»» Nội dung bài viết:
Cách sắp xếp dẫn chứng hợp lí trong bài văn nghị luận văn học
Khi đã chọn lựa được dẫn chứng, thì việc sắp xếp dẫn chứng cũng rất quan trọng. Người viết phải biết đặt dẫn chứng cho trúng, sắp xếp cái nào trước, cái nào sau. Tùy mục đích, yêu cầu nghị luận, có thể sắp xếp dẫn chứng theo trình tự thời gian, trình tự không gian hay theo các khía cạnh của vấn đề. Cũng có thể căn cứ vào tâm lí tiếp nhận của người đọc mà sắp xếp dẫn chứng theo những cách khác nhau để tạo hiệu quả cao trong việc thuyết phục hay duy trì hứng thú của người đọc.
1. Sắp xếp dẫn chứng theo trình tự thời gian.
Sắp xếp theo trình tự thời gian chính là sắp xếp các chi tiết, sự kiện, tác phẩm theo thứ tự trước sau, cái nào có trước nói trước cái nào có sau thì trích dẫn sau. Chẳng hạn với đề văn “vấn đề đôi mắt trong các sáng tác của Nam Cao”, người viết sẽ sắp xếp dẫn chứng theo thứ tự các tác phẩm của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám sau đó mới đến những sáng tác sau cách mạng.
Lâu nay, mỗi khi lấy ví dụ về trích dẫn dẫn chứng theo trình tự thời gian, giáo viên vẫn minh họa cho học sinh đoạn trích trong “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Bác Hồ. Có thể nói đây là đoạn văn nghị luận tiêu biểu, chuẩn mực, đầy đủ trong trích dẫn. Dẫn chứng được sắp xếp theo trình tự từ xưa đến nay trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc.
2. Sắp xếp dẫn chứng theo trình tự không gian.
Trình tự không gian ở đây được hiểu trước hết là không gian vùng miền. Nổi bật nhất vẫn là hai vùng văn học Nam và Bắc. Mỗi tác phẩm đều mang những dấu ấn vùng miền khá rõ nét. Bởi vậy khi chọn và sắp xếp dẫn chứng, người viết cũng có thể sắp xếp theo trình tự không gian này để tạo ra được sự đa dạng phong phú trong bài viết của mình. Ví dụ với những vấn đề nghị luận có tính chất tổng hợp, khái quát cao như “Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thơ ca 1945-1975” hay “Tình yêu quê hương đất nước trong các sáng tác từ 1945-1975” người viết có thể sắp xếp dẫn chứng theo trình tự không gian vùng miền này.
Bên cạnh đó, trình tự không gian còn hiểu rộng hơn đó là không gian giữa dân tộc này và dân tộc khác, giữa văn học trong nước và văn học nước ngoài. Một bài văn nghị luận đảm bảo tính toàn diện phải luôn có sự đăng đối trong việc lựa chọn dẫn chứng. Trật tự sắp xếp thông thường là trích dẫn văn học trong nước trước sau đó là trích dẫn văn học nước ngoài. Ví dụ, khi làm các đề văn về phong cách văn học, người viết sẽ chọn các tên tuổi lớn của Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận như Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu nhưng cũng không nên quên các tác giả văn học nước ngoài như Victo Hugo, Banzac, Sekhov.
3. Sắp xếp dẫn chứng theo trình tự các khía cạnh của vấn đề.
Có những vấn đề nghị luận muốn làm sáng tỏ thì phải mổ xẻ từng khía cạnh bởi thế việc trình bày dẫn chứng cũng theo trình tự các khía cạnh của vấn đề. Ví dụ muốn làm rõ phong cách nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” người viết sẽ phải sắp xếp hệ thống dẫn chứng theo từng khía cạnh cụ thể như:
– Miêu tả thế giới nội tâm, gợi xúc động những hình thái mơ hồ, mong manh trong lòng người.(Những dòng viết về tâm trạng của nhân vật Liên với bao buồn vui lẫn lộn, nhiều xao xác bâng khuâng. Trời tối dần, Liên ngồi nhìn phố huyện, không hiểu sao là chị thấy lòng “buồn man mác”. Ngồi đợi tàu trong màn đêm, dưới ngàn sao lấp lánh, và ánh sáng của những con đom đóm nhấp nháy, tâm hồn Liên “yên tĩnh hẳn”. Tàu đến, Liên vội đánh thức em dậy, hai chị em nhìn đoàn xe vút qua, nhìn theo cái chấm nhỏ đèn xanh, xa mãi dần khuất sau rặng tre. Liên cầm tay em, “lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Liên nhớ lại kí ức tuổi thơ và ước vọng. Rồi Liên chìm dần trong giấc ngủ yên tĩnh của phố huyện về khuya “tịch mịch và đầy bóng tối”).
– Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình. (Giọng văn ấy đặc biệt thể hiện rõ qua đoạn trích nói về sự “mơ tưởng” của Liên khi đoàn tàu từ Hà Nội về vút qua sân ga phố huyện nhỏ bé, buồn tẻ – nơi Liên và em gái đang sống. Và một điểm nữa người ta không thể không nhắc đến khi đọc truyện Thạch Lam đó là chất thơ tạo tính hàm súc cho truyện của ông. Đoạn trích nói về dòng “mơ tưởng” của Liên là một đoạn như thế. Tác giả đã dùng các phép lặp để tạo sự nhịp nhàng, ấn tượng, rất riêng cho văn mình. “Hà Nội” phồn hoa hiện lên trong Liên rất rõ, rất lâu, lắng trong Liên bao cảm xúc về một thời đã qua; “thế giới khác” mà con tàu chở qua bừng lên trong ánh mắt Liên ánh sáng của “thế giới khác” và của thế giới phố huyện Liên đang sống nối tiếp nhau hiện về trong dòng mơ tưởng của Liên; và “đêm” mênh mông rợn ngợp trùm lên tất cả… Những hình ảnh đó cứ trùng điệp nối tiếp nhau nhịp nhàng như những lớp sóng khiến câu văn Thạch Lam lúc nhẹ nhàng lúc lan tỏa, lúc dồn nén…) .
– Sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập để làm nổi bật những cảnh đời lầm than nơi phố huyện. (Phố huyện ngập đầy bóng tối. Chỉ có vài ngọn đèn le lói. Riêng ngọn đèn nơi chõng hàng chị Tí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Càng về khuya, phố huyện càng im lìm, tịch mịch. Đêm nào cũng có một chuyến tàu chạy qua phố huyện. Dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng con tàu đã mang đến một thế giới đầy ánh sáng và náo động. Làn khỏi bừng sáng. Các toa đèn sáng trưng. Đồng và kền lấp lánh. Các cửa kính sáng Đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Tiếng xe rít. Tiếng hành khách ồn ào, khe khẽ. Tiếng còi tàu rít lên. Đoàn tàu rầm rộ đi tới và vút qua… Ánh sáng và bóng tối, ồn ào náo động và tịch mịch, tương phản ấy, đối lập ấy đã làm nổi bật những cảnh ngộ nghịch trái, đồng thời đi sâu vào những tâm tình, tâm trạng, những cảm xúc, cảm giác đầy ám ảnh.
– Câu văn thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. (Cảnh phố huyện lúc chiều tàn: “Phía tây, đỏ rực như lửa cháy (…). Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran nơi đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào… Đây là cảnh đầu đêm nơi phố huyện: “Trời đã bắt đầu đêm một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát . Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối…”).