Phân tích văn bản “Xin lập khoa luật” của Nguyễn Trường Tộ.
- Mở bài:
Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871) , quê ở Nghệ An. Là người có học, tầm nhìn xa trông rộng. Sinh thời ông có nhiều bản điều trần gửi nhà Nguyễn đề nghị thực thi việc cải cách, chấn hưng đất nước. Nhưng nhà Nguyễn hầu như không thực hiện. Các bản điều trần thể hiện một tấm lòng yêu nước tha thiết, lập luận chặt chẽ. Bài “Xin lập khoa luật” trích từ bản điều trần 27, có nội dung bàn về sự cần thiết của luật pháp đối với xã hội, mục đích là thuyết phục triều đình cho lập khoa luật.
- Thân bài:
Theo tác giả, luật bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: Kỉ cương, uy quyền, chính lệnh, tam cương ngũ thường… Việc thực hành luật pháp ở các nước phương Tây rất công bằng, nghiêm minh. Không có ai (kể cả vua chúa) được đứng ngoài, đứng trên luật pháp. Nhà nước xã hội vận hành và phát triển bằng luật pháp. mọi sự thưởng phạt đều dựa trên luật pháp. Đó là những nhà nước pháp quyền .
Luật có tác dụng cai trị xã hội, duy trì sự tồn tại của đất nước, quan dùng luật để trị dân, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ hình phạt nào trong nước đều không vượt khỏi luật. Làm trái luật và không nghiêm sẽ dẫn đến việc người dân coi thường pháp luật. Luật phải đề cao tinh thần dân chủ, gắn đời sống con người.
Luật còn là đạo đức, đạo đức làm người “trái luật là có tội, giữ đúng luật là đức” và “có cái đạo đức nào lớn hơn chí công vô tư”.
Quan hệ giữa đạo đức và luật pháp là ở chỗ thống nhất giữa đúng luật và đạo đức. Công bằng, luật pháp là đạo đức. Đạo đức lớn nhất là chí công vô tư. Trái luật cũng đồng nghĩa với trái đạo đức.
Tác giả chủ trương mọi người phải có thái độ tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp. – Chủ trương vậy để bảo đảm công bằng xã hội. Nho học không có truyền thống tôn trọng luật pháp, chỉ nói suông, làm tốt không ai khen, làm dở không ai phạt. Chính Khổng Tử cũng công nhận điều này.
Việc nhắc đến Khổng Tử và các khái niệm đạo đức, văn chương có tác dụng làm cho nghệ thuật biện luận tác động đến tư duy và tâm lí các nhà nho – vốn là những người giương cao ngọn cờ đạo đức của Thánh Khổng – và chính Khổng Tử đã nhận ra cái hạn chế, chủ quan và không tưởng của giáo lí, đạo đức, nghệ thuật nếu không có luật pháp làm nền tảng; để họ nhận thức rõ vấn đề quan trọng của luật pháp.
- Kết bài:
Với hệ thống lập luận chặt, dẫn chứng sát thực, lời lẽ mềm dẻo, có sức thuyết phục, bản điều trần “Xin lập khoa luật” thể hiện tư tưởng cấp tiến của Nguyễn Trường Tộ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.