gioi-thieu-ve-nha-tho-xuan-dieu

Những đóng góp của nhà thơ Xuân Diệu đối với nền văn học Việt Nam

Những đóng góp của nhà thơ Xuân Diệu đối với nền văn học Việt Nam

Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu nhất, là đại diện đầy đủ nhất cho phong trào Thơ mới, bởi cái cá tính rất riêng khó có thể trùng lặp với ai, một phong cách thơ rất Xuân Diệu, mới cả về nội dung lẫn hình thức. Đúng như nhận xét của Thế Lữ:  “Với những vần thơ ít lời mà nhiều ý, súc tích nhưng đọng lại biết bao tinh hoa, Xuân Diệu là một tay thơ biết làm cho ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dai và cần mẫn”.

I. Phong cách thơ Xuân Diệu:

Trong thế giới bao la của văn học, cảm xúc của mỗi nhà thơ, nhà văn là bất tận, riêng biệt và mang nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau. Trong đó, Xuân Diệu đã tự đứng lên xây dựng cho riêng mình một phong cách Thơ mới lạ, độc đáo và vì thế các tác phẩm của ông có một tiếng nói, riêng rất đáng chú ý.

Phong cách thơ của Xuân Diệu mang nét riêng và có những nét tiêu biểu.

Về nội dung:

Xuân Diệu có một trái tim lớn, một nguồn tình cảm yêu đời, yêu cuộc sống trần thế một cách mãnh liệt đến say mê cuồng nhiệt:

“Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở trót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư”.

(Không đề)

Không chỉ có vậy, ông còn là người có ý thức sâu sắc, khẳng định cái tồi cá nhân của mình bằng nghệ thuật thơ ca. Nhưng khác với nhiều nhà thơ cùng thời trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu trong quan hệ gắn bó với đời; “đời” được hiểu theo nghĩa hiện thực nhất. Đời: là con người, là trời đất, hoa lá, cỏ cây ở quanh ta đây. ồng quan niệm sống mãi với đời là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất. Mà trên đời này có gì đáng yêu hơn là mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu. Đó là nguồn thơ phong phú của ông, là đề tài chủ yếu của Xuân Diệu.

Ông còn có niêm khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời trần thế này, một cách tự nhiên Xuân Diệu đã trở thành nhà thơ tình yêu. Vì tình yêu là niềm giao cảm mãnh liệt nhất và trần thế nhất. Chính vì thế mà người đời đã tặng cho Xuân Diệu danh hiệu: “ông hoàng của thơ tình”, “nhà thơ tình số một”:

“Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi, Anh nhớ em”.

Về nghệ thuật:

Xuân Diệu đã đi đến một cách tân đáng kể về thi pháp. Đối với ông, tự nhiên không còn là chuẩn mực của cái đẹp mà thay vào đó là sự hoàn mĩ của con người, nhất là phụ nữ đang giữa tuổi xuân xanh; chính vì vậy mà trong thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu đều là những hình tượng giàu sức sống và đầy “xuân tình xuân sắc”.

Tuy vậy, với Xuân Diệu, Thơ mới là đào sâu vào tâm hồn của cái tôi cá nhân, cá thể. Và càng đi sâu càng lạnh. Vì thế, trong thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu, mùa xuân và bình minh đi liền với những chiều thu tàn yà những đêm trăng lạnh:

“Những chút hồ buồn trong lá rụng
Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân.
Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng;
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần.

Dưới gốc, nào đâu thấy xác ve,
Thế mà ve đã tắt theo hè.
Chắc rằng gió cũng đau thương chứ;
Gió vỡ ngoài kia, thu có nghe?”

(Ý Thu)

Ông có những rung động tinh vi trong tình cảm, trước cuộc đời và trước thiên nhiên tạo vật, nhưng lại mang trong tâm hồn một phần hương xưa của đất nước.

Xuân Diệu đã chịu ảnh hưởng của nền văn chương Đông Tây, cổ điển và hiện đại. Hai nguồn văn hóa Đông Tây được kết tinh ở một tâm hồn nghệ sĩ đã giúp cho Xuân Diệu sáng tạo nên những vần thơ súc tích như kết đọng biết bao tinh hoa.

II. Vai trò của Xuân Diệu đối với công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc.

Xuân Diệu là một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà phê bình tinh tế, một nhà lí luận văn học độc đáo. Bộ sách dày 2 tập “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” là một cộng trình đồ sộ về truyền thống thơ ca nước nhà. Có nhà lãnh đạo đã nói: “Một mình Xụân Diệu là cả một viện văn học”.

Ông có những cống hiến to lớn cho nền văn học Việt Nam nói chung, thơ ca Việt Nam nói riêng, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị đặc sắc, mà đặc sắc nhắt phải kể đến mảng đề tài tình yêu nam nữ.

Quả thật, dù ở phương diện nào, Xuân Diệu cũng có những đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp văn học Việt Nam. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét: “Xuân Diệu là người đem nhiều cái mới nhất cho thơ ca hiện đại Việt Nam”. Sự đóng góp của Xuân Diệu diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Chính vì thế có thể nói rằng Xuân Diệu xứng đáng ià một nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn.

III. Thành công và hạn chế của thơ Xuân Diệu

Thành công: Xuân Diệu là một những những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ Mới. ông mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi ca Việt Nam. Sự táo bạo và tài hoa trong nghệ thuật ngôn từ, kết cấu thơ, trong cách thể hiện tư tưởng mới, thể hiện một cái tôi mãnh liệt, một tình yêu say đắm với cuộc đời và trần thế.

Hạn chế: Thơ Xuân Diệu đôi khi còn nặng về kể, giãi bày, thiếu hàm súc, dễ dãi, dài dòng trong nhạc điệu, từ ngữ. Tuy nhiên đó chỉ là những hạn chế nhỏ, nó như những vết xước nhỏ trên sự hoàn mĩ của viên ngọc quý.


Bài tham khảo:

Hồn thơ Xuân Diệu trong dòng chảy thi ca dân tộc

Thơ Xuân Diệu là niềm khát khao giao cảm hết mình với cuộc đời trần thế, thế tục:

Đọc những bài thơ của Xuân Diệu, ta dễ nhận ra một tư tưởng chủ đạo chi phối hồn thơ của ông, đó là lòng yêu đời, lòng ham sống sôi nổi, muốn sống hết mình và sống mãi mãi với cuộc đời. Nếu nói Thơ Mới là tiếng nói của cái tôi cá nhân cá thể thì đến Xuân Diệu, có thể nói cái tôi Thơ Mới đã được khẳng định sâu sắc. Nhưng khác với nhiều nhà thơ lãng mạn khác, cái tôi Xuân Diệu không đối lập với cuộc đời mà gắn bó sâu sắc với cuộc đời, cuộc đời với ý nghĩa trần thế nhất và ở khoảnh khắc được coi là có ý nghĩa nhất, khoảnh khắc hiện tại.

Với Xuân Diệu, cuộc đời hiện tại với mọi biểu hiện đẹp đẽ của nó luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ ông. Mọi buồn vui của nhà thơ đều gắn với cuộc đời hiện tại. Ông gắn bó tha thiết với cuộc đời, khát khao giao cảm với đời. Thế Lữ trong lời tựa tập Thơ Thơ đã viết: “Xuân Diệu là người của đời, một người ở giữa lòng người. Lầu thơ của ông xây trên đất của tấm lòng trần gian. Ông không trốn tránh mà quyến luyến cõi đời” (Hoài Thanh – Hoài Chân, 1998)

Quả thật nếu đọc Thế Lữ, ta bị cuốn theo những hình ảnh suối đào, hạc trắng, kim đồng, ngọc nữ…chốn bồng lai thì với Xuân Diệu, “ông đã đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới” (Hoài Thanh – Hoài Chân, 1998)

Hướng về cuộc sống trần thế, ông đã thể hiện niềm say mê cuộc sống có khi tha thiết nồng nàn, có lúc mạnh mẽ đến tột cùng, có lúc ông như muốn ôm, muốn riết cuộc sống vào đôi tay hăm hở của mình:

“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”.

(Vội vàng)

Nhà thơ đã nhìn đời bằng cặp mắt “xanh non”, “biếc rờn” đầy vui sướng và đã phát hiện ra biết bao vẻ đẹp của thiên nhiên, của sự sống. Cảnh vật luôn hiện ra trong thơ ông hết sức tươi đẹp, tràn đầy sức sống và thấm đẫm chất sống của cuộc đời:

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”

Phải có một tình yêu cuộc sống mãnh liệt mới có thể viết nên những câu thơ đầy cảm xúc như: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” (Vội vàng) hay “Ta bấu răng vào da thịt của đời” (Thanh niên).

Yêu mến thiết tha cuộc sống, tâm hồn nhà thơ luôn rộng mở để giao cảm với cuộc đời, với mọi người, với bạn bè bốn phương. Ông khao khát muốn tìm một sự đồng điệu trong tâm hồn mình với con người và cuộc đời. Có thể nói Xuân Diệu là nhà thơ của niềm giao cảm hết mình với cuộc đời. Có lúc để tìm một sự đồng cảm với người đời, lời thơ ông vang lên như những lời van vỉ:

“Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam, một chút cũng đành”

(Lời thơ vào tập Gửi hương cho gió)

“Mở miệng vàng…và hãy nói yêu tôi
Dù chỉ là trong một phút mà thôi”

(Mời yêu)

Cuộc sống trước cặp mắt “xanh non”của thi sĩ hiện ra thật đẹp nhưng có lẽ đẹp nhất, đầy sức sống nhất là vào độ xuân thì của nó. Vẻ đẹp của sự sống dồn tụ ở mùa xuân. Vì lẽ đó thơ ông thường ca ngợi mùa xuân, ca ngợi sức sống mùa xuân. Xuân Diệu có nhiều bài thơ viết về mùa xuân (Nụ cười xuân, Xuân rụng, Xuân đầu, Xuân không mùa, Nguyên đán…). Đối với ông mùa nào cũng là xuân cả vì xuân chính là hồn thơ của ông tỏa ra khắp bốn mùa:

“Xuân đã sẵn ở lòng tôi lai láng
Xuân đâu chỉ có mùa xuân ba tháng”

(Xuân không mùa)

“Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”

(Nguyên đán)

Mùa thu cũng là một cảm hứng lớn trong thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu đã có những thi phẩm viết về mùa thu có thể được coi là tuyệt tác trong phong trào Thơ mới (Đây mùa thu tới, Thơ duyên, Ý thu, Thu…).

Quả thật tâm hồn Xuân Diệu đã hết sức nhạy cảm khi phát hiện vẻ đẹp của cuộc đời, những chuyển biến thật tinh vi của vũ trụ, đất trời đặc biệt là những lúc chuyển mùa, từ xuân sang hè, từ đông sang xuân. Yêu mến mùa xuân, ca ngợi mùa xuân, ông cũng ca ngợi tuổi trẻ vì tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời và chính ở độ tuổi thanh xuân, con người có khả năng nhạy cảm sâu sắc với cuộc đời. Có thể nói Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân và tuổi trẻ. Ông yêu mến tuổi trẻ và đã nhận thấy đó là lúc con người có thể:

“Sống toàn tim, toàn trí, sống toàn hồn.
Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”

(Thanh niên)

Vì thế nhà thơ luôn luôn thấy mình trẻ kể cả khi ông đã già. Những biểu hiện của cái náo nức, cái dào dạt trong thơ ông chính là biểu trưng cho cái chất trẻ đó. Yêu mến cuộc đời, tuổi trẻ nên Xuân Diệu thường khắc khoải, ám ảnh bởi quy luật thời gian. Thời gian qua đi thường mang đến sự mất mát: không chỉ không gian thay đổi mà con người cũng thay đổi từng phút, từng giây:

“Thuyền qua mà nước cũng trôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này.”

(Đi thuyền)

Xuân Diệu rất nhạy cảm với bước đi của thời gian, về sự trôi chảy của thời gian, qua đó ông đã thể hiện một cách cảm nhận về thời gian thật mới mẻ. Đối với Xuân Diệu, thời gian vận hành theo kiểu tuyến tính. Đó là một dòng chảy xuôi chiều lặng lẽ, mỗi phút giây đi qua sẽ không bao giờ trở lại. Đời người, tuổi trẻ chính là thước đo của thời gian

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn.
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi…”.

Vì thế cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu luôn gắn liền với nỗi lo âu:

“Kẻ uống tình yêu dập cả môi
Nhưng mà tôi sẽ chết, than ôi!
Tóc ngời mai mốt không đen nữa,
Tuổi trẻ khô đi, mặt xấu rồi.”

(Hư vô)

Có lẽ vì vậy mà trong thơ Xuân Diệu ta luôn bắt gặp thái độ sống hấp tấp, vội vàng, hối hả, lối sống đón trước để bắt kịp thời gian: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân” (Vội vàng). Thơ ông ít có trạng thái bình yên thư thái, lúc nào cũng có cảm giác rất vội, rất gấp, ngay cả trong tình yêu:

“Ôi vội vàng là những lúc trao yêu”

(Tặng thơ)

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi;
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ! thời gian không đứng đợi.
Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa.
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt;
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài;
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.”

(Giục giã)

Càng tìm hiểu thơ Xuân Diệu, người đọc càng cảm nhận được đặc điểm hồn thơ của ông. Thơ ông đúng là “một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết” (Hoài Thanh – Hoài Chân, 1998)

Xuân Diệu – nhà thơ lớn của tình yêu.

Có thể nói suốt hành trình thơ Xuân Diệu, tình yêu là một đề tài lớn mà ông không bao giờ nhàm chán. Đã từng bảo rằng “Đã yêu từ khi chưa có tuổi” (Đa tình), con người thơ ấy có lẽ sẽ còn yêu cả khi trở về với cát bụi:

“Trong hơi thở chót dâng trời đất.
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư”

Là con người có cảm xúc dạt dào với cuộc sống, tình yêu đối với Xuân Diệu là một nhu cầu không thể thiếu:

“Làm sao sống được mà không yêu,
Không nhớ, không thương một kẻ nào?
Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa!
Cho bừng tia mắt đọ tia sao!”

(Bài thơ tuổi nhỏ).

Vì thế ông đã đưa vào trong thơ mọi biểu hiện, cung bậc, trạng thái tình yêu: từ tình yêu ngây thơ, e ấp, dịu ngọt đến trạng thái nồng nàn say đắm, từ êm đềm thiết tha đến rạo rực, sôi nổi. Với xuân Diệu bao giờ tình yêu cũng đòi hỏi vô biên, tuyệt đích và vĩnh viễn;

Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ,
Phải nói yêu, trăm bận đến ngàn lần;
Phải mặn nồng cho mãi mãi đem xuân,
Đem chim bướm thả trong vườn tình ái.”

Hay :

“Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích,
Em biết không? Anh tìm kiếm em hoài.”

(Phải nói)

So với một số nhà thơ lãng mạn khác, thơ tình yêu của Xuân Diệu mang một sắc thái rất riêng. Nếu ở Thế Lữ ta tìm thấy tình yêu thần tiên của Kim Đồng Ngọc Nữ kiểu “Tiên Nga xõa tóc bên nguồn” thì Xuân Diệu đã đem đến cho thơ ca một tình yêu mang tính trần thế nhất. Trong thơ ông có sự hài hòa cả hai phương diện: cái cao khiết, trong sáng trong tâm hồn và cả rạo rực của nhục thể, một tình yêu trần thế nhưng không phàm tục. Có thể nói rằng Xuân Diệu là một trong những người đầu tiên đưa vào văn chương quan niệm tình yêu là sự giao cảm của cả tâm hồn lẫn thể xác.

Tuy nhiên dù thể hiện quan niệm như thế nhưng nhà thơ vẫn hướng về sự giao cảm trong tâm hồn. Ông muốn có được sự đồng điệu trong tâm hồn và khao khát sự đồng điệu ấy đến mức: “Trời ơi! Ta muốn uống hồn em”(Vô biên). Đối với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, hạnh phúc đời người thể hiện đầy đủ nhất ở tuổi trẻ và tình yêu. Hai yếu tố này bao giờ cũng gắn bó nhau. Tình yêu sẽ thực sự viên mãn khi còn tuổi trẻ, tuổi trẻ chỉ trong tâm trạng dạt dào cảm xúc với tình yêu mãnh liệt mới đạt được hạnh phúc tràn đầy. Tình yêu đối với ông phải là một sự giao cảm mãnh liệt, tuyệt đối, sôi nổi. Nhưng bi kịch của ông là ở chỗ ông đã không thể tìm thấy một tình yêu như thế trong một xã hội lạnh lùng ngày trước. Đáp lại tình cảm mãnh liệt của ông chỉ là thái độ hờ hững lạnh nhạt của người đời:

“Lòng anh là một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai”.

(Nước đổ lá khoai)

Cho nên yêu tuyệt đối nhưng càng yêu ông càng thấy “Dại khờ”, “Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi”, “Yêu là chết ở trong lòng một ít”…

Là nhà thơ tình yêu, cái nhìn của Xuân Diệu đối với vạn vật cũng mới lạ. Thiên nhiên, cuộc sống trong cái nhìn của ông hoàng thơ tình bao giờ cũng phập phồng hơi thở tình yêu. Cái nhìn mới lạ này đã chi phối rất nhiều đến việc xây dựng hình ảnh thơ, đến việc sử dụng các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ… , từ đó đem đến cho thơ Xuân Diệu nhiều hình ảnh mới mẻ độc đáo.

Một thế giới nghệ thuật đầy tính sắc dục và một cách tân táo bạo về thi pháp:

Đương thời khi thơ Xuân Diệu mới ra đời, người ta thấy thơ ông “Tây quá”. Đúng là “Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy” (Hoài Thanh – Hoài Chân). Quả thật Xuân Diệu rất mới khi ông đã vận dụng sáng tạo những ảnh hưởng của thơ phương Tây từ cách dùng từ, đặt câu, gieo vần, ngắt nhịp đến bút pháp miêu tả thế giới và cảm xúc con người. Thơ ông mới lạ hiện đại, đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao nhờ tiếp thu sáng tạo những thành tựu của thơ phương Tây thế kỉ XIX.
Đọc thơ Xuân Diệu, bạn đọc dễ dàng nhận ra thơ tình của ông đầy tính sắc dục. Thơ tình ông đầy những cái hôn, những “ân ái”, những “vườn tình ái”, “tuần tháng mật”:

“Một bài thơ mênh mông như vũ trụ,
Đầy khói hương xưa, tràn ân ái cũ.
Chúng tôi ngồi, vây phủ bởi trăng thâu,
Tay trong tay, đầu tựa sát bên đầu.”

(Biệt ly êm ái)

“Như kẻ hành nhân quáng nắng thiêu,
Ta cẫn uống ở suối thương yêu;
Hãy tuôn âu yếm, lùa mơn trớn,
Sóng mắt, lời môi, nhiều – thật nhiều!”

(Vô biên)

“Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ,
Phải nói yêu, trăm bận đến ngàn lần;
Phải mặn nồng cho mãi mãi đem xuân,
Đem chim bướm thả trong vườn tình ái.”

(Phải nói)

Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu, của niềm khát khao giao cảm vô biên. Trái tim yêu của ông càng uống càng khát, chưa bao giờ cảm thấy đủ đầy. Ông đòi hỏi sự hòa hợp vô biên tuyệt đích cả tâm hồn lẫn thể xác trong tình yêu:

“Trời cao trêu nhử chén xanh êm;
Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm;
Nên lúc môi ta kề miệng thắm,
Trời ơi, ta muốn uống hồn em!”

(Vô biên)

Khi yêu, hai con người phải hòa với nhau làm một vì đấy mới là độ cao nhất của yêu thương:

“Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;”

(Xa cách)

Tình yêu hòa hợp là một tình yêu lí tưởng, tròn đầy, vì vậy không dễ dàng có được. Chính vì lẽ đó, thơ Xuân Diệu, bên cạnh những lời tràn ngập động thái yêu đương lại là cảm giác bơ vơ, cô đơn vô tận: “Hai người, nhưng chẳng hết bơ vơ” (Trăng).

Phong trào Thơ Mới, đến Xuân Diệu thật sự đã trở nên hết sức mới mẻ. Về hình thức nghệ thuật, thơ ông thường sử dụng đậm đặc các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp, các hình thức so sánh độc đáo, hình ảnh thơ mới lạ, tràn ngập sức sống. Nhưng nét thực sự hiện đại là ở chỗ ông đã phá bỏ những ước lệ có tinh phi ngã của thơ cổ. Xuân Diệu đã miêu tả thế giới bằng sự quan sát của cặp mắt, mà ông gọi là “xanh non”, “biếc rờn”, và bằng sự cảm nhận của chính tâm hồn mình. Vì vậy tuy vẫn là những hình ảnh thiên nhiên muôn đời xưa cũ nhưng được nhìn qua cặp mắt yêu đời, trẻ trung, hồn nhiên của thi nhân nên nó hiện ra thật mới lạ, hấp dẫn:

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”

(Vội vàng)

Xuân Diệu đã tạo ra trong thơ của mình một vũ trụ nghệ thuật, một thế giới nghệ thuật đẹp đẽ, tràn đầy sức sống, trong đó ông xác định cái đẹp có một chuẩn mực riêng để đánh giá. Chuẩn mực ấy không phải là thiên nhiên (như thường thấy trong thơ ca truyền thống) mà là con người – con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Đây là sự đổi mới về thi pháp của thơ Xuân Diệu so với thơ ca truyền thống. Quan điểm thẩm mỹ mới mẻ này đã giúp cho Xuân Diệu sáng tạo ra nhiều hình ảnh mới lạ độc đáo:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

(Vội vàng)

“Lá liễu dài như một nét mi”

(Nhị hồ)

“Hơi gió thở như ngực người yêu đến
Mây đa tình như thi sĩ đời xưa…”

Xuân Diệu và tượng trưng – quan hệ giữa truyền thống và hiện đại:

Bản thân là một trí thức Tây học, hấp thu ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa Pháp một cách có hệ thống trong nhà trường, Xuân Diệu cũng như những nhà thơ mới khác chịu ảnh hưởng sâu sắc thơ lãng mạn phương Tây thế kỷ XIX (chủ yếu là thơ Pháp). Ông ảnh hưởng ở các nhà thơ như Rimbaud, Verlaine:

“Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men,
Say thơ xa lạ, mê tình bạn,
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quên.”

(Tình trai)

Đặc biệt là Baudelaire – nhà thơ mở đầu trường phái thơ tượng trưng Pháp cuối thế kỷ XIX. Ông chịu ảnh hưởng bởi sự đổi mới thơ ca táo bạo của họ. Trường thơ tượng trưng quan niệm bản thể của thế giới là vô hình, những gì ta thấy được chỉ là dấu hiệu tượng trưng của bản thể vô hình và bản thể vô hình ấy mới đích thực là đối tượng của thơ. Họ cho rằng chỉ có trực giác đặc biệt của người nghệ sĩ mới có thể cảm nhận được cái bản thể vô hình ấy. Thơ tượng trưng vì thế thường diễn tả những hiện tượng hư thực, mong manh, huyền ảo, những biến thái tinh vi của thiên nhiên, thậm chí còn lắng nghe những xao động vô hình của thế giới. Ảnh hưởng lối miêu tả này, Xuân Diệu đã rất thành công khi miêu tả những biến thái tinh vi, những rung động, những xôn xao bên trong của tạo vật, của lòng người. Nếu ở Thế Lữ, cảnh vật thường được miêu tả với những đường nét, màu sắc rõ ràng:

“Trời cao xanh ngắt. Ô kìa!
Hai con hạc trắng bay về bồng lai”

Thì ở Xuân Diệu đó là những biến thái của hình, của sắc. Cảnh vật vì thế không có đường nét, màu sắc rõ ràng, không phải là cái này cũng chưa phải là cái kia:

“Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.”

(Thơ duyên)

Có lúc ông cũng hữu hình hóa, vật chất hóa cái vô hình, đặc biệt là khi ông muốn thể
hiện một tình yêu cuộc sống mãnh liệt:

– “Trời ơi! Ta muốn uống hồn em”

– “Tôi hớp trong tay những vốc trời”

– “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi…”

Trường thơ tượng trưng có thuyết tương giao, dựa vào bài thơ Tương giao (Correspondances) của Baudelaire: “Những hương thơm, những sắc màu và những âm thanh tương ứng với nhau” (Les parfums, les couleurs et les sons se repondant). Xuân Diệu đã lấy câu thơ này làm đề từ cho bài thơ Huyền diệu của mình. Ông đã cảm nhận thế giới bằng mọi giác quan và vận dụng táo bạo qui luật tương giao giữa các giác quan ấy. Chú ý sự tương ứng, tương giao giữa các giác quan nên cảm giác đã được chuyển đổi tạo nên những hình ảnh thơ rất lạ:

“Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi…
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…”

(Nguyệt cầm)

Trường phái thơ tượng trưng rất đề cao tính nhạc ở trong thơ, họ quan niệm “Thơ trước hết là nhạc”(Verlaine) nên thơ phải có nhạc điệu. Nhiều bài thơ của Xuân Diệu đã rất thành công trong việc dùng âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu của ngôn ngữ thơ để diễn tả thế giới, thể hiện cảm xúc trong lòng người. Ở bài Nhị hồ, có một đoạn thơ thể hiện rất hay âm thanh của tiếng đàn mênh mang, dịu vợi cứ cao dần lên, tưởng như khó dùng ngôn ngữ để diễn tả được. Đó không chỉ là âm thanh của tiếng đàn mà còn là những âm hưởng của tâm hồn con người.

“Điệu ngả sang bài Mạnh Lệ Quân
Thu gồm xa vắng tự muôn đời
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…”

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng sự thành công của Xuân Diệu không chỉ ở chỗ ông đã tiếp thu ảnh hưởng của thơ phương Tây. Bên cạnh ảnh hưởng của thơ Pháp, Xuân Diệu còn kế thừa rất nhiều yếu tố truyền thống của thơ ca cổ điển trung Quốc và thơ ca dân tộc từ cảm hứng (cảm hứng về thiên nhiên: mùa xuân, thu, chiều, trăng, hoa, mây, nước, chim…cảm hứng về tình yêu, về số mệnh trớ trêu gay gắt…), đề tài, thi tứ (thể hiện ở các bài Nguyệt cầm, Nhị hồ, Viễn khách, Lời kỹ nữ ….) đến bút pháp miêu tả.

Đây cũng là điều tự nhiên vì Xuân Diệu là con một nhà nho cho nên ngay từ nhỏ ông đã có điều kiện tiếp xúc với thơ ca truyền thống qua sự dạy dỗ của người cha. Cho nên có lẽ nhận định như thế này là đúng: hồn thơ Xuân Diệu là sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Vì thế tuy con người ấy mang “hình thức phương xa” nhưng “ta cũng quen dần vì thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng” (Hoài Thanh – Hoài Chân).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang