Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em.
Trong văn bản “Bài học đường đời đầu tiên”, nhân vật Dế Mèn đã kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của mình. Trước cái chết của Dế Choắt do trò đùa ngỗ nghịch của mình gây ra. Dế Mèn đã hối hận, biết rút ra bài học đường đời đầu tiên. Còn em, em có sẵn sàng kể về một trải nghiệm của bản thân không?
* Phân tích bài viết tham khảo:
– Văn bản: Người bạn nhỏ.
+ Bài văn được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng “tôi”)
+ Nội dung: kể về kỉ niệm với một người bạn nhỏ (mèo Mun)
+ Các nhân vật : mẹ, nhân vật tôi (lớp 5), em Bông (lớp 3), chú mèo mun, …
+ Giới thiệu câu chuyện: Đoạn đầu đã giới thiệu “trải nghiệm cùng người bạn nhỏ ấy là câu chuyện đáng nhớ với cả 3 mẹ con tôi”.
+ Tập trung vào sự việc đã xảy ra: Các sự việc
- Sự việc 1: Ngôi nhà mới của ba mẹ con rất xinh xắn nhưng có nhiều chuột.
- Sự ciệc 2: Bà ngoại gửi cho ba mẹ con một con mèo mun.
- Sự việc 3: Ngôi nhà nhỏ đã thay đổi từ khi có Mun.
- Sự việc 4: Một buổi chiều, Mun đã bị mất tích.
+ Cảm xúc của người viết trước sự việc được kể: buồn, khóc, chẳng ai quên được Mun, …
* Thực hành viết:
1. Trước khi viết.
a. Lựa chọn đề tài:
– Có thể tham khảo một vài ý tưởng sau đây:
+ Một trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc (một lần kết bạn, chuyến đi có ý nghĩa, bữa tiệc sinh nhật, một thành tích hay chiến thắng, một lần em giúp đỡ người khác hay được người khác giúp đỡ,…).
+ Một trải nghiệm buồn, tiếc nuối (chia tay một người bạn, hiểu lầm một người, một lần mắc lỗi,…).
+ Một trải nghiệm khiến em thay đổi, tự hoàn thiện bản thân (một hành trình khám phá, một lần thất bại,…).
Ví dụ: Lựa chọn một trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc vì gặp may được giúp đỡ khi đi mua sách.
b. Tìm ý:
Trả lời các câu hỏi:
– Câu chuyện xảy ra khi nào? Ở đâu? (Ở cửa hàng sách, khi còn học lớp 3)
– Những ai có liên quan đến câu chuyện? Họ đã nói và làm gì?
+ Mẹ: cho tiền mua sách.
+ Tôi (người kể chuyện, trải nghiệm) : đi một mình để mua.
+ Cô thu ngân
+ Một bác lớn tuổi đã giúp đỡ nhân vật.
– Điều gì đã xảy ra?
+ Vì mải chơi, dùng tiền mẹ cho mua sách để chơi trò chơi dẫn đến không đủ tiền để trả tiền sách.
+ Không thể về nhà khi chưa mua được sách.
+ Một bác lớn tuổi đã âm thầm giúp đỡ để trả tiền sách.
– Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?
+ Bác đứng phía sau và đã chứng kiến toàn bộ sự việc,…
– Em có cảm xúc gì khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện?
+ Vui vẻ, háo hức, thích thú, …lo lắng, buồn, … ngạc nhiên, vui mừng, biết ơn, xúc động, … bồi hồi khi nhớ lại.
c. Lập dàn ý:
Sắp xếp các thông tin và ý tưởng thành một dàn ý:
* Mở bài: Giới thiệu câu chuyện: trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc vì gặp may.
* Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.
– Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan.
+ Ở cửa hàng sách, khi còn học lớp 3;
+ Những nhân vật:
- Mẹ: cho tiền mua sách.
- Tôi (người kể chuyện, trải nghiệm) : đi một mình để mua.
- Cô thu ngân.
- Một bác lớn tuổi đã giúp đỡ nhân vật.
– Kể lại các sự kiện trong câu chuyện.
+ Vì mải chơi, dùng tiền mẹ cho mua sách để chơi trò chơi dẫn đến không đủ tiền để trả tiền sách.
+ Không thể về nhà khi chưa mua được sách.
+ Một bác lớn tuổi đã âm thầm giúp đỡ để trả tiền sách vì bác đứng phía sau và đã chứng kiến toàn bộ sự việc,…
* Kết bài: Kết thúc của câu chuyện và cảm xúc của người viết: Đã mua được sách; Vẫn bồi hồi xúc động, biết ơn mỗi khi nhớ về kỉ niệm ấy.
2. Viết bài.
Bám sát dàn ý. Khi viết bài, em cần lưu ý:
– Nhất quán về ngôi kể: Trong bài văn này, em sẽ dùng người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng “tôi” hoặc “em”) để chia sẻ trải nghiệm.
– Sử dụng các yếu tố của truyện như cốt truyện, nhân vật,…
3. Chỉnh sửa bài viết .
Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:
Yêu cầu | Gợi ý chỉnh sửa |
Giới thiệu được trải nghiệm. | Nếu chưa giới thiệu được trải nghiệm, hãy viết một hoặc vài câu giới thiệu câu chuyện em định kể. |
Sử dụng nhất quán từ ngữ xưng hô. | Đánh dấu những từ ngữ chỉ người kể chuyện trong bài viết. Nếu chưa nhất quán, cần sửa lại. |
Tập trung vào sự việc đã xảy ra. | Bổ sung các thông tin cần thiết để người đọc hiểu được câu chuyện (nếu còn thiếu); lược bớt các chi tiết thừa, dài dòng, không tập trung vào câu chuyện. |
Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể. | Đánh dấu những từ ngữ thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung. |
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. | Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,…). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi. |
Bài văn mẫu tham khảo:
Trong cuộc đời, chắc hẳn ai cũng đã gặp may không nhiều cũng ít, tôi cũng không ngoại lệ. Trong đó, có một lần tôi sẽ không thể nào quên vì đã may mắn được giúp đỡ. Đó là hồi tôi còn học lớp Ba.
Lúc ấy, tôi chỉ là cậu bé tám chín tuổi nên vẫn còn ngây thơ, dại dột. Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày hôm đó là thứ sáu, ngày mười ba. Không mê tín nhưng nghe mọi người nói thì đó là ngày xui nhưng lại là ngày may mắn của tôi. Hôm đó, mẹ cho tôi năm chục ngàn để mua sách. Khác mọi lần, lần này tôi chỉ đi có một mình. Vừa bước xuống khỏi thang cuốn, thay vì đi thẳng vào nhà sách tôi bỗng choáng ngợp với thiên đường trò chơi ở bên cạnh. Với một đứa con nít tuổi tôi, trò chơi luôn là thứ hấp dẫn nhất trên đời. Không chần chừ, tôi cứ thẳng tiến đến khu trò chơi.
Một thời gian trôi qua, trời cũng đã tối. Tôi nhận ra là mình vẫn chưa mua sách nên tạm biệt khu trò chơi chạy vội sang nhà sách. A! Cuốn sách cần tìm đây rồi. Tôi háo hức chạy đến chỗ cô thu ngân. Chạy vọt lên bác nọ đã chờ xếp hàng tự nãy giờ. Sau khi quét mã vạch, cô thu ngân đọc số tiền. Cả người tôi sững sờ. Lúc đó, tôi nghĩ: “Không! Không phải! Mình chỉ tưởng tượng thôi!”. Lại gần hơn một tí, tôi hỏi lại: “Giá tiền bao nhiêu ạ?”. Cô thu ngân nói lại giá tiền. Giá như lúc nãy tôi không phí tiền vào những trò vô bổ ấy thì có hay hơn không. Nhưng hối hận cũng đã muộn, rõ ràng là tôi không thể trả tiền mua sách. Chẳng lẽ, mất cả buổi chiều lại về nhà nói với mẹ là tôi không đủ tiền mua sách? Chứng kiến cảnh tượng đó, người đàn ông lúc nãy thò tay vào túi rút ra tờ 50.000 đồng thả nhẹ xuống đất. Sau đó, bác cúi xuống, nhặt tờ tiền lên, vỗ nhẹ vai tôi và nói: “Cháu ơi, cháu làm rơi tiền này!”
Lúc đó, tôi cũng đã hiểu hết mọi chuyện. Thật tình là tôi không ngửa tay xin bố thí, nhưng rõ ràng tôi rất tôn trọng sự giúp đỡ trong tình huống trớ trêu này. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc cảm ơn bác. Tôi thật sự xúc động vì qua cách ăn mặc giản dị của bác, tôi đoán bác không phải là một người giàu có. Quả thật số tiền đó rất cần với tôi vào lúc này.Tôi cầm cẩn thận tờ tiền đưa cho cô thu ngân. Cô tính tiền rồi cho sách và hóa đơn vào túi đưa cho tôi. Ra cổng tôi nghĩ rằng nên trả lại tiền thừa cho bác ấy nhưng khi quay lại thì bác ấy đã đi đâu mất. Không phải tiền mình nên tôi đã bỏ số tiền đó vào thùng từ thiện cạnh cửa ra vào. Sau đó, tôi ra về. Trên đường không thể nào thôi nghĩ về câu chuyện lúc nãy. Vì có cái đầu ham nghĩ nên nhiều câu hỏi xuất hiện trong tôi. Nếu không có số tiền giúp đỡ của bác ấy thì lúc bấy giờ tôi có thể yên tâm rảo bước về nhà không? Kinh tế gia đình bác ấy có khá không?
Dù đã ba năm trôi qua, tôi đã là cậu học trò lớp 6 nhưng vẫn không thể nào quên được kỉ niệm ngày hôm đó. Tôi vẫn ước mong có một ngày may mắn tình cờ được gặp lại người bác năm xưa để tôi nói lời cảm ơn và trả lại số tiền cho bác. Cũng từ trải nghiệm này, tôi tự hứa với bản thân luôn phải biết ngoan ngoãn, nghe lời ông bà cha mẹ, làm nhiều điều tốt để tạo ra may mắn cho chính mình và những người xung quanh.