huong-dan-on-tap-luyen-thi-hon-truong-ba-da-hang-thịt-luu-quang-vu

Hướng dẫn ôn tập luyện thi văn bản: Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Hướng dẫn ôn tập luyện thi văn bản: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

1. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Lưu Quang Vũ.

– Lưu Quang Vũ (1948-1988), quê gốc ở Đà Nẵng. Ông là một cây bút tài hoa đã để lại dấu ấn trong nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, đặc biệt là kịch.

– Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của Lưu Quang Vũ sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê Bắc Bộ đã in dấu nhiều trong sáng tác của ông sau này. Ở thể loại nào người đọc cũng bắt gặp một Lưu Quang Vũ với tâm hồn nổi gió, sức sống mãnh liệt và khả năng sáng tạo miệt mài.

– Năm 2000, Lưu Quang Vũ được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật sân khấu. Các tác phẩm chính:

+ Thơ : Hương cây, Mây trắng, Bầy ong trong đêm sâu.

+ Kịch : Sống mãi tuổi 17, Mùa hạ cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Nàng Si-ta,…

2. Xuất xứ của vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.

– Lưu Quang Vũ viết vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt năm 1981, đến năm 1984 thì ra mắt công chúng. Vở kịch dựa vào câu chuyện dân gian, nhưng đã có những thay đổi cơ bản.

– Điểm khác biệt :

+ Trong truyện dân gian, nhân vật Trương Ba tiếp tục sống bình thường, hạnh phúc khi được nhập hồn vào thân xác anh hàng thịt. Ngắn gọn và đơn giản, truyện dân gian mang một tư tưởng triết học có phần cơ bản đúng, nhưng chỉ đề cao linh hồn, tuyệt đối hóa linh hồn, không để ý đến mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn.

+ Vở kịch của Lưu Quang Vũ tại tập trung diễn tả tình cảnh trớ trêu, nỗi đau khổ, giày vò của Trương Ba từ khi “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Từ đó đưa đến những tư tưởng mới : sự tồn tại độc lập của thân xác đối với linh hồn và khẳng định một quan niệm đúng đắn về cách sống

3. Tóm tắt tác phẩm.

Trương Ba là một người là vườn và giỏi đánh cờ đã bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai, nên Nam Tào và Đế Thích cho Hồn Trương Ba sống lại và nhập vào xác hàng thịt mới chết. Trú nhờ trong xác anh hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lý tưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cũng cảm thấy xa lạ,… mà bản thân Trương Ba thì đau khổ vì phải sống trái tự nhiên và giả tạo. Đặc biệt thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải chính bản thân ông. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết.

4. Nhan đề.

– Nhan đề “Hồn Trương ba, da hàng thịt” gợi cảm giác về độ vênh lệch của hai yếu tố quan trọng trong một con người. Hồn là phần trừu tượng, da thịt thân xác là cái cụ thể, là cái bình có thể chứa linh hồn, hồn nào xác ấy. Nhưng ở đây hồn người người này lại ở trong xác người kia. Hồn và xác lại không tương hợp ; tính cách, hành động, lối sống của Trương Ba và anh hàng thịt trái ngược nhau.

– Tên gọi của vở kịch đã thâu tóm được những mâu thuẫn, xung đột bên trong của một con người.

5. Thông điệp.

– Được sống làm người thật là quý giá; nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình muốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.

– Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi người ta được sống tự nhiên với sự hài hoà giữa tâm hồn và thể xác.

Xêm thêm:


Tham khảo:

Dàn bài phân tích nhân vật Trương Ba.

  • Mở bài:

– Lưu Quang Vũ là một trong những cây bút tài hoa để lại những dấu ấn trong nhiều thể loại : thơ, văn xuôi và đặc biệt là kịch. Ông là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, đánh dấu sự vượt trội trong sáng tác của Lưu Quang Vũ.

– Nhân vật Trương Ba – một nhân vật bi kịch.

  • Thân bài

* Giới thiệu hoàn cảnh ra đời, xuất xứ:

– Đây là một vở kịch mà Lưu Quang Vũ đã dựa vào cốt truyện dân gian, tuy nhiên chiều sâu của vở kịch chính là phần phát triển sau của truyện dân gian.

* Phân tích:

– Hoàn cảnh éo le, bi đát của ông Trương Ba:

+ Trương Ba là người làm vườn yêu cây cỏ, yêu thương mọi người, sống nhân hậu, chân thực, chưa tới số chết, nhưng vì sự tắc trách của quan nhà trời mà Trương Ba phải chết.

+ Hồn Trương Ba phải trú nhơ vào xác anh hàng thịt, một người thô lỗ,… Tính cách Trương Ba ngày càng thay đổi.

→ Bi kịch của sự oan trái.

– Cuộc đối thoại giữa hồn và xác:

+ Hồn là biểu tượng cho sự thanh nhã, cao khiết, trong sạch, đạo đức nhưng tất cả hoàn toàn trái ngược qua phần đối thoại với xác. Hồn Trương Ba để lại trong mắt xác hàng thịt là một kẻ phàm ăn, tục uống ; mê rượu và háo sắc ; cư xử thô bạo với mọi người,…

+ Những biểu hiện ngay trong đối thoại khi Hồn Trương Ba không còn là chính mình : cư chỉ, điệu bộ lúng túng, khổ sở ; giọng điệu có khi yếu ớt, lời thoại ngắn ; khi đuối lý lại dùng lời lẽ thô bạo để trấn áp: “Ta… Ta… đã bảo mày im đi”

→ Bi kịch của sự tồn tại riêng rẽ: con người không thể chỉ sống bằng thân xác mà cũng không thể sống bằng tinh thần.

– Nỗi đau khổ của Hồn Trương Ba khi tìm về những người thân trong gia đình:

+ Người vợ vừa hờn ghen vừa dằn dỗi chồng, có cảm giác ông là người sống xa lạ với mọi người. + Đứa con trai cả quyết định bán khu vườn để đầu tư vào sạp thịt.

+ Cái Gái, đứa cháu nội mà ông yêu quý nhất, không thừa nhận ông là ông nội, thậm chí nó còn cự tuyệt đến quyết liệt “Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông”. Trong mắt nó, Hồn Trương Ba chỉ là một tên đồ tể, tay chân vụng về, luôn phá hoại.

+ Con dâu tỏ ra thông cảm, hiểu và đau cho nỗi đau sống nhờ và sự thay đổi của Hồn Trương Ba. à Bi kịch bị người thân xa rời, khước từ cuộc sống.

– Khát vọng giải thoát khỏi thân xác người khác.

+ Trương Ba tự ý thức bi kịch của mình : “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

→ Bi kịch sống nhờ vào thân xác người khác – Trương Ba trước cái chết của cu Tị.

+ Trước đề nghị đổi thân xác của Đế Thích, tính cách Trương Ba từ chỗ lưỡng lự, suy nghĩ rồi quyết định dứt khoát.

+ Trương Ba muốn chết thật là để cho mình được sống mãi hoài nhớ của mọi người.

→ Giải thoát bi kịch của một sự giả tạo trong con người Hồn Trương Ba.

* Đánh giá:

– Hồn Trương Ba là một nhân vật quá chú trọng đời sống tinh thần mà coi nhẹ thân xác.

– Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba là bi kịch về nỗi đau của sự vênh lệch giữa thể xác và tâm hồn trong một con người.

– Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, nghệ thuật tạo tình huống và diễn tiến kịch kích độc đáo.

  • Kết luận

– Đánh giá chung về nhân vật.

– Khẳng định tài năng viết kịch của Lưu Quang Vũ và sức sống của tác phẩm.


Phân tích bi kịch của hồn Trương Ba trong đoạn kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả  Lưu Quang Vũ.

  • Mở bài:

Nhắc đến Lưu Quang Vũ là nhắc đến một nhà soạn kịch tài hoa, một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu cho văn học hiện đại Việt Nam. Tài năng bao trùm trên các lĩnh vực văn chương nghệ thuật, và trong mỗi lĩnh vực, Lưu Quang Vũ lại để lại những dấu ấn đặc biệt, để lại những thành tựu trải dài suốt hàng thế kỉ. Trong đó, Lưu Quang Vũ đặc biệt được ghi nhận ở mảng viết kịch và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được xem là một trong những vở kịch thành công nhất của Vũ. Chính vì thế mà nhà phê bình Ngô Thảo đã từng nói: “Bóng rợp tài năng của Lưu Quang Vũ đã trùm lên che mát cả một vùng sân khấu rộng lớn theo chiều dài đất nước trong một thập niên”.

  • Thân bài:

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch viết về cuộc xung đột căng thẳng giữa Hồn và Xác mà Lưu Quang Vũ đã mượn cốt truyện dân gian để xây dựng nên. Trương Ba là một người hiền lành, chăm chỉ, có học thức lại giỏi đánh cờ nhưng lại chết một cách vô lí. Cái chết của Trương Ba chính do bởi sự vô tâm, tắc trách nơi Nam Tào. Sau đó, để sửa sai, Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại là nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết. Nhưng không ngờ sự sửa chữa ấy lại dẫn tới một sai lầm trầm trọng hơn, Trương Ba rơi vào hẳn đời bi kịch khi phải sống trong xác hàng thịt – một con người hoàn toàn đối lập với mình. Sau cùng, Trương Ba đã lựa chọn cái chết, trả lại thân xác vay mượn cho Hàng Thịt bởi vì ông muốn “tôi muốn được là tôi của toàn vẹn” bởi “sống thế này, còn khổ hơn là cái chết”. Và từ đó, vĩnh viễn “không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nữa”. Qua đó, vở kịch đã mang đến một thông điệp to lớn: được sống làm người là quý giá thật, nhưng càng quý giá hơn khi được sống là chính mình, theo đuổi những giá trị mình mong muốn, sống một cách tự nhiên với sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác.

Với cốt truyện như trên, trích kịch xoay cuộc đối thoại nảy lửa giữa hồn và xác. Nguyên nhân xuất phát từ việc Trương Ba phải chịu sự lấn át của thể xác thô lỗ, chiều theo những nhu cầu tầm thường, dung tục mà khiến tâm hồn thanh cao bị nhiễm độc, tha hóa. Hàng thịt bây giờ là cái bình để chứa đựng linh hồn Trương Ba, hàng thịt đòi hỏi những nhu cầu ăn uống rượu thịt, tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi…và cả đời sống vợ chồng mà Trương Ba cho là thô phàm, thấp kém. Trong khi Trương Ba càng cố gắng chối bỏ, đề cao sự nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn thì hàng thịt lại càng khinh khi, phỉ nhổ: “Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!” Qua đó, Lưu Quang Vũ đã gửi đến cho người đọc những triết lí nhân sinh quý giá hai tấn bi kịch của cuộc đời Trương Ba.

Bi kịch thứ nhất của Trương Ba là bi kịch sống, sống gửi, không được là chính mình. Nghịch cảnh trớ trêu, sự hoán đổi bất ngờ đã xáo trộn hiện thực. Trích kịch mở đầu với những lời kêu gào thống thiết: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi!” Trương Ba đang độc thoại trước cảnh bế tắc. u uẩn không lối thoát của hiện tại. Thân xác kềnh càng, bản tính cục cằn thô lỗ của hàng thịt đang dần dần lấn át đi tâm hồn nhân hậu, thanh cao của chính ông. Đau khổ, quẫn bách, dày vò không ngờ lại trở thành cuộc đời của Trương Ba. Sự hoán đổi quá chênh lệch, linh hồn thanh cao gửi vào xác thân phàm tục đã khiến cho ông muốn bứt mình ra khỏi hiện tại dù chỉ là trong khoảnh khắc: “Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách khỏi cái xác này, dù chỉ là một lát!” Trong chán nản tuyệt vọng, sự khát khao tách bạch trở nên tha thiết hơn bao giờ hết, tiếng kêu gào thống thiết kia chính là lời cầu cứu của một linh hồn khát khao được nguyên vẹn là mình. Và cũng trong giây phút đó, Hồn và Xác đã được tách ra, cuộc hội thoại giữa Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt được bắt đầu.

Ta thấy trong cuộc đối thoại đặc biệt đó, Hồn Trương Ba đã bị nhạo báng, thách thức và đôi lần đuối lí trước lời nói hùng hồn của Xác hàng thịt. Lời nói của Hồn Trương Ba vô cùng ít ỏi và tất cả đều xoay quanh việc bảo vệ sự trong sạch của chính mình, đề cao tâm hồn cao thượng, lối sống nhân hậu, thanh cao và lên án xác thân hàng thịt đã làm ông dơ bẩn, tha hóa. Xác trước những buộc tội đó không hề đuối lí mà ngược lại, còn ung dung, ngạo mạn thách thức linh hồn. Trước lời khinh miệt thân xác vô hồn, đui mù “mày chỉ là xác thịt âm u đui mù…”, hàng thịt đã nghiễm nhiên đáp lại: “Chính vì âm u đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả linh hồn cao khiết của ông đấy!” Ta thấy, mỗi lời hàng thịt nói ra đều buộc Trương Ba phải thừa nhận có sự tồn tại của thể xác, hơn nữa, ông đang bị thể xác mà mình khinh khi, xem thường kia trói buộc. Hồn im lặng và đau đớn thừa nhận sự thắng thế của Xác, nhiều lần phải bất lực đáp lại: “Im đi”, “Ta… ta… đã bảo mày im đi!”, “Ta không muốn nghe mày nữa!”,…

Trong suốt cuộc đối thoại, Xác hàng thịt lần lượt kể lại những hành động, những việc làm, những thói quen nhuốm màu phàm tục như “Khi ông đứng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…”“ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi không?” để cuối cùng khẳng định một điều chắc nịnh với Hồn Trương Ba: “Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục!”. Bên cạnh đó, Xác hàng thịt còn lần lượt kể lể về những lí lẽ vô cùng thuyết phục như “những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác”, kể về những “trò chơi tâm hồn” mà mình đã nhân nhượng với Trương Ba. Cuộc đối thoại đến hồi kết, hồn Trương Ba cam cảnh thua cuộc và phải quay về với xác hàng thịt.

Qua tấn bi kịch sống nhờ sống gửi này, chúng ta thấy hình tượng Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt chính là ẩn dụ cho hai lối sống đối lập, một bên đại diện cho sự thanh cao, nhân hậu, khát vọng sống cao khiết, một bên là sự tầm thường, dung tục. Đó đồng thời cũng là sự đấu tranh, đối thoại gay gắt trong một con người. Khi con người sống trong thể xác tầm thường dung tục thì ắt sẽ bị nó ngự trị. Ngược lại, nếu chỉ một mực chăm chút linh hồn mà xem thường thể xác thì thể xác cũng nhếch nhác, tầm thường.

Bi kịch thứ hai của Trương Ba là bi kịch bị người thân cự tuyệt. Có thể nói, đây mới là tấn bi kịch đau đớn nhất, sâu sắc nhất của Trương Ba. Ông tuyệt vọng, khổ đau không chỉ bởi sự thay đổi ngỡ ngàng đến không thể nhận ra của chính mình mà còn bởi sự xa lánh, rời bỏ của người thân. Khoảng cách gia đình, những vết rạn nứt đã mơ hồ xuất hiện. Từng nhớ, trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam, từng có một Chí Phèo bị người thân bỏ rơi từ lúc nhỏ, bị Thị Nở ngoe ngoẩy cự tuyệt trên con đường hoàn lương để rồi đi vào một hướng giải thoát mang tính chất đánh đổi: đó là mạng sống, là cái chết. Hoàn cảnh Trương Ba cũng tương tự khi vợ, khi cháu và khi cả con dâu lần lượt rời xa ông. Làm sao Trương Ba có thể thanh minh cho hoàn cảnh hiện tại của chính mình? Làm sao ông có thể giải quyết sự mâu thuẫn giữa hồn và xác đang ngự trị? Tình thân bị đặt vào giữa bi kịch nghiệt ngã, càng đẩy Trương Ba rơi sâu hơn vào bế tắc của chính mình. Người vợ mà ông hết mực yêu thương cũng không hiểu được ông: “Ông bây giờ còn biết đến ai nữa!”, đòi bỏ ông ra đi “để ông được thảnh thơi… với cô vợ người hàng thịt”“Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”

Mỗi lời nói ra của người vợ như một vết cắt, cắt sâu vào nỗi đau của Trương Ba. Ngay cả đứa cháu ông – Gái cũng đã lên tiếng khước từ, phủ nhận “Tôi không phải là cháu của ông!” Chính lời nói của đứa trẻ ngây thơ, vô tội đã cáo buộc đanh thép “bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫn lên nát cả cây sâm quý mới ươm”, “ông làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng cả cái diều đẹp mà cu Tị rất quý”…Nó xua đuổi ông như đuổi một tên hung thần, một tên ác quỷ, nó gọi ông bằng những danh xưng xấu xa, bằng lão đồ tể. Cuối cùng, đến cả chị con dâu – người mà ông tin tưởng nhất cũng đã tỏ ra nghi ngờ: “mỗi ngày con thấy thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Chị vẫn tự nhủ mình phải kính trọng, phải yêu thương, phải cảm thông cho người bố chồng bất hạnh nhưng hiện thực giờ đây là cửa nhà tan hoang, là nỗi đau khổ của từng người từng người một “nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia?

Bây giờ đây, Trương Ba hoàn toàn tuyệt vọng, ông không còn chút niềm tin nào để bấu víu,  không còn thiết tha gì một mạng sống đã làm khổ chính mình, hành hạ người thân. Bi kịch nhường ấy là quá đủ. Nỗi đau này phải tiếp tục cho đến bao giờ, Trương Ba “mặt lặng ngắt như tảng đá”, từ chối bỏ, nghi ngờ, chịu ép vế nay đã phải hoàn toàn thừa nhận sự thắng thế của thân xác. Bi kịch bị người thân cự tuyệt đã giúp ông có những suy nghĩ dứt khoát, những hành động quyết liệt nhất để tìm ra con đường tự cứu lấy mình. Cuối cùng, ông đã xin với Đế Thích cái chết bởi “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”.

Sở dĩ Trương Ba từ chối cơ hội cuối cùng mà Đế Thích ban cho, đó là nhập hồn vào xác Cu Tị vừa mới chết là vì ông không muốn một lần nào nữa xảy ra bi kịch oái oăm tương tự. Làm có thể sống một cách bình thường, làm sao có thể dung hòa sự khi bên ngoài và bên trong hoàn toàn trái ngược? Tâm hồn của Trương Ba là một tâm hồn hoàn toàn khác so với thân xác đang trú ngụ kia. Sẽ chẳng có một lối thoát, một cứu cánh nào vẹn toàn cả “trẻ con phải ra trẻ con, người lớn phải ra người lớn”. Đế Thích quan niệm cuộc sống khác ông, sống chỉ đơn giản là không chết, chẳng cần phải vẹn toàn, phải ý nghĩa, phải như mong muốn gì cả “tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong”, “dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông”.

Cái chết của Trương Ba chính là cuộc hồi sinh ngắn ngủi trong lòng những người thân, khi người chồng, người ông, người cha kính yêu, hiền lành khi xưa đã quay trở về. Từ bỏ cuộc sống giả tạo, mệt mỏi, Hồn Trương Ba quay về với nếp nhà hiền hậu ban đầu, với cuộc sống của chính mình, với bậc cửa ở nhà, với ánh lửa, với cầu ao, với cơi trầu, con ao… Trương Ba đã nói một câu hết sức bình thường giản dị nhưng lại vô cùng thấm thía cảm động: “Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…”

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” có nhiều đặc điểm nghệ thuật nổi trội và đã gặt hái thành công rực rỡ ở những buổi công diễn sân khấu kịch. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã lồng ghép vào triết lí nhân sinh quý giá về cuộc sống, cách sống của mỗi con người. Đặc biệt, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, xúc động và gay cấn qua các màn độc thoại, đối thoại đã tạo nên chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm.

