»» Nội dung bài viết:
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử.
Đề bài:
Xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử có biết bao nhiêu câu chuyện thú vị. Những câu chuyện đó giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc sống và con đường để họ trở thành những người có nhiều đóng góp làm thay đổi cuộc sống của chúng ta và thậm chí thay đổi cả thế giới. Em hãy viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử đã để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.
* Yêu cầu đối với bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử:
– Giới thiệu được nhân vật và sự việc có thật liên quan đến nhân vật đó.
– Kể được sự việc theo một trình tự hợp lí; có sử dụng các yếu tố miêu tả trong khi kể.
– Nêu được ý nghĩa của sự việc.
– Nêu được suy nghĩ, ấn tượng của người viết về sự việc được kể.
* Phân tích bài tóm tắt tham khảo:
Thô-mát Ê-đi-xơn và màn “trình diễn” ánh sáng.
+ Bài viết kể về màn “trình diễn” ánh sáng.
+ Sự việc đó có thật và liên quan đến nhà khoa học nổi tiếng Thô-mát Ê-đi-xơn.
+ Diễn biến của sự việc: Ê-đi-xơn đã cho treo hàng trăm bóng đèn điện quanh phòng thí nghiệm, quanh nhà và dọc con đường nơi ông sống.
+ Sự việc có ý nghĩa: Màn “trình diễn ánh sáng của Ê-đi-xơn mở đầu cho việc đưa ánh sáng đèn điện đến với cuộc sống của con người.
+ Người viết bày tỏ suy nghĩ về sự việc: “Màn trình diễn” đó đã mở ra một kỉ nguyên ánh sáng mới, làm thay đổi thế giới.
+ Bài viết có sử dụng yếu tố miêu tả: Những chiếc bóng đèn có vỏ ngoài được làm bằng thuỷ tinh cách nhiệt, bên trong có chứa dây đốt làm bằng sợi cacbon, toả ra thứ ánh sáng liên tục và dìu dịu.
* Thực hành viết theo các bước.
1. Trước khi tóm tắt.
a. Lựa chọn đề tài:
– Chọn nhân vật lịch sử là nhà quân sự, chính trị, khoa học, văn hóa, …. : Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, …
– Chọn sự việc liên quan đến cuộc sống hay chiến công, thành tựu của nhân vật.
b. Tìm ý:
– Thời gian, không gian diễn ra sự việc.
– Diễn biến sự việc.
– Ý nghĩa sự việc.
– Suy nghĩ của bản thân về sự việc được kể.
c. Lập dàn ý:
Soạn bài Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử | Hay nhất Soạn văn 7 Kết nối tri thức
2. Viết bài:
– Triển khai viết bài theo dàn ý:
- Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về nhân vật.
– Giới thiệu sự việc có liên quan đến nhân vật.
- Thân bài:
– Kể lại diễn biến của sự việc (có yếu tố miêu tả).
– Nêu ý nghĩa của sự việc.
- Kết bài:
– Nêu ấn tượng của người viết về nhân vật và sự việc.
Tham khảo 1:
Trần Quốc Tuấn.
Khi Trần Quốc Tuấn còn nhỏ, thân phụ ông với vua Trần Thái Tông, vốn là hai anh em trở nên bất hòa. Năm 1251, trước khi qua đời, Trần Liễu trăng trối với con trai rằng: “Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt!”. Trần Quốc Tuấn tuy gật đầu, nhưng ông không cho đó là điều phải mà luôn tìm mọi cách xóa bỏ mọi hiềm khích trong hoàng tộc.
Cuối năm 1284, giặc Nguyên – Mông sắp kéo đại binh sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh. Từ Vạn Kiếp, Vương kéo quân mã về Thăng Long để cùng Triều đình bàn kế chống giặc.
Một hôm, Trần Quốc Tuấn mời Thái sư Thượng tướng quân Trần Quang Khải xuống chiếc thuyền đóng tại Đông Bộ Đầu để đàm đạo. Trần Quốc Tuấn đã dùng nước thơm tắm cho Trần Quang Khải. Vừa dội nước thơm lên người Thái sư, vị Tiết chế Quốc công nói:
– Thật hạnh ngộ, tôi được tắm hầu Thái sư.
– Diễm phúc biết bao, tôi được Quốc công tắm cho.
Từ đó, mối tị hiềm giữa hai người được xóa bỏ hẳn.
Lúc bấy giờ thế giặc mạnh lắm, ta nên “đánh” hay nên “hòa”? Trần Quốc Tuấn đã xin Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mời các bô lão cao tuổi nhất, danh vọng nhất về Thăng Long để bàn kế giữ nước. Tại điện Diên Hồng tiếng hô “Quyết chiến! Quyết chiến!” của các bô lão rung chuyển Kinh thành.
Trần Quốc Tuấn viết “Hịch tướng sĩ” và “Binh thư yếu lược”. Tướng sĩ hăm hở luyện tập cung tên, giáo mác, chiến mã. Hàng vạn hùng binh thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát”. Mùa hè năm 1285, 50 vạn quân xâm lược Nguyên – Mông bị đánh tơi tả. Toa Đô bị quân ta chém đầu. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tránh mũi tên tẩm thuốc độc mới thoát chết!
Tham khảo 2:
Issac Newton.
Newton được đánh giá là một trong những nhà khoa học vĩ đại, có nhiều cống hiến trong lịch sử. Trong tất cả những quy luật và ông đã tìm ra thì người ta không thể không nhắc đến thuyết vạn vật hấp dẫn. Xung quanh những hiện tượng này có một câu chuyện rất thú vị về việc quả táo rơi trúng đầu của ông.
Câu chuyện thú vị và ý nghĩa về nhà khoa học vĩ đại người Anh Isaac Newton vẫn được lưu truyền lại cho hậu thế. Vào một ngày mùa thu, khi đang ngồi trên ghế trong vườn đọc sách, bỗng một quả táo chín bất ngờ rơi xuống đầu Newton. Có lẽ chính nhờ quả táo rụng đã nảy ra trong đầu của nhà khoa học những suy nghĩ mới. Trong đầu ông có rất nhiều những vấn đề băn khoăn về vạn vật đều chịu một lực hút. Những suy nghĩ đó của ông đều hướng về việc cái lực hút đó chính là lực hút của trái đất. Nhờ vậy mà ông đã tìm ra được một định luật quan trọng với tên gọi là vạn vật hấp dẫn. Dường như đối với hậu thế thì câu chuyện quả táo rơi được xem như là một giai thoại nổi tiếng nhất trong giới khoa học. Người ta vẫn luôn cho rằng chính nhờ một quả táo nhỏ bé đấy mà một nhà khoa học vĩ đại đã được phát hiện cũng giống như là thế giới có thêm một thuyết quan trọng trong việc tìm ra lực hút của vạn vật. Sau này Newton nêu ra: Mọi vật trên trái đất đều chịu sức hút của trái đất, mặt trăng cũng chịu sức hút của trái đất, đồng thời trái đất cũng chịu sức hút của mặt trăng; Trái đất chịu sức hút của mặt trời, mặt trời đồng thời cũng chịu sức hút của trái đất. Nói một cách khác là vạn vật trong vũ trụ đều có lực hấp dẫn lẫn nhau, vì có loại lực hấp dẫn này mà mặt trăng mới quay quanh trái đất, trái đất mới quay quanh mặt trời.
Câu chuyện quả táo rơi vào đầu Newton trở thành một trong những giai thoại phổ biến và lâu dài trong lịch sử khoa học, thậm chí còn được đưa vào nội dung sách giáo khoa. Nhưng trên thực tế, Newton không bị quả táo nào rơi vào đầu khi khám phá ra lực hấp dẫn. Newton chỉ vào một quả táo trên cành cây làm ví dụ mà thôi. Bản thân Newton rất thích giai thoại về quả táo rơi trúng đầu mình vào những năm sau đó.
Cống hiến lớn khiến tên tuổi ông trở thành bất tử là Ba định luật về chuyển động đặt cơ sở lý luận cho lực học kinh điển, quan trọng nhất là “Nguyên lý vạn vật hấp dẫn”. Đây là nguyên lý cơ sở cho những phát minh vật lý học, cơ học, thiên văn học trong nhiều thế kỷ. Ông mãi là một nhà khoa học vĩ đại, góp phần mở ra những nền khoa học mới.
Tham khảo 2:
Nguyễn Ngọc Ký
Ký bị liệt hai cánh tay từ nhỏ. Thấy các bạn được cắp sách đến trường, Ký thèm lắm. Em quyết định đến lớp xin vào học. Sáng hôm ấy, cô giáo Cương đang chuẩn bị viết bài học vần lên bảng thì thấy một cậu bé thập thò ngoài cửa. Cô bước ra, dịu dàng hỏi:
– Em muốn hỏi gì cô phải không?
Cậu bé khẽ nói:
– Thưa cô, em xin cô cho em vào học. Có được không ạ?
Cô giáo cầm tay Ký. Hai cánh tay em mềm nhũn, buông thõng, bất động. Cô giáo lắc đầu: Khó lắm em ạ. Em hãy về nhà. Đợi lớn lên ít nữa xem sao đã.
Cô thoáng thấy đôi mắt Ký nhòe ướt. Em quay ngoắt lại, chạy về nhà. Hình như em vừa chạy, vừa khóc.
Cô giáo trở vào lớp. Suốt buổi học hôm ấy, hình ảnh cậu bé với hai cánh tay buông thõng luôn hiện lên trước mắt cô.
Mấy hôm sau, cô giáo đến nhà Ký. Bước qua cổng cô vừa ngạc nhiên, vừa xúc động: Ký đang ngồi giữa sân hí hoáy tập viết. Cậu cặp một mẩu gạch vào ngón chân và vẽ xuống đất những nét chữ ngoằn ngoèo. Cô giáo hỏi thăm sức khỏe của Ký rồi cho em mấy viên phấn.
Thế rồi, Ký lại đến lớp. Lần này em được nhận vào học. Cô giáo dọn một chỗ ở góc lớp, trải chiếu cho Ký ngồi tập viết ở đó. Em cặp cây bút vào ngón chân và tập viết vào trang giấy. Cây bút không làm theo ý muốn của Ký. Bàn chân em giẫm lên trang giấy, cựa quậy một lúc là giấy nhàu nát, mực giây bê bết. Mấy ngón chân Ký mỏi nhừ. Cô giáo thay bút chì cho Ký. Ký lại kiên nhẫn viết. Mấy ngón chân quắp lại giữ cho được cây bút đã khó, điều khiển cho nó viết thành chữ còn khó hơn, nhưng Ký vẫn gắng sức đưa bút theo nét chữ. Bỗng cậu nằm ngửa ra, chân giơ lên, mặt nhăn nhó, miệng xuýt xoa đau đớn. Cô giáo và mấy bạn chạy vội tới. Thì ra, bàn chân Ký bị chuột rút, co quắp lại, không duỗi ra được. Các bạn phải xoa bóp mãi mới ổn. Cái giống “chuột rút” làm khổ Ký rất nhiều. Nó đã rút một lần thì sau quen cứ rút mãi. Có lần đau tái người, Ký quảng bút vào góc lớp định thôi học. Nhưng cô giáo Cương an ủi, khuyến khích em hãy kiên nhẫn tập dần từng tí một. Các bạn cũng mỗi người nói một câu. giúp một việc. Lời khuyến khích dịu dàng của cô giáo, những cử chỉ thân thương của bè bạn tiếp sức cho Ký. Ký lại quắp bút vào ngón chân hì hục tập viết.
Ký kiên nhẫn, bền bỉ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, người mệt mỏi, ngón chân đau nhức, có lúc chân bị chuột rút liên hồi… nhưng Ký không nản lòng. Buổi học nào cũng vậy, trong góc lớp, trên mảnh chiếu nhỏ không bao giờ vắng mặt Nguyễn Ngọc Ký
Nhờ luyện tập kiên trì, Ký đã thành công. Hết lớp Một, Ký đã đuổi kịp các bạn. Chữ Ký viết ngày một đều hơn, đẹp hơn. Có lần Ký được 8 điểm, 9 điểm rồi 10 điểm về môn Tập viết. Bao năm khổ công, thế rồi Ký thi đại học, trở thành sinh viên Trường Đại học Tổng hợp.
Nguyễn Ngọc Ký quả là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền như ông vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau.