»» Nội dung bài viết:
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (ý nghĩa của tiếng cười trong đời sống).
I. Trước khi nói.
– Xác định phạm vi trình bày (ý nghĩa của tiếng cười nói chung hay tiếng cười nhằm một mục đích cụ thể, ví dụ: tiếng cười trào phúng, tiếng cười tán thưởng, tiếng cười vui mừng…).
– Tìm những ý chính dự định sẽ trình bày trong bài nói:
+ Tiếng cười đó nhằm tới đối tượng nào?
+ Tiếng cười đó được biểu hiện như thế nào?
+ Người tạo ra tiếng cười ấy muốn thể hiện điều gì?
+ Đánh giá của em về ý nghĩa của tiếng cười đó.
– Từ các ý tìm được, lập dàn ý cho bài nói.
II. Trình bày bài nói.
– Giới thiệu về tiếng cười nói chung (hoặc tiếng cười nhằm một mục đích cụ thể).
– Lần lượt trình bày từng nội dung theo dàn ý đã chuẩn bị, kèm lí lẽ và bằn chứng minh họa. Chú ý chọn ví dụ minh họa thích hợp (từ sách báo, phim, tranh ảnh,…)
– Nêu ý kiến đánh giá về ý nghĩa của tiếng cười. Chú ý phản ứng của người nghe để tìm kiếm sự đồng thuận hoặc sẵn sàng đối thoại.
Bài nói tham khảo:
Một trong những giá trị chung nhất của nhân loại ở khắp nơi trên toàn thế giới có lẽ là nụ cười. Tôi và anh có thể không cùng ngôn ngữ nên tôi không sao hiểu được những gì anh đang nói, nhưng tôi sẽ dễ dàng hiểu được tâm trạng của anh khi nhìn thấy anh cười. Tự cổ chí kim, từ đông sang tây, con người ở đâu đâu cũng có chung một cách mỉm cười. Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống. Chúng ta chỉ thật sự sống vui khi chúng ta còn giữ được nụ cười.
Chúng ta thường nghĩ rằng khi ta vui, ta sẽ mỉm cười. Điều đó thật ra cũng đúng nhưng là một quá trình không tích cực. Chúng ta nên nghĩ điều ngược lại, rằng khi ta mỉm cười, ta sẽ có được niềm vui. Chỉ khi hiểu theo cách này, ta mới thấy nụ cười là của chúng ta, là vốn quý của tạo hóa đã trao tặng, và ta phải tận hưởng nó càng nhiều càng tốt chừng nào mà ta vẫn còn tồn tại trên đời này.
Đôi khi chúng ta rất rộng lòng với người khác – những người ta thương yêu. Chúng ta có thể ban phát vật này, vật khác cho ai đó mà không cần có một lý do hoặc mục đích rõ rệt nào, chỉ giản dị là vì chúng ta đang yêu thương. Nhưng chúng ta lại thường khắt khe với chính mình, luôn giữ theo một thói quen cố hữu nào đó. Chẳng hạn như chúng ta chẳng bao giờ mỉm cười mà không có một lý do này nọ. Và vì thế chúng ta đánh mất đi rất nhiều nụ cười quý giá mà lẽ ra ta dễ dàng có được.
Thật ra, chỉ riêng một việc chúng ta đang còn được hít thở không khí tươi mát giữa cuộc đời này cũng đã là một lý do quá đủ để chúng ta mỉm cười. Rất tiếc là nhiều người đã lâu không quen nghĩ như thế.
Khi chúng ta mỉm cười, niềm vui dâng lên trong ta và tỏa lan đến những người quanh ta, đến cả cây cỏ, mây trời, ánh nắng… Hay có thể nói là cả cuộc đời này cùng mỉm cười với ta. Điều đó là có thật, và chỉ có thể được cảm nhận bởi những tâm hồn trong sáng, lành mạnh. Khi ta mỉm cười, ta chứng tỏ rằng ta đang ý thức sự hiện hữu của mình giữa cuộc đời, và vì thế mà cuộc đời trở nên thân thiết, có thật đối với ta. Ta nên mỉm cười theo cách hoàn toàn ý thức được giá trị nụ cười mang lại cho mình, thay vì chờ đợi có những lý do gợi mở nào đó theo thói quen mới mang lại cho ta một vài nụ cười hiếm hoi. Tự nhiên không hề giới hạn những nụ cười của ta, bản thân ta đừng nên khắt khe với chính mình một cách không cần thiết.
Buổi sáng vừa thức dậy là lúc tốt nhất để chúng ta tập mỉm cười. Vâng, tôi nói là cần phải luyện tập để có thể biết mỉm cười. Những ai trong chúng ta đã có được năng lực mỉm cười theo ý mình mà không cần luyện tập, tôi thành thật chúc mừng người ấy. Còn phần lớn những người khác, họ cần phải dành đôi chút thời gian luyện tập mới có thể có được thói quen mỉm cười.
Mỉm cười khi vừa thức dậy vào buổi sáng là điều rất tự nhiên. Qua một đêm dài, ta thức dậy và biết được rằng mình vẫn còn đang sống. Ta biết được là ngoài kia mặt trời đang lên, những con chim đang hót, bông hoa đang hé nở và những chồi non đang nhú cao… Cuộc sống tươi đẹp và mầu nhiệm đến thế, và ta đang có được cơ hội có thể là duy nhất này để tận hưởng tất cả. Làm sao ta lại có thể không mỉm cười? Trừ khi ta đã hoàn toàn quên đi tất cả những gì đang diễn ra quanh ta như thế, và bị cuốn hút chìm đắm vào một thế giới khác, thế giới của sự đánh mất chính mình và đánh mất cuộc đời. Ta có thể đưa ra trăm ngàn lý do để biện minh cho sự quên lãng đó. Ta đang lo toan việc này, việc nọ…, ta cần phải làm thế này, thế khác… nhưng thật chẳng ích gì mà đưa ra những lý do, khi vốn quý duy nhất của chúng ta là sự sống đã bị lãng quên không dùng đến.
Mỉm cười vào buổi sáng mang đến cho chúng ta sự tốt lành mà không gì có thể thay thế được. Như tôi đã nói trên, khi ta mỉm cười ta có được niềm vui. Bắt đầu ngày mới bằng niềm vui tức là ta đã khơi mở cho bao nhiêu niềm vui khác. Ta sẽ mở rộng lòng hơn với mọi người quanh ta và cũng khoan dung độ lượng hơn với chính bản thân mình. Vì thế, không những bản thân ta được vui, mà chúng ta còn mang lại niềm vui cho người khác. Khi mỉm cười, ta tự nhắc nhở mình rằng ta đang sống với niềm vui trong cuộc sống, và ta trân trọng, gìn giữ những niềm vui ấy.
Chỉ cần một thời gian ngắn thực hành việc mỉm cười vào buổi sáng, bạn sẽ có ngay thói quen tốt đẹp này. Chúng ta sẽ mỉm cười dễ dàng khi nhìn thấy một bông hoa, một cành lá, khi nhớ đến một câu thơ hay, hoặc khi nghe tiếng chim hót vui đâu đó… Nụ cười mang lại cho chúng ta một ngày thanh thản và tràn đầy niềm vui của sự tỉnh thức.
Khi một ai đó mỉm cười, ta nên chia sẻ niềm vui cùng người ấy. Vì thế, ta cũng sẽ mỉm cười. Tôi mỉm cười vì mọi người quanh tôi đang vui. Và mọi người quanh tôi vui vì tôi mỉm cười. Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi ta chưa nhận ra mối liên kết ấy.
Nụ cười là biểu hiện của niềm vui, vì thế nó giúp ta xua tan sự buồn chán, mỏi mệt. Nó cũng giúp ta trấn tĩnh trước những âu lo, hoảng loạn. Khi tôi mỉm cười, tôi ý thức đúng về những giá trị của cuộc sống, và vì thế mọi nỗi lo toan đều sẽ trở thành vụn vặt. Tôi sẽ làm hết sức để vượt qua những khó khăn trở ngại, nhưng tôi không bao giờ để cho những điều ấy ngăn trở nụ cười, ngăn trở niềm vui của tôi. Nếu tôi đánh mất nụ cười vì những khó khăn, điều đó chỉ có nghĩa là tôi đang làm cho mọi việc trở nên tệ hại hơn mà thôi.
Những nghệ sĩ lớn, những nhà thơ, những nhạc sĩ chẳng hạn… đều biết cách mỉm cười. Các lãnh tụ lớn, những con người sống để mang lại niềm tin cho người khác, cũng đều biết cách mỉm cười. Một bài diễn văn hay và có sức thuyết phục đối với quần chúng, luôn được mở đầu bằng một nụ cười. Một khuôn mặt nhăn nhó, cau có… không thể mang đến điều gì may mắn hay tốt đẹp. Chúng ta thật khó có thể hình dung một nhạc sĩ sáng tạo ra những dòng nhạc mang đến cho ta niềm vui tràn đầy sức sống lại có thể làm được việc ấy khi anh ta không mỉm cười.
Khi một người mỉm cười, người ấy cũng mang lại sự bình thản, tin cậy cho mọi người chung quanh. Nụ cười nhắc nhở mọi người rằng, dù sao thì chúng ta vẫn đang còn sống, và sẽ không có bất cứ chuyện gì khác có thể xem là quan trọng hơn việc ta đang được sống giữa cuộc đời này.
Không phải vô cớ mà tự nhiên đã ban tặng cho chúng ta nụ cười như một biểu hiện của sức sống vui. Ý tôi muốn nói là, không phải chỉ có con người chúng ta mới biết mỉm cười. Cây cối xanh tươi vươn lên vì chúng đang mỉm cười. Khi một cây xanh héo rũ, ta biết nó đang thiếu vắng nụ cười. Một bông hoa luôn mỉm cười suốt trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của nó, và chỉ từ bỏ nụ cười khi không còn giữ được nhựa sống để tươi nguyên. Thiên nhiên quanh ta tươi đẹp, vì tất cả đều đang mỉm cười. Vạn vật đều tận hưởng cuộc sống theo cách tốt nhất có thể có được. Chỉ có chúng ta là buông bỏ tự nhiên để chạy theo những tham vọng trong cuộc sống, thay vì là tận hưởng nó. Đã đến lúc ta phải học cách quay lại với tự nhiên nếu ta còn muốn giữ được nụ cười. Và chỉ khi đó ta mới có thể cảm nhận được rằng hạnh phúc là một điều hoàn toàn có thật.
III. Sau khi nói.
Người nói và người nghe trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:
– Ý nghĩa của tiếng cười được đề cập trong bài nói có phù hợp với cuộc sống hiện nay không?
– Vấn đề được trình bày có ý nghĩa đối với những đối tượng cụ thể nào?
– Cách lập luận, dẫn dắt vấn đề, thái độ và khả năng tương tác với người nghe… của người nói có thuyết phục không?
– Ý kiến trao đổi của người nghe có tác dụng làm rõ hơn hoặc bổ sung cho vấn đề người nói trình bày không?