Vì sao nhân vật Vũ Nương dù mang trong mình những phẩm chất cao quý của người phụ nữ nhưng phải gánh chịu số phận nghiệt ngã?

phan-tich-tac-pham-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-10565-2

Vì sao nhân vật Vũ Nương dù mang trong mình những phẩm chất cao quý của người phụ nữ nhưng phải gánh chịu số phận nghiệt ngã?

  • Mở bài:

Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện thứ 16 trong Truyền kì mạn lục. Đây là truyện nổi bậc nhất, được xây dựng khá toàn vẹn trong thiên truyện cổ này. Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết của Vũ Nương, tác phẩm thể hiện niềm cảm thương đối với số phận của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Nhân vật Vũ Nương mang trong mình những phẩm chất cao quý của người phụ nữ nhưng phải gánh chịu số phận nghiệt ngã, cuộc đời hết sức bi thương.

  • Thân bài:

Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện viết bằng chữ Hán. Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện thứ 16, kể về số phận oan nghiệt của nhân vật Vũ Nương, một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ phong kiến. Qua cuộc đời và số phận của nhân vật Vũ Nương, tác giả thầm kín thể hiện thái độ phê phán, tố cáo, căm phẫn đối với chế độ phong kiến thối nát đương thời đã chà đạp lên số phận con người, đẩy họ vào bước đường cùng không lói thoát.

Vẻ đẹp phẩm chất nhân vật Vũ Nương.

Tác giả tập trung khắc họa nhân vật Vũ Nương. Tuy không được điển hình hóa như các nhân vật khác trong văn học, thế nhưng, nhân vật Vũ Nương đã để lại trong lòng người đọc một hình ảnh khá toàn diện.

Nhân vật Vũ Nương mang trong mình những phẩm chất cao quý của người phụ nữ chuẩn mực. Trước hết nàng là một người con gái thùy mị, nết na, hết mực hiền thục. Nàng có ý thức đúng mực trong việc cư xử, nhường nhịn, giữ gìn khuôn phép trong cuộc sống gia đình, không có lúc nào để chồng phải bất hòa. Ngay cả khi bị chồng nghi oan, dứt khoát đuổi đi, nàng vẫn nhẹ nhàng, một mực phân trần cho chồng hiểu, không một lời to tiếng. Trong bất kì hoàn cảnh nào, nàng cũng luôn là một người phụ nữ hiền thục, nết na, biết giữ gìn khuôn phép và tuân thủ các chuẩn mực hết sức nghiêm khắc.

Vũ Nương là một người phụ nữ yêu chồng tha thiết và hết mực thủy chung. Khi tiễn chồng lên đường, nàng đã nói với chàng Trương những lời rất chân tình, âu yếm “chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Nàng bày tỏ sự khắc khoải nhớ nhung của mình, “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời lại ngập chìm trong lòng nàng”. Nàng một lòng chung thủy mong đợi chồng về trong cô đơn mòn mỏi, chưa một lần nghĩ đến chuyện bướm ong, thậm chí quên cả chuyện to son, điểm phấn. Trong trái tim nàng, chỉ có duy nhất hình ảnh người chồng và đứa con thơ.

Không chỉ là người vợ thủy chung, mà Vũ Nương còn là nàng dâu rất hiếu thảo. Khi mẹ chồng ốm đau, nàng dùng lời lẽ ân cần động viên, dịu dàng khuyên giải, chăm sóc thuốc men cho bà chu đáo. Khi mẹ chồng mất, nàng lo ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ của mình. Lời trăng trối của bà mẹ trước lúc lâm chung là sự đánh giá cao về nhân cách của Vũ Nương: “Sau này, Trời xét lòng lành ban cho phúc đức, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con chẳng phụ mẹ”. Nàng được chính mẹ chồng ca ngợi và ghi nhận công lao. Trong khi thói thường chẳng mấy khi mẹ chồng ca ngợi con dâu. Sự hiếu nghĩa ấy ở nàng cũng chính là biểu hiện phần nào cho tấm lòng son của nàng đối với Trương Sinh. Ngoài ra, nàng còn là một người mẹ thương con, người vợ hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Nàng hết mực đảm tháo vác. Mọi chuyện trong gia đình chồng một tay nàng quán xuyến.

Bi kịch cuộc đời nhân vật Vũ Nương.

Có thể khẳng định rằng, Vũ Nương là người đẹp người, đẹp nết, một mẫu mực của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Nàng là hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam với nhiều phầm chất đáng trân trọng, thái độ nâng niu người phụ nữ – những con người bị xã hội phong kiến chà đạp. Đó chính là biểu hiện của giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm này.

Cuộc đời Vũ Nương là một cuộc đời bi kịch, hết sức đau thương. Một người con gái xinh đẹp, bất hạnh nhưng lại có số phận vô cùng oan nghiệt. Tính cách nàng hiền thục, nhân phẩm nàng cao quý nhưng lại lấy phải một người chồng thất học, đa nghi, thiếu hiểu biết, cư xử một cách hồ đồ. Bởi thế, nàng không những không được hưởng hạnh phúc gia đình mà còn rơi vào một mối oan tình khó gỡ.

Cuộc chiến nơi biên cương khiến chồng nàng phải rời bỏ gia đình ra nơi xa trường. Đến khi trở về đã nghi ngờ là thất tiết, không thuỷ chung. Vũ Nương bị chồng phỉ nhổ, ruồng rẫy và đuổi ra khỏi nhà. Không thể tự mình giải trình, minh oan, quá phẫn uất, nàng chọn lấy cái chết một cách oan uổng.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương một phần là do người chồng ghen tuông mù quáng. Nhưng một phần là do sự tiếp tay của xã hội phong kiến chuyên quyền, độc đoán vốn rất hà khác đối với người phụ nữ. Vũ Nương chính là nạn nhân trực tiếp của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do; là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa gây ra nhiều đau thương mất mát cho con người. Chiến tranh đã gây nên cuộc chia biệt, đồng thời tạo điều kiện cho lòng ghen tuông mù quáng vốn là bản tính của Trương Sinh có dịp dồn nén và bùng phát.

Tuy có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng Vũ Nương đã phải chịu một số phận cay đắng, oan nghiệt. Nghịch lí ấy tự nó đã là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người.

Xây dựng hình tượng Vũ Nương, một mặt nhà văn ngợi ca những phẩm chất tâm hồn đáng quý của người phụ nữ, mặt khác thể hiện thái độ cảm thông thương xót cho số phận bất hạnh của họ và cực lực lên án xã hội phong kiến đương thời bất công, phi lí chà đạp, rẻ rúng con người,  đặc biệt là người phụ nữ. Tấm lòng yêu thương con người của Nguyễn Dữ chính là niềm cảm thông sâu sắc đối với nhân vật Vũ Nương. Dù rằng, Nguyễn Dữ đã tưởng tượng ra những ngày sung sướng của Vũ Nương nơi thuỷ cung để xoa dịu bớt nỗi đau trong lòng người đọc nhưng trước câu chuyện vẫn là số phận bi kịch đầy nước mắt của người thiếu phụ năm xưa. Đó chính là giá trị hiện thực của tác phẩm.

Nhân vật Trương Sinh tuy không được đặc tả nhưng cũng hiện lên với những đặc điểm đáng chú ý. Trước hết, Trương Sinh hiện ra với lí lịch là con nhà giàu nhưng thất học, lại có tính đa nghi và phòng ngừa quá mức. Nghĩa là, ở nhân vật này không có một điểm tốt nào nhưng không ai trách móc gì. Đó là một dụng ý sâu sắc của Nguyễn Dữ. Bản chất của Trương Sinh hay cũng chính là cái bản chất của xã hội phong kiến nam quyền đã tự cho mình những cái quyền lực vô hạn. Với quyền hạn ấy, xã hội nam quyền đã đổ lên số phận người phụ nữ biết bao oan nghiệt, khổ đau và bất hạnh, biến họ thành nô lệ.

Sau cuộc hôn nhân, bản chất kém cỏi ấy bắt đầu gây ra tai họa. Trước hết là gây nên cuộc sống gia đình căng thẳng, bức bí. Sau đó là tai họa. Chỉ vì một lời nói ngây thơ của con trẻ đã vội nghi oan cho vợ, rồi bỏ ngoài tai những lời thanh minh của vợ, mắng nhiếc rồi đánh đuổi vợ đi mà không thèm nghe những lời phân minh tha thiết. Trương Sinh xử sự vũ phu, hồ đồ, độc đoán theo kiểu gia trưởng độc tôn. Trương Sinh chính là hiện thân của chế độ phong kiến nam quyền độc đoán, chuyên quyền và tàn nhẫn.

Ở thiên truyện này, Nguyễn Dữ đã rất thành công khi xây dựng một tình huống truyện đặc sắc, hấp dẫn. Mo-tip chiến tranh li loạn, gia đình tan vỡ không có gì mới nhưng các giá trị về nhân sinh là hoàn toàn mới mẻ. Cách miêu tả nhân vật của nhà văn tuy còn sơ lược nhưng cũng đủ sức hấp dẫn, sinh động, hợp lý. Nhà văn cũng tạo dựng các tình tiết kì ảo làm tăng thêm tính li kì và lôi cuốn người đọc, đồng thời qua đó thể hiện tình yêu thương vô hạn và sự cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh, đau thương của con người. Lại thêm sự kết hợp tự sự với trữ tình khiến cho câu chuyện vừa mạch lạc, rõ ràng vừa tha thiết bi ai.

  • Kết bài:

Chuyện người con gái Nam Xương là một thành công lớn của Nguyễn Dữ và của nền văn học trung đại. Tác phẩm đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ từ chuyện kể dân gian sang sáng tác văn học, khởi đầu cho dòng văn học tự truyện và chuyện kể nở rộ sau này. Xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương với những phẩm chất cao quý của người phụ nữ nhưng phải gánh chịu số phận nghiệt ngã, Nguyễn Dữ mạnh mẽ lên tiếng tố cáo bộ mặt bất nhân, tàn bạo của xã hội phong kiến đã chà đạp lên nhân cách, nhân phẩm và cuộc đời của người phụ nữ, đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát.


Đọc thêm:

Tóm tắt nội dung tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”.

* Bài tóm tắt 1:

Chuyện kể về cuộc đời và số phận đầy oan khuất của nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương (hay Vũ Thị Thiết), quê ở Nam Xương. Vũ Nương là người con gái tính tình thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Nàng vốn con nhà nghèo khó, lấy chồng là Trương Sinh, con nhà hào phú. Bởi hiểu tính chồng nên nàng hết sức giữ gìn khuôn phép, chưa bao giờ để xảy ra bất hòa. Đối với mẹ chồng cũng muôn phần cung kính. Cuộc sống gia đình vô cùng hạnh phúc.

Năm ấy, giặc Chiêm tung hoành, vì ít học nên Trương Sinh phải ra trận vào đợt đầu. Vũ Nương chia tay với niềm mong mỏi sớm được sum họp. Người chồng ra đi ít lâu thù nàng sinh con trai đặt tên là Đản. Mẹ chồng nàng bởi nhớ con cũng dần sinh ốm. Vũ Nương một mình vừa nuôi dạy con thơ, vừa chăm sóc mẹ chồng ốm. Rồi mẹ chồng qua đời, nàng hết lòng lo ma chay tế lễ như đối với mẹ cha đẻ mình.

Ngày Trường Sinh trở về, con cũng vừa học nói. Chỉ vì chiếc bóng vô tình và lời nói ngây thơ của con trẻ mà Trương Sinh nghi ngờ vợ ở nhà thất tiết. Chàng mắng nhiếc nhục mạ nàng. Giải bày không được, Vũ Nương đành trầm mình dưới bến Hoàng Giang.

Vũ Nương được Linh Phi cứu, cũng là lúc Trương Sinh hiểu rõ nổi oan của vợ. Nhờ Phan Lang là người cùng làng , được Linh Phi cứu giúp mang chiếc hoa vàng với lời nhắn chàng Trương hãy lập đàn giải oan cho nàng. Vũ Nương hiện về, xiêm y lộng lẫy, chỉ trong chốc lát rồi biến mất.


* Bài tóm tắt 2:

“Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên truyện thứ 16 trong 20 truyện của tập Truyền kì mạn lục do Nguyễn Dữ sưu tầm và biên soạn.

Chuyện kể về cuộc đời và số phận nghiệt ngã của nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, một người thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp. Trương Sinh, người cùng huyện, một con nhà hào phú, vì mến dung hạnh, nết na đã xin mẹ cưới nàng về làm vợ. Biết tính chồng hay ghen, tính tình thô lỗ, nàng luôn hành động đúng mực, hết sức giữ gìn khuôn phép, chưa lúc nào vợ chồng trở nên bất hòa.

Quân giặc quấy nhiễu biên cương, trương Sinh dù là con một nhưng cũng phải đi lính. Chồng đi chưa lâu, nàng hạ sinh một bé trai và đặt tên là Đản. Ở nhà, nàng thay chồng làm hết mọi chuyện, chăm lo con nhỏ và mẹ già hết sức chu đáo, khiến làng xóm ai ai cũng cảm phục. Người mẹ vì đêm ngày mong nhớ con thân tâm suy kiệt rồi qua đời. nằng lo ma chay tế lễ như mẹ ruột của mình.

Giặc tan, Trương Sinh trở về. Nghe tin mẹ mất chằng rát đau buồn. Lúc viếng mộ mẹ, bé Đản nói lời ngây thơ khiến Trương Sinh nghi rằng vợ mình ở nhà thất tiết với người khác nên có lời mắng nhiếc, sỉ nhục, đánh đập tàn tệ rồi đuổi nàng đi. Vũ Nương hết lời giải bày, làng xóm can ngăn nhưng Trương Sinh một mực không nghe. Quá phẫn uất, Vũ nương trầm mình xuống sông sâu để minh chứng mình trong sạch. Thương nàng oan khuất, Linh Phi, vợ vua thủy tề đã cứu nàng linh hồn nàng và đưa nàng về ở động rùa dưới thuỷ cung.

Phan Lang vì trước có ân cứu Linh Phi nên khi chết trên biển, xác trôi vào động rùa, được Linh Phi cứu sống. Tại đây Phan Lang gặp Vũ Nương. Nàng đen lời tỏ bày nỗi oan khuất và nhờ Phan Lang về nói với Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng.

Trương Sinh sau ngày vợ mất, một đêm, bé Đản khóc quấy và chỉ lên cái bóng trên tường nói rằng cha Đản, Trương Sinh mới hiểu mọi chuyện nhưng lúc này đã quá muôn. Phan Lang trở về nói rõ sự tình, đưa cho chàng chiếc trâm cài năm xưa làm minh chứng, Trương Sinh lập tức lập đàn giải oan cho vợ trên bến sông suốt ba ngày ba đêm. Linh hồn Vũ Nương trở về, nàng nói lời từ biệt rồi từ từ biến mất.

* Giá trị nội dung và nghệ thuật:

Tác phẩm ca ngợi và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: thủy chung, tận tụy, hiếu thuận,…. nhưng phải gánh chịu số phận khắc nghiệt, cuối cùng nhận lấy kết cục thảm thương.

Tác phẩm phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đã chà đạp lên nhân cách, nhân phẩm và cuộc đời của người phụ nữ, đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát.

Cách kể chuyện lôi cuốn, sinh động, kết cấu truyện đầy kịch tính, có sức hấp dẫn người đọc.

Kết hợp những yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo, hoang đường với cách kể chuyện, xây dựng nhân vật thành công.


Bài tham khảo:

Đóng vai Trương Sinh kể lại câu chuyện gia đình mình.

Phận đàn bà từ xa xưa đã phải chịu những bất hạnh, không đâu thoát được. Càng cực hơn khi bấy giờ thuộc chế độ phong kiến, là xã hội của những cổ tục, suy nghĩ cổ hữu – “Trọng nam khinh nữ”. Là một người chồng, người cha, tôi không thể giấu mãi chuyện này. Giờ đây bé Đản đã lớn, có đủ chín chắn để nhìn nhận vấn đề, nó cũng cần phải biết những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Vũ Nương – cái tên nghe quá đỗi thân thương. Đó là nơi mà tôi và mẹ bé Đản – Vũ Thị Thiết bén duyên tơ hồng. Nàng xinh đẹp, hiếu thảo, tư dung tốt đẹp vô cùng. Còn tôi – Trương Sinh là một đứa con trong gia đình hào phú, muốn gì được nấy nhưng lại không lo việc chữ nghĩa, suy nghĩ không bằng người. Vừa gặp Thiết, tôi đã đem lòng thương mến, dần dần muốn cưới nàng về làm vợ. Con trai thời ấy được ba mẹ cưng chiều vô cùng. Tư dung tốt đẹp như nàng, mẹ chồng nào mà chẳng thích nên vội  mở lời xin mẹ trăm lạng vàng để rước nàng về, bà chấp nhận ngay.

Nên duyên vợ chồng, cả hai hạnh phúc lắm. Tôi nhận thức được tôi là một người ghen tuông mù quáng vì suy nghĩ nông cạn. Ở bên tôi, chắc nàng từng đã cố gắng giữ gìn khuôn phép để gia đình ấm êm. Chung chăn gối chưa được bao lâu thì nước non gặp nạn, là người con của quê hương, làm sao tôi có thể ngó mặt làm ngơ. Trước khi đi, cả mẹ lẫn vợ đều chuẩn bị, dặn dò tôi rất đầy đủ. Rằng họ chỉ mong tôi an yên trở về, những thứ danh vọng ngoài kia là thứ không màng tới.

Rời xa gia đình, tôi thật lòng không muốn nhưng vì sự nước, tôi phải lên đường. Đi được một tuần thì nghe tin vợ ở nhà hạ sinh một đứa bé trai kháu khỉnh, đặt tên là Đản. Không biết vắng chồng, vợ tôi nơi ấy như thế nào. Nhờ Thiết và mẹ luôn gửi thư thăm hỏi, kể tình hình nơi quê nhà nên tôi phần nào đỡ lo lắng. Không lâu sau, tôi lại nhận được tin mẹ bệnh nặng. Được biết nàng chăm lo cho mẹ tôi chu đáo lắm, nàng luôn hỏi han, an ủi, động viên bà chờ ngày tôi về, nhưng tuổi già sức yếu, con người ta dù cố gắng ra sao cũng chẳng thể thay đổi lệnh trời. Mẹ tôi ra đi.

Ở nơi chiến trường đầy chết chóc ấy được nửa năm thì tôi trở về. Lúc ấy, quân giặc đã đầu hàng, trả lại sự yên bình vốn có của đất nước. Bước chân đến cửa, vợ tôi chạy ra, như vỡ òa, nàng ôm lấy tôi. Nhìn xung quanh, chỉ có một mình nhưng nàng đã gánh vác việc nhà, dạy dỗ con cái, lo hậu sự cho mẹ tôi rất tốt. Nhiêu đấy đủ để biết, người phụ nữ này đã cố gắng biết chừng nào! Tôi ẵm con ra trước mộ mẹ, chết lặng vài giây. Đản cứ quấy khóc, tôi nói:

– Nín đi con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi.

Nó bập bẹ, ngây thơ lên tiếng đáp trả:

– Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

Tôi bất ngờ. Gạn hỏi con thì nó nói rằng đêm nào cũng có một người đàn ông đến chơi, Thiết đứng lên đi thì người đàn ông đó cũng đi, Thiết ngồi, người đàn ông đó cũng ngồi, tuyệt nhiên chẳng bao giờ lên tiếng hay bế Đản. Tôi nóng ran người, tỏ rõ sự bực tức, chắc chắn rằng vợ hư, không một lòng chung thủy. Về đến nhà, tôi lớn tiếng quát nạt, ra tay đánh nàng, mặc nàng van xin giải thích, mặc hàng xóm sang can ngăn. Ngày hôm đó, hẳn là ngày đầy lỗi lầm của tôi. Nàng tắm gội chay sạch rồi đi đâu không ai biết được. Tôi cũng chẳng màng ngó tới. Chỉ biết được lúc đi, Thiết mang theo một chiếc hoa vàng.

Sau đó hay tin nàng trầm mình xuống sông mà chết, tuy còn giận nhưng tôi vẫn đi tìm vớt thay nàng. Tìm tìm kiếm kiếm chẳng thấy đâu cả, tôi thơ thẩn đi về.

Tối hôm ấy, hai cha con ngồi trước ngọn đền dầu, bỗng Đản chỉ tay lên tường:

– Cha Đản lại đến kia kìa!

Nhìn bóng mình trên tường, tôi biết bản thân đã phạm phải sai lầm đáng chết. Vì tính đa nghi đa ghen, suy nghĩ không bằng người nên đã đẩy vợ đến quyết định tự vẫn. Hằng đêm, vì muốn con không chán ghét khi gặp lại cha, đồng thời để đỡ cô đơn, nàng đã đùa con rằng bóng trên tường là cha Đản – tôi. Không hiểu lòng vợ, nghi ngờ, ghen tuông lại không nghe vợ giải thích, tôi thật là một người chồng tệ bạc.

Ít lâu sau, có kẻ cùng làng đến tìm tôi, tên hắn là Phan Lang. Ban đầu hắn trình bày sự việc gặp được Thiết dưới thủy tề nhưng tôi không tin. Làm sao chuyện hoang đường này có thể xảy ra? Sau thấy Phan lấy ra chiếc hoa vàng xưa kia, tôi đành tin và chấp nhận yêu cầu của hắn. Hắn chuyển lời rằng tôi hãy lập một đàn giải oan ba ngày ba đêm ở bến Hoàng Giang, Thiết sẽ trở về. Đúng thật! Từ xa xa, bóng vợ tôi đứng trên chiếc kiệu hoa, lúc ẩn lúc hiện đầy mờ ảo. Tôi gọi vọng ra, nàng vẫn đứng yên giữa dòng mà trả lời:

– Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.

Nói xong, tôi chẳng còn thấy được nàng. Nàng ẩn vào mây khói mà biến đi mất, để lại nỗi nhớ khôn nguôi nơi trần gian.

Đến tận bây giờ, khi đã già đi, tôi vẫn ray rứt mãi sự việc năm ấy. Cũng đúng! Làm sao có thể sống bình thản khi chính mình là nguyên nhân làm vợ chết, làm con mồ côi mẹ. Tôi không mong ước gì hơn, chỉ mong rằng nàng nơi ấy được an yên, hạnh phúc, không lạnh lẽo như phàm trần này. Rồi tôi, tôi sẽ chịu mọi hình phạt từ người đời, từ con trai.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.