qua-truyen-ngan-lang-cua-kim-lan-hay-lam-sang-to-y-kien-nhũng-nguoi-cam-but-co-biẹt-tai-co-the-chon-ra-trong-dong-doi-xuoi-chay-mọt-khoanh-khac-thoi-gian-ma

Qua truyện ngắn Làng của Kim Lân, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Những người cầm bút có biệt tài có thể chọn ra trong dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất…

Khi bàn về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng:

“…Những người cầm bút có biệt tài có thể chọn ra trong dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống…nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại”. (Trang giấy trước đèn, NXB KHXH,1994)

Tình thế đặc biệt ấy được thể hiện như thế nào trong văn bản “Làng” của nhà văn Kim Lân (Ngữ văn 9, Tập 1).

1. Giải thích ý kiến:

– “Truyện ngắn” là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.

– Những người cầm bút có biệt tài khi sáng tạo truyện ngắn phải chọn được những khoảnh khắc, buộc nhân vật ở vào một tình thế (tình huống) để nhân vật bộc lộ thế giới nội tâm với những diễn biến phong phú và phức tạp của mình (phần tâm can, phần ẩn náu sâu kín, khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại).

→ Nhận định của Nguyễn Minh Châu đã nhấn mạnh và khẳng định tác dụng của việc lựa chọn tình thế (tình huống) nhằm làm nổi bật diễn biến nội tâm, bản chất, tính cách nhân vật trong tác phẩm truyện ngắn.

2. Lí giải ý kiến:

– Đặc trưng của thể loại truyện ngắn là ngắn về dung lượng nhưng hàm súc trong nội dung biểu đạt. Mỗi truyện ngắn chỉ giống như một lát cắt của đời sống nhưng vẫn phản ánh đầy đủ về cuộc sống qua cách nhìn, cách khám phá và cách biểu hiện riêng của nhà văn.

– Đặc trưng trên đòi hỏi người viết truyện ngắn phải sáng tạo được những tình huống (tình thế) độc đáo, phải biết chớp lấy khoảnh khắc ý nghĩa để có thể qua ngắn mà nói được dài, qua khoảnh khắc ngắn ngủi mà thấy diện mạo toàn thể.

– Sáng tạo được tình huống truyện có ý nghĩa sẽ giúp nhà văn làm nổi bật được tính cách nhân vật, chiều sâu tâm hồn, bản chất đời sống, đồng thời giúp nhà văn bộc lộ đầy đủ nhất tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

3. Chứng minh ý kiến qua truyện ngắn Làng của Kim Lân.

a. Kim Lân và truyện ngắn Làng:

Kim Lân là cây bút viết hay, viết nhiều về đời sống của người nông dân Việt Nam trước cách mạng. Làng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông.

– Lấy bối cảnh làng quê Việt Nam những ngày đầu kháng chiến, tác phẩm thể hiện rõ tình những chuyển biến âm thầm mà mạnh mẽ tình yêu làng, yêu nước của người nông dân.

b. Tình huống truyện (tình thế):

– Ông Hai rất yêu cái làng của mình. Đi đâu ông cũng khoa làng chợ Dầu của ông vừa to, vừa đẹp, dân chợ Dầu giàu tinh thần kháng chiến. Ấy vậy mà, ở nơi tản cư, bất ngờ ông nghe tin làng ông theo giặc, làm Việt gian.

– Tác giả đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống đối nghịch với tình cảm, niềm tự hào: một con người vốn yêu làng và luôn hãnh diện tự hào về ngôi làng của mình thì bỗng nghe tin làng lập tề theo giặc. Tình huống bất ngờ ấy đã bộc lộ một cách sâu sắc mạnh mẽ tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của ông Hai.

c. Ý nghĩa của tình huống (tình thế) trong việc bộc lộ phần tâm can ẩn náu sâu kín … trong tâm hồn của nhân vật ông Hai.

– Nhân vật ông Hai trước khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc:

+ Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ làng, nhớ những kì niệm với làng và với anh em lao động, vui vẻ náo nức, tự hào mỗi khi nói về làng mình, tình yêu làng hòa trong tình yêu nước.

– Diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai khi bị đặt vào trong tình thế nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

+ Ban đầu, ông chết lặng vì sững sờ đau lòng, xấu hổ không dám nhìn mặt ai.

+ Nơm nớp, nhục nhã khi nghe có người nói việc làng mình Việt gian theo giặc cúi gằm mặt xuống mà đi.

+ Nhìn lũ con mà đau đớn xót xa thay cho chúng khi là trẻ con làng Việt gian. Muôn vàn nỗi lo ùa về trong tâm trí ông: lo cho số phận của những đứa con bị khinh rẻ, hắt hủi, lo cho bao người tản cư làng ông bị tẩy chay, thù hằn, lo cho tương lai của gia đình. Ông Hai rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lí khi niềm tin bị phản bội.

+ Mấy ngày sau đó, ông hoang mang sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh, không dám đi đâu, không dám nhìn thẳng vào thực tế phũ phàng. Tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước đã dẫn đến cuộc xung đột nội tâm ở ông Hai. Ông rơi vào tình trạng bế tắc hoàn toàn, khi buộc phải lựa chọn ông đã tự xác định một cách đau đớn, dứt khoát Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù.

+ Dù đã dứt khoát nhưng ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với quê hương. Ông gửi gắm nỗi lòng của mình qua lời tâm sự với đứa con ngây thơ, ông nhắc cho con về tấm lòng thủy chung với kháng chiến, khẳng định tình cảm sâu nặng bền vững và thiêng liêng ấy. Cái lòng của bố con ông là như thế ấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết, có bao giờ dám đơn sai.

→ Qua diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai, Kim Lân đã khám phá và làm nổi bật những nét đẹp tâm hồn của người nông dân cách mạng: hài hòa giữa lòng yêu làng, yêu nước với nhiệt tình cách mạng. Tác giả đặt nhân vật vào tình huống cụ thể để thử thách nhân vật, để nhân vật bộc lộ chiều sâu tư tưởng và chủ đề của tác phẩm, bộc lộ phần tâm can ẩn náu sâu kín nhất trong tâm hồn.

– Đặc sắc nghệ thuật:

+ Xây dựng tình huống truyện gây cấn, bất ngờ, đặc sắc.

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc tinh tế: miêu tả cụ thể những diễn biến nội tâm từ suy nghĩ, hành động đến ngôn ngữ.

+ Thủ pháp đối thoại và độc thoại nội tâm đã diễn tả một cách chính xác và mạnh mẽ những ám ảnh, day dứt của nhân vật. Ngôn ngữ sinh động giàu tính khẩu ngữ, thể hiện rõ cá tính nhân vật.

4. Bàn luận ý kiến.

Khẳng định tính đúng đắn của nhận định: ý nghĩa vai trò của việc lựa chọn tình huống (tình thế) để làm nổi bật nội tâm và tính cách nhân vật, tư tưởng, chủ đề tác phẩm trong nghệ thuật viết truyện ngắn.

Khẳng định sự thành công của nhà văn Kim Lân khi lựa chọn tình huống truyện ngắn Làng:

+ Nhìn từ khía cạnh tình huống truyện, khi tình yêu làng của ông Hai được đưa ra thử thách, khi nhân vật được đặt trước một tình huống khó khăn: về hay không về làng nữa. Đó có thể là một lựa chọn sinh tử, nhưng với ông Hai, đó là một lựa chọn vô cùng khó khăn, đau đớn. Phần chính của câu chuyện tập trung vào cuộc đấu tranh trong nội tâm nhân vật.

+ Nhìn từ khía cạnh đó, Làng có thể coi là một câu chuyện tâm lí, thành công của truyện chủ yếu là nhờ vào tài miêu tả tâm lí nhân vật của Kim Lân.

Kim Lân là một người cầm bút có biệt tài. Ông đã tinh tế phát hiện ra những tình cảm nhỏ bé nhưng lớn lao ẩn náu trong sâu thẳm con người.

Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang