Cảm nhận ý nghĩa đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (Trích Chinh Phụ Ngâm, Đặng Trần Côn)
- Mở bài:
Có thể nói Chinh phụ ngâm khúc là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Lấy đề tài chiến tranh, Đặng Trần Côn đã phơi bày toàn bộ bộ mặt xã hội phong kiến đương thời. Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc của tuổi trẻ được tác giả đề cập không chỉ trên phương diện tinh thần, mà ít nhiều mang màu sắc một sự khát khao mãnh liệt được gần gũi, được ân ái, trong sự đối lập với lý tưởng công danh của chế độ phong kiến, thể hiện một giá trị nhân đạo sâu sắc.
- Thân bài:
Tám câu đầu là tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.
Hai câu đầu nhà thơ tả tâm trạng nàng chinh phụ qua hành động:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”.
Hai câu thơ diễn tả hình ảnh người chinh phụ đang lặng lẽ “dạo hiên vắng”, thẫn thờ đếm bước chân mình “thầm gieo từng bước”. Nhịp thơ chậm gợi cảm giác như thời gian ngưng đọng. Giữa không gian tịch mịch, tiếng bước chân như gieo vào lòng người âm thanh lẻ loi, cô độc, sầu muộn, khắc khoải. Vào trong phòng, nàng hết buông rèm xuống rồi lại cuốn rèm lên. Những hành động lặp đi lặp lại một cách vô thức càng làm nổi bật hình ảnh con người mang tâm trạng cô đơn, lẻ loi.
Sáu câu tiếp theo diễn tả tình cảnh người chinh phụ:
“Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết?
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương!”.
Nàng như ngóng chờ một tiếng chim thước báo tin khách phương xa về nhưng tin người vẫn biệt tăm. Nàng quay vào phòng vắng đối diện với ngọn đèn khuya mà khắc khoải. Điệp ngữ bắc cầu: “đèn biết chăng – đèn có biết” như diễn tả tâm trạng rối bời, sự cô đơn không người thấu hiểu. “Đèn biết chăng – đèn có biết” còn là lời than thở, nỗi khắc khoải đợi chờ.
Không gian im ắng, chỉ có ngọn đèn đối diện với nàng. Lúc đầu, nàng tưởng như ngọn đèn biết tâm sự của mình, nhưng rồi lại nghĩ: Đèn có biết dường bằng chẳng biết, bởi nó là vật vô tri vô giác. Nhìn ngọn đèn chong suốt năm canh, dầu đã cạn, bấc đã tàn, nàng chợt liên tưởng đến tình cảnh của mình và trong lòng rưng rưng nỗi thương thân tủi phận: Hoa đèn kia với bóng người khá thương! Đó là cảm giác lúc nào và ở đâu cũng thấy lẻ loi: ban ngày, ban đêm, ngoài phòng, trong phòng. Nỗi cô đơn tràn ngập không gian và kéo dài vô tận theo thời gian luôn đeo đẳng, ám ảnh nàng.
Tám câu tiếp theo là nỗi sầu muộn của người vợ. Thời điểm là đêm tối về sáng, chứng tỏ người chinh phụ đã thức cả đêm dài:
“Gà eo óc gáy sương năm trống
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên”.
Tác giả đã dùng cảnh vật thiên nhiên, để miêu tả tâm trạng con người, dùng khách quan để tả chủ quan. Tiếng gà “eo óc” báo hiệu canh năm, chứng tỏ người vợ trẻ xa chồng, đã thao thức suốt cả đêm. Tiếng gà gáy báo canh năm làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch, vắng lặng. Cây hòe phất phơ rủ bóng trong ánh sáng lờ mờ của ban mai gợi cảm giác buồn bã, hoang vắng. Giữa không gian ấy, người chinh phụ cảm thấy mình nhỏ bé, cô độc biết chừng nào!
Bên cạnh đó, dòng thời gian được cảm nhận bằng tâm lý cũng cho thấy sự đợi chờ mòn mỏi của người chinh phụ:
“Khắc chờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”.
Trong sự chờ đợi, người chinh phụ thấy một khoảng thời gian ngắn mà dài như cả năm trường, mối sầu trào dâng như biển lớn mênh mang. Những trạng từ “đằng đẵng”, “dằng dặc” tạo nên âm điệu buồn thương, ngân xa như tiếng thở dài của người thiếu phụ đăm đắm chờ chồng. Người chinh phụ cố gắng tìm mọi cách để vượt ra khỏi vòng vây của cảm giác cô đơn đáng sợ nhưng vẫn không sao thoát nổi. Rút cuộc, hình bóng người chinh phụ có xuất hiện trở lại thì trước sau vẫn là nỗi chán chường, buông xuôi, gượng gạo.
“Hương gượng đốt“, “Gương gượng soi“, “Sắt cầm gượng gảy” mà không sao che đậy nổi một tâm trạng đau buồn : “hồn đà mê mải“, “lệ lại châu chan” và “Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”. Những hành động: gảy, soi, đốt,… gắn liền với các đồ vật như đàn, hương, gương – vốn là những thú vui tao nhã, những thói quen thanh nhã của người chinh phụ giờ đây thành miễn cưỡng, gượng gạo, chán chường. Nàng đốt hương để tìm sự thanh thản mà hồn lại mê man, bấn loạn; Soi gương mà không cầm được nước mắt; dây đàn, phím đàn chỉ nhắc cảnh chia li và nỗi chia lìa ám ảnh dây đứt, phím chùng… Nhắc đến hai điển tích “dây uyên” và “phím loan”, tác giả đã tinh tế gợi đến khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Hai từ “kinh”, “sợ” xuất hiện trong một dòng thơ như một cơn sóng dữ ào lên rồi lênh láng trong lòng người chinh phụ.
Tám câu cuối là nỗi nhớ thương đau đáu. Dường như trong tâm trạng chán chường, người chinh phụ bắt gặp ngọn gió đông, trong nàng loé lên một nguồn hi vọng. Nàng van nài cả gió đông để gửi thương nhớ tới nơi chồng “Lòng này gửi gió đông có tiện/ Nghìn vàng xin gửi tới non Yên”. Câu hỏi ở đầu cùng việc sử dụng nhiều từ trang trọng: có tiện, nghìn vàng, xin thể hiện sự nhún mình, sự năn nỉ ngọn gió. Nhưng đó là mong ước phi thực tế, hi vọng loé lên rồi vụt tắt ngay. Chỉ có nỗi nhớ là hiện thực “Non Yên dù chẳng tới miền/ Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời”. Nỗi nhớ được cụ thể hoá bằng hình ảnh độc đáo: “đường lên bằng trời”. Tác giả còn dùng từ láy “thăm thẳm” chỉ độ sâu để miêu tả chiều sâu vô tận của nỗi nhớ. Nó cho thấy nỗi nhớ sâu sắc, kéo dài đến mức đã lặn vào tâm hồn người chinh phụ.
Hai câu thơ cuối cùng khép lại đoạn thơ là nỗi buồn bã, lạnh lẽo bao trùm “Cảnh buồn người thiết tha lòng / Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”. Cái lạnh như ăn mòn mọi thứ. Qua biện pháp ẩn dụ cùng việc sử dụng các động từ mạnh, ta cảm thấy từ giọt sương, tiếng trùng đến mưa xuân cũng như ẩn tàng một sức mạnh ghê gớm. Ở đây, thiên nhiên và con người đã soi chiếu vào nhau, cùng mang chung nỗi sầu. Đúng như Nguyễn Du đã nói:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Từ “thiết tha” được đảo lên trước từ lòng để nhấn mạnh tâm trạng người chinh phụ. Giờ đây, nỗi buồn đã chuyển thành nỗi đau trong lòng người.
- Kết bài:
Bằng bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tác giả đã diễn tả được những diễn biến phong phú, tinh vi các cung bậc tình cảm của người chinh phụ. Cảnh cũng như tình được miêu tả rất phù hợp với diễn biến của tâm trạng nhân vật. Thông qua tâm trạng đau buồn của người chinh phụ đang sống trong tình cảnh lẻ loi vì chồng phải tham gia vào những cuộc tranh giành quyền lực của các vua chúa, tác giả đã đề cao hạnh phúc lứa đôi và thể hiện tinh thần phản kháng đối với chiến tranh phi nghĩa. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã toát lên tư tưởng chủ đạo trong văn chương;một thời, đó là tư tưởng đòi quyền sống quyền được hưởng hạnh phúc rất chính đáng của con người.
Bài văn tham khảo 1:
- Mở bài:
Tác giả Đặng Trần Côn là một danh sĩ nổi tiếng, sống ở thế kỉ XVIII. Ông còn có nhiều tác phẩm, nổi tiếng hơn cả là Chinh phụ ngâm. Bản diễn Nôm (giới thiệu trong sách giáo khoa) tương truyền là của Đoàn Thị Điểm. Dịch giả Đoàn Thị Điểm là một nữ sĩ tài danh sống cùng thời với Đặng Trần Côn. Chinh phụ ngâm là tác phẩm mở đầu, cũng là tác phẩm đặc sắc nhất của thể loại ngâm khúc, một thể loại trữ tình rất phát triển ở thế kỉ XVIII. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ tập trung khắc hoạ tình cảnh lẻ loi và nỗi nhớ thương da diết của người chinh phụ đối với chinh phu trong những ngày dài biền biệt xa cách; qua đó bộc lộ tinh thần nhân đạo sâu sắc của tác giả.
- Thân bài:
Tám câu đầu miêu tả nỗi cô đơn, lẻ bóng của người chinh phụ Hai câu thơ đầu:
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Không bất tri sầu như khuê phụ trong Khuê oán của Vương Xương Linh, rõ ràng, chinh phụ trong khúc ngâm của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm đang mang trong mình tâm sự. – Các hành động dạo, thầm gieo, ngồi, buông – cuốn rèm. Hành động lặp đi lặp lại không mục đích, vô nghĩa, biểu lộ tâm tư trĩu nặng và nỗi bồn chồn, khắc khoải không biết chia sẻ cùng ai trong lòng chinh phụ. Bên ngoài, tưởng như chinh phụ là người an nhàn, thảnh thơi nhưng thực chất nàng đang phải sống trong một tình cảnh hết sức tội nghiệp, đáng thương: chồng nàng đi biền biệt, tuổi xuân của nàng đang dần phai tàn theo năm tháng.
Phép điệp liên hoàn kết hợp với câu hỏi tu từ:
“Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”.
Thể hiện nỗi khắc khoải đợi chờ, trông ngóng chồng trở về từ chiến trận. Hình ảnh chinh phụ trông chim thước mang tin vui về giống hình ảnh nàng Kiều mong ngóng Từ Hải: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời, Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm. Lời thơ như lời độc thoại nội tâm da diết, dằn vặt, rất thương, rất ngậm ngùi của nhân vật bởi Ngoài rèm thước chẳng mách tin, nàng hi vọng rồi lại vô vọng.
Biết là vô vọng nhưng nàng vẫn cố hoài nghi, kiếm tìm chút đồng cảm: Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng? Trước chinh phụ, đã có biết bao người con gái “hỏi đèn”: Đèn thương nhớ ai Mà đèn không tắt. nhưng có lẽ chẳng ai phải đối diện với nỗi vô vọng như chinh phụ.
Ngọn đèn xuất hiện trước hết báo hiệu sự thay đổi về thời gian, nỗi nhớ mong chuyển từ ngày sang đêm. Đó là đốm sáng nhỏ nhoi giữa đêm tối mênh mông để khắc sâu hơn nỗi cô đơn, lẻ bóng của chinh phụ. Chỉ có một mình nàng cô đơn, đau khổ, một mình nàng thấm thía, xót thương cho tình cảnh của mình, Một mình mình biết, một mình mình. Các hình ảnh hoa đèn, bóng người ở câu thơ sau thể hiện sự lụi tàn, héo úa, mòn mỏi theo canh dài. Như Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, người chinh phụ cũng chỉ biết chuyện trò với ngọn đèn, với cái bóng của chính mình đến tàn canh.
Lời thơ chan chứa niềm xót thương, đồng cảm đối với người phụ nữ. Vì đâu người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải cô đơn, mòn mỏi? Vì đâu những người chinh phụ phải một mình chôn vùi tuổi xuân ở chốn khuê phòng? Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm không trực tiếp trả lời nhưng những hình ảnh thơ các tác giả đã sáng tạo chính là bản cáo trạng đanh thép đối với chiến tranh phi nghĩa
Tám câu tiếp miêu tả nỗi sầu muộn triền miên của người thiếu phụ. Tâm trạng ấy được thể hiện qua cảm nhận về thời gian tâm lí:
Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa
Đêm, tiếng gà nhức nhối suốt năm canh, cho thấy người vợ trẻ xa chồng đã thao thức suốt cả đêm. Ngày, bóng hoè lơ đãng hết dời sang bên này lại chuyển đến bên nọ, chinh phụ như đếm từng bước thời gian nặng nề trôi mà cảm nhận một khắc giờ đằng đẵng như niên.
Biện pháp so sánh: như niên, tựa miền biển xa để cụ thể hóa mối sầu dằng dặc. Các từ láy đôi đằng đẵng, dằng dặc kết hợp với phép so sánh như niên, tựa miền biển xa đã cụ thể hoá nỗi sầu muộn trong lòng nàng. Nỗi sầu của người chinh phụ trở nên bất tận, nỗi lòng chinh phụ mênh mang, dằng dặc.
Để giải toả nỗi sầu, nàng cố tìm đến những thú vui như: soi gương, đốt hương, gảy đàn nhưng tất cả đều gượng – miễn cưỡng:
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.
Thế nhưng, đốt hương, soi gương hay đánh đàn cũng chỉ là hành động gượng, sầu chẳng những không được giải toả mà còn nặng nề hơn. Đốt hương để tìm sự thanh thản, song tâm hồn nàng lại như thêm mê man, bấn loại. Soi gương để trang điểm song gương mặt lại chan chứa nước mắt, bởi vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai.
Nàng chỉ gượng gảy đàn sắt đàn cầm vì không thấy phù hợp, đặc biệt sợ dây đàn chùng hay đứt vì người xưa xem đó là điềm gở, báo hiệu sự không may trong tình vợ chồng. Người chinh phụ càng cố gắng tìm cách vượt ra khỏi vòng vây của cảm giác cô đơn, nhưng rốt cuộc vẫn không thoát nổi. Nàng đành ngẩn ngơ trở về với lòng mình.
Tuy vẫn không vượt ra ngoài các biện pháp nghệ thuật các hình ảnh ẩn dụ tượng trưng mang tính ước lệ của thi pháp trữ tình trung đại nhưng ở những câu thơ này người đọc vẫn cảm nhận được sự chân thật trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Tám câu cuối là nỗi nhớ thương đau đáu, mong mỏi đến tuyệt vọng. Khi nỗi cô đơn, buồn khổ trong lòng không thể chia sẻ cùng ai được, nàng đã phải gửi nó vào gió nỗi nhớ chồng khôn xiết:
Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.
Khi trước, nỗi sầu của nàng được so sánh với độ dài của không gian xa rộng: Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa. Đến đoạn thơ này, nỗi nhớ được thể hiện qua một khao khát cháy bỏng – gửi lòng mình đến non Yên – mong được chồng thấu hiểu, sẻ chia.
Nỗi nhớ thương đau đáu của chinh phụ được so với không gian vô tận, không có điểm dừng, mông lung, vời vợi Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời. Mức độ của nỗi nhớ được gợi lên qua những từ láy toàn phần thăm thẳm (điệp 2 lần), đau đáu. Thăm thẳm vừa là nói nỗi nhớ người yêu, vừa là con đường đến chỗ người yêu, cũng là con đường lên trời. Câu thơ phong phú, đúc một khối tình phổ vào một hình thức đơn giản, trọn vẹn. Chưa khi nào trong văn học Việt Nam, nỗi nhớ chồng được thể hiện một cách da diết, sâu thẳm, mênh mang, cao vợi như thế. Có lẽ đây là nỗi nhớ dài nhất trong văn học xưa nay. Nhưng cũng đáng thương thay, khao khát của nàng không được đền đáp vì sự xa cách về không gian quá lớn (đường lên bằng trời).
Nỗi lòng người chinh phụ đã vuột ra khỏi phạm vi tâm trạng của một con người, mà cất lên tiếng nói thay cho bao người phụ nữ cùng chung số phận như nàng. Những dòng thơ Chinh phụ ngâm đâu chỉ được viết bằng sự đồng cảm, nó còn được viết bằng nỗi xót thương đến tột cùng của người nghệ sĩ.
Bằng những hình ảnh ẩn dụ cho nỗi buồn chất chứa , sự mòn héo của cảnh vật . 8 câu thơ cuối đã diễn tả nỗi nhớ da diết , nhớ tới thầm đau của người chinh phụ .Nỗi đau được chuyển từ lòng người sang cảnh vật. Hàng loạt những hình ảnh ẩn dụ, từ ngữ gợi tả lại càng xoáy mạnh vào nỗi đau trong lòng người chinh phụ. Qua đó người đọc cũng cảm nhận được một cách sâu sắc niềm thương cảm, thấu hiểu của tác giả đối với nỗi đau của người phụ nữ có chồng ra trận .
Với thể thơ song thất lục bát, cách dùng từ, hình ảnh ước lệ, điệp từ điệp ngữ, nghệ thuật miêu tả nội tâm, đoạn thơ đã thể hiện 1 cách tinh tế những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau của nỗi cô đơn buồn khổ ở nàng khao khát được sống trong hạnh phúc, tình yêu lứa đôi. Đoạn trích còn thể hiện tấm lòng yêu thương, cảm thong sâu sắc của tác giả với những khát khao hạnh phúc chính đáng của người thiếu phụ, cất lên tiếng kêu nhân đạo, phản đối chiến tranh phi nghĩa
- Kết bài:
Đoạn trích là tiếng kêu thương tâm của người phụ nữ nhớ chồng nơi chinh chiến. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ một mặt có ý nghĩa tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy bao nhiêu người trai ra trận để biết bao chinh phụ héo hon tựa cửa chờ chồng, mặt khác lên tiếng nói tình cảm và sự ý thức về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ ngay giữa cuộc đời trần thế này. Tác phẩm đã khẳng định những giá trị nhân văn cao cả mà khúc ngâm đã đem lại, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của giai đoạn văn chương thế kỷ XVIII trong quá trình phát triển của nền văn học dân tộc.