mình xuống ruộng để nêu gương, cổ vũ tinh thần lao động sản xuất cho nhân dân với niềm tin một năm bộ thu, tất thắng.

Ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán Việt Nam.

Tết Nguyên Đán biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh. Mùa xuân là mùa của sự sống nảy nở. Lúc này cây cỏ, muôn vật đều tràn trề sức sống. Sự giao thoa giữa Thiên – Địa – Nhân (trời – đất – con người) trong mối ràng buộc bền chặt. Hòa quyện trong đó là thế giới thần linh gắn kết. Ngày tết là dịp để biểu thị sự tin tưởng và tôn vinh các thần linh đã phò trợ cho con người trong một năm qua.

Tết Nguyên Đán là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Người Việt có quan niệm dù đi đâu về đâu cũng phải hướng về cội. Ngày tết là dịp để đoàn tụ, mối quan hệ họ hàng, làng xóm được mở rộng, gắn kết, ràng buộc lẫn nhau. Các giá trị đạo đức cũng được đề cao nhắc nhở. Ngày tết còn là ngày để tri ân, trả ơn trả nghĩa, ôn cố tri tân, có nghĩa có tình.

Tết là dịp để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Trong những ngày này, bàn thờ tổ tiên được trang hoàng đẹp đẽ, tràn đầy mân cỗ, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Sống ngày hôm nay, tri ân những người đã khuất, để lại thành quả cho cháu con. Đó cũng là nết đẹp trong văn hóa truyền thống các nước Á Đông. Tết là dịp để cháu con tỏ lòng hiếu thuận với cha mẹ. Trong những ngày này, con cháu thường chăm sọc, mua sắm, tặng quà cho cha mẹ, mong cha mẹ thêm nhiều sức khỏe mà hưởng phúc cùng cháu con.

Những thay đổi ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán trong những năm gần đây.

Với tốc độ quốc tế hóa cao, sự giao lưu ồ ạt văn hóa Đông – Tây, cộng thêm sự phát triển và phổ biến của công nghệ thông tin, sự xuất hiện các trào lưu, tư tưởng trong thời đại mới làm cho vai trò và ý nghĩa của ngày tết cổ truyền dân tộc có phần mờ phai. Ngày nay, người ta không còn xem trọng ngày tết cổ truyền như trước đây nữa. Thậm chí, có ý kiến cho rằng ta nên bỏ đi và ăn tết như các nước phương Tây. Đây quả là một suy nghĩ lệch lạc, hết sức sai lầm. Nhưng qua đó để thấy rằng, việc không xem trọng ngày tết cổ truyền cùng tất cả các hoạt động và ý nghĩa của nó đã ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc mà cha ông ta đã dày công gây dựng trong mấy nghìn năm qua.

  • Kết bài:

Giới trẻ ngày nay thường sính ngoại, đua đòi lối sống thực dụng phương Tây, chạy theo đời sống vật chất mang tính hưởng thụ cao nên không thích kiểu lễ nghi truyền thống nữa. Hiện thực đó đặt ra cho chúng ta một suy nghĩ là làm thế nào để gìn giữ được nét văn hóa tốt đẹp này trong tương lại khi mà giới trẻ Việt Nam đang có dấu hiệu sống thực dụng và xói mòn nhân cách, đạo đức hiện nay?

Cảm nghĩ của em về ngày tết cổ truyền dân tộc

2 bình luận trong “Thuyết minh về nguồn gốc và ý nghĩa nhân văn của tết nguyên đán”

  1. Pingback: Viết bài văn biểu cảm về Lễ đón Giao thừa ở quê em - Theki.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang