cam-nhan-ve-dep-nguoi-nong-dan-viet-nam-qua-nhan-vat-ong-hai-trong-truyen-ngan-lang-cua-kim-lan

Cảm nhận vẻ đẹp người nông dân Việt Nam qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

Cảm nhận vẻ đẹp người nông dân Việt Nam qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân. Từ đó liên hệ đến nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao để thấy nét chuyển biến trong tình cảm, tư tưởng của người nông dân.


Gợi ý làm bài:

  • Mở bài:

Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn và có sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám. Những cảnh ngộ của người nông dân và sinh hoạt làng quê là đề tài sáng tác chủ yếu của ông. Truyện ngắn “Làng” được viết năm 1948, in trên tạp chí Văn nghệ (số 1), là một tác phẩm thành công của văn học Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Qua nhân vật ông Hai, nhà văn đã khắc họa thành công vẻ đẹp người nông dân Việt Nam ở thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

  • Thân bài:

Vẻ đẹp của người nông dân tập trung thể hiện ở tình yêu làng xóm, yêu quê hương; tình cảm này bộc lộ qua diễn biến tâm trạng, hành động của nhân vật ông Hai trong hai thời điểm:

Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc: ông đau đớn, bẽ bàng đến mức “cổ…nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân,… lặng đi, tưởng như đến không thở được ”, ‘‘nước mắt ông lão giàn ra” khi trò chuyện với đứa con út. Một người vui tính, hay chuyện, mong ngóng tin tức của làng mình mà lúc này phải vờ đứng lảng ra chỗ khác ”rồi cúi gằm mặt đi thẳng, lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ.

Khi ở nhà, ông “nằm vật ra giường”; nhìn đàn con chơi đùa bất giác ông nghĩ đến sự hắt hủi của mọi người dành cho những đứa trẻ cửa cái làng Việt gian này. Ông băn khoăn khi kiểm điểm từng người trụ lại làng, “trằn trọc không sao ngủ được ”, “hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài”, “chân tay nhủn ra…    như không cất lên được ”.

Khi biết được thông tin cải chính về việc trên: tâm trạng ông Hai khác hận; ông tươi vui, rạng rỡ hẳn lên, chia quà cho con, lật đật báo tin với mọi người. Cảm động nhất chính là việc ông sung sướng, tự hào khoe nhà ông bị giặc đốt cháy như minh chứng cho sự hi sinh, đóng góp của gia đình ông vào sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

* Mở rộng, liên hệ với truyện ngắn Lão Hạc:

Nhân vật lão Hạc: người nông dân trước cách mạng với sự lương thiện, giàu lòng tự trọng, tình thương con sâu sắc. Xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy người nông dân ấy vào chỗ bần cùng hóa, cái nghèo cái đói khiến lão Hạc phải chọn cách kết thúc cuộc đời mình bằng bã chó để giữ được nhân cách.

Nhân vật ông Hai: người nông dân trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp; bên cạnh tình yêu gia đình, thương con, còn có tình yêu làng xóm quê hương tha thiết. Hơn thế, ông Hai có thêm tình cảm mới mà cách mạng đem đến cho thế hệ nông dân như ông – tình cảm thủy chung son sắt với cách mạng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Hai đến với cách mạng với tình cảm tự nhiên, tinh thần tự nguyện và tự giác. Tình yêu làng quê ở nhân vật ông Hai là tình cảm chung của người Việt Nam từ bao đời nay. Thời đại cách mạng đem đến cho người nông dân tình cảm mới mẻ – tình yêu làng hòa vào tình yêu nước thiết tha, nồng thắm.

Từ lão Hạc đến nhân vật ông Hai, trong tình cảm, tư tưởng của người nông dân Việt Nam có sự chuyển biến tích cực: từ tình yêu gia đình, làng xóm quê hương phát triển thành tình yêu nước, trung thành với cách mạng.

  • Kết bài:

Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến.Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất,hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Cảm nhận nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang