»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ: “Người không biết tôn trọng tình cảm của người khác, cuối cùng sẽ chỉ làm cho người khác chán ghét và căm hận”.
- Mở bài:
Chỉ khi tôn trọng người khác thì ta mới nhận được điều đó từ chính họ. Mọi người đều muốn được tôn trọng, ngay cả những người có địa vị thấp nhất cũng vậy. Vì thế nếu muốn được tôn trọng, hãy học cách tôn trọng người khác trước.
- Thân bài:
Thế nào là tôn trọng tình cảm người khác?
Tôn trọng người khác là sự đánh giá đúng mức, coi trọng danh dự, nhân phẩm và lợi ích người khác. Người biết tôn trọng người khác là người không hay tự cao, tự phụ, luôn đặt mình ở vị trí thấp để rèn luyện bản thân.
Tại sao ta phải tôn trọng tình cảm người khác?
Mỗi người là một cá thể riêng biệt, có ý thức, quan điểm, suy nghĩ, nhìn nhận về cuộc sống khác nhau. Ta không thể áp dụng những suy nghĩ hay quan điểm của ta lên mọi người. Chẳng hạn như bạn nghĩ ta cần phải học suốt đời, nhưng một người khác lại nghĩ chỉ nên học những thứ cần thiết cho cuộc sống và sự nghiệp của ta, bạn không có quyền bắt ép họ suy nghĩ giống bạn. Thay vì bắt buộc họ phải theo định kiến của mình, hãy tôn trọng quan điểm của họ và không chỉ trích và phê phán họ.
Biết tôn trọng người khác là cách thể hiện lối sống có văn hóa của mỗi người. Nếu ta cho rằng người khác sai, hãy cố gắng thuyết phục họ bằng những lý lẽ. Đừng tỏ ra thô lỗ bằng cách quát tháo hay đánh đập họ, điều đó sẽ chỉ thể hiện rằng bạn không tôn trọng đối phương, để lại hình ảnh xấu trong mắt họ. Vì thế, ta mới có câu nói: “Tôn trọng người khác chính là tôn trọng bản thân”.
Những hành động thể hiện sự tôn trọng ấy sẽ làm người khác cho rằng ta là người có trình độ văn hóa cao, họ sẽ tin tưởng và yêu quý ta hơn. Nói tóm lại, ta cần tôn trọng người khác vì những hành động nhỏ đó sẽ khiến người khác tôn trọng ta.
Cần làm gì để thể hiện lòng tôn trọng người khác?
Cũng như bao đức tính khác, ta cần bắt đầu rèn luyện, mài giũa bản thân từ những hành động nhỏ nhất. Đừng cố gắng làm những điều lớn, để rồi mau nản chí và từ bỏ. Những biểu hiện thường thấy của người biết tôn trọng người khác là luôn biết lắng nghe ý kiến của người khác, kính trọng người lớn tuổi, có địa vị cao hơn mình và không đối xử khác biệt với những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Ngoài ra, sự tôn trọng còn phải xuất phát từ tấm long của mình. Nếu ngay từ trong thâm tâm, ta đã tin rằng không có ai quan trọng như mình thì ta hiếm có thể tôn trọng người khác thật lòng được. Vì thể, hãy tự luyện cho bản thân ý thức khiêm tốn thì ta mới có thể tôn trọng người khác được.
Phê phán:
Bên cạnh những biết tôn trọng người khác thì còn có những kẻ khác với tính cách tự cao, tự đại. Những người đó không thể nào tôn trọng người khác vì họ chỉ quan tâm đến bản thân mình. Những người như thế thật đáng bị phê phán và chê trách. Mỗi chúng ta đều nên rèn luyện sự tinh tế và tôn trọng để không trở thành một trong số họ.
Bài học nhận thức:
Tôn trọng người khác, khiêm tốn và nhường nhịn trong giao tiếp và trong đời sống. Đừng để sự ích kỉ của bản thân khiến ta bị xem thường và chê bai.
- Kết bài:
Mỗi chúng ta đều phải biết tôn trọng tình cảm của người khác vì ta sẽ nhận được sự tôn trọng từ chính họ. Nếu ta sống cả cuộc đời này không tôn trọng tình cảm của bất cứ ai, mọi sự tin tưởng và lòng yêu quý từ người khác sẽ dần biến mất. Ta sẽ bị người đời khinh ghét và thất bại trong cuộc sống sẽ là điều tất yếu.