»» Nội dung bài viết:
Nghị luận về tính tự lập.
- Mở bài:
Không ai yêu thương mình hơn chính mình. Không ai cứu giúp mình tốt hơn là chính mình. Tự lập là phẩm chất tốt đẹp mà mỗi con người cần phải có. Nó Chính là động lực tạo nên mọi nguồn sức mạnh đưa con người đến thành công.
- Thân bài:
Thế nào là tự lập?
Tự là tự mình làm một công việc gì đó mà không cần đến sự trợ giúp từ người khác. Lập là độc lập không dựa dẫm vào ai để được lợi lộc cho bản thân. Vì vậy, tự lập mang ý nghĩa của sự độc lập, không ỷ lại vào người khác. Những người tự lập, họ luôn tự giác làm những công việc của mình, không ỷ lại hoặc phụ thuộc vào ai đó.
Tại sao phải rèn luyện tính tự lập?
Trong một xã hội ngày càng phát triển như ngày nay, đạo đức của con người luôn được đề cao và trở thành một khía cạnh quan trọng luôn được mọi người quan tâm. Trong đó, tự lập là một yếu tố cần thiết đối với mỗi người chúng ta. Khi mỗi người lớn dần lên, đều phải tập tênh bước đi trên đôi chân của mình, không thể luôn luôn dựa dẫm vào cha mẹ, người thân của mình. Bởi lẽ, cuộc đời này có rất nhiều biến cố, không ai sẽ mãi mãi ở bên cạnh dìu dắt, giúp đỡ chúng ta những lúc khó khăn, vấp ngã. Vậy sao chúng ta không tự lập, tự nỗ lực vào chính bản thân mình để sau này có thể bước đi một mình vững vàng, khi cha mẹ vẫn còn bên cạnh để làm chỗ dựa tin thần cho ta. Để mỗi lúc chùn bước hay vấp ngã, chúng ta vẫn mạnh mẽ đứng lên và vững tin bước tiếp.
Người tự lập luôn sẵn sàng thử sức, dấn thân trên mọi nẻo đường. Họ sống rất nhiệt huyết và luôn có khát khao tự trải nghiệm. Bởi thế, người tự lập sẽ đạt được thành công trong cuộc sống và được mọi người quý mến, kính trọng. Trong cuộc sống, không thiếu những tấm gương tự lập để chúng ta noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tấm gương sáng về tính tự lập mà mỗi người Việt Nam đều tự hào mỗi khi nhớ đến. Người đã can đảm dấn thân vào con đường cứu nước khi bôn ba khắp xứ lạ quê người, vì nung nấu trong trái tim một tình yêu bao la cho con người, dân tộc Việt Nam. Tấm gương tự lập trong cuộc sống này luôn được tôn vinh và trân trọng.
Trong cuộc sống vật chất phát triển như ngày nay, đời sống tin thần ngày càng được nâng cao. Đôi lúc, chính sự quan tâm và bảo bọc quá mức của cha mẹ và nhà trường đã làm tính tự lập của con trẻ ngày một mất dần. Những đứa trẻ ấy chỉ biết ỷ lại, luôn dựa dẫm vào cha mẹ, gia đình từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Họ mắc chứng bệnh mang tên “lười hành động”, họ không muốn nghĩ suy và luôn thích nói không với mọi thứ. Họ học gì, làm gì, mang gì cho đến yêu ai, làm gì và sống như thế nào đều cần có người quyết định thay.
Cuộc đời của những con người ấy là một trang sách đã được viết sẵn mà tác giả là một ai khác ở thế giới ngoài kia, bạn sẽ không biết. Rồi một ngày kia, khi tác giả không còn nâng niu trang sách ấy, những con người ấy sẽ đi vào ngõ cụt của cuộc đời, họ xoay quanh với cuộc sống hỗn độn như những con rối không có cảm xúc. Cuộc sống họ trở nên vô nghĩa, nhàm chán. Nhiều bậc phụ huynh đã và đang hiểu sai về tự lập.
Tự lập không có nghĩa là không quan tâm, không che chở cho con trẻ. Tự lập là để họ tự bước đi chập chững bằng đôi chân của mình, và gia đình là nguồn động viên tinh thần để mỗi người vững tin bước đi, là nơi giang tay nâng đỡ mỗi khi chúng ta vấp ngã.
Tuy vậy, tự lập không có nghĩa là chúng ta phải tách biệt mình ra khỏi cộng đồng. Tự lập là phải đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi thứ mà chúng ta có thể làm và phải làm một mình. Tự lập là mỗi người có thể tự hào rằng mình đủ sức và có khả nâng đóng góp sức lực bản thân vào công việc chung của cộng đồng, xã hội để tạo thành sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong tập thể, dân tộc.
Học sinh cần rèn luyện tính tự lập như thế nào?
Học sinh chúng ta cần phải rèn luyện tính tự lập ngày từ khi còn nhỏ. Muốn vậy, bản thân mỗi người luôn phải nỗ lực và cố gắng vươn lên, cần rèn luyện cho mình ý chí mạnh mẽ mỗi khi đối mặt với thử thách mới. Vậy rèn luyện tính tự lập ở đâu ? khi nào ? Chúng ta có thể rèn luyện tính tự lập trong học tập. Mỗi người cần tự suy nghĩ và tự làm bài khi gặp bài khó, có thể dựa vào gợi ý của thầy cô, bạn bè nhưng sau đó ta phải tự rèn luyện và nắm vững kiến thức.
Tự lập có thể rèn luyện trong công việc hàng ngày. Mỗi chúng ta cần học dần cách chăm sóc cho chính mình, từ ăn, mặc, ngủ đến việc giải trí ngay khi còn nhỏ. Lúc nhỏ 3 tuổi có thể học tự đánh răng, tắm rửa, tự ăn cơm,… sau này lớn lên ta học tự nấu ăn, tự sắp xếp thời gian biểu hàng ngày.
- Kết bài:
Tự lập là phẩm chất mà mỗi người chúng ta cần phải có. Nhưng tự lập cũng phải kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Có như thế, cuộc sống này mới ngày càng tốt đẹp và mỗi người đều nhận được hạnh phúc trọn vẹn hơn.
Dàn bài: nghị luận về tính tự lập
I. Mở bài.
Đôi khi chúng ta dựa dẫm vào người khác nhiều hơn mức cần thiết. Con người thường đặt niềm hạnh phúc của mình trong lòng bàn tay của người khác và nghĩ rằng như vậy sẽ mang đến cho họ niềm hạnh phúc trọn vẹn. Đó thật sự là một sai lầm nghiêm trọng mà rất nhiều người mắc phải. Tính tự lập là một đức tính quan trọng, cần thiết đối với mỗi cá nhân đặc biệt là các bạn trẻ trong xã hội hiện đại.
II. Thân bài:
1. Giải thích:
Thế nào là tính tự lập?
– Tính tự lập là không dựa dẫm vào người khác, sử dụng tài năng, bản lĩnh của cá nhân để làm chủ cuộc sống của mình.
Biểu hiện của tính tự lập:
– Tính tự lập được thể hiện ở sự tự tin, bản lĩnh cá nhân, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, ý chí nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống.
– Tự lập trong học tập: học tập không cần sự nhắc nhở của cha mẹ; có ý thức phấn đấu, vươn lên để đạt thành tích cao hơn,…
– Tự lập trong cuộc sống: Tự chăm lo cho bản thân, hoàn thành các công việc được giao phó, giúp đỡ những người xung quanh,…
Vì sao phải rèn luyện tính tự lập?
– Rèn luyện đức tính tự lập sẽ giúp cá nhân có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách đề đến thành công.
– Giúp chúng ta trưởng thành, bản lĩnh, vững vàng hơn trong cuộc sống.
– Đức tính tự lập giúp chúng ta làm chủ cuộc sống của chính mình.
Rèn luyện tính tự lập như thế nào?
– Trước hết, bạn cần vững tin vào chính bản thân mình và những điều mà bạn tin tưởng. Bạn hoàn toàn có thể tự kiểm soát cuộc sống của mình và những sự lựa chọn bạn đưa ra. Và thật sự là rất ích lợi khi bạn biết lắng nghe tiếng nói bên trong mình mà không bị sao nhãng bởi những ý kiến của người xung quanh.
– Muốn có đức tính tự lập các bạn trẻ cần chủ động trong mọi việc, sẵn sàng hăng hái tham gia mọi hoạt động, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
– Thời gian dành cho bạn là có giới hạn, vì vậy đừng phí phạm nó để sống một cuộc đời của người khác. Đừng để sa vào những giáo điều mà người khác đặt ra cho bạn. Đừng để sự ồn ào của những ý kiến trái chiều nhấn chìm giọng nói bên trong bạn. Và điều quan trọng hơn hết, bạn cần phải nỗ lực để nghe theo con tim và trực giác của mình.
Phê phán:
– Hiện nay, còn có rất nhiều bản trẻ có tính ỷ lại, thụ động không biết phấn đấu, vươn lên làm chủ cuộc sống của bản thân. Đó là một thái độ đáng chê trách và lên án.
Bài học:
“Những sự lựa chọn lớn sẽ vạch ra con đường ta đi. Và chính những sự lựa chọn nhỏ nhất mới đưa chúng ta đến đích”
III. Kết bài:
Mỗi chúng ta cần tự rèn luyện cho mình đức tính tự lập. Đức tính này chính là chìa khóa cho sự thành công của mỗi người.
Bài văn tham khảo:
Vai trò, ý nghĩa của đức tính tự lập.
- Mở bài:
Khi còn bé, ai trong chúng ta cũng đều được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc của bố mẹ, người thân. Nhưng khi lớn lên, chúng ta bắt buộc phải học tính tự lập để có thể tự mình chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Chính vì thế tự lập là một trong những đức tính rất quan trọng cần có ở mỗi người.
- Thân bài:
Những người thành công thường xây dựng nhiều thói quen tốt trong cuộc sống cũng chính vì thế mà họ dễ dàng đạt được những thành tựu nhất định. Và trên hành trình đó không thể thiếu được tính tự lập, đây là một trong những đức tính cần có ở tất cả chúng ta. Tự lập sẽ giúp mỗi người trở nên độc lập, tự mình làm chủ cuộc đời của mình và tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho bản thân và cho xã hội.
Tự lập chính là một cách sống không dựa dẫm vào người khác, có thể tự đưa ra quyết định, hành động của mình, chọn cho mình một con đường đi riêng. Chúng ta có thể hiểu đơn giản về Tự lập đó là một hành động đơn giản như tự mình làm những công việc đơn giản dọn dẹp nhà cửa, học bài mà không cần phải có sự nhắc nhở hay đôn thúc từ bố mẹ, thầy cô,…
Ngay từ khi còn nhỏ chúng ta đã được dạy rằng phải biết tự lập, thói quen dựa dẫm sẽ khiến cho con người trở nên thụ động, không thể trưởng thành. Ngược lại nếu tự lập con người chúng ta sẽ có thể tự khai phá tiềm năng của bản thân, khi tự lập chúng ta sẽ tự biết chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Con người ta có thể rèn luyện tính tự lập qua từng giai đoạn và hoàn cảnh khác nhau. Có nhiều em phải rời xa vòng tay bố mẹ từ khi còn nhỏ thế nên các em bắt buộc phải trưởng thành và tự lập. Hoặc bố mẹ chính là người rèn luyện cho con cái tính tự lập, ví dụ như tập cho con việc nhà phù hợp với khả năng của bản thân hay tự chăm sóc bản thân.
Người tự lập là người tự giác hoàn thành bài vở trên lớp, về nhà tự học mà không cần bố mẹ hay người thân nhắc nhở. Khi đến trường, chúng ta tự chủ động tìm tài liệu học, chủ động hỏi han bạn bè và thầy cô khi chưa hiểu bài. Và tự lập còn thể hiện ở việc chúng ta tự tìm kiếm công việc làm thêm, tự nuôi sống bản thân thay vì phụ thuộc vào bố mẹ.
Thế nhưng có một sự thật đáng buồn đó là giới trẻ ngày nay rất thụ động, không có tính tự lập. Học sinh đi học thì ỷ lại vào các sách giải, sách tham khảo, điện thoại và mạng Internet và không có ý thức tự học thế nên tính tự lập với các bạn học sinh gần như là rất ít thấy. Đặc biệt trước các kỳ thi nhiều em có thói quen học bài tủ, học vẹt, dùng tài liệu trong giờ kiểm tra dẫn đến điểm thấp, kiến thức có nhiều lỗ hổng. Hoặc một hiện tượng dễ gặp đó là nhiều phụ huynh vì quá nuông chiều con em mình quá mức khiến nhiều đứa trẻ không biết làm gì ngoài ăn và học.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều bạn trẻ không tự lập, có thể khi vừa sinh ra họ đã được ăn sung, mặc sướng, bố mẹ cưng chiều từng chút một. Thế nên tâm lý của họ chính là có bố mẹ lo tất cả, cứ sống cho qua ngày không cần phải lo nghĩ gì về tương lai. Tuy nhiên lối sống không tự lập như vậy là không tốt. Tương lai xa xôi phía trước chúng ta không thể biết được điều gì sẽ xảy ra. Vậy nên bố mẹ cần phải dạy cho con tính tự lập, dù gia đình có hậu thế vững chắc như thế nào thì mỗi đứa trẻ đều cần phải học tính tự lập. Hoặc một số trường hợp khác không được may mắn khi sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, họ thường đổ lỗi vì hoàn cảnh, vì gia đình nên họ mới không thể thành công. Than thân, trách phận và không biết phấn đấu kết quả cuộc sống của những người này vô cùng khó khăn và tệ hại.
Dù bạn là ai, đang sống trong hoàn cảnh nào thì tính tự lập là một đức tính mà bạn cần phải học tập mỗi ngày. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như học cách nấu ăn, chi tiêu sao cho hợp lý, cách làm những công việc nhà cơ bản để phụ bố mẹ. Bạn có thể tham khảo các cuốn sách dạy kỹ năng sống, tham gia các hoạt động bổ ích để rèn luyện khả năng thích nghi với môi trường bên ngoài. Cứ ở mãi trong nhà không ra ngoài khám phá thế giới thì người phải chịu thiệt thòi chính là bạn. Vậy nên hãy rèn luyện thêm nhiều kỹ năng để sau này khi bước chân ra ngoài xã hội bạn sẽ không cảm thấy lạc lõng hay gặp khó khăn trong chuyện thích nghi với môi trường mới.
- Kết bài:
Tự lập là một đức tính tốt cần có ở mỗi người trong cuộc sống. Gia đình, người thân và môi trường sống xung quanh chính là nơi để dạy dỗ những đứa trẻ nên người thế nên ngay từ khi còn bé hãy tập cho trẻ tính tự lập. Để khi lớn lên chúng có thể tự lập và có thể tự mình làm những điều tốt đẹp cho chính bản thân mình và xã hội.
Pingback: Nghị luận về tinh thần tự học - Theki.vn