giai-thich-cau-noi-cua-ong-quan-vi-chung-hay-ghet-cung-la-hay-thuong

Giải thích câu nói của ông Quán: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương

Giải thích câu nói của ông Quán: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.

Ông Quán ghét bọn vua quan hoang dâm vô độ, tàn ác bao nhiêu thì thương các bậc hiền tài bấy nhiêu. Hai thái độ này tưởng như đối lập nhưng lại rất thống nhất quanh một đối tượng chung: nhân dân. Kiệt, Trụ, Ư, Lệ, vua đời thúc quý, đời Ngũ bá,… là những kẻ làm khổ dân, hại dân ; còn Khổng Tử, Nhan Hồi, Gia Cát Lượng, Đào Tiềm, Hàn Dũ…. mang khát vọng cứu đời, giúp đời cũng là khát vọng cứu dân, giúp dân. Không cứu giúp được đời cũng có nghĩa là không cứu giúp được gì cho dân.

Thái độ “ghét” “thương” rất cụ thể của ông Quán cho thấy ông luôn đứng về phía nhân dân, luôn quan tâm đến cuộc sống lầm than của nhân dân dưới ách thống trị của bọn vua chúa bạo ngược.

Trong câu chuyện, ông Quán dẫn toàn những nhân vật trong sử sách Trung Quốc xa xưa với ngụ ý nói về hiện tình xã hội Việt Nam đương thời. Dưới ách áp bức, bóc lột nặng nề của triều đình nhà Nguyễn, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ, lầm than. Bên canh đó, tình “thương” của ông Quán cũng phần nào thể hiện sự cảm thông với số phận của biết bao nho sĩ, bao bậc hiền tài lúc bấy giờ như Cao Bá Quát, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Công Trứ,…

Thái độ của ông Quán thực chất là thái độ của tác giả. Nguyễn Đình Chiểu đã mượn lời nhân vật ông Quán để phát biểu quan điểm, cách nhìn đời của mình. Ông Quán ghét bọn hại nước, hại dân bao nhiêu thì tác giả cũng phẫn nộ trước bọn quan tham ô lại bấy nhiêu.

Sự cảm thông của ông Quán đối với những người hiền tài nhưng không gặp thời cũng chính là sự cảm thông của tác giả đối với những nhân sĩ đương thời. Chỉ trong một đoạn thơ ngắn, ông Quán đã nhắc lại từ “ghét” đến mười lần. Sau mỗi từ “ghét” lại có một tên vua quan hại dân hại nước bị vạch mặt chỉ tên. Điều đó có ý nghĩa làm tăng sức mạnh biểu lộ cảm xúc. Người đọc có thể cảm nhận được sự phẫn nộ sâu sắc của nhân vật (và cũng là của tác giả) đối với bọn vua quan gian ác, hoang dâm vô độ qua những từ “ghét” được lặp đi lặp lại liên tục.

Từ “thương” cũng được nhắc lại đến mười lần. Đối tượng của thái độ “thương” là những con người cụ thể, tuy được dẫn từ lịch sử xa xưa nhưng lại rất nổi tiếng, quen thuộc với tất thảy mọi người. Biện pháp tu từ này cũng nhằm khẳng định thái độ cảm thông của ông Quán đối với những người hiền tài.

Cách sử dụng điệp từ được phối hợp với thủ pháp tăng tiến. Ông Quán không chỉ ghét mà còn “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” những kẻ hại dân hại nước. Dưới sự thống trị của những kẻ chỉ biết hưởng thụ, mưu cầu lợi ích riêng ấy, nỗi khổ của nhân dân ngày càng chồng chất. Bao nhiêu lần ông Quán vạch mặt chỉ tên bọn vua quan ích ld, tàn bạo là bấy nhiêu lần nỗi khổ của nhân dân được nêu lên:

+ Kiệt, Trụ mê dâm → dân sa hầm sẩy hang.

+ Ư, Lệ đa đoan → dân lầm than muôn phần.

+ Ngũ bá phân vân, dối trá → dân nhọc nhằn.

+ Thúc quý phân băng → rối dân.

– Điệp từ “thương” cũng được gắn liền với những từ ngữ miêu tả xúc cảm cụ thể : phôi pha, ngùi ngùi, sớm… tối, bị lời xua đuổi,… ‘

– Cách sử dụng phối hợp các biện pháp tu từ như vậy giúp cho việc thể hiện cảm xúc của ông Quán rõ ràng và cụ thể, mãnh liệt hơn.

– Sự yêu ghét rất phân minh của nhân vật ông Quán cũng góp phần thể hiện nét cương trực, thẳng thắn trong tính cách của những người dân Nam Bộ.

– Giá trị hiện thực: Tuy không miêu tả trực tiếp xã hội đương thời nhưng qua hai thái độ “ghét”“thương” của ông Quán, tác phẩm giúp bạn đọc phần nào thấy được bối cảnh xã hội thời đó với hai vấn đề chủ yếu :

+ Sự thối nát của giai cấp thống trị.

+ Nỗi khổ cùng cực của nhân dân.

– Giá trị nhân đạo: Dù thể hiện thái độ nào thì ông Quán (và tác giả) cũng luôn đứng về phía nhân dân. Tác giả đã xuất phát từ nỗi thống khổ của nhân dân để phê phán tầng lớp vua quan, đồng thòi cũng biểu lộ sự cảm thông với nhũng người hiền tài, giàu khát vọng nhưng không giúp gì được cho dân, cho đời.

Phân tích đoạn trích “Lẽ ghét thương” (trích Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang