Phân tích hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ cùng tên của Huy Cận
- Mở bài:
Huy Cân quê ở Hà Tĩnh, là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thơ ông có sự thay đổi khi nhìn con người giữa cuộc đời, con người gắn bó trong các mối quan hệ xã hội hòa hợp tin yêu. “Đoàn thuyền đánh cả” in trong tập Trời mỗi ngày sáng, được tác giả viết vào nửa cuối năm 1958 sau chuyến đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh, hòa trong khí hào hứng, phấn chấn, tin tưởng khi miền Bắc được giải phóng và đi vào xây dựng cuộc sống mới. Và hình ảnh đoàn thuyền đánh cá được tái hiện gắn với những hoạt động trong các thời điểm khác nhau là điểm sáng nghệ thuật của bài thơ.
- Thân bài:
Trong lúc mọi vật nghỉ ngơi thì “đoàn thuyền đánh cá ra khơi” với “câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Thuyền đi không phải một chiếc mà là cả một “Đoàn thuyền”, điều đó chứng tỏ việc ra khơi không hề đơn lẻ. Đó là sự gắn bó, đoàn kết, tinh thần lao động tập thể là truyền thống từ ngàn xưa của nhân dân ta. Tác giả đã sử dụng từ “lại” để nói về hoạt động của đoàn thuyền; vừa diễn tả một hoạt động lặp đi lặp lại trong những khoảng thời gian nhất định vừa biểu thị ý so sánh ngược chiều: đất trời vào đêm nghỉ ngơi mà con người bắt đầu lao động.
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”, chứng tỏ đây không phải là lần đầu tiên đoàn thuyền ấy ra khơi, nhưng hoạt động ấy vẫn lặp đi lặp lại thường xuyên như một thói quen thường ngày. Nó ấn định thời gian rất cụ thể, cứ theo định kì, mỗi khi hoàng hôn buông xuống thì những người ngư dân lại giăng buồm ra khơi. Và họ ra khơi không phải trong lặng thầm, yên ắng mà với tiếng hát cất cao vang động cả biển trời.
Câu thơ vừa lãng mạn vừa khỏe khoắn với hình ảnh ẩn dụ “câu hát căng buồm” khi tác giả đã biến cái ảo thành cái thực tạo khí thế phơi phới, mạnh mẽ của đoàn thuyền. Có sự đối lập giữa thiên nhiên và con người: thiên nhiên khép lại ngơi nghỉ, con người mở ra hoạt động; thiên nhiên đi vào đếm tối khi ngày đã tàn, con người bừng lên ánh sáng của nhiệt tình, hăng say lao động. Qua sự tương phản ấy, tác giả cho chúng ta thấy rõ được tinh thần lao động khẩn trương của con người.
Với trí tượng tượng phong phú, bay bổng của mình, tác giả đã miêu tả cận cảnh con thuyền đánh cá giữa đêm trăng trên biển rất độc đáo: con thuyền ấy được cấu tạo những bộ phận đều từ thiên nhiên – gió làm bánh lái (lái gió); trăng là cánh buồm {buồm trăng). Độc đáo như vậy nên cũng cần một không gian đặc biệt để thỏa sức vẫn vùng tung hoành – “lướt giữa mây cao với biển bằng”. Không phải “đi” mà là “lướt” giữa “biển bằng”, thậm chí là bay cùng với “mây cao”.
Con thuyền của trí tưởng tượng kì vĩ và lẫm liệt vươn tới. Con thuyền của cảm hứng vũ trụ diệu kì tiếp tục được đặc tả với rất nhiều động từ liên tiếp như: “đậu”, “dò”, “dàn đan”, “vây giăng” giúp chúng ta hình dung được hoạt động của những người ngư phủ rất khẩn trương, đồng thời hoạt động của họ còn được nâng tầm: đánh cá cũng như đánh trận cũng phải bày binh bố trận như một cuộc chiến đấu, cũng phải phối hợp với nhau cách ăn ý, nhịp nhàng để có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Ngư dân đã phải ra tận khơi xa, dò sâu dưới đáy biển để tìm được những luồng cá lớn. Nhưng điều quan trọng không phải ở đó mà cái chính tác giả muốn nói đến là sự đoàn kết của những người ngư dân đã chinh phục được biển cả mênh mông, là sức mạnh của lòng lạc quan mang đến cho họ tầm vóc lớn lao bao trùm cả thiên nhiên cao rộng.
Từng loài cá xuất hiện là lưới nặng thêm, là niềm vui nhân lên, là hăng say tiếp nối. Những đàn cá ùa vào lưới cho cảm hứng lạc quan tràn khắp đoạn thơ khiến người đọc ấn tượng. Quan trọng hơn, ta thấy trong không khí lao động ấy sự tinh tế trong cảm nhận của người ngư dân. Con cá song “lấp lánh đuốc đen hồng” và nhịp thở lóng lánh sao trời của biển đêm theo con sóng vỗ xôn xao đi vào thơ ca thật thú vị.
Không chỉ miêu tả cảnh biển nhà thơ còn nói lên tâm sự của những người ngư dân trên biển cả với tiếng hát cất lên “gọi cả vào”. Tiếng hát đã đưa con thuyền ra khơi và bây giờ tiếng hát đó tiếp tục vang vọng biển khơi để tiếp sức cho con thuyền hăng say lao động. Đó còn là vọng âm của những khát khao to lớn mong thu hoạch được nhiều cá mang về làm giàu cho quê hương, đất nước. Tiếng hát đó hòa quyện với thiên nhiên, khi tiếng gõ thuyền để xua cá vào lưới giờ đây là nhịp trăng reo.
Tiếng hát làm cho không khí lao động càng khẩn trương hơn. “Kéo xoăn tay” là một cụm từ giàu sức gợi, giúp ta hình dung bàn tay khỏe khoắn của những người dân chài lưới và cả tốc độ kéo lưới hối hả để nhanh chóng đưa những “chùm cá nặng” vào bên trong khoang thuyền. Và chỉ với tác giả kín đáo sự tự hào, kiêu hãnh của một tập thể đầy sức mạnh chứ không còn là cái ta nhỏ bé, đơn côi giữa cô đơn đất trời. Những “chùm cá nặng” nằm yên trên khoang thuyền với lung linh bao màu sắc sáng tươi: bạc, vàng, hồng.
Chính những màu sắc đó đã ,nối vào cảnh bình minh đang lên thật ấn tượng. Ánh sáng, niềm vui không chỉ đem lại từ mặt trời ló dạng mà còn từ thành quả lao động (vảy bạc đuôi vàng) của con người. Những người ngư dân lại chuẩn bị xếp buồm lên ”quay trở vào bờ trong nắng mai rực rỡ. Hình ảnh “nắng hồng” có thể tượng trưng cho ánh nắng của một ngày mới, ánh nắng của một cuộc đời mới, cuộc đời tràn đầy niềm vui. Mà ở đó, những người lao động có thể làm chủ cuộc đời mình và phấn khởi, lạc quan với những thành quả của một chuyến ra khơi mĩ mãn.
Cũng vẫn là cấu hát ra khơi ấy và giờ đây nó đưa đoàn thuyền trở về. Câu thơ được điệp lại, nhưng có vẻ hối hả hơn với tư thế mới “chạy cùng mặt trời”. Biện pháp tu từ nhân hóa vừa phản ánh thói quen của ngư dân (đưa cá về bến trước khi trời sáng) vừa thể hiện niềm tin tưởng, hi vọng của họ trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong cuộc đua với thòi gian con người đã chiến thắng. Khi mặt trời vừa đội biển mà lên, đem màu đỏ sáng cho đất trời thì đoàn thuyền đã về bến từ lâu. Chính ánh nắng ban mai đó đã làm cho thành quả của những người ngư dân thêm rực rỡ, huy hoàng.
Biện pháp thậm xưng kết hợp với hoán dụ trong hình ảnh: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” đã vẽ nên cảnh bội thu và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân vùng biện. Đoàn thuyền đi trên biển, giữa màu hồng rạng rỡ tinh khôi và ánh mặt trời phản chiếu trong muôn ngàn mắt cá khiến nhà thơ liên tưởng đến hàng ngàn những mặt trời nhỏ xíu đang tỏa rạng niềm vui. Bài thơ miêu tả cảnh đánh bắt cá trong đêm nhưng lại lung linh lấp lánh ánh sáng của trăng, sao, của cá, ánh sáng của mặt trời xuống biển. Và bây giờ là ánh sáng của mặt trời đội biển khiến hai dòng cuối tràn đầy ánh nắng, tràn đầy niềm vui tươi phấn khởi của người dân chài và tinh thần hào hứng của họ khi về bến với thành quả tuyệt vời.
- Kết bài:
Bằng ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, gợi tả, gợi cảm, bút pháp lãng mạn được phát huy tối đa giá trị (với các biện pháp nghệ thuật đối lập, so sánh, nhân hóa, phóng đại), tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh đoàn thuyền đánh cá và bức tranh lao động khỏe khoắn, sôi nổi có sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong bao hình ảnh ấn tượng (mặt trời, biển cả, ngư dân và đoàn thuyền đánh cá). Bài thơ thể hiện nguồn cảm hứng ngợi ca vô tận về biển cả lớn lao tươi đẹp và nhiệt tình hăng say vì một đất nước mạnh giàu của những con người lao động mới.