phan-tich-y-nghia-va-gia-tri-bai-van-te-nghia-si-can-giuoc-cua-nguyen-dinh-chieu

Phân tích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

Phân tích “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu.

  • Mở bài:

– Nguyễn Đình Chiểu là lá cờ đầu của văn học yêu nước chống Pháp thế kỉ XIX.

“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong sự ghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Qua việc khóc thương những người nông dân nghĩa sĩ đã hy sinh, bài văn tế đã khắc họa rõ vẻ đẹp hình tượng người nông dân nghĩa sĩ tương xứng với những phẩm chất ngoài đời vốn có của họ. Bài văn tế là tiếng khóc bi tráng cho một thời kì lịch sử đau thương nhưng vĩ đại của dân tộc

  • Thân bài:

1. Phần lung khởi: khái quát bối cảnh thời đại và lời khẳng định sự bất tử của người nông dân nghĩa sĩ.

+ “Hỡi ôi!”: Câu cảm thán thể hiện niềm tiếc thương chân thành, thiết tha, thương tiếc.

+ “Súng giặc đất rền”: sự tàn phá nặng nề, giặc xâm lược bằng vũ khí tối tân.

+ “Lòng dân trời tỏ”: đánh giặc bằng tấm lòng yêu quê hương đất nước. → Trời chứng giám.

→ Nghệ thuật đối lập nhằm thể hiện khung cảnh bão táp của thời đại, những biến cố chính trị lớn lao.  Lời khẳng định tuy thất bại, những người nghĩa sĩ hi sinh nhưng tiếng thơm còn lưu truyền mãi.

2. Phần thích thực: Hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc,

a. Nguồn gốc xuất thân:

– Từ nông dân nghèo khổ, những dân ấp, dân lân (những người bỏ quê đến khai khẩn đất mới để kiếm sống)

+ “cui cút làm ăn”: hoàn cảnh sống cô đơn, thiếu người nương tựa

– Nghệ thuật tương phản “chưa quen – chỉ biết, vốn quen – chưa biết.

Tác giả nhấn mạnh việc quen và chưa quen của người nông dân để tạo ra sự đối lập về tầm vóc của người anh hùng.

b. Lòng yêu nước nồng nàn:

– Khi thực dân Pháp xâm lược người nông dân cảm thấy: Ban đầu lo sợ → trông chờ tin quan → căm ghét → căm thù → đứng lên chống lại.

Diễn biến tâm trạng người nông dân, sự chuyển hóa phi thường trong thái độ.

– Thái độ đối với giặc: căm ghét, căm thù đến tột độ.

– Nhận thức về tổ quốc: Họ không dung tha những kẻ thù lừa dối, bịp bợm → họ chiến đấu một cách tự nguyện: “nào đợi đòi ai bắt…”

c. Tinh thần chiến đấu hi sinh của người nông dân:

– Tinh thần chiến đấu tuyệt vời: Vốn không phải lính diễn binh, chỉ là dân ấp dân lân mà “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”

– Quân trang rất thô sơ: một manh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, rơm con cúi đã đi vào lịch sử.

– Lập được những chiến công đáng tự hào: “đốt xong nhà dạy đạo”, “chém rớt đầu quan hai nọ”

– “đạp rào”, “xô cửa”, “liều mình”, “đâm ngang”, “chém ngược”…: động từ mạnh chỉ hành động mạnh mẽ với mật độ cao nhịp độ khẩn trương sôi nổi.

→ Bức tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân nghĩa sĩ đánh giặc cứu nước.

3. Phần Ai vãn: Sự tiếc thương và cảm phục của tác giả trước sự hi sinh của người nghĩa sĩ.

– Sự hi sinh của những người nông dân được nói đến một cách hình ảnh với niềm tiếc thương chân thành

– Hình ảnh gia đình: tang tóc, cô đơn, chia lìa, gợi không khí đau thương, buồn bã sau cuộc chiến.

– Sự hi sinh của những người nông dân nghĩa sĩ để lại xót thương đau đớn cho tác giả, gia đình thân quyến, nhân dân Nam Bộ, nhân dân cả nước

→ Tiếng khóc lớn, tiếng khóc mang tầm vóc lịch sử. Bút pháp trữ tình, nhịp câu trầm lắng, gợi không khí lạnh lẽo, hiu hắt sau cái chết của nghĩa quân.

4. Phần kết: ca ngợi linh hồn bất tử của người nghĩa sĩ.

– Tác giả khẳng định: “Một trận khói tan, nghìn năm tiết rỡ: Danh tiếng nghìn năm còn lưu mãi

– Ông cũng nêu cao tinh thần chiến đấu, xả thân vì nghĩa lớn của nghĩa quân

– Đây là cái tang chung của mọi người, của cả thời đại, là khúc bi tráng về người anh hùng thất thế.

Khẳng định sự bất tử của những người nghĩa sĩ.

* Đánh giá:

– Mặc dù gắn với một địa danh cụ thể Cần Giuộc nhưng người nông dân nghĩa sĩ trong bài văn tế đã trở thành biểu tượng chung cho sức mạnh và khí phách của người dân Nam Bộ trong những ngày đầu khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta.

– Chất trữ tình và thủ pháp tương phản đã làm nên thành công cho bài văn tế.

  • Kết bài:

– Giá trị của tác phẩm nói chung và giá trị của văn chương Nguyễn Đình Chiểu nói riêng: “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là tác phẩm xúc động nhất về người anh hùng nông dân Nam Bộ. Đó là những người quanh năm nghèo khó, chưa từng cầm vũ khí, nhưng khi quân Pháp đến thì xông lên chiến đấu quên mình, biểu thị tinh thần dũng mãnh bất khuất, tiêu biểu cho ý chí độc lập, tự do của dân tộc. Bài văn không chỉ là một thiên anh hùng ca đặc sắc, mà còn là lời bộc bạch gan ruột của những người dân không chịu làm nô lệ, thề đánh quân xâm lược đến cùng, là lời trách móc thâm trầm đối với thái độ đầu hàng…


Bài tham khảo:

Phân tích “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu.

  • Mở bài:

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù tối, và gặp lúc biến loạn mà vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy mẫu mực, mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu, thể hiện sâu sắc tấm lòng cảm phục của bậc chí sĩ trước tinh thần dũng cảm của nghĩa sĩ Cần Giuộc đã quên thần vì nước.

  • Thân bài:

Bài văn tế được viết theo yêu cầu của tuần phủ Gia Định là Đôc Quang để đọc tại lễ truy điệu các nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhưng cũng là tiếng khóc từ đáy lòng tác giả và là tiếng khóc lớn của nhân dân trước sự hy sinh của những người anh hùng.

Bối cảnh bão táp của thời đại và khẳng định ý nghĩa cái chết bất tử của người nghĩa sĩ nông dân. Mở đầu bài văn tế, Nguyễn Đình Chiểu đã dành những lời văn thống thiết để khóc thương cho Các anh hùng nghĩa sĩ nông dân áo vải:

Hỡi ơi! Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ. 
Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao; 
Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ.

“Hỡi ôi!” là tiếng than, tiếng khóc nghẹn ngào trước tình thế căng thẳng của thời đại. Nghệ thuật đối lập: “sung giặc, đất rền >< Lòng dân, trời tỏ” chỉ rõ tình thế khó khăn của nhân dân ta. Giặc xâm lược có vũ khí hiện đại còn dân ta chống giặc chỉ bằng lòng yêu nước. “Lòng dân trời tỏ” chỉ có trời mới hiểu được lòng dân còn triều đình nhu nhược đã thờ ơ trước sự sống còn của đất nước. Đó cũng là quan điểm nhìn nhận thời cuộc khá sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu

Tiếp đến, ông khẳng định ý nghĩa của cái chết bất tử của người nông dân – nghĩa sĩ: “mười năm công vỡ mộng >< trận nghĩa đánh Tây”. Hành động đánh tây là hành động vì nghĩa cao cả. Dù có hi sinh nhưng tên tuổi vẫn còn lưu thơm đến nghìn đời sau.

Khúc mở đầu thống thiết, làm hiện lên hình ảnh bi tráng của các anh hùng nghĩa sĩ. Ẩn sau lời văn là niềm cảm phục và xót thương vô hạn của tác giả dành cho những con người bình dị, hiền làng, vì nghĩa lớn mà không tiếc mú xương. Bằng tất cả sự thấu hiểu, nguyễn Đình Chiểu tiếp tục làm hiện rõ hình ảnh của những anh hừng ấy trong cuộc sống đời thường:

Nhớ linh xưa: 
Cui cút làm ăn; 
Riêng lo nghèo khó. 
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; 
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân được khắc họa chân thực, rõ nét. Họ xuất thân từ những miền quê nghèo khó. Quanh năm chỉ biết “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Lúc nào họ cũng lo cho cuộc sống đói kém, khó nghèo. Cái mà họ biết là “ruộng trâu, cuốc, cày, cấy, bừa”, những công việc của bần nông. Họ hoàn toàn xa lạ với chiến trường “cung ngựa, trường chung, binh đao, trận mạc” , những việc của nhà binh.

Toàn bộ không gian và thời gian của họ chỉ gói gọn trong làng bộ, ta có cảm giác như họ chưa từng bao giờ ra khỏi lũy tre làng, mái nhà tranh của họ. Đây là những người nông dân chân chính, thật thà, chất phác chưa hề biết tới việc binh đao.

Khi đất nước có giặc ngoại xâm, những con người ấy dũng cảm đứng lên chống giặc:

Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa; 
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ. 
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; 
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ. 
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; 
Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó. 
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; 
Chẳng thèm chốn ngược, chốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ. 

Lúc đầu họ phập phồng, còn hoang mang lo sợ. Họ trông vào vua quan, những lực lượng che chở cho họ nhưng không có kết quả. Càng trong đợi càng thấy bặt tăm. Nhìn thấy kẻ thù hung bạo tàn phá quê hương, họ căm thù sâu sắc, mãnh liệt. “Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, thấy hình ảnh của giặc là “muốn tới ăn gan, muốn ra cắn cổ”.

Họ nhanh chóng nhận ra bản chất của kẻ thù “lũ treo dê bán chó”. Đó là lũ xấu xa lộc lừa. Thế nên họ quyết tâm không đội trời chung với giặc. Ngôn ngữ phù hợp với bản chất của người nông dân Nam Bộ. Nghệ thuật so sánh , thể hiện lòng căm thù của người nông dân rất rõ rang, mãnh liệt.

Họ ý thức được trách nhiệm đối với tổ quốc, với sự nghiệp cứu nước. Họ tự giác đứng vào hàng ngũ nghĩa binh, tình nguyện ra trận với một khí thế hăm hở, quyết tâm “nào đợi ai đòi, ai bắt, chẳng them trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”. Những từ “xin ra sức”, “dốc ra tay”, “há để ai”, “nào đợi ai”, “chẳng thèm trốn” diễn tả sinh động, chính xác ý thức tự nguyện của họ.

Đây là sự phát triển trong ý thức của họ (ý thức bảo vệ chính nghĩa), chính ý thức này đã giúp họ từ người nông dân lương thiện thành người nghĩa sĩ kiên cường bất khuất.

Ý thức rõ tội ác của kẻ thù và trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, họ quyết tâm đứng lên chống giặc cứu nước. Thế nhưng, lấy gì để chống giặc. Họ chỉ có “manh áo vải, ngọn tầm vong, rơm con cúi, lưỡi dao phay”. Đây không phải là những vũ khí mà chỉ là vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Họ mang theo cả cái nghèo khó vào chiến trận để chiến đấu với “đạn nhỏ đạn to, tàu đồng, sung nổ,…” khiến ta không khỏi ngậm ngùi và kinh ngạc bởi cuộc chiến không ngang sức và tinh thần quả cảm của họ:

Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; 
Chín chục trận binh thư, đâu chờ bày bố. 

Ngoài cật có một manh  áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi; 
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ. 
Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; 
Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ. 
Chi nhọc quan quản trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; 
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có. 
Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; 
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ. 

Với tinh thần yêu nước cao cả, họ đã biến công cụ sản xuất thành vũ khí lợi hại, lập được chiến công “đốt nhà dạy đạo kia, chém rớt đầu quan hai nọ, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh”.

Hàng loạt động từ mạnh “đạp, lướt, xô, xông, đâm, chém,…” cộng với những chi tiết dồn dập, nhịp nhanh, tác giả đã khắc họa được khí thế vũ bão và khoảnh khắc hào hùng cảu người nghĩa sĩ trong trận công đồn. Chính lòng căm thù giặc và lòng “mến nghĩa” đã hình thành trong họ sức mạnh vũ bão để họ viết tên mình vào lịch sử chống ngoại xâm sáng chói của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa được vẻ đẹp chân chất, hồn nhiên; yêu nước bộc trực, sâu nặng, trong sáng, dũng cảm quên mình, xả thân vì nghĩa lớn của người nghĩa sĩ. Vẻ đẹp ấy mang đậm bản chất cảu người nông dân Nam Bộ.

Ẩn sau bức tượng đài về người nghĩa sĩ nông dân, là tình cảm thiết tha của tác giả và nhân dân trước sự hi sinh cao cả. Đây là tình cảm (tiếng khóc) của tác giả, người thân, nhân dân Nam Bộ, nhân dân cả nước, của cỏ cây, sông núi . Đây là một tiếng khóc lớn, tiếng khóc vĩ đại của một thời đại đau thương mà anh dũng ,kiên cường.

Tác giả xót thương đối với những người nghĩa sĩ đã hi sinh:

Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; 
Đâu biết xác phàm vội bỏ. 
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; 
Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ. 
Đoái sông Cầm Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; 
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ. 
Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm; 
Vốn không giữ thành, giữ luỹ bỏ đi, mà hiệu lực[ theo quân cho đáng số. 

Có nỗi tiếc hận khi sự nghiệp còn dang dở, chí nguyện chưa thành:

Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; 
Đâu biết xác phàm vội bỏ. 

Có nỗi căm hờn kẻ đã gây nên nghịch cảnh éo le:

Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; 
Vì ai xui hào luỹ tan tành, xiêu mưa ngã gió.

Có nỗi uất ức, nghẹn ngào trước tình cảnh đau thương cảu đất nước:

Đoái sông Cầm Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; 
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ. 

Có nỗi xót xa cho gia đình phải mất người thân – tổn thất không thể bù đắp:

Đau đớn bấy! mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; 
Não nùng thay! vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ. 

Co nỗi cảm phục, tự hào đối với những người nông dân đã dám đứng lên bảo vệ “tấc đất, ngọn rau, bát cơm, manh áo” của mình, chống lại kẻ thù hung hãn:

Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta; 
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó. 

Người nghĩa sĩ nông dân đã lấy cái chết để làm rạng ngời chân lý cao đẹp “thà chết vinh còn hơn sống nhục”:

Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; 
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ. 

Biểu dương công trạng của người nghĩa sĩ nông dân, đời đời được nhân dân ngưỡng môn, Tổ quốc ghi công:

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; 
Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ. 

Đoạn kết vẫn là tiếng khóc thương và ngợi ca tấm lòng thiên dân của người nghĩa sĩ. Tiếng khóc lớn của tác giả có đau thương nhưng không hề bi lụy. Bởi nó tràn đầy niềm tự hào kính phục người nông dân áo vải dám hi sinh vì nghĩa lớn. Văn tế mà trở thành bản anh hùng ca, có giọng ai vãn mà khiến người đứng dậy. Một bài văn vừa tôn vinh nhân dân, vừa có tác dụng rửa nhục cho triều đình – có lẻ vì thế mà Tự Đức ra lệnh cho Bộ Lễ truyền đi khắp cả nước, và bài văn trở thành bài hịch đánh giặc của toàn dân tộc.

Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp trữ tình cùng với bút pháp hiện thực, ngôn ngữ giản dị, trong sáng nhưng được chọn lọc tinh tế, có sức biểu cảm lớn và giá trị thẩm mĩ cao, mang đậm sắc thái Nam Bộ, lời văn bi tráng, thống thiết, hình ảnh sống động, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là bài ca hùng tráng và cảm động về tinh thần yêu nước và tấm lòng hi sinh vì nước vì dân của người nghĩa sĩ nông dân

  • Kết bài:

“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là tiếng khóc bi tráng cho một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng vĩ đại của dân tộc, là bức tượng đài bất tử về những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc. Bài văn cũng là một thành tựu xuất sắc về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình và tính hiện thực; ngôn ngữ bình dị, trong sáng, sinh động.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu là tiếng khóc lớn, tiếng khóc bi tráng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang