»» Nội dung bài viết:
Tri thức ngữ văn:
Thần thoại; Tính chỉnh thể của tác phẩm; Lỗi về mạch lạc, liên kết trong đoạn văn.
Thần thoại.
– Thần thoại là một trong những thể loại truyện dân gian ra đời trong xã hội nguyên thủy. Thần thoại kể về sự tích các vị thần sáng tạo thế giới tự nhiên và văn hóa thể hiện sự nhận thức và lí giải thế giới còn thô sơ của con người thời cổ, qua đó thể hiện khát vọng hiểu biết, chinh phục tự nhiên và ước mơ về cuộc sống tốt đẹp của họ.
Không gian, thời gian trong thần thoại.
– Không gian trong thần thoại là không gian vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể.
– Thời gian trong thần thoại là thời gian cổ sơ, không xác định và mang tính vĩnh hằng.
Cốt truyện thần thoại.
– Cốt truyện thần thoại xoay quanh quá trình thực hiện việc sáng tạo thế giới, con người và muôn loài của các vị thần.
Nhân vật trong thần thoại.
– Nhân vật trong thần thoại thường là thần, có sức mạnh phi thường để thực hiện công việc sáng tạo thế giới và sáng tạo văn hóa.
Tính chỉnh thể của tác phẩm.
– Tính chỉnh thể của tác phẩm là sự thống nhất, toàn vẹn của tác phẩm. Ở đó, mọi bộ phận, yếu tố, chi tiết,… đều có ý nghĩa và được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, nhất quán nhằm thể hiện tập trung, nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Lỗi về mạch lạc, liên kết trong đoạn văn.
– Thiếu mạch lạc:
+ Các câu trong đoạn văn không tập trung vào một chủ đề hoặc nội dung nêu trong câu chủ đề không được triển khai đầy đủ trong đoạn văn.
+ Các câu không được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
– Thiếu các phương tiện liên kết hoặc sử dụng các phương tiện liên kết chưa phù hợp.