mieu-ta-tam-lich-treo-tuong-o-nha-em

Miêu tả tấm lịch treo tường ở nhà em

Miêu tả tấm lịch treo tường ở nhà em

Dàn bài gợi ý:

  • Mở bài:

Giới thiệu tấm lịch mà em sẽ tả (lịch do má mua hay một người thân biếu tặng?). Tấm lịch đượo treo ở đâu (ở phòng khách hay phòng làm việc của ba hoặc má?).

  • Thân bài:

a/ Tả bìa lịch:

+ Bìa lịch được làm bằng một tấm giấy các-tông cứng.
+ Hình dáng, kích thước: bìa hình chữ nhật, ngang 30 phân, dài 50 phân.
+ Phía trên bìa lịch: nếu bìa có thể là màu đỏ, trên đó có những chữ hoặc hình ảnh màu vàng.
+ Phần trên tấm bìa là một bức tranh nghệ thuật, màu sắc hiền hòa, quen thuộc.
+ Cảnh trong tranh: một cảnh hội xuân, các cụ ông cụ bà cùng các cháu thiếu nhi, các cô gái mặc áo dài tứ thân, các trai làng đứng xem đâu vật.
+ Bên dưới bức tranh là một dòng chữ vàng lấp lánh: Chúc mừng năm mới.

c/ Tả lốc lịch:

+ Vị trí của lốc lịch nằm ở phần dưới của bìa lịch, chiếm khoảng một phần ba chiều dài của bìa lịch.
+ Lốc lịch dày như một cuốn từ điển gồm 365 tờ, lúc chưa dụng được bao kín.
+ Trên mỗi tờ lịch có ghi tên tháng, tên ngày trong tuần. Bên dưới mỗi tờ lịch lại có ghi chữ Hán và ngày tháng theo âm lịch. Tả bìa cũng như tả lốc lịch, đều phải kết hợp tả bao quát với tả chi tiết.

  • Kết bài:

Mỗi tâm lịch như một người bạn thân thiết của mỗi gia đình. Nó nhắc nhở ta phải ; biết quý trọng thời gian.


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Hằng ngày, sau khi thức dậy, một trong những việc làm đầu tiên của em là bóc một tờ lịch nơi tâm lịch trên tường. Với em, đó là người bạn mà ngày nào em cũng gặp mặt.

  • Thân bài:

Tấm lịch đó, ba em được biết chỉ một ngày trước khi kết thúc năm cũ. Vì là một tấm lịch đẹp, nó đã được ba em trân trọng treo trên tường ở chính phòng khách.

Bìa lịch làm bằng giấy cứng, khá to, bề ngang chừng ba mươi phân, và cao đến năm mươi phân. Chạy dài suốt phần trên tấm bìa là một bức tranh phong cảnh của một họa sĩ Việt Nam mà ba em vốn rất quý trọng.

Bức tranh tả một cảnh sinh hoạt ngày xuân thời xưa: trước một ngôi đình cổ kính, người người đang nô nức chơi xuân. Từ màu sắc đến hình ảnh trên bức tranh đều rất hiền hòa và vui mắt. Các ông cụ bà cụ thì ung dung bên đàn cháu nhỏ, các trai làng khỏe mạnh tươi tắn thì xúm nhau quanh một sân vật, các cô gái thì áo tứ thân, thắt lưng rực rỡ, duyên dáng và e lệ làm thành một nhóm. Bên dưới bức tranh, ở góc trái là một dòng chữ kim nhũ sắc như cắt, lấp lánh: Chúc mừng năm mới!

Phần dưới của bìa lịch, chiếm khoảng một phần ba chiều cao, là phần chủ yếu của tấm lịch. Một tập giây dày cộm như một cuốn từ điển nhỏ được dán chắc chắn ngay chính giữa. Khi mới mua về, tập giấy ấy được bao kín như phong bánh in có hình hoa rực rỡ và dòng chữ in đỏ thắm.

Theo em biết, nó có đúng 365 tờ, được đính vào nhau ở phía trên bằng một đường keo mỏng. Thật là một cuốn lịch đặc biệt, mỗi trang tưởng là giống nhau nhưng lại hoàn toàn khác nhau.

Nhìn vào từng trang giấy lịch ấy, em lần lượt được biết: tên tháng, chữ số chỉ ngày trong tháng, rồi đến tên ngày trong tuần. Con số ghi ngày thật to, chiếm đến nửa trang giây, có thể nhìn thấy từ xa 5 mét. Phần dưới của mỗi tờ còn có một khoảng để ghi ngày tháng theo âm lịch, có in kèm chữ Hán. Ba em và em thì chỉ cần phần trên, nhưng mẹ em lại cần cả phần lịch nhỏ ấy nữa, bởi mẹ em thỉnh thoảng có đi chùa, thắp nhang…

Hồi mới được treo lên, tập giấy lịch trông thật béo tốt, khỏe mạnh. Đến nay, sau gần một năm, anh chàng đã gầy tọp hẳn đi. Em nhìn thấy mà thương: cứ mỗi lần báo hiệu một ngày mới cho em biết, anh chàng lại mất bớt một phần thân thể.

Có lần em nghĩ: nếu mình đừng bóc lịch, không biết ngày tháng có còn trôi đi nữa không? Hóa ra, ngày tháng vẫn cứ trôi như thường. Mỗi tờ lịch không phải là một ngày, mà chỉ là một người bạn hằng ngày đến để nhắc em: Hãy biết quý thời gian, đừng để nó trôi qua vô ích!

  • Kết bài:

Mỗi năm đi qua ghi dấu lại trong cuộc sống chúng ta biết bao kỉ niệm, bao niềm vui nỗi buồn cần phải ghi nhớ. Nhờ có tấm lịch treo tường mà chúng ta có thể ghi nhớ tất cả những điều ấy một cách rõ ràng. Những tấm lịch là người bạn thân thiết của mọi nhà, thật đáng để trân trọng và gìn giữ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang