bai-7-truyen-khoa-hoc-vien-tuong-mach-lac-va-lien-ket-cua-van-ban-dau-cham-lung-ngu-van-7-ket-noi-tri-thuc

Tri thức Ngữ văn Bài 7: Truyện khoa học viễn tưởng; Mạch lạc và liên kết của văn bản; Dấu chấm lửng (Bài 7, Ngữ văn 7, tập 1, Kết nối tri thức)

Tri thức ngữ văn:

Truyện khoa học viễn tưởng; Mạch lạc và liên kết của văn bản; Dấu chấm lửng.

1. Truyện khoa học viễn tưởng.

Truyện khoa học viễn tưởng là loại tác phẩm viết về thế giới tương lai dựa trên sự phát triển của khoa học dự đoán, thường có tính chất li kì. Truyện khoa học viễn tưởng sử dụng cách viết lô-gíc nhằm triển khai những ý tưởng về viễn cảnh hay công nghệ tương lai. Vì có nền tảng là các nguyên lí khoa học mới của thời hiện tại nên có những giả tưởng trong truyện khoa học viễn tưởng có thể trở thành sự thật. Truyện khoa học viễn tưởng xuất hiện đầu tiên ở Pháp vào khoảng nửa sau thế kỉ XIX, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước như Mỹ, Anh, Ca-na-đa (Canada), Nga và phổ biến trên toàn thế giới.

2. Một số yếu tố của truyện khoa học viễn tưởng.

Đề tài của truyện khoa học viễn tưởng thường là những cuộc thám hiểm vũ trụ, du hành xuyên thời gian, những cuộc kết nối với sự sống ngoài Trái Đất,… Tất cả những hoạt động ấy được thực hiện trên cơ sở những phát kiến khoa học đặc biệt trong tương lai, liên quan tới bước tiến nhảy vọt của công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học hay khoa học vũ trụ.

Không gian của truyện khoa học viễn tưởng có thể là không gian Trái Đất (trên mặt đất, ở tâm địa cầu hay dưới đáy đại dương) hoặc ngoài Trái Đất (trên các hành tinh của hệ Mặt Trời hay trong những thiên hà xa xôi khác)… Thời gian diễn ra các câu chuyện viễn tưởng thường là thời gian trong tương lai xa, xét từ mốc ra đời của tác phẩm.

Cốt truyện trong truyện khoa học viễn tưởng gồm một chuỗi tình huống, sự kiện hoàn toàn tưởng tượng, dựa trên những giả thuyết, dự báo và quan niệm khoa học.

Nhân vật chính của truyện khoa học viễn tưởng thường có sức mạnh thể chất phi thường do những tác động của các nhân tố khoa học nào đó, có cấu tạo hoặc khả năng kì lạ, có trí thông minh kiệt xuất để tạo ra những phát minh.

3. Mạch lạc và liên kết của văn bản.

– Mạch lạc: là sự liền mạch về nội dung của một đoạn văn hoặc văn bản; chủ yếu dựa trên sự thống nhất về đề tài và sự tiếp nối theo một trình tự hợp lí giữa các cầu trong đoạn văn hoặc giữa các đoạn văn trong văn bản.

– Liên kết: là quan hệ về mặt hình thức giữa các câu trong đoạn văn hoặc giữa các đoạn trong văn bản, thể hiện qua các phương tiện ngôn ngữ như từ ngữ nối, từ ngữ lập lại, từ ngữ thay thế (từ đồng nghĩa, đại từ), ….

4. Dấu chấm lửng.

Dấu chấm lửng thường được dùng để tỏ ý nhiều sự vật, hiện tượng chưa được liệt kê hết; thể hiện lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng; làm giãn nhịp điệu của câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ thường có sắc thái hài hước, châm biếm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang