Ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ, hình thức mềm mại nhưng nội dung luôn cứng rắn là phẩm đức của quý nhân
Lương Thực Thu từng nói: “Một người nói lớn tiếng, là bản năng; nói nhỏ tiếng, là văn minh”. Kiểm soát âm lượng của mình là sự tôn trọng với người khác, cũng là sự tu dưỡng của bản thân. Nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng là phong cách tốt nhất cho gia đình.
Tăng Tử là học trò xuất sắc của Khổng Tử. Từ nhỏ, mẹ Tăng Tử luôn dạy con biết ăn nói nhỏ nhẹ, suy nghĩ thấu đáo, nói năng mực thước, tuân thủ lễ nghi chuẩn mực. Lúc khiển trách lỗi của con, người mẹ hết sức ân cần, lựa lời khuyên bảo. Nhờ sự kiên trì dạy bảo của mẹ, lớn lên, Tăng Tử trở thành người điềm đạm, nói ít nghe nhiều, suy nghĩ tường tận, tiếp thụ được nhiều tinh hoa từ người thầy vĩ đại của mình.
Có đôi lúc, ôn hòa lại chính là năng lượng mạnh mẽ nhất, có thể chống lại sự ác ý và những lời phỉ báng trên thế giới. Nói chuyện to tiếng, quát tháo, giống như một lưỡi dao vô tình đâm vào trái tim người nhà, khiến họ rơi vào bất an, lo lắng. Kiểm soát tốt âm lượng, nói chuyện dịu dàng với người nhà, là khởi đầu của một gia đình hạnh phúc, cũng là cách giáo dục tốt nhất.
Âm lượng nói chuyện, sẽ tiết lộ tu dưỡng của bạn. Âm lượng của lời nói, ẩn chứa tố chất và phẩm hạnh bên trong của mỗi người.
Có những người vừa mở miệng đã mắng chửi, đứng cách rất xa vẫn có thể nghe được tiếng rống giận dữ của họ, làm ồn người khác. Chỉ khiến người khác cảm thấy người nọ thiếu giáo dục và không tôn trọng mọi người. Ngược lại, có những người dù gặp chuyện không may gì đi nữa vẫn có thể kiểm soát lời nói, ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên, khiến người ta cảm mến.
Âm lượng nói chuyện, có thể giúp nhìn thấu tâm hồn của một người, giúp người khác biết được bạn là người thiện hay kẻ ác, là dịu dàng hay hung dữ, là từ bi hay lạnh bạc.
Người xưa có câu: “Quý nhân luôn nói lời thấp”. Một người thực sự khiêm tốn, sẽ không bao giờ so đo âm lượng với người khác, mà dùng tài năng để khiến họ tâm phục khẩu phục.