Các hình thức nên dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học

cac-hinh-thuc-nen-dan-chung-trong-bai-van-nghi-luan-van-hoc

Các hình thức nên dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học

1. Dẫn nguyên văn cả câu, đoạn, văn bản ngắn.

Đây là hình thức nêu dẫn chứng được sử dụng phổ biến nhất trong văn nghị luận đặc biệt trong nghị luận văn học, khi dẫn chứng là một câu thơ, văn hay một đoạn, bài ngắn người ta hay dùng cách nêu dẫn chứng này, dẫn chứng đó thường được sử dụng viết thành một đoạn văn riêng nếu là thơ thì không cần đặt trong ngoặc kép mà viết ở giữa dòng để tạo sự cân đối hài hòa cho bài văn.

Việc trích dẫn nguyên văn đòi hỏi tính chính xác cao vì thế người viết phải thuộc dẫn chứng, nắm chắc nguồn gốc xuất xứ. Nếu sử dụng dẫn chứng ở nhiều bài khác nhau người ta phải chú thích dẫn chứng (Dùng ngoặc đơn để ghi tên tác giả, tác phẩm của dẫn chứng).

Ví dụ:

Tạo hóa đã ban tặng cho con người một đặc quyền thiêng liêng – đó là sống. Van-gốc đã từng thốt lên rằng: “Đối với tôi không có gì tốt đẹp hơn là cuộc sống”. Dù cho ai nói với bạn điều gì đi chăng nữa, hãy vững tin rằng cuộc sống xung quanh ta chứa đầy hạnh phúc và niềm vui. Xuân Diệu, “thi sĩ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), đã hơn một lần khẳng định lối sống “vội vàng” của mình:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi

(Giục giã – Xuân Diệu)

Ở ví dụ trên, học sinh đã trích dẫn nguyên văn hai ý kiến của Van-gốc và của Hoài Thanh, trích nguyên văn hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu.

2. Trích từ ngữ tiêu biểu.

Bên cạnh việc trích dẫn nguyên văn cả câu, đoạn, văn bản ngắn thì đôi khi người viết cũng có thể trích dẫn các từ ngữ tiêu biểu. Lúc ấy các  dẫn  chứng được hòa vào lời văn nghị luận của tác giả bài văn. Trong đoạn văn sau có một số dẫn chứng  được  trích  như  vậy.

Ví dụ:

Quê hương Việt Nam qua bức tranh thôn Vĩ Dạ của xứ Huế sao mà xinh xắn thế, mơ mộng và trữ tình đến thế. Bằng những hình ảnh bình dị, thân thương như “nắng hàng cau” trong khu vườn “mướt” “xanh như ngọc”, nhà thơ cho chúng ta thêm yêu và trân trọng xứ Huế. Những “bến sông trăng” với con thuyền “chở trăng” gợi lên chất mộng, chất thơ nhưng cũng rất thực. Đấy chính là tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương, với thiên nhiên đất nước.

Ta có thể nhận thấy ngay các dẫn chứng trong đoạn văn trên là những từ ngữ tiêu biểu được trích dẫn bằng cách đặt trong ngoặc kép, hòa vào lời văn của người viết  như:“nắng hàng cau”, “mướt”, “xanh như ngọc”, “bến sông trăng”, “chở trăng”.

3 Tóm lược nội dung chính.

Đây là cách trích dẫn dẫn chứng theo hình thức gián tiếp, tức là chỉ dẫn ý của câu thơ, câu văn, lời nói, tóm lược nội dung câu chuyện… và không cần đặt trong ngoặc kép để đưa vào văn nghị luận. Đây cũng là một hình thức trích dẫn khá phổ biến trong văn nghị luận.

Ví dụ:

Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã đảo lộn thời gian tuyến tính, không đi từ quá khứ mà xuất phát từ tương lai, đẩy ngay Chí Phèo ra giữa sân khấu cuộc đời bằng những tiếng chửi sặc mùi rượu. Ban đầu hắn chửi trời, rồi hắn chửi đời, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng không ai đáp lời thằng say rượu. Tức mình, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, đến cuối cùng hắn đau đớn, hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.

Trong đoạn văn trên thay vì trích dẫn nguyên văn đoạn trích tiếng chửi của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao thì người viết đã trích dẫn bằng cách tóm lược các nội dung chính.

Như vậy, có rất nhiều hình thức trích dẫn trong một văn bản nghị luận, người viết cần căn cứ vào yêu cầu của đề vào hệ thống luận điểm và cách lập luận để lựa chọn hình thức trích dẫn phù hợp. Trong một bài viết có thể phối hợp nhiều hình thức trích dẫn tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho bài văn tránh tình trạng đơn điệu, nhàm chán khi chỉ sử dụng một cách đưa dẫn chứng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.