nha-tho-le-dat-cho-rang-chu-bau-len-nha-tho-bang-cam-nhan-ve-hai-bai-tho-tu-tinh-ii-ho-xuan-huong-va-tay-tien-quang-dung-anh-chi-hay-binh-luan-y-kien-tren

Nhà thơ Lê Đạt cho rằng: Chữ bầu lên nhà thơ. Bằng cảm nhận về hai bài thơ: Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Tây Tiến (Quang Dũng), anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

Nhà thơ Lê Đạt cho rằng: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Bằng cảm nhận về hai bài thơ: Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Tây Tiến (Quang Dũng), anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

* Gợi ý làm bài:

1. Giải thích ý kiến:

– Chữ: không chỉ hiểu đơn giản là vỏ âm thanh mà quan trọng đó chính là ngôn ngữ được sử dụng, tổ chức một cách nghệ thuật.

– Chữ bầu lên nhà thơ: là khẳng định vai trò của ngôn ngữ đối với nhà thơ. Ngôn ngữ góp phần: chuyên chở điệu hồn thi nhân; khẳng định tài năng, phong cách của người nghệ sĩ; tôn vinh vị thế nhà thơ.

– Ngôn ngữ là chất liệu, yếu tố đầu tiên của văn học. Ngôn ngữ thơ là tinh hoa tối cao của ngôn ngữ, là kiến trúc ngôn từ đặc biệt.

– Bản chất của thơ là trữ tình. Tiếng lòng của nhà thơ chỉ có thể được vang lên, được hữu hình hóa thành câu chữ, âm thanh, nhịp điệu.

– Lao động thơ thực chất là lao động chữ nghĩa, đòi hỏi tài năng, sự sáng tạo và tâm huyết của nhà thơ.

2. Cảm nhận về hai bài thơ: Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Tây Tiến (Quang Dũng):

– Cảm nhận bài thơ Tự tình II:

+ Sử dụng các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc, đường nét với sắc thái đặc tả mạnh: những động từ chỉ tình thái (dồn, trơ, xế, xiên ngang, đâm toạc,…), những tính từ chỉ trạng thái (say, tỉnh, khuyết, tròn,…).

+ Phối hợp, tổ chức ngôn ngữ một cách sáng tạo: nghệ thuật đối, đảo ngữ, cách ngắt nhịp,…

⇒ Bằng cách sử dụng, tổ chức ngôn ngữ sáng tạo, tài tình, Hồ Xuân Hương đã bộc lộ được tâm trạng bất mãn với cuộc đời, số phận và niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi.

– Cảm nhận bài thơ Tây Tiến:

+ Phối hợp, hòa trộn nhiều sắc thái phong cách ngôn ngữ với những lớp từ vựng đặc trưng. Có ngôn ngữ trang trọng mang màu sắc cổ kính (đoàn binh, viễn xứ, biên cương, khúc độc hành,…); lại có ngôn ngữ thông tục, sinh động của tiếng nói hàng ngày (bỏ quên đời, cọp trêu người, không mọc tóc, chẳng tiếc đời xanh,…).

+ Kết hợp từ độc đáo, mới lạ tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới cho từ ngữ (nhớ chơi vơi, súng ngửi trời, mưa xa khơi, hoa đong đưa, dáng kiều thơm,…).

+ Sử dụng hệ thống các địa danh vừa tạo ấn tượng về tính cụ thể, xác thực của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người lại vừa gợi được sự hấp dẫn xứ lạ phương xa.

+ Sử dụng thể hành với những câu thơ phối hợp đan xen thanh điệu bằng, trắc tạo nên giọng điệu thơ bi tráng.

⇒ Những nét đặc sắc, tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ của Quang Dũng đã khắc họa nỗi nhớ da diết của nhà thơ về người lính Tây Tiến hào hùng và hào hoa trên nền thiên nhiên miền Tây hùng hiểm và thơ mộng.

3. Đánh giá vai trò của ngôn ngữ ở hai bài thơ trong việc “bầu lên nhà thơ”:

– Cách sử dụng, tổ chức ngôn ngữ độc đáo trong bài Tự tình II đã góp phần tôn vinh nhà thơ Hồ Xuân Hương xứng đáng là nhà thơ của phụ nữ, “Bà chúa thơ Nôm” (Xuân Diệu).

– Những nét đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng chất liệu ngôn từ ở bài thơ Tây Tiến đã góp phần khẳng định sự tài hoa, tinh tế của nhà thơ Quang Dũng – “áng mây trắng xứ Đoài”.

4. Bình luận ý kiến của Lê Đạt:

– Lời chia sẻ của Lê Đạt chính là tâm niệm sâu sắc của người nghệ sĩ luôn ý thức cao về nghề: chọn lựa chữ, nghiêm khắc với chữ trong thơ cũng chính là sự chọn lựa của tình yêu và trách nhiệm với ngòi bút của mình.

– Ý kiến cũng là một định hướng, gợi mở cho người đọc khi đến với thơ: đọc thơ cần giải mã được cấu trúc ngôn từ để lắng nghe điệu hồn thi nhân; để trân trọng tài năng, sự lao động sáng tạo của nhà thơ.

– Tuy nhiên, khẳng định vai trò của ngôn ngữ với nhà thơ không có nghĩa là coi việc làm thơ chỉ là gò câu, đúc chữ, rơi vào chủ nghĩa hình thức cực đoan.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang