»» Nội dung bài viết:
Các phương thức biểu đạt thường gặp trong văn bản
1. Phương thức tự sự:
– Khái niệm: Tự sự là dùng ngôn ngữ để kể một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng tạo thành một kết thúc. Ngoài ra, người ta không chỉ chú trọng đến kể việc mà còn quan tâm đến việc khắc hoạ tính cách nhân vật và nêu lên những nhận thức sâu sắc, mới mẻ về bản chất của con người và cuộc sống.
– Đặc điểm:
+ Có sự kiện, cốt truyện.
+ Có diễn biến câu chuyện.
+ Có nhân vật.
+ Có các câu trần thuật/đối thoại.
– Văn bản: Bản tin báo chí, Bản tường thuật, tường trình, Tác phẩm văn học nghệ thuật (truyện, tiểu thuyết).
Ví dụ:
“Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng Thần Chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán, và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân[4] bao quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa”.
(Cô bé bán diêm)
2. Phương thức miêu tả:
– Khái niệm: Miêu tả là dùng ngôn ngữ làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc như đang hiện ra trước mắt hoặc nhận biết được thế giới nội tâm của con người.
– Đặc điểm:
+ Có yếu tố miêu tả.
+ Từ ngữ sử dụng chủ yếu là tính từ miêu tả, từ láy.
– Văn bản: Văn tả cảnh, tả người, vật… Đoạn văn miêu tả trong tác phẩm tự sự.
Ví dụ:
“Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối – thứ âm thanh đơn điệu triền miên[1] ấy ru ngủ thính giác, càng làm mòn mỏi và đuối dần đi tác dụng phân biệt của thị giác con người trước cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu”.
(Sông nước Cà Mau)
3. Phương thức biểu cảm:
– Khái niệm: Biểu cảm là một nhu cầu của con người trong cuộc sống bởi trong thực tế sống luôn có những điều khiến ta rung động (cảm) và muốn bộc lộ (biểu) ra với một hay nhiều người khác. Phương thức biểu cảm là dùng ngôn ngữ để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.
– Đặc điểm:
+ Câu thơ, văn bộc lộ cảm xúc của người viết
+ Có các từ ngữ thể hiện cảm xúc: ơi, ôi….
– Văn bản: Điện mừng, thăm hỏi, chia buồn. Tác phẩm văn học: thơ trữ tình, tùy bút.
Ví dụ:
“Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gài Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sang. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”.
(Ai đã đặt tên cho dòng sông)
Ví dụ:
“Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”.
(Bạch Đằng Giang phú)
4. Phương thức nghị luận.
– Khái niệm: Nghị luận là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết rồi dẫn dắt, thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.
– Đặc điểm:
+ Có vấn đề nghị luận và quan điểm của người viết
+ Từ ngữ thường mang tính khái quát cao (nêu chân lí, quy luật)
+ Sử dụng các thao tác: lập luận, giải thích, chứng minh.
– Văn bản: Cáo, hịch, chiếu, biểu. Xã luận, bình luận, lời kêu gọi. Sách lí luận, phê bình. Tranh luận về một vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa.
Ví dụ:
“Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có”.
(Bàn về đọc sách)
Ví dụ:
“Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kì lịch sử”.
(Sự giàu dẹp của Tiếng Việt)
5. Phương thức thuyết minh:
– Khái niệm: Thuyết minh là cung cấp, giới thiệu, giảng giải,…những tri thức về một sự vật, hiện tượng nào đó cho những người cần biết nhưng còn chưa biết.
– Đặc điểm:
+ Các câu văn miêu tả đặc điểm, tính chất của đối tượng.
+ Có thể là những số liệu chứng minh.
– Văn bản: Thuyết minh sản phẩm, tác phẩm, tác giả, đồ vật. Giới thiệu di tích, thắng cảnh, nhân vật. Văn bản trình bày tri thức và phương pháp trong khoa học.
Ví dụ:
“Thực phẩm sạch là loại thực phẩm được gieo trồng bởi kĩ thuật nông nghiệp an toàn, không nhiễm hoá chất độc hại, không sử dụng kích thích tăng trưởng. Thực phẩm sạch có chức năng cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết mà con người có nhu cầu được đáp ứng. Bên cạnh đó, còn là sự an toàn cho hệ tiêu hoá của con người, hệ sinh thái của môi trường. Với những ưu điểm nổi bật đó cũng đủ để chứng minh được ưu điểm cũng như sự an toàn khi sử dụng loại thực phẩm này”.
(Thực phẩm sạch là gì?)
6. Phương thức hành chính – công vụ:
– Khái niệm: Hành chính – công vụ là phương thức dùng để giao tiếp giữa nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí.
– Đặc điểm:
+ Hợp đồng, hóa đơn…
+ Đơn từ, chứng chỉ…
(Phương thức và phong cách hành chính công vụ thường không xuất hiện trong bài đọc hiểu)
– Văn bản: Đơn từ, báo cáo, đề nghị, kiến nghị, quyết định, thông báo.