cach-phan-tich-dan-chung-trong-bai-van-nghi-luan-van-hoc

Cách phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học

Cách phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học.

1. Các bước phân tích.

Để phân tích một dẫn chứng vừa đủ vừa đúng, người viết có thể thực hiện theo nhiều cách. Dưới đây là 3 cách cơ bản với các bước phân tích dẫn chứng thường gặp trong văn nghị luận.

* Cách 1:

+ Có một lời dẫn nhỏ.
+ Đưa ra dẫn chứng.
+ Phân tích dẫn chứng (cách cảm nhận, đánh giá, nhận xét của em về dẫn chứng đó)

Ví dụ: Ở “Thu vịnh”, người đọc nhận ra những nét bút tinh tế tuy chỉ chấm phá mà thâu tóm được cái thần của mùa thu. Hồn thu nhẹ nhàng toả ra từng câu chữ:

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
 Song thưa để mặc bóng trăng vào.

Cảnh thu hiện ra với những nét đặc sắc nhất. Nguyễn Khuyến đã kịp ghi lại cái xanh ngắt đặc trưng của trời thu – cái màu xanh mà không mùa nào có được. Cái xanh đậm mà không tạo ra cái nóng, nó gợi ra cái cao sâu của bầu trời khi thu tới, từng lớp mây xanh trùng điệp, đẩy đến cái xanh hun hút mấy từng cao. Có thể nói Nguyễn Khuyến đã gắn bó sâu nặng với bầu trời Việt Nam. Không gắn bó thì sao thấy được cái sắc màu thần thái ấy.

(Trích Những bài văn đoạt giải quốc gia, NXB GD 2003)

* Cách 2:

+ Phân tích dẫn chứng.
+ Đưa ra dẫn chứng.

Ví dụ: Mạch thơ quay về hiện tại, nhà thơ sực tỉnh những vẫn chưa hết thổn thức, bồi hồi. Hình ảnh người mẹ vẫn còn đó, nơi đồng nội giậu phơi, nơi hiên nhà, song cửa…Dường như đâu đâu cũng in bóng dáng mẹ, vương hơi ấm của mẹ nên nỗi nhớ lúc nào cũng chỉ chực dâng trào. Và phải chăng “nắng mới” chỉ như cái cớ, chỉ là giọt nước làm tràn ly thương nhớ.

Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra

(Trích Tuyển chọn đề và bài văn đạt giải , NXB ĐHQG TPHCM, 2007)

* Cách 3:

+ Vừa nêu, vừa phân tích dẫn chứng.

Ví dụ: Trong văn xuôi, giọng điệu của nhà văn in hằn lên câu chữ. Cùng tả con người dị dạng ở nông thôn cũ, nhưng trong Kim Lân khi Tràng hiện ra với “hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều”, “ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch” thì dường như câu văn vẫn còn có cái gì nhẹ nhàng, xót thương. Nhưng thằng “Chí Phèo “trông đặc như một thằng sắng đá. Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng…”đã hiện lên từ giọng chì chiết, khinh bạc, lạnh lùng của Nam Cao ở ngay những dòng đầu truyện.

(Trích Tuyển chọn đề và bài văn đạt giải , NXB ĐHQG TPHCM, 2007)

2. Phương pháp phân tích.

a. Phương pháp cảm nhận.

Cảm nhận thực chất là sự nhận biết của người viết, người đọc thông qua tình cảm chủ quan của mình. Nhưng không có nghĩa là người viết, người đọc“tha hồ cảm nhận” mà phải cảm nhận trên cơ sở có lí, có tình và bám vào văn bản. Dẫn chứng bao giờ cũng diễn đạt một tình tiết hay miêu tả một cảnh tượng, sự kiện băng năng lực riêng. Với phương pháp này chúng ta hãy tả lại một cách chi tiết, cụ thể theo cảm nhận thông qua sự tưởng tượng kèm theo những nhận định, đánh giá để làm rõ được luận điểm. Cảm nhận là một nghĩa rộng. Có khi cảm nhận bằng lí trí có khi bằng tình cảm cũng có thể kết hợp giữa lí trí và tình cảm để có cảm nhận đúng và hay.

Ví dụ:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Hai câu thơ vừa mở rộng không gian nghệ thuật với chiều rộng mênh mông của rừng xanh, vừa đưa không gian ấy lên chiều cao ngút ngàn của đèo núi, chiều cao vời vợi của bầu trời. Trên nền xanh thăm thẳm, hùng vĩ của rừng đại ngàn là sắc đỏ tươi của hoa chuối. Màu đỏ tươi nổi bật trên nền xanh, vừa tạo cảm giác chói chang ấm áp, mỗi bông hoa như một ngọn lửa thắp sáng và xua đi cái lạnh lẽo của núi rừng mùa đông, vừa cồn cào như ánh mắt dõi theo, như những bàn tay vẫy gọi đầy lưu luyến níu bước người ra đi.

(Trích Hướng dẫn ôn thi THPT môn Ngữ văn, Trịnh Thu Tuyết NXB ĐHQG Hà Nội, 2017)

b. Phương pháp phân tích nghệ thuật làm nổi bật nội dung vấn đề.

Một trong những yếu kém của học sinh đó là trong quá trình phân tích, các em không chú ý hoặc ít chú ý đến nghệ thuật. Chính vì thế bài làm của các em dù có hay đến đâu cũng khó có thể đạt điểm cao. Bởi lẽ, nếu nội dung là “xương” của tác phẩm thì nghệ thuật là “phần hồn” của nó. Mỗi “nội dung” hay phải được ẩn chứa trong một “hồn” hay. Phân tích nội dung không thôi coi như bài văn mới chỉ làm một nửa. Bởi thế, trong quá trình phân tích phải kết hợp cả nội dung và nghệ thuật. Vì thế phân tích theo phương pháp này phải cần có vốn hiểu biết về các biện pháp tu từ Tiếng Việt. Phải chỉ ra và phân tích tác dụng, ý nghĩa tu từ của nó.

Ví dụ: Hồ Xuân Hương bày tỏ quan niệm của mình về thời thế, thân phận bằng những ước muốn táo bạo:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn

Với lối kết cấu đảo ngữ cùng sự phối hợp các động từ mạnh như “xiên ngang”, “đâm toạc”, Hồ Xuân Hương đã để chính những hình ảnh nghệ thuật của mình tự lên tiếng. “Rêu” nhỏ bé, không có tiếng nói lại như “xiên ngang” được mặt đất to lớn; “đá” – “đá mấy hòn” thôi – lại càng nhỏ bé để “đâm toạc” lấy “chân mây”. Đó phải chăng là ước muốn phá cách, là sự “nổi loạn” muốn xé tan cái bức tường phong kiến cũ kĩ đã trói buộc người phụ nữ để họ không được yêu thương hay niềm hạnh phúc không tròn đầy?

(Trích Tuyển chọn những bài văn đoạt giải quốc gia học sinh THPT, NXB GDVN, 2015)

c.  Phương pháp suy luận bằng lí lẽ.

Phương pháp này thường dựa vào tính chất của vấn đề đề suy luận theo hướng mà người viết định ra. Muốn vậy phải nắm chắc đặc điểm nhân vật và các tình tiết sự kiện của văn bản.

Ví dụ:

Bách tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Hôm nay, cất tiếng khóc Tiểu Thanh; vậy ba trăm năm sau, ai sẽ là người khóc Tố Như? Thương cho người và thương cho mình cũng là cầu thêm cho đời nhiều tri kỉ. Dẫu chỉ là một tiếng khóc thầm, “khấp” thôi cũng đã mãn nguyện rồi. Hỏi tức là còn mong mỏi, còn đợi chờ, lòng Nguyễn Du chưa nguội lạnh tình đời, tình người. Qua câu hỏi Nguyễn Du đã bày tỏ niềm tin vào lòng thương trong cuộc sống, tin vào con người.

(Trích Tuyển chọn những bài văn đoạt giải quốc ga học sinh giỏi THPT, NXBGD, năm 2015)

d. Phương pháp so sánh, đối chiếu.

Trong cảm thụ văn học so sánh là một biện pháp đắc dụng bởi tuy cùng viết bằng một thể loại, cùng chung một đề tài, vào cùng một thời điểm…. nhưng mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực đều phải là một sáng tạo độc đáo. So sánh sẽ làm nổi bật lên vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo ấy của mỗi tác phẩm. Trên cơ sở đó mới nhận xét, đánh giá được những đóng góp và phong cách riêng của mỗi nhà văn, mỗi hiện tượng văn học…

Một bài văn hay trước hết phải viết “đúng ” chỉ khi “đúng ” thì mới hay được. Hơn nữa, một bài văn hay không chỉ thể hiện cái nhìn sâu sắc của người viết mà còn biết liên hệ, đối chiếu với tác phẩm khác. Như thế không chỉ thể hiện chiều “sâu” của người viết mà còn thể hiện chiều “rộng” của “vốn liếng” văn chương nữa. Tức là phân tích dựa trên cơ sở cùng đề tài được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau.

Chẳng hạn, khi phân tích câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” trong bài “ Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, các em không thể cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của sắc “xanh như ngọc” mà Hàn Mặc Tử đã dùng để miêu tả mảnh vườn thôn Vĩ buổi bình minh nếu không có sự liên tưởng tới bầu trời “xanh ngọc” trong câu thơ của Xuân Diệu (“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá” – “Thơ duyên”). Hàn Mặc Tử nói đến mảnh vườn, Xuân Diệu nói đến bầu trời thu, nhưng ta tìm thấy trong cả hai ý thơ cái sắc màu xanh, trong, và dường như có cả ánh sáng.

Mặt khác, là những học sinh giỏi, các em cũng cần có sự tích lũy tư liệu ngoài chương trình. Đây chính là vốn riêng của mỗi em và vốn riêng này càng phong phú bao nhiêu, sự đối sánh càng có điều kiện nảy sinh bấy nhiêu. Những ý tưởng so sánh độc đáo, sáng tạo của học sinh chủ yếu xuất phát từ chính sự tích lũy riêng này. Trên thực tế, có em khi tìm đọc thêm bài thơ “Tương tư chiều” của Xuân Diệu đã có sự liên tưởng tới “Tương tư” của Nguyễn Bính, từ đó thấy được nét độc đáo trong cách thể hiện nỗi nhớ, tình yêu của mỗi nhà thơ, thấy được một bên là nỗi tương tư được bộc lộ thẳng thắn, mãnh liệt của một chàng trai rất Tây, rất mới, còn một bên là sự bộc lộ kín đáo, ý nhị và cũng rất có duyên, rất truyền thống của một chàng trai thôn quê…

Cách sắp xếp dẫn chứng hợp lí trong bài văn nghị luận văn học

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang