»» Nội dung bài viết:
Kiến thức Ngữ văn:
Thơ tự do; Nhân vật trữ tình; Hình ảnh, ngôn từ và cảm hứng chủ đạo; các biện pháp tu từ.
1. Thơ tự do.
– Thơ tự do khác với thơ cách luật, không có thể thức nhất định, không bị ràng buộc về số dòng, số chữ, vần, … Khác với thơ văn xuôi, thơ tự do là thơ có phân
dòng. Bài thơ tự do có thể là sự kết hợp của các đoạn làm theo nhiều thể khác nhau hoặc tự do hoàn toàn. Thơ tự do xuất hiện do nhu cầu giải phóng cảm xúc khỏi sự ràng buộc chặt chẽ của các quy tắc về hình thức, phản ánh được những khía cạnh. mới của cuộc sống đa dạng, thể hiện những cái nhìn nghệ thuật mới của nhà thơ.
2. Nhân vật trữ tình.
– Nhân vật trữ tình (một dạng biểu hiện của chủ thể trữ tình) là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, … trong bài thơ. Đó là một người hoặc một giọng nào đó nói với người đọc những cảm nhận, rung động, suy tư, … của bản thân về con người và cuộc sống.
– Nhân vật trữ tình “là con người “đồng dạng” của tác giả – nhà thơ hiện ra từ văn bản” (Từ điển thuật ngữ văn học’), nhưng không đồng nhất giản đơn với tác giả.
3. Hình ảnh, ngôn từ và cảm hứng chủ đạo.
– Hình ảnh trong bài thơ hiện lên qua việc tác giả sử dụng các từ ngữ (tượng thanh, tượng hình, từ láy, …) và các biện pháp tu từ gợi cho người đọc cảm nhận về bức tranh đời sống thông qua các giác quan (thị giác, thính giác, …); giúp nhà thơ miêu tả sống động hoặc truyền tải cảm xúc, tư tưởng mạnh mẽ.
– Cảm hứng chủ đạo trong thơ là trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt, tràn đây, bao trùm, xuyên suốt tác phẩm, gắn với một tư tưởng, một cách đánh giá của tác giả. Thường có những dạng cảm hứng chủ đạo như: cảm hứng anh hùng, tự hào, bi thương, trào lộng…
4. Các biện pháp tu từ.
Có thể chia các biện pháp tu từ đã học thành hai nhóm:
– Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ liên tưởng, bao gồm: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá. Đặc điểm của các biện pháp tu từ này là thông qua hiện tượng chuyển nghĩa lâm thời của từ ngữ để làm nên hiệu lực biểu đạt.
Ví dụ:
Bài thơ Thuyền và biển của Xuân Quỳnh là một ví dụ về các biện pháp tu từ so sánh (Những đêm trăng hiền từ / Biển như cô gái nhỏ) và nhân hoá (Chỉ có thuyền mới hiểu / Biển mênh mông nhường nào / Chỉ có biển mới biết / Thuyền đi đâu, về đâu).
– Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ kết hợp, bao gồm: điệp ngữ, đảo ngữ, liệt kê, nói quá, n ói giảm nói tránh. Đặc điểm của các biện pháp tu từ này là thông qua sự phối hợp, sắp xếp từ ngữ và các yếu tố ngữ âm để tạo ra những ý nghĩa bổ sung có hiệu quả cao.
Ví dụ:
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mở vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy…
(Phạm Tiến Duật)
Ở dòng thơ cuối, nhà thơ đã sử dụng biện pháp điệp ngữ bằng cách lập lại liên tục ba lần cụm từ “thương em” nhằm thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết của người chiến sĩ đối với cô thanh niên xung phong