Cảm nhận vẻ đẹp nhân cách nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn”.

cam-nhan-ve-dep-nhan-cach-nha-nho-nguyen-binh-khiem-qua-bai-tho-nhan

Cảm nhận vẻ đẹp nhân cách nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn”.

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm: là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam thế kỷ XVI.

– Giới thiệu tác phẩm Nhàn: là bài thơ tiêu biểu, thể hiện rõ nét cuộc sống và tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

– Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: Bài thơ thể hiện vẻ đẹp nhân cách nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm: cuộc sống thanh nhàn, đạm, bạc, xem thường lợi danh.

  • Thân bài:

1.  Chủ động tìm đến cuộc sống giản dị, đạm bạc:

+ Ông chủ động tìm đến cuộc sống “nơi vắng vẻ” để rời xa nơi quan trường thị phi luôn ẩn chứa những lọc lừa, thủ đoạn.

+ Ông giống như một lão nông sống cuộc sống tự cung tự cấp với các dụng cụ mai, cuốc, cần câu.

+ Dù cho mọi người xung quanh có những thú vui khác thì ông vẫn kiên định với lối sống của mình.

+ Những bữa ăn đạm bạc với măng trúc, giá đỗ và nếp sinh hoạt nhịp nhàng của bốn mùa xuân – hạ – thu – đông.

2. Xem thường danh lợi, giữ gìn khí tiết nhà Nho.

+ Tự cho mình là kẻ ngu dại nhưng thực chất đó là cái dại của con người có bản lĩnh.

+ Ông quan niệm phú quý giống như một giấc chiêm bao và lên tiếng cảnh tỉnh con người hãy đủ tỉnh táo để không bị danh lợi cám dỗ.

  • Kết bài:

– Khẳng định nhân cách nhà Nho của Nguyễn Bỉnh Khiêm.


* Tham Khảo:

Cuộc sống thanh nhàn và nhân cách cao cả của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho uyên thâm nổi tiếng trong thời kì phân tranh Trịnh – Nguyễn. Sống trong thời loạn lạc, ông không ủng hộ thế lực phong kiến nào mà tìm đường lui về quê ẩn dật theo đúng lối sống của đạo Nho. Bài thơ Nhàn là một trong những tác phẩm viết bằng chữ Nôm, rút trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập của ông. Bài thơ cho thấy một phần cuộc sống và quan niệm sống của tác giả trong xã hội loạn lạc hiện thời. Cuộc sống hiện lên trong bài thơ là cuộc sống giản dị, đạm bạc (đơn giản) nhưng thanh cao, trong sạch, khẳng đinh nhân cách nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm: ẩn tức kỳ trung.

Mở đầu bài thơ là hai câu thơ:

“Một mai một quốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Với cách sử dụng số đếm:” một” rất linh hoạt, nhịp thơ ngắt nhịp đều đặn 2/2/3 kết hợp với hình ảnh những dụng cụ lao động nơi làng quê: mai, cuộc, cần câu cho ta thấy những công cụ cần thiết của cuộc sống thôn quê . Chính những cái mộc mạc chân chất của những vật liệu lao động thô sơ ấy cho ta thấy được một cuộc sống giản dị không lo toan vướng bận của một danh sĩ ẩn cư nơi ruộng vườn, ngày ngày vui thú với cảnh nông thôn.Không những thế nhwungx câu thơ tiếp theo tiếp tục cho ta thấy được cái bình dị trong cuộc sống thôn quê qua những bữa ăn thường ngày của ông:

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”

Món ăn của ông là những thức có sẵn ở ruộng vườn, mùa nào thức nấy: măng, trúc, giá,…. những món rất giản dị đời thường. Cuộc sống sinh hoạt của cụ giống như một người nông dân thực thụ, cũng tắm hồ, tắm ao. Hai câu thơ vẽ nên cảnh sinh hoạt bốn mùa của tác giả, mùa nào cũng thong dong, thảnh thơi. Qua đó ta thấy được một cách sống thanh cao, nhẹ nhàng, tránh xa những lo toan đời thường.Ngoài thể hiện cuộc sống đời thường tác giả còn thể hiện triết lí sống, nhân cách của ông:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”

Tìm nơi “vắng vẻ” không phải là xa lánh cuộc đời mà tìm nơi mình thích thú được sống thoải mái, hoà nhập với thiên nhiên, lánh xa chốn quan trường, lợi lộc để tìm chốn thanh cao.”Chốn lao xao” là chốn vụ lợi, chạy theo vinh hoa, lợi ích vật chất, giành giật hãm hại lẫn nhau. Rõ ràng Nguyễn Bỉnh Khiêm cho cách sống nhàn nhã là xa lánh không quan tâm tới danh lợi. Tác giả mượn lời nói của đòi thường để diễn đạt quan niệm sống của mình mặc người đời cho là khôn hay dại. Đó cũng chính là quan niệm của Nho sĩ thời loạn vẫn tìm về nơi yên tĩnh để ở ẩn.Nghệ thuật đối: “ta” đối với “người”, “dại” đối với “khôn”, “nơi vắng vẻ” đối với “chốn lao xao” tạo sự so sánh giữa hai cách sống, qua đó khẳng định triết lí sống của tác giả. Không những thế hình ảnh thơ cuối như lần nữa khẳng định triết lí sống của tác giả:

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Trong hơi men nồng nàn cùng sự bình yên của làng quê nhà thơ nhận ra phú quý quả thật chỉ là một giấc chiêm bao. Nó cũng sẽ mau chóng tan thành mây khói.

Bài thơ thể hiện được quan niệm của nhà thơ về cuộc đời, đồng thời ta thấy được cuộc sống an nhàn của nhà thơ nơi thôn dã. Đó là một cuộc sống vô cùng giản dị và bình an, đạm bạc nhưng lại rất thanh cao. Nguyên Bỉnh Khiêm đẫ thể hiện lên một tâm hồn một nhân cách sống rất bình dị đời thường, một cốt cách cao đẹp.


Tham khảo:

“Thời gian hủy hoại các lâu đài nhưng lại làm giàu các vầng thơ” -Jorge Luis Borges. Thứ duy nhất đánh giá được giá trị một tác phẩm không phải là đọc giả hay các nhà phê bình, mà là thời gian. Một tác phẩm vượt qua khảo nghiệm của thời gian là tác phẩm chân chính. Bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong số những thi phẩm làm được điều đó. Tác phẩm ấy đã vượt qua những biến cố lịch sử và sự thay đổi về suy nghĩ con người mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của bản thân. Trong viễn cảnh xã hội đi ngược với những quy luật khách quan ngày nay, những giá trị ấy càng có ý nghĩa to lớn hơn bao giờ hết.

Bài thơ “Nhàn” được Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác khi về ở ẩn tại Bạch Vân Am. Bài thơ bộc lộ rõ nét nhân cách nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm: xa vòng danh lợi, chọn lối sống thanh nhàn để giữ gìn khí tiết. Khoảng thời gian thanh nhàn, chỉ có ta với thiên nhiên, không cần phải lo lắng, bất mãn trước những thứ danh vọng phồn hoa:

“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Bằng cách sử dụng phép điệp từ kết hợp liệt kê, hai câu đề đã cho ta thấy được sự tự do tự tại, vui thú điền viên của nhà thơ. Ta sống ung dung với niềm vui lao động, mặc “ai” có thú vui xa xỉ gì, ta cũng không màng tới. Một sự an nhàn từ tận tâm người thi sĩ. Đối với nhà thơ, cuộc sống lao động tuy vất vả nhưng lại đủ đầy về mặt tâm hồn. Ta sống nhờ những thứ mình làm ra chứ không nhờ cầu cạnh kẻ khác. Người thi sĩ ấy khinh thường xã hội phù hoa, vật chất quyết định tất cả, một xã hội bất công, thối rửa. Khinh thường những ai mưu cầu danh vọng, vinh hoa phú quý. Một con người thanh cao lại khiêm nhường:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao”.

Sự châm biếm tinh tế từ một nhà Nho, một người nông dân thanh bần. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, vị xưng Bạch Vân Cư Sĩ ấy đã sử dụng tài tình các phép đối, phép ẩn dụ để tạo nên một bức phiếm họa về hiện thực xã hội mục nát. Ta “dại” nên ta nhường cho những “ai” kia về “chốn lao xao”, còn phần mình ta lựa chọn về nơi tĩnh tại, một mình một cuốc, sống một đời thanh nhàn, vô lo vô nghĩ, nơi yên tĩnh để nuôi dưỡng tâm hồn, nơi không ai cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh ai. Để những “người khôn” đó đến “chốn lao xao”, nơi người người bon chen, dẫm đạp lên nhau chỉ vì cầu danh lợi. Từ đó ta thấy được phương châm sống của nhà thơ, thái độ khinh thường danh lợi, một cách sống giản dị nhưng thanh cao:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.

Một cuộc sống ảm đạm nhưng không khắc khổ, ngược lại còn thấy giống như phong thái của các bậc hiền triết, các vị tiên nhân. Cả bốn mùa xuân, hạ, thu đông đều sống nhờ những thứ tự nhiên ban tặng, làm cho hình ảnh về Tuyết Giang Phu Tử như hòa làm một với thiên nhiên. Người thi sĩ ấy lựa chọn quay lại cách sống gần nhưu giống với thuở sơ khai, tìm về cội nguồn, coi thiên nhiên như người bạn, không có sự xuất hiện của vật chất, không phân biệt ta với người. Cuộc sống này chỉ có ta với thiên nhiên, an nhàn, tự tại biết bao! Vinh hoa phú quý giờ đây chẳng đáng là gì.

“Rượu đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

“Sinh mệnh ngắn ngủi như vậy, chúng ta không có thời gian để cãi vã, xin lỗi và đau lòng”  -Mark Twain. Cuộc đời này cũng như một giấc mộng, tỉnh giấc mọi thứ đều tan biến, hà cớ chi phải đâm đầu vào chẳng khác gì con thiêu thân. “Nhân thế phù hoa như một giấc mộng lầu hồng, như hoa trong gương, trăng dưới nước. Chớp mắt thành không”. Cuộc đời này rất ngắn ngủi, hà tất phải theo đuổi những thứ phù phiếm. Cứ sống một đời không sợ, chết chẳng lo, một đời huy hoàng, ngược gió mà đi. Thà sống một đời “bình thường nhưng không tầm thường”, còn hơn bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi, đánh mất cái tôi của bản thân. Sống chẳng có ý nghĩ như thế có khác gì đã chết?

Đời người như một đóa hoa, một năm nảy mầm, một năm sinh nụ, một năm nở hoa, trong nháy mắt hoa lại rụng. Bởi vậy nên ai tốt với ta, ta sẽ tiếp, còn những con người chỉ biết mưu cầu danh lợi kia, trong tâm ta chỉ có hai chữ “khinh thường”. Có được vinh hoa phú quí thì đã sao, chóng nở thì chóng tàn, những thứ hoa lệ kia cũng như giấc chiêm bao mà thôi, nhưng nhiều người lại dùng cả đời để giành lấy. Tôi tự hỏi có đáng không? Có được mấy người là đáng chứ, còn lại chỉ toàn phí phạm, bỏ lỡ những thứ còn quan trọng hơn cả vinh hoa phú quý. Bon chen cả đời chỉ được cái vỏ bọc, còn tâm hồn thì mục rửa, thối nát.

Qua bài thơ Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dám nói lên bộ mặt của xã hội phong kiến thối rửa, những con người chỉ biết cầu vinh hoa phú quý. Bằng ngòi bút tài hoa và cách sử dụng hàng loạt các biện pháp nghệ thuật như phép đối, ẩn dụ, điệp từ, điển tích điển cố ông đã thành công trong việc thể hiện sự ngợi ca đối với chí của kẻ sĩ, vượt lên danh lợi, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội bấy giờ. Một con người sống hòa hợp với thiên nhiên, sống ảm đạm nhưng vẫn giữ được cốt cách thanh cao, một vẻ đẹp cốt cách hiếm hoi trong xã hội của bất kì thời đại nào.

Quả thực, thứ có thể đánh giá được chính xác giá trị của một tác phẩm là thời gian. “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một thi phẩm có giá trị giáo huấn, triết lí sâu sắc. Như một lời tâm sự của con người mộc mạc mà thanh cao. “Dòng đời cứ mãi miết như thế, cuốn theo những đợt thủy triều, có bao người đã chết đuối trong vòng xoáy danh lợi đó”. Vinh hoa phú quý cũng như một “giấc mộng” mà thôi, danh lợi cũng chỉ là thứ phù phiếm phồn hoa, chóng đến chóng tàn. Vì thế hãy sống một cuộc đời thanh cao, dù có nghèo hèn thế nào cũng không được vứt bỏ cái tôi của bản thân, phải luôn giữ cốt cách thanh cao trong mọi cảnh ngộ đời sống. Có thế mới không phí phạm một đời người.

Xem thêm: Triết lí sống nhàn qua bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.