  • Kết bài:

Thông qua trích kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ đã khắc họa một cuộc đối thoại sinh động giữa Hồn và Xác để từ đó đi đến kết luận về một cuộc sống thực sự có ý nghĩa, một cuộc sống thể xác và tâm hồn để tìm sự sự dung hòa hợp lí. Và trong bất kì hoàn cảnh nào, con người phải biết đấu tranh vươn lên những giá trị chân thiện mỹ, biết tự hoàn thiện bản thân trên mọi phương diện chính là thông điệp nhân sinh quý giá mà vở kịch mang lại.


Dàn bài phân tích ý nghĩa thông điệp: “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả (con người và phong cách)

– Giới thiệu tác phẩm (giá trị của tác phẩm)

-Tác phẩm có rất nhiều lời thoại mang tính triết lý, trong đó lời nói của Trương Ba “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi trọn vẹn” đã gợi lên tình huống éo le của nhân vật.

  • Thân bài:

* Giới thiệu chung: Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những truyện hay trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Lưu Quang Vũ đã dựa vào cốt truyện này để viết thành vở kịch nói cùng tên vào năm 1981 và được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1984.

– Vở kịch đặt ra vấn đề, đó là bi kịch sống nhờ của Hồn Trương Ba trong xác anh hàng thịt.

– Lời thoại trên là lời của Hồn Trương Ba nói với Đế Thích, có ý nghĩa triết lý về sự thống nhất, hài hòa giữa hồn và xác trong một con người. b. Phân tích tình huống éo le của nhân vật Hồn Trương Ba trong xác anh hàng thịt

* Tình huống éo le, bi đát:

– Nguyên nhân dẫn đến tình huống éo le : việc gạch tên chết người vô trách nhiệm của quan nhà trời và “thiện ý sửa sai” của Đế Thích.

– Nỗi khổ của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ vào xác anh hàng thịt : vợ con nghi ngờ, xa lánh ; do sự xui khiến của thân xác hàng thịt, Hồn Trương Ba có những hành vi, cử chỉ thô lỗ, vụng về.

– Hồn Trương Ba cương quyết không sống trong xác anh hàng thịt. Khát vọng giải thoát khỏi thân xác người khác khiến Hồn Trương Ba gọi Đế Thích lên để nói rõ bi kịch sống nhờ, sống không đúng mình.

* Ý nghĩa của lời thoại:

– Lời thoại này thể hiện rõ quan niệm về hạnh phúc của nhà viết kịch. Hồn Trương Ba đã có một thân xác để tồn tại, để tiếp tục sống, ngỡ đó là hạnh phúc. Nhưng hóa ra hạnh phúc ở đời không phải là được sống mà sống như thế nào.

– Bức thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn nhắn gửi qua bi kịch của Trương Ba:

+ Con người là thực thể thống nhất giữa phần hồn và phần xác, do đó không thể có một tâm hồn thanh cao, thanh sạch trong một thân xác phàm tục, tội lỗi.

+ Khi con người chấp nhận sống nương nhờ, chắp vá không toàn vẹn, không được sống là mình thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, chúng ta có thêm cơ hội để sống thế nhưng cuộc sống ấy cũng thật vô nghĩa.

+ Lời nói và hành động của Trương Ba đã thể hiện bản lĩnh và vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật khi sẵn sàng đón nhận cái chết còn hơn sống trong sự dày vò của lương tâm và sự ghẻ lạnh, thất vọng của những người thân yêu

* Quan niệm sống của nhân vật hồn Trương Ba:

– Thể hiện khát vọng của hồn Trương Ba trong ước nguyện được giải thoát, muốn chính mình cho dù khổ đau và mất mát.

+ Trương Ba kiên quyết từ chối, không chấp nhận cảnh phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, ông muốn được là mình một cách trọn vẹn.

+ Trương Ba tiếp tục từ chối để Đế Thích sửa sai bằng cách cho hồn mình nhập vào xác cu Tị, không chấp nhận cách sống giả tạo, sống còn “khổ hơn – cái chết”.

+ Câu nói thể hiện ý nghĩa triết lí trong cuộc sống của con người, con người không thể chấp nhận cách sống tạm bợ, bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được.

– Con người là một thể thống nhất, không thể có một hồn hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi, sống thực cho ra một con người quả không dễ đàng, đơn giản.

– Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình, đây là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hoá do danh và lợi.

– Hồn Trương Ba đã nhận ra bi kịch của cuộc đời mình khi sống gửi, sông nhờ trong thân xác phàm tục của anh hàng thịt. Nhận ra bi kịch đó, chứng tỏ hồn Trương Ba không thể nào chấp nhận được sự thoả hiệp giữa hai cuộc sống này. Đồng thời, chứng tỏ bản lĩnh của nhân vật khi chấp nhận cái chết thực sự còn hơn là sống trong sự giày vò của lương tâm và sự ghẻ lạnh của người thân vì sự tha hoá của chính mình.

* Đánh giá:

– Tình huống éo le của vở kịch là nét đặc sắc tạo nên sự khác biệt giữa truyện dân gian và vở kịch.

– Thông qua lời thoại của nhân vật, Lưu Quang Vũ đã thể hiện quan niệm sống giàu giá trị nhân văn: thể hiện được cái nhìn sâu sắc khi phát hiện được bi kịch bên trong con người hiện đại: đó là thực trạng con người sống vội, sống gấp, sống thực dụng mà vô tình đánh mất chính mình.

– Nhà văn đã dựng lên được những kịch tính thông qua cử chỉ, hành động, đặc biệt là lời thoại của nhân vật sinh động có tầm khái quát cao.

  • Kết luận:

– Lời thoại của Trương Ba “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi trọn vẹn” là một câu nói giàu tính triết lý, cũng lại là bi kịch cho số phận của một con người.

– Khẳng định tài năng của Lưu Quang Vũ và sức sống của tác phẩm.


Bài văn mẫu: Phân tích ý nghĩa thông điệp “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

  • Mở bài:

Từ một cốt truyện dân gian Lưu Quang Vũ đã chuyển thể thành vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lý và nhân văn sâu sắc. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” có bảy hồi, phần trích học sách giáo khoa là hồi kết. Thông qua bi kịch Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã mang đến cho người đọc, người xem vẻ đẹp tâm hồn người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách.

  • Thân bài:

Hoàn cảnh dẫn đến cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích: Do phải sống nhờ thể xác của hàng thịt, hồn Trương Ba phải chiều theo một số nhu cầu hiển nhiên của xác thịt. Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay phải sống mượn, lệ thuộc nên bị nhiễm độc bởi sự tầm thường, dung tục của xác thịt thô phàm. Thấm thía nghịch cảnh của bi kịch sống không được là chính mình và bi kịch bị chính những người thân yêu cự tuyệt – Trương Ba đã quyết định châm nhang gọi Đế Thích để quyết chết trả lại sự trong sạch, vẹn nguyên của linh hồn.

Phần đầu của màn đối thoại là cuộc tranh luận về quan niệm sống của Trương Ba và Đế Thích. Qua cuộc tranh luận ấy, tác giả đề cao quan điểm sống – “phải sống là chính mình”. Mở đầu là lời độc thoại: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ… Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?”. Lời độc thoại cho thấy cuộc đấu tranh nội tâm vô cùng dữ dội ở Trương Ba. Thực ra cuộc đấu tranh đó đã được tác giả Lưu Quang Vũ gửi gắm qua màn đối thoại giữa Trương Ba và xác hàng thịt. Đó là cuộc đấu tranh giữa xác và hồn; giữa cao cả và đê hèn; giữa tốt và xấu; giữa cao thượng và dung tục; giữa khát vọng và dục vọng. Đó cũng là cuộc đấu tranh để hoàn thiện nhân cách. Cuộc đấu tranh này phần thắng nghiêng về xác nhưng bản thân hồn Trương Ba đã không chịu lép vế, không khuất phục mà đã tìm mọi cách để được sống là chính mình – đây chính là nhân cách cao đẹp của Trương Ba.

Trương Ba bày tỏ nguyện vọng với Đế Thích: “Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!”. Lời thoại có tới hai lần phủ định “tôi không thể”; “không thể được” cho thấy quyết tâm rời bỏ xác hàng thịt là ý chí sắt đá của Trương Ba khi thấm thía nghịch cảnh trớ trêu của mình.

Tiếp đến Trương Ba nêu lên đòi hỏi chính đáng cũng như quan điểm sống cao đẹp – sống phải là chính mình: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Câu nói thể hiện nghịch cảnh của Trương Ba, sự bất nhất của cái bên trong và cái bên ngoài: “bên trong” chính là linh hồn, cảm xúc, tư tưởng, nhân cách cao đẹp của Trương Ba. Hồn là sự tinh anh chi phối điều khiển thể xác. Đối lập bên trong là “bên ngoài” – xác thịt thô phàm của anh hàng thịt. Nhưng “cái bên ngoài” cần hiểu theo nghĩa rộng là hoàn cảnh sống, là bản năng, là nhu cầu tự nhiên, là dục vọng bản năng. Sự tha hóa của linh hồn Trương Ba chính là do linh hồn đã nhượng bộ, đã tự bán mình, tự thỏa hiệp với nhu cầu bản năng. Đây chính là sự dằn vặt, đau khổ, trăn trở của Trương Ba. Cả hai không thể hoà hợp bởi không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục tội lỗi. Tài liệu của thầy Phan Danh Hiếu

Từ đó Trương Ba lên tiếng đòi nhu cầu chính đáng của bản thân: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Đây là khát vọng mãnh liệt của Trương Ba, khát vọng được sống hòa hợp. “Toàn vẹn” nghĩa là phải có sự hòa hợp giữa bên trong và bên ngoài, giữa nội dung và hình thức, giữa thể xác và linh hồn. Không thể có cuộc sống nào mà “hồn này xác kia” được. Cuộc sống không thuận theo lẽ tự nhiên, không thuận theo tạo hóa, sống mà không được là chính mình thì đó là một bi kịch nghiệt ngã.

Trước những yêu cầu của Trương Ba, Đế Thích lại lập luận rằng: Trương Ba nên chấp nhận cuộc sống ấy vì “dưới đất trên trời đều thế cả”. Đế Thích chỉ ra rằng không chỉ Trương Ba đang sống trong cảnh trong ngoài bất nhất, mà mọi người đều như thế cả. Vì vậy Đế Thích khuyên Trương Ba đừng cố gắng làm viên bi lăn ngược vòng mà hãy chấp nhận, hãy biết cách thỏa hiệp, học cách chấp nhận. Đế Thích đã lấy tâm lý đám đông để áp đặt lên quan điểm sống của mình. Đế Thích lấy dẫn chứng về chính ông ta và Ngọc Hoàng cũng không thể sống là chính mình: “Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo như những gì tôi nghĩ ở bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa. Chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng”. Như vậy, theo Đế Thích thì: “không ai được sống là chính mình”. Tài liệu của thầy Phan Danh Hiếu. Bởi sống có nghĩa là tồn tại, còn tồn tại như thế nào thì còn do hoàn cảnh, điều kiện mà con người buộc phải quy thuận. Đây là quan niệm sống sai lầm đáng lên án.

Trương Ba bắt đầu đổi giọng lên án Đế Thích: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”. Trương Ba đưa ra sự so sánh đồ đạc, vật chất và bản thân. Đồ đạc, của cải vật chất mượn của người khác đã là chuyện không nên; còn sống nhờ, sống gửi, sống ký sinh vào thân xác của kẻ khác là điều xấu hổ đáng lên án. Trương Ba thẳng thắn: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Lời thoại đã chỉ trích quan niệm sai lầm của Đế Thích bởi suy nghĩ đơn giản về cuộc sống. Với Đế Thích, sống là tồn tại còn tồn tại như thế nào thì không cần biết. Với Trương Ba, sống không chỉ là sự tồn tại sinh học mà sự tồn tại ấy còn phải là sự tồn tại có ý nghĩa.

Những lời thoại của Trương Ba và Đế Thích ở phần này chủ yếu thiên về cuộc đấu tranh của Trương Ba – đó là cuộc đấu tranh vượt lên nghịch cảnh để chiến thắng bản thân bảo vệ linh hồn cao đẹp.

Phần sau của màn đối thoại chủ yếu thông qua cuộc đấu tranh “tồn tại hay không tồn tại”. Cuộc đấu tranh này toát lên nhân cách cao thượng và đức hi sinh của Trương Ba. Tiếp đến Trương Ba bày tỏ nguyện vọng: “Thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này”. Nhưng Đế Thích bác bỏ vì Đế Thích cho rằng tâm hồn đáng quý của Trương Ba không thể thay thế cho phần hồn tầm thường của anh hàng thịt. Trương Ba lập luận rằng: “Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta… chúng sinh ra là để sống với nhau”.

Để khẳng định với quyết tâm của mình Trương Ba trở nên mạnh mẽ: “Nếu ông không giúp, tôi sẽ nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất”. Ý chí mạnh mẽ của Trương Ba xuất phát từ khát vọng “được sống là chính mình”, và để “được sống là chính mình” lúc này, Trương Ba không có con đường nào khác là cái chết. Vì chỉ khi chết đi, ông mới thực sự là chính mình, mới hoàn nguyên được vẻ đẹp cao khiết của linh hồn mình. Với Trương Ba, thiên đường đẹp nhất để linh hồn có thể trú ngụ sau khi chết chính là phục sinh trong trái tim của những người yêu quý ông.

Lưu Quang Vũ đặt Trương Ba vào một tình huống kịch độc đáo. Sự việc thằng cu Tị con trai độc nhất của chị Lụa chết đã làm cho cuộc đối thoại mang tính bước ngoặt. Đế Thích muốn Trương Ba nhập hồn vào xác cu Tị: “Ông sống trong thân xác thằng bé chắc sẽ ổn”. Câu nói này của Đế Thích một lần nữa cho thấy lối suy nghĩ đơn giản, phiến diện sống là sự tồn tại. Thực chất của lối suy nghĩ này là xuất phát từ chính cuộc sống của Đế Thích. Tiên phật thánh thần chẳng bao giờ chết cho nên sống là để hưởng thụ. Lối sống này ảnh hưởng trực tiếp lên tư tưởng ấy dẫn đến những sai lầm của Đế Thích.

Trước yêu cầu của Đế Thích, Trương Ba ngập ngừng: “Ông cho tôi suy nghĩ một lát đã”. Sự phân vân của Trương Ba cho thấy: sống là đáng quý thật, được tồn tại mãi mãi là điều còn quý giá hơn. Sự phân vân này cũng cho thấy Trương Ba rất ham sống, vẫn muốn được sống. Trương Ba lại tiếp tục trải qua cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội. Ông hình dung thấy trước mắt là cuộc sống tương lai của mình trong cơ thể của một thằng bé lên mười: “Có khi tôi còn phải sang nhà chị Lụa ở… Bà vợ tôi, các con tôi sẽ nghĩ ngợi, xử sự thế nào, khi chồng mình, bố mình mang thân một thằng bé lên mười…”.

Trương Ba thấy mọi sự vô lí nhất là khi ông nhìn thấy được sự cô đơn của bản thân khi: “Vẫn phải sống suốt bao năm tháng dằng dặc. Mình tôi giữa đám người hậu sinh… Tôi sẽ như ông khách ngồi ở nhà người ta… Tôi sẽ bơ vơ lạc lõng”. Điều khiến chúng ta trân trọng ở Trương Ba đó chính là tâm hồn ông cao thượng: “Tôi không thể cướp cái thân thể non nớt của cu Tị” và cũng chính cái chết của cu Tị cùng với khát vọng được cứu sống thằng bé đã khiến Trương Ba trở nên mạnh mẽ. Trương Ba lên tiếng khẩn khoản cầu cứu Đế Thích “Ông hãy cứu nó! Ông phải cứu nó!… vì con trẻ… Ông hãy giúp tôi lần cuối cùng”.

Đế Thích vẫn muốn Trương Ba tiếp tục tồn tại nhưng Trương Ba đã thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù bằng một việc đúng khác”. Ông cũng khuyên nhủ Đế Thích phải làm cho bằng được việc đúng, đó chính là làm cho cu Tị được sống lại. Những suy nghĩ tốt đẹp của Trương Ba và đức hi sinh cao thượng của ông cuối cùng cũng thay đổi được tư duy của Đế Thích. Cu Tị được sống còn Trương Ba trở về với chính mình chứ không còn là “cái vật quái gở mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt nữa”.

Đoạn kết của vở kịch cũng như một bi kịch đẹp của Trương Ba sau màn đối thoại với Đế Thích. Hồn Trương Ba nhập vào cảnh vật quen thuộc trong gia đình và gắn bó trong trái tim những người yêu thương ông. Trương Ba đã phục sinh linh hồn mình trong trái tim của những người yêu thương. Linh hồn ông mãi mãi bất tử trong màu xanh cây vườn và bất tử trong những người yêu mến ông.

Câu nói của trương Ba với Đế Thích: “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” có ý nghĩa của triết lý “hãy sống là chính mình”. Con người tồn tại gồm phần con và phần người. Phần con thuộc về bản năng. Phần người thuộc về nhân cách, sự cao thượng đẹp đẽ của tâm hồn. Phần con và phần người đã tạo ra con người đúng nghĩa. Ở đây hai hình tượng hồn và xác cũng là ẩn dụ cho phần con và phần người. Một bên đại diện cho những gì đẹp đẽ, thanh cao; một bên đại diện cho sự thô tục, thô phàm. Tác giả Lưu Quang Vũ nhấn mạnh không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục. Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống là chính mình, được hoà hợp xác và hồn, trong và ngoài, nội dung và hình thức trong một thể thống nhất toàn vẹn chứ không phải là cuộc sống chắp vá, bất nhất: “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

Muốn sống đúng là chính mình thì mỗi chúng ta cần phải biết hài hoà giữa việc chăm lo cho linh hồn cũng như biết quý trọng và chăm sóc cho những nhu cầu thiết yếu của thể xác. Thông qua đó Lưu Quang Vũ cũng góp phần phê phán hai hạng người: một loại chỉ biết trau chuốt vẻ ngoài và chạy theo những ham muốn vật chất mà không chăm lo cho đời sống tâm hồn. Loại khác thì luôn coi thường những giá trị vật chất, bỏ bê sự chăm sóc bản thân chỉ khư khư giữ cho linh hồn được cao đẹp. Thông qua xác và hồn Lưu Quang Vũ nêu cao tư tưởng phải sống là chính mình đó mới chính là hạnh phúc thật sự của con người. Bởi vậy trong cuộc sống chúng ta phải biết đấu tranh với sự dung tục tầm thường và chiến thắng nghịch cảnh để hoàn thiện nhân cách của bản thân. Có như vậy chúng ta mới được là mình được là chính mình toàn vẹn.

  • Kết bài:

Làm nên thành công của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung, Lưu Quang Vũ đã sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật: Sáng tạo lại cốt truyện dân gian. Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm. Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển tình huống truyện. Có chiều sâu triết lý khách quan.

Xem thêm:  Giá trị nhân văn cao cả trong vở kịch “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ

Phân tích Hồn Trương ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang