hinh-anh-nguoi-anh-hung-quang-trung-nguyen-hue

Phân tích bức tranh chân thực về hình ảnh người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ và sự thảm bại của bọn xâm lược Thanh và bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống

Phân tích bức tranh chân thực về hình ảnh người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ và sự thảm bại của bọn xâm lược Thanh và bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống.

  • Mở bài:

Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết chương hồi xuất sắc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Đó cũng là tác phẩm văn xuôi đầu tiên có quy mô lớn của một bộ sử thi. Tác phẩm có giá trị cả về mặt văn học và sử học, được sáng tác bởi nhóm tác giả thuộc họ Ngô Thì, thường gọi là Ngô gia văn phái. Đoạn tích là Hồi thứ 14 trong tác phẩm. Đoạn trích tái hiện một sự kiện lịch sử trọng đại: cuộc tiến quân thần tốc ra Thăng Long và chiến thắng vĩ đại của quân ta dưới sự chỉ huy của Quang Trung Nguyễn Huệ. Đồng thời, đoạn trích còn thể hiện sự thảm bại của quan quân nhà Thanh, nỗi nhục nhã của bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống.

  • Thân bài:

Toàn bộ đoạn trích được chia làm ba phần cơ bản. Phần 1: từ đầu “tháng chạp năm Mậu Thân”: Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân diệt giặc. Phần 2: Từ “Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh” đến “kéo vào thành”. Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung. Phần 3: phần còn lại: sự thất bại của quang tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Dù trung thành với triều Lê, thế nhưng nhóm tác giả Ngô gia đã dành cho người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ cái nhìn đầy thiện cảm và những trang viết đẹp nhất. Hình ảnh người anh hùng  Quang Trung Nguyễn Huệ được khắc họa đậm nét, mang tính sử thi kì vĩ.

Trước hết, ở Quang Trung Nguyễn Huệ là con người có hành động mạnh mẽ, quyết đoán. Khi nghe tin giặc đánh chiếm đến tận Thăng Long, vị dũng tướng đã không hề nao núng, lo sợ mà định thân chinh cầm quân đi đánh ngay. Thế giặc tuy mạnh nhưng lòng yêu nước và sự căm thù đối với quân xâm lược khiến ông vô cùng giận dữ.

Ở Quang Trung Nguyễn Huệ ta còn thấy mọi hành động của ông đều nhanh gọn, xong xáo quyết liệt. Trong vòng một tháng (24/11 – 30 tháng chạp), ông đã sắp xếp xong gọn mọi việc. Trước hết, thể theo nguyện vọng của các tướng lĩnh, Quang Trung dựng đài tế cáo trời đất lên ngôi hoàng đế. Tiếp đến, đốc xuất đại binh rầm rộ, cấp tốc tiến ra Bắc. Trên đường, còn dành thời gian gặp gỡ người cống sĩ ở huyện La Sơn và lắng nghe mưu kế đánh giặc. Ông còn tổ chức tuyển quân lính và mở cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân đánh giặc.

Quang Trung Nguyễn Huệ là vị vua có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén. Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan lực lưỡng giữa ta và địch. Biết khó thu phục lòng dân, hiệu triệu sức mạnh toàn quân trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược, ông mau chống lên ngôi vua để “chính vị hiệu”. Khi hành quân ra Bắc, ông còn kén lính, mở cuộc duyệt binh lớn nhằm làn cho cả nước biết ông đang vì đất nước mà xả thân để nhân tài khắp nơi tìm đến mà hợp sức đánh giặc.

Qua lời phủ dụ quân lính, ta thấy rõ sự sáng suốt và nhạy bén của ông. Cả trong việc xét đoán và dùng người,  cách xử trí với các tướng sĩ tại Tam Điệp, ông hiểu sở trường của tướng sĩ, khen chê đúng lúc, đúng người đúng việc. Ông mang cái tâm, cái trí của một bậc tiền nhân. Hiểu và dùng người đến mức tri âm tri kỉ.

Quang Trung Nguyễn Huệ có ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trong rộng hơn người. Mới khởi binh đã khẳng định: “phương lược đã tính sẵn…mười ngày sẽ đuổi được người Thanh”. Không những thế, lúc này, Quang trung còn nghĩ đến kế hoạch đối phó quân thanh sau chiến thắng sao cho vừa kiên quyết vừa nhu hòa để đảm bảo hòa bình đất nước. Quang Trung Nguyễn Huệ quả là người có tầm nhìn xa trong rộng, lo nghĩ đến cả tương lai.

Tài dụng binh như thần của Quang Trung là sức mạnh cốt yếu làm nên chiến thắng oang liệt của đại quân. Với những sáng kiến chưa từng có, đại quân đã làm nên một cuộc hành quân thần tốc và tiến đánh khiến cho kẻ thù không kịp trở tay. Ngày 25 tháng chạp xuất quân từ Huế. Ngày 29, vượt qua 350 km tới núi đè, đại quân đã tới tới Nghệ An. Tại đây, tuyển quân tổ chức đội ngũ, duyệt binh trong một ngày. Hôm sau ra Tam Điệp với đoạn đường hành quân 150km.

So với những cuộc hành quan trong lịch sử, đó là một cuộc hành quân thần tốc chưa từng có. Tất cả đều đi bộ. Hành quân liên tục nhưng cờ nào, đội ấy vẫn chỉnh tề. Càng hành quân, lực lượng càng mạnh. Quang Trung Nguyễn huệ đã làm thế nào để tạo nên kì tích ấy cho đến tận ngày nay vẫn còn là bí sử.

Đêm 30 tháng chạp lên đường ra Thăng Long. Mồng 5 tết vào được Thăng Long (vượt kế hoạch 2 ngày) Nghệ thuật đánh trận voi cùng mưu trí, khiến cho kẻ thù tướng mạnh, quân đông, mưu trí có thừa mà vẫn tự trói tay nộp mạng.

Trong chiến trận, Quang Trung Lẫm liệt, uy nghĩ, oai hùng đến phi thường. Ông thân chinh cầm quân, là tổng chỉ huy chiến dịch thật sư: hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sự thống lĩnh mũi quân tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc… Mọi chiến thuật tiến công đều được Quang Trung trực tiếp quyết định và dóc thúc. Lãnh đạo tài tình, tận dụng yếu tố bất ngờ. Bắt sống quân do thám ở Phú Xuyên để giữ bí mật, tạo bất ngờ, vây kín làng Hà Hồi, công phá lành Ngọc Hồi…

Bằng biện pháp nghệ thuật kể, tả, tường thuật, tác giả đã làm nỗi bậc hình ảnh vị anh hùng Nguyễn Huệ – Quang Trung thật oai phong, lẫm liệt, mang tính sử thi, là linh hồn của cuộc hành quân thần tốc đại phá quân Thanh. Vua Quang Trung tượng trân cho đạo lý, tài trí sức mạnh Việt Nam.

Đối lập với hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn là chân dung của kẻ thù xâm lược. Kéo quân vào Thăng Long rất dễ dàng, như “đi trên đất bằng”, quân Thanh đã quá chủ quan, cho là vô sự, không đề phòng gì. Lính thì rời doanh trại để đi kiếm củi, buôn bán ở chợ; tướng thì suốt ngày lo yến tiệc, cờ bạc. Tôn Sĩ Nghị đánh giá sai lầm tình hình, cho nên khi bị quân Tây Sơn tiến công bất ngờ đúng vào thời điểm Tết Âm lịch, quân Thanh ở các thành đã không kịp trở tay, “rụng rời sợ hãi”, chống không nổi “bỏ chạy toán loạn,giày xéo lên nhau mà chết”, “thây chất đầy đồng, máu chảy thành suối” đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa. Nhục nhã nhất là hình ảnh Tôn Sĩ Nghị “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”…

Số phận những kẻ bán nước là Lê Chiêu Thống và những kẻ bề tôi của hắn cũng không kém phần thảm hại. Vì mưu lợi ích riêng của dòng họ, vua Lê Chiêu Thống đã làm cái trò bỉ ổi “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”, cúi đầu chịu đựng nỗi nhục của kẻ đi cầu cạnh, van xin. Để rồi khi quân Thanh tan rã, cả bọn vội vã chạy bán sống, bán chết, chịu đói, chịu nhục, chỉ biết “nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”.

Có thể thấy rõ chất hiện thực trong bức tranh miêu tả của các tác giả. Dù là những kẻ tôi trung với nhà Lê, và trong cách miêu tả cảnh khốn quẫn của vua Lê Chiêu Thống, các tác giả vẫn thể hiện sự ngậm ngùi,thương cảm, nhưng quan điểm tôn trọng lịch sử và ý thức dân tộc của những trí thức đã giúp họ phản ánh đúng diễn biến lịch sử, làm nổi bật hành động “cõng rắn cắn gà nhà” của ông vua phản nước Lê Chiêu Thống cũng như tô đậm chiến công lẫy lừng của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn. Đó chính là một trong những yếu tố tạo nên giá trị tác phẩm.

  • Kết bài:

Đoạn trích đã tái hiện chân thật hình ảnh người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ trong chiến thắng mùa xuân Kỉ Dậu năm 1789 . Quang Trung Nguyễn Huệ cùng đoàn quân Tây Sơn kiêu hùng bao nhiêu thì bọn cướp nước và bán nước thảm bại bấy nhiêu. Trên thực tế, tác phẩm không giữ nguyên thi pháp cổ điển của thể loại như mô tả ngoại hình nhân vật theo lối tượng trưng, ước lệ, mà có những đặc điểm được các nhà nghiên cứu đánh giá là đậm sắc thái của Việt Nam. Ngôn ngữ trong tác phẩm là ngôn ngữ động, mang phong cách lối nói dân gian giàu hình tượng, đôi khi có khoa trương, phóng đại hài hước, không bị gò bó theo khuôn của Hán học, vì vậy nội dung có sức hấp dẫn đặc biệt. Thành công lớn nhất của tiểu thuyết này là xây dựng được những nhân vật điển hình đa dạng, vừa khái quát vừa sâu sắc.


Tóm tắt: Hồi thứ 14 – Hoàng lê nhất thống chí

* Tóm tắt nội dung

Mượn cớ Lê Chiêu Thống sang cầu viện, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị cầm quân sang xâm chiếm nước ta. Không mấy khó khăn, chúng đã tiến quân chiếm thành Thăng Long.

Nguyễn Huệ nghe tin giận lắm liền họp các tướng sĩ định thân chinh cầm quân đi ngay. Tướng sĩ xin nguyễn Huệ lên ngôi để làm yên lòng người rồi mới tiến quan. Thấy lý phù hợp với tình thế, Nguyễn Huệ cho đắp đàn trên núi tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân hạ lệnh xuất quân.

Quân tiến đến Nghệ An, vua Quang Trung liền vời gặp cống sĩ Nguyễn Thiếp để định kế đánh ra Bắc. Sau đó nhà vua cho tuyển thêm hơn một vạn lính mở cuộc duyệt binh. Đến Tam Điệp mở tiệc khao quân, chia quân sĩ làm 5 đạo. Đúng tối 30 tết lập tức lên đường.

Cuộc hành quân ra Bắc được tiến hành thần tốc và vô cùng bí mật. Nhân dân hoan hỷ ủng hộ còn quân thanh ở Thăng long không hề hay biết, chúng ngày đêm yến tiệc mà không biết mối họa lớn đang cận kề.

Tại sông Gián, ta bắt gọn toán lính do thám. Mùng 03 tháng giêng năm Kỉ Dậu, trong tích tắc, đồn Hà Hồi bị hạ. Mờ sáng mùng 05, đại quân Tây Sơn tiến đánh đồn Ngọc Hồi. trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt nhưng cuối cùng quân trong đồn phải quy hàng nhờ mưa sâu kế hay của vua Quang Trung. Thái thú Sầm Nghi Đống sợ hãi thắt cổ tự vẫn. Trưa mùng 5, đại quân tiến vào thành Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt cuống cuồng không kịp mặc giáp vội vàng lên ngựa chạy về phía Bắc. Mất tướng, đám tàn quân đẫm đạp lên nhau mà chạy, số chết nhiều vô kể. Cả một đạo quân hùng vĩ phút chốc đại bại tan tành. Vua Lê Chiêu Thống và bè lũ quan lại bán nước cũng tìm đường thoát thân, khổ cực và nhục nhã không sao kể xiết.

* Giá trị nội dung và nghệ thuật:

– Nội dung:

Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả “Hoàng lê nhất thống chí” đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

– Nghệ thuật:

Tác phẩm nổi bật là một tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán với cách kể chuyện nhanh gọn, chọn lọc sự kiện, khắc họa nhân vật chủ yếu qua hành động, lời nói, kể chuyện xen miêu tả sinh động và cụ thể, gây ấn tượng mạnh. Cách trần thuật đặc sắc. Ghi lại những sự kiện lịch sử diễn biến gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian.

Miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính,từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân ( một bên thì xộc xệch, trễ nải, nhát gan; một bên thì xông xáo dũng mãnh, nghiêm minh).

Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt, có tài dụng binh như thần, là người có tổ chức và là linh hồn của những chiến công vĩ đại.

Nhan đề mang ý nghĩa ca ngợi nhà Lê, nhưng nội dung tác phẩm lại vạch rõ sự thối nát, mục ruỗng của triều đình nhà Lê, và ca ngợi người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang