nghi-luan-thoi-quen-xau-ban-dau-la-khach-qua-duong-sau-tro-thanh-nguoi-ban-than-o-chung-nha-va-cuoi-cung-tro-thanh-ong-chu-nha-kho-tinh

Nghị luận: Thói quen xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chú nhà khó tính

Thói quen xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chú nhà khó tính”

  • Mở bài:

Khi mà những thành tựu khoa học kỹ thuật càng ngày càng nhiều, khi mà xã hội phát triển vượt bậc, con người khám phá ra nhiều điều mới lạ thì vai trò đời sống đạo đức tinh thần, tính nhân văn của con người ngày càng được coi trọng. Chống lại những thói quen xấu là điều hết sức cần thiết, vì rằng: “Thói quen xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính”.

  • Thân bài:

Ý kiến trên là một lời nhận định hết sức đúng đắn cho cuộc sống và đáng để chúng ta tìm hiểu, bàn luận. Trước hết, về nội dung ý nghĩa, nó chứa đựng một hàm ý hết sức sâu xa mà càng đọc lâu, càng suy ngẫm kỹ ta càng nhận ra cái hay của nó. Chỉ với ba từ ngắn gọn súc tích “thói quen xấu” ấy lúc “ban đầu” chỉ đơn thuần là “khách qua đường”, là “người” mà trong lúc tình cờ, trong một khoảnh khắc vô tình, tự nhiên gặp, không hề hẹn ước.

Vị khách ấy đi nhanh chóng cũng như một vài tính xấu, đôi lời nói dối, vài ba hành động lầm lỗi mà nhiều khi vô tình hay cố ý ta đã làm. Tuy nhiên, tai hại không chí dừng lại: thường thì nó còn tiến triển, và nhân rộng ra hơn. Từ chỗ lạ, nó (tật xấu của con người) dần dần “trở thành người bạn chung nhà”, trở nên quá gần gũi và quen thuộc với chúng ta. Chúng ta xem điều đó như là một việc bình thường, những thói hư tật xâu ấy lặp đi lặp lại trở thành quá quen, thành một lối sống tự nhiên bám chặt lấy ta để rồi “cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính”.

Thói quen xấu từ địa vị một người “bạn thân” cùng sống chung với nhau, cùng gắn bó không rời, rồi đã trở thành “ông chủ nhà khó tính”. Nội dung lời nhận định thật sâu sắc. Với lối so sánh ngầm, sử dụng những hình ảnh ngôn từ gần gũi thân thuộc, vị trí của “thói quen xấu” dần được nâng lên thật cao, chiếm vị trí độc tôn trong ngôi nhà hay nói rộng ra là trong con người, trong suy nghĩ nhận thức và hành động của chúng ta. Nó “khó tính”, ra lệnh cho ta, bắt ta phải theo ý muốn của nó, làm những việc xấu hoặc đồng lõa cùng nó và tội lỗi mà nó gây ra.

Với từ ngữ dễ hiểu cùng cách diễn đạt khéo léo mà không kém phần sâu sắc, lời nhận định trên tạo thành một chuỗi hình ảnh liên quan chặt chẽ với nhau, thành một chuỗi móc xích những tình huống, thật sự đã phản ánh được hiện thực của cuộc sống hết sức khách quan.

Thật vậy, trong thực tế, xã hội ngày nay có biết bao nhiêu điều hay điều tốt nhưng tồn tại song song nó vẫn còn vô số những tệ nạn xã hội đang diễn ra hàng ngày. Đó thật sự cũng là kết quả của quá trình tiếp cận với cái xấu lâu ngày và dần dần không những không bài trừ được mà còn chịu ảnh hưởng để rồi tiếp nhận nó như những chuyện rất bình thường, không cần phải lưu tâm. Không phải sinh ra, ai cũng có thói xấu, có tội lỗi. Ban đầu cái xấu ở bên ngoài, ở xa như người qua đường thôi. Khi nhiễm phải nó rồi thì nó dần dần kết thân với ta, ra lệnh cho ta, biến ta thành đầy tớ của một ông chủ nhà khó tính, xấu tính.

Nếu ta đủ bản lĩnh, khôn ngoan thì kẻ qua đường nguy hại kia sẽ không bao giờ được vào nhà ta. Cụ thể trong thực tế cho thấy những điều trên, nạn ma túy đang được xã hội quan tâm chống lại mỗi ngày, đối với ai đó cũng bắt đầu bằng một cuộc vui đua đòi, ham chơi thử một lần cho biết. Lúc đầu chỉ là một vài điếu thuốc, một mũi chích, chứng tỏ mình là người từng trải, đó chính là lúc đã gặp “vị khách qua đường” tai hại rồi.

Thế nhưng, sự việc đâu chỉ đơn giản là ngừng lại tại đây, cái xấu thường có sức quyến rũ, nó còn trở lại, trở thành “người bạn thân” cho đến lúc nghiện hút trở thành nạn nhân của nó, mặc sức cho nó hoành hành thì từ cái giới hạn “người bạn thân”, nó đã chuyển sang “ông chủ nhà khó tính”.

Quay trở lại với cuộc sống của tuổi trẻ. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi mà hầu hết ai cũng năng động, cũng tích cực hăng hái đồng thời cũng dễ bồng bột lao vào những cuộc vui một cách mù quáng. Ban đầu chỉ là lời nói dối cha mẹ thầy cô trốn học xem phim, đi chơi cùng bè bạn, sau tham gia vào những cuộc vui quá giới hạn của tuổi học sinh và dần dần sa sút về mặt học tập, thói ấy liệu có chịu buông tha cho không? Không đâu, những thói hư tật xấu ấy ngày càng gia tăng và lấn át những phẩm chất tốt đẹp từng được trau dồi trước đấy của ta.

Để rồi kết quả là một ngày nào đó chúng ta không còn là người con ngoan, trò tốt hữu dụng cho đất nước, không là người mà xã hội đang cần. Ta chỉ là những người xấu, bị phê bình, chỉ trích, đôi khi bước ra khỏi ngưỡng cửa tốt đẹp của cuộc sống. Chỉ một lần tò mò, thử cho biết có thể ta đã mở toang cánh cửa ngăn cách bản chất con người mình với thế giới của muôn ngàn tệ nạn đang chực chờ, là chính ta đã tự hủy hoại con người mình và gián tiếp hủy hoại những mầm xanh của cuộc sống.

Đừng tự cho rằng mình có thể lúc nào cũng tỉnh táo trước cám dỗ, đừng nghĩ rằng đối với mình “thói quen xấu” chỉ là “khách qua đường” và duy chỉ như vậy mà thôi. Không đâu, ông bà ta đã chẳng từng dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay sao? Nếu không biết cách loại trừ, kiên quyết từ bỏ những cái xấu đã và đang dần hình thành trong con người của mình thì trước hay sau, sớm hay muộn ta sẽ trở thành tên nô lệ, thuộc quyền sai khiến của tội lỗi, của tập quán xấu mà thôi.

Không ai là người hoàn thiện, không ai từ lúc bé cho đến lớn lên mà không có lầm lỗi, tuy nhiên đối diện với những mặt yếu đó của con người mình, chúng ta phải mạnh dạn quyết tâm khai trừ cái xấu, không để nó ăn sâu vào tiềm thức, không để nó trở thành thói quen, thành bản chất của con người mình.

Đương đầu với thói hư tật xấu, với những tâm tính không tốt luôn có sẵn trong mỗi con người, chúng ta cần lên án, phê bình những hành động, những biểu hiện trái ngược với cái thiện, với mặt tốt của nhân cách. Và cần khuyến khích học tập những cá nhân điển hình đóng góp tích cực trong việc bài trừ sự độc hại của những tội lỗi hoặc các tệ nạn xã hội diễn ra hằng ngày. Để “ông chủ nhà khó tính” sẽ là chúng ta, khó tính để không cho phép mình thua trong trận chiến gay gắt giữa cái thiện và cái ác.

Tóm lại, hãy hình thành thói quen tốt từ những việc nhỏ. trong cuộc sống hàng-ngày có biết bao chuyện diễn ra xung quanh ta, vui có, buồn có, và đó không phải là vấn đề then chốt, quan trọng. Cái quan trọng là chúng ta cần thẳng thắn đôi mặt và tìm ra phương hướng giải quyết cho những rắc rối. Lời nhận định trên thật sự rất đúng và rất sát hợp với thực tiễn cuộc sống con người. Dù tật xấu là “ông chủ khó tính”, “người bạn thân ở chung nhà” hay là “khách qua dường” đi chẳng nữa thì chúng ta không được phép chấp nhận mà cần phải quyết tâm thật cao để loại trừ cái xấu ra khỏi cuộc sống nhằm vun trồng, xây đắp cho mình cũng như người chung quanh những điều tốt lành và hạnh phúc.

  • Kết bài:

Chỉ bằng vài dòng ngắn với lối thể hiện đặc sắc, lời nhận định: “Thói quen xấu ban đầu là khách qua dường sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính” thật sự là một lời nhận định hết sức đúng đắn cho mọi người và cho mọi thời đại. Ngày nay, ta cần tiếp nhận nó như một câu châm ngôn, một lời cảnh báo cho mình trong việc hoàn thiện nhân cách cũng như làm vũ khí sắc bén đấu tranh cho việc chống cái xấu, cái ác, bảo vệ cái đẹp, cái thiện để vươn lên. Đó cũng chính là điều mà chúng ta hôm nay và mai sau cần đạt đến: “Đối diện với cái tốt anh hãy là người tốt và đối diện với cái xấu anh buộc phải là người tốt”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang