Làm rõ nét đặc sắc của thể loại kí Việt Nam hiện đại qua hai bài kí “Người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân) và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

lam-ro-net-dac-sac-cua-the-loai-ki-viet-nam-hien-dai-qua-hai-bai-ki-nguoi-lai-do-song-da-nguyen-tuan-va-ai-da-dat-ten-cho-dong-song-hoang-phu-ngoc-tuong

Làm rõ nét đặc sắc của thể loại kí Việt Nam hiện đại qua hai bài kí “Người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân) và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Hướng dẫn làm bài:

I. Đặc điểm kí văn học Việt Nam hiện đại qua hai tác phẩm.

1. Về nội dung:

– Đề tài: Thiên nhiên, con người, các hiện tượng nổi bật vừa có tính xác thực vừa có tính thẩm mĩ:

+ Vẻ đẹp thiên nhiên và con người Tây Bắc giai đoạn kiến thiết, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong kí Người lái đò sông Đà”.

+ Vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, lịch sử Huế trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

– Chủ đề: Qua phản ánh sự thật đời sống để bộc lộ những cảm xúc, cảm nghĩ, suy tư của cái tôi trữ tình về hiện thực khách quan.

+ “Người lái đò sông Đà”: qua hình tượng dòng sông và người lái đò nhà văn  tìm kiếm, khẳng định ngợi ca chất vàng thiên nhiên và “thứ vàng 10” trong tâm hồn người lao động Tây Bắc trong ở đại mới.

+ “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”: qua hình tượng sông Hương nhà văn khẳng định, tự hào, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử Huế đồng thời thể hiện tình yêu da diết với quê hương.

– Cảm hứng: Thường bộc lộ cảm hứng của một cái tôi trữ tình bay bổng, lãng mạn, dạt dào cảm xúc.

2. Về nghệ thuật:

Kết cấu:  Tổ chức sắp xếp sự việc, hình ảnh, nhân vật theo liên tưởng, tưởng tượng phóng túng đa chiều không bị ràng buộc bởi những quy phạm chặt chẽ. Vì thế kết cấu kí có sự đan cài giữa mạch tự sự và mạch suy tư, suy tưởng, cảm xúc.

+ “Người lái đò sông Đà” kể về con sông Đà và cuộc chiến đấu của người lái đò với sông Đà nhưng nhà văn kể theo những liên tưởng phóng túng của một cái tôi tài hoa uyên bác

+ “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”: đan xen giữa những miêu tả, liên tưởng về hành trình và vẻ đẹp sông Hương là những câu chuyện vừa có thật vừa nhuốm màu huyền thoại

Ngôn ngữ:

+  Giàu hình ảnh, giàu liên tưởng tưởng tượng; Mang đậm tính chủ thể, gắn liền với cá tính sáng tạo của tác giả

+ Vận dụng rất nhiều biện pháp tu từ, đặc biệt biện pháp so sánh, nhân hóa  được phát huy hết công suất, hiệu quả của chúng

Giọng điệu:  Đa thanh, linh hoạt: giọng trần thuật, giọng phân tích, giọng trữ tình, giọng suy tưởng…nhưng phải mang dấu ấn riêng của nghệ sĩ.

II. Đặc trưng phong cách kí Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường qua hai tác phẩm.

– Phong cách nghệ thuật nhà văn là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đem đến cho người đọc một cách nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ.

Phong cách nghệ thuật của tác giả được thể hiện qua những phương diện: cái nhìn cách cảm thụ có tính khám phá; sự sáng tạo các yếu tố nội dung như đề tài, chủ đề, cảm hứng…; Hệ thống phương thức biểu hiện, thủ pháp nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo; giọng điệu riêng.

1. Điểm gặp gỡ:

– Đều bộc lộ cái tôi tài hoa uyên bác với cái nhìn về thiên nhiên và sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ, có một vốn tri thức lịch lãm (tuy nhiên biểu hiện cụ thể của sự tài hoa uyên bác lại khác nhau).

– Đều có một ngôn ngữ giàu trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú.

→  Nét gặp gỡ làm nên đặc trưng phong cách thể loại kí.

2. Nét độc đáo:

  • Nét riêng về cái nhìn, khám phá cuộc sống:

+ Nguyễn Tuân nghiêng về miêu tả, phát hiện cái đẹp va đập mạnh vào giác quan, nghĩa là phải khác thường, đầy cá tính, hoặc đẹp tuyệt vời hoặc dữ dội, gây ấn tượng đậm nét (Con sông Đà đẹp trong cái hung bạo dữ dội, trữ tình; Người lái đò bình dị nhưng đầy chất tài hoa, nghệ sĩ – anh hùng, dũng cảm).

+ Hoàng Phủ Ngọc Tường nghiêng về khám phá cái đẹp hướng nội (nghĩa là Hoàng Phủ Ngọc Tường có xu hướng khám phá chiều sâu của đối tượng với những nghiền ngẫm, suy tư lắng sâu, đằm thắm).

  • Nét riêng về cách xử lí chủ đề (sáng tạo nội dung):

+ Nguyễn Tuân khám phá vẻ đẹp dòng sông và con người lao động để tìm kiếm, khẳng định vẻ đẹp chất vàng thiên nhiên và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn con người lao động Tây Bắc thời đại mới.

+ Hoàng Phủ Ngọc Tường thông qua vẻ đẹp sông Hương để tôn vinh vẻ đẹp cốt cách văn hóa, vẻ đẹp tính cách con người Huế.

  • Nét riêng về cách sử dụng ngôn ngữ:

+ Nguyễn Tuân huy động triệt để vốn văn hóa, kiến thức chuyên môn của nhiều ngành (quân sự, bóng đá, thể thao, điện ảnh, điêu khắc, hội họa…) để tạo nên lớp từ ngữ giàu có, biến hóa,điêu luyện, uyên bác; Hoàng Phủ Ngọc Tường huy động kiến thức về địa lí, lịch sử văn hóa, nghệ thuật Huế để sáng tạo nên những ngôn từ đẹp tinh tế, tao nhã, sang trọng, sâu lắng.

+ Những biện pháp Nguyễn Tuân ưa dùng là những so sánh, ví von, nhân hóa phá cách, lạ lẫm,bất ngờ, cầu kì, hoa mĩ , lối văn không ngừng tác động vào cảm giác người đọc; Hoàng Phủ Ngọc Tường có thế mạnh trong những so sánh, ví von độc đáo đầy chất thi họa, thi nhạc làm nên chất trữ tình dịu ngọt, đắm say.

  • Nét riêng trong giọng điệu:

– Giọng điệu Nguyễn Tuân là giọng kể sắc sảo, lịch lãm; Hoàng Phủ Ngọc Tường có chất giọng vừa trữ tình, vừa chiêm nghiệm, suy tư.

→ Nét độc đáo của mỗi phong cách góp phần tạo nên diện mạo phong phú của kí văn học Việt Nam hiện đại.

Cảm nhận vẻ đẹp hình ảnh dòng sông trong Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.