ban-luan-ve-dinh-kien

Bàn luận về định kiến

Bàn luận về định kiến

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ nếu bị điều khiển bởi định kiến của người khác hẳn còn tệ hơn nhiều.”

(Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân)

Suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng được đề cập trong đoạn trích trên.

  • Mở bài:

Trong cuộc sống, vẫn còn tồn tại một “căn bệnh lạ” khó chữa, ấy là hội chứng khác Niagara. Con người theo những xoay vần biến cải của cuộc đời buông mình theo dòng chảy của những xu hướng, thả mình trôi theo những  đám đông mà không nghe theo tiếng gọi của những khát vọng  không thuộc về bản thể những lý tưởng, ước mơ từ trong sâu thẳm, căn bệnh ấy sinh ra, phải chăng  là do sự sợ hãi khi đứng trước những cái nhìn khắt khe, những định kiến của người xung quanh như Phạm Lữ Ân đã từng viết: “Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta đã chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều.”

  • Thân bài:

Có thể nói ý kiến của Phạm Lữ Ân đã cho ta một bài học sâu sắc về cách sống của con người . Nhà văn rất tinh ý chỉ ra một biến tướng thường gặp trong cuộc sống của con người bị phán xét theo một “định kiến có sẵn” đó là một người khác đánh giá ta dựa trên một chuẩn mực của số đông. Tuy nhiên việc “bị phán xét” theo Phạm Lữ Ân chưa phải là điều tồi tệ nhất, khi con người “buông mình vào tấm lưới định kiến” nghe theo những đánh giá, nhận  xét thậm chí là đưa ra phê bình của đám đông đó mới là điều tệ nhất. “Định kiến” là những tư tưởng, quan niệm thường mang ý nghĩa tiêu cực, áp đặt và rập khuôn con người theo những chuẩn mực nhất định cuộc sống. Nếu bị ảnh hưởng bởi những định kiến của bản thân và của những người xung quanh thì làm sao con người tìm được hạnh phúc , niềm vui thực sự ? Những chia sẻ của Phạm Lữ Ân không chỉ soi tỏ hiện trạng mà còn là một lời cảnh báo, chỉ hướng và tiếp thêm sức mạnh để con người dũng  cảm sống chỉ là mình mặc cho định kiến cuả số đông.

Trong cuộc đời, con người là những cá thể với đặc điểm riêng, tính cách, hoàn cảnh và những ước mơ riêng. Con người là một phần của cộng đồng và đôi khi những cá tính, sự khác biệt so với tập thể lại chính là những nguyên nhân của ánh mắt soi mói, những đánh giá tiêu cực từ những người xung quanh, những định kiến xảy ra từ cộng đồng và ta chẳng tránh khỏi sự phán xét từ phía người khác. Tuy nhên bởi ai ai cũng có cái tôi và mong muốn được bộc lộ, được thể hiện cái tôi khác mình nên điều tồi tệ nhất mà con người gặp phải chính là khi con người bị định kiến của đám đông áp đặt và họ chấp nhận nó, gò mình theo khuôn mẫu của những quan niệm nhiều khi là hẹp hòi phiến diện và lạc hậu ấy. Trong con người tồn tại rất nhiều nỗi sợ, có khi ta đâu đủ mạnh mẽ và dũng cảm khi đối diện với ánh mắt và phán xét của một người vậy huống chi là ánh mắt của tập thể ? Bởi vì sự sợ hãi, dù trong thâm tâm ta nhận ra những quan điểm những tư tưởng ấy là lệch lạc, ta vẫn tự ru ngủ mình để rồi chạy theo đám đông.

Định kiến dù là của chính mình đặt ra, hay của đám đông áp đặt lên mình đều mang những ảnh hưởng tiêu cực đói với cuộc sống của mỗi con người. Tuy nhiên định kiến của đám đông tác động đến ta, khiến ta bị gò ép, mà ta vẫn coi đó là một điều hiển nhiên và bị điều khiển bởi những điều ấy thì đó thật sự là một bi kịch của con người.Ta dần dần bị thay đổi vì cái nhìn cách đánh giá của một người khác và dần dần ta đánh mất chính mình. Ta không còn đủ kiên định động lực để theo đuổi những ước mơ, những khát vọng mà mình hàng ấp ủ.Ta không còn đủ động lực để bước tiếp con đường mà mình đã chọn. Thay vào đó ta mù quáng chạy theo số đông đánh mất cái đẹp từ thẳm sâu trong con người ta.

Việc con người dám đối diện và phản kháng với những định kiến lệch lạc để sống bằng chính  mình đem lại cho con người niềm hạnh phúc và cao hơn là sự công nhận từ những người xung quanh. Hoa hậu H’Henie đăng quang trong ánh mắt soi xét của mọi người, trong sự so sánh của dư luận. Họ lấy chuẩn mực của cái đẹp mà đặt trong bối cảnh ngày nay có phần phiến diện để đánh giá cô và cho rằng cô không xứng đáng với bốn chữ “Hoa Hậu Việt Nam”. Mặc kệ những phán xét khắc khe và phần tiêu cực của số đông, H’Henie vẫn nhận ra thế mạnh, nhận ra những nét đẹp của chính mình và cố gắng hết mình để thể hiện những điều đó. Chính quá trình cố gắng không ngừng để thay đồi suy nghĩ của mọi người đã khiến H’Henie được công nhận, không chỉ vậy cô còn ghi dấu ấn rất riêng bởi vẻ đẹp lạ không trộn lẫn cùng sự thông minh sắc sảo và nghị lực đáng ngưỡng mộ. Như vậy cứ sống là mình dám đối mặt với những định kiến của đám đông cuộc sống của ta mới có ý nghĩa. Thay vì đeo lên tấm mặt nạ, che giấu đi bản chất của mình, việc ta sống với những ước ao, những khát vọng, sống như chính bản thân mình khiến ta nhận ra giá trị của cuộc sống.

Nếu con người cứ bị áp đặt mà không dám dứng lên  cất tiếng nói của những điều mới mẻ và đúng đắn thì làm sao xã hội phát triển. Những con người không chịu điều khiển bởi định kiến là những người đi đầu . Họ là những người tiên phong, người mở đường, khai sáng cho con người . Galilê bảo vệ cho quan điểm: Trái Đất có hình tròn, đi ngược lại với những tuyên bố của Giáo Hoàng, để rồi vì thế nhận về cái chết đau đớn.Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh học thuyết của ông là đúng đắn. Phải có những người đủ bản lĩnh, đủ năng lực đê tự cởi trói khỏi những quan điểm sai lệch, áp đặt, từ đó cởi trói cho cả những người xung quanh và thậm trí ngày cả nhân loại, xã hội mới có thể ngày càng trở nên văn minh và tiến bộ .

Con người ai mà chẳng muốn đươc sống là chính mình, nhưng đâu phải ai cũng có thể làm được điều đó? Phải có sự dũng cảm đủ ý trí,nghị lực, đủ tỉnh táo để phân biệt điều đúng sai, phải trái, có như thế ta mới đủ sưc để đứng vững trước những sóng gió của dư luận. Trong cuộc sống, có những định kiến tồn tại từ rất lâu đời nhng đó lại là chuẩn mực tích cực để con người vươn tới phấn đấu để hoàn thiện mình…

Như vậy con người giữa cõi cuộc đời còn nhiều biến động phức tạp,phải giữ cho mình sự tỉnh táo, sáng suốt khi đứng trươc ánh mắt soi xét của người khác để không tự nhốt mình trong cái lồng sắt của định kiến, để không đi theo những quan điểm sai lầm của số đông …

  • Kết bài:

Có người cho rằng sống giữa cuộc đời nên như trái cà chua. Bởi cà chua (tomato), đọc ngược lại vẫn là (tomato). Cà chua khi chín hay khi xanh cả trong hay ngoài đều có một màu đồng nhất. Nhưng nếu ta không dám đối mặt với những suy nghĩ áp đặt, với đinh kiến của số đông liệu ta có là chính mình, liệu ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang