Hành động nói và các kiểu hành động nói thường gặp.
I. HÀNH ĐỘNG NÓI LÀ GÌ ?
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.
Mẹ con Lí Thông đang ngủ, bỗng nghe tiếng gọi cửa. Ngỡ là hồn oan của Thạch Sanh hiện về, mẹ con hắn hoảng sợ, van lạy rối rít. Khi Thạch Sanh vào nhà kể cho nghe chuyện giết chằn tinh, chúng mới hoàn hồn. Nhưng Lí Thông bỗng nảy ra kế khác. Hắn nói:
– Con trăn ấy là của vua nuôi đã lâu. Nay em giết nó, tất không khỏi bị tội chết. Thôi, bây giờ nhân trời chưa sáng em hày trốn ngay đi. Có chuyện gì để anh ở nhà lo liệu.
Thạch Sanh lại thật thà tin ngay. Chàng vội từ giã mẹ con Lí Thông, trở về túp lều cũ dưới gốc đa, kiếm củi nuôi thân.
(Thạch Sanh)
1. Lí Thông nói với Thạch Sanh nhằm mục đích chính là gì? Câu nào thể hiện rõ nhất mục đích ấy?
2. Lí Thông có đạt được mục đích của mình không? Chi tiết nào nói lên điều đó?
3. Lí Thông đã thực hiện mục đích của mình bằng phương tiện gì?
4. Nếu hiểu hành động là “việc làm cụ thể của con người nhằm một mục đích nhất định” thì việc làm của Lí Thông có phải là một hành động không? Vì sao?
Trả lời:
1. Lí Thông nói với Thạch Sanh nhằm mục đích cướp lấy công lao về mình. Câu nói thể hiện rõ nhất mục đích ấy là câu: Thôi, bây giờ nhân trời chưa sáng em hày trốn ngay đi. Có chuyện gì để anh ở nhà lo liệu.
2. Lí Thông đã đạt được mục đích nói của mình, vì sau khi nghe Lí Thông nói, Thạch Sanh đã vội vàng từ giã mẹ con hắn để ra đi.
3. Lí Thông đã thực hiện mục đích của mình bằng lời nói.
4. Việc làm của Lí Thông có thể coi là một hành động, vì nó là một việc làm có mục đích.
* Ghi nhớ: Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm mục đích nhất định.
II. MỘT SỐ KIỂU HÀNH ĐỘNG NÓI THƯỜNG GẶP.
Trong đoạn trích ở mục I, ngoài câu đã phân tích, mỗi câu còn lại trong lời nói của Lí Thông đều nhằm một mục đích nhất định. Những mục đích ấy là gì? rong lời nói của Lí Thông đều nhằm một mục đích nhất định. Những mục đích ấy là gì?
Trả lời:
– Câu ” Con trăn ấy là con trăn nhà vua nuôi đã lâu” mục đích thông báo.
– Câu ” Nay em giết nó, tất không khỏi bị tội chết.” ⟶ mục đích đe dọa.
– Câu ” Thôi, bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn ngay đi.” ⟶ mục đích đe dọa.
– Câu ” Có chuyện gì để anh ở nhà lo liệu” ⟶ mục đích hứa hẹn.
Câu 2 (trang 63, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Chỉ ra các hành động nói trong đoạn trích sau và cho biết mục đích của mỗi hành động.
Cái Tí chưa hiểu hết ý câu nói của mẹ, nó xám mặt lại và hỏi bằng giọng luống cuống:
– Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu ?
Điểm thêm một “giây” nức nở, chị Dậu ngó con bằng cách xót xa:
– Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài.
Cái Tí nghe nói giãy nảy, giống như sét đánh bên tai, nó liệng củ khoai vào rổ và oà lên khóc.
[…] Chừng như lúc nãy thấy bắt cả chó lớn, chó con, cái Tí vẫn tưởng những con vật ấy sẽ đi thế mạng cho mình, cho nên nó đã vững dạ ngồi im. Bây giờ nghe mẹ nó giục nó phải đi, nó lại nhếch nhác, mếu khóc:
– U nhất định bán con đấy ư ? U không cho con ở nhà nữa ư ? Khốn nạn thân con thế này! Trời ơi!…
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
Trả lời:
– Các hành động nói trong đoạn trích thuộc về hai nhân vật chị Dậu và cái Tí (chú ý những câu in đậm).
– Lời của cái Tí: một câu dùng để hỏi, một câu dùng để bộc lộ cảm xúc tuyệt vọng, xót xa. Lời của chị Dậu dùng để thông báo.
Câu 3 (trang 63, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Liệt kê các kiểu hành động nói qua phân tích hai đoạn trích trên.
Trả lời:
Trình bày (báo tin), đe doạ, khuyên, hứa hẹn, hỏi, bộc lộ cảm xúc,…
* Ghi nhớ:
Những kiểu hành động nói thường gặp là:
+ Hỏi (mục đích dùng để hỏi).
+ Trình bày (mục đích báo tin, kể, tả, nêu ý kiến, dự đoán…)
+ Điều khiển (mục đích cầu khiên, đe dọa, thách thức,…),
+ Hứa hẹn (mục đích hứu, thề)
+ Bộc lộ cảm xúc (mục đích biểu lộ tình cảm, cảm xúc).
Ví dụ 1:
Ngài quay mặt vào, lại hỏi thầy đề:
– Thầy bốc quân gì thế?
→ Mục đích: hỏi.
Ví dụ 2:
Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi:
– Các em đừng khóc. Trưa nay các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa.
→ Mục đích: cầu khiến.
Ví dụ 3:
Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lai cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…
→ Mục đích: hứa hẹn.
Ví dụ 4:
– Trong thơ còn có nụ cười của em thơ, tiếng thở dài của mẹ già, tiếng hát của chàng trai, ánh mắt biếc của thiếu nữ. Thơ là vàng ngọc của tình người, là trí tuệ và phẩm giá, là sự thanh cao…
→ Mục đích: trình bày.
Ví dụ 5:
– Tôi yêu Sài Gòn da diết như người đàn ông vẫn ôm ấp bóng dáng mối tình đầu chứa nhiều ngang trái. Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiều lộng gió thương nhớ, dưới những cây mưa nhiệt đới bất ngờ.
→ Mục đích: bộc lộ cảm xúc.
Lưu ý: Hành động bộc lộ cảm xúc là hành động bày tỏ, bộc lộ thái độ, tâm trạng về một sự vật, một sự việc. Buồn, vui, giận, yêu thương, lo âu, hi vọng… là những cảm xúc thường được biểu hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ.