Cảm nghĩ về hương vị bánh chưng ngày tết.
- Mở bài:
Từ ngàn xưa, người Việt đã biết tận dụng những tài nguyên của trời đất để tạo ra những giá trị cho cuộc sống của mình. Câu chuyện Lang Liêu và chiếc bánh chưng, bánh giầy không phải là sự thêu dệt của trí tưởng tượng phong phú mà đó là sự thật về cuộc sống và trí thông minh của con người thuở sơ khai. Trải qua mấy nghìn năm, chiếc bánh chưng đã trở thành phẩm vật thiêng liêng của cháu con dâng lên tổ tiên, trời đất trong mỗi dịp tết đến xuân về.
- Thân bài:
Hằng năm, mỗi khi cơn mưa bụi lất phất rơi trên những cánh hoa đào hồng mịn như nhung, mong manh như gió e ấp vươn mình trong cái rét ngọt mùa xuân, đón lấy những tia sáng mặt trời, ấy là lúc Tết đến. Xóm nhỏ của tôi bỗng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà chuẩn bị gạo nếp, lá dông làm bánh chưng. Đêm hai tám Tết, mấy chị em tôi xúm xít quanh ông bà, bố mẹ xem gói bánh chưng. Không hiểu vì sao, nhưng mỗi lần như vậy, tôi lại thấy háo hức và thích thú lạ kì…
Những hạt gạo nếp trắng mịn, căng tròn như chắt chiu từng giọt nắng, hạt mưa, ấp ủ trong mình cái thuần khiết, trong trẻo của hương đồng gió nội. Đỗ xanh được mẹ đồ chín, xay nhuyễn, quyện với những lát thịt ba chỉ thái dày. Tất cả được bọc trong tàu lá dong xanh mướt, sợi lạt trắng ngà dẻo dai. Lạt buộc có bốn sợi chia chiếc bánh chưng làm chín phần vuông vức.
Mỗi đứa chúng tôi còn được ông bà gói cho vài chiếc bánh nhỏ xíu, trông ngộ nghĩnh, đáng yêu lắm. Tôi thích nhất mỗi lần ngồi trông nồi bánh, nhìn lửa cháy bập bùng như chùm pháo hoa đêm hội, nghe bà kể chuyện Lang Liêu, rồi lim dim ngủ trong hơi ấm lửa hồng giữa trời lạnh giá.
Bánh chưng sau khi vớt được bố gói thêm lớp lá tươi thật đẹp, và trang trọng bày lên bàn thờ ông vải, bên mâm ngũ quả lung linh sắc màu. Trong mâm cỗ tất niên không thể thiếu món bánh chưng. Nếu ăn chầm chậm từng miếng bánh, ta sẽ thấy vị ngọt ngào, thơm dẻo của nếp, vị béo ngậy của đỗ xanh và thịt ba chỉ chín nhừ, như tan ra mà vẫn mãi vấn vương. Dì tôi ở xa không về quê ăn Tết được, năm nào bà cũng gửi vài ba chiếc bánh chưng, như món quà quê gói trọn cả một niềm thương nhớ.
Mỗi chiếc bánh chưng thể hiện triết lí sâu xa, lối sống và cách ứng xử của dân tộc ta. Gạo nếp dẻo thơm kết dính tượng trưng cho nghĩa tình gắn bó keo sơn. Lớp nhân đậu xanh hoà quyện với thịt heo là tấm lòng nhân hậu. Lớp lá dông xanh bao ở bên ngoài là tấm lòng thủy chung, thắm thiết. Lạt tre buộc chặt là biểu tượng cho tình thần đoàn kết, hòa nhất một lòng một dạ. Bởi thế, mỗi lần làm bánh hay thưởng thức vị ngon ấy, ai cũng bồi hồi nghĩ về tiên mình, nghĩ về lớp lớp người đi trước đã dày công bồi đắp làm nên cuộc sống hôm nay với lòng biết ơn sâu sắc.
Năm nay hoa đào nở, nhà tôi lại quây quần làm bánh chưng. Ông vừa nhanh tay buột lạc, vừa hăm hở kể chuyện những ngày kháng chiến, dù rất khó khăn nhưng bộ đội vẫn làm bánh chưng đón tết. Đêm 30, đơn vị đón giao thừa và ăn bánh chưng, ai cũng xúc động nhớ đến quê nhà. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng chiếc bánh chưng ngày tết vẫn được gửi đến chiến trường, giúp bộ đội đón tết ngay dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.
- Kết bài:
Thời gian có thể làm mọi thứ đổi thay nhưng cái tết của nhân dân ta chưa bao giờ thay đổi. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, bánh chưng gắn chặt, in sâu trong tâm thức của người Việt, trở thành một phẩm vật vừa bình dị vừa thiêng liêng, chứa đựng triết lí sâu xa về trời đất và con người.
Xem thêm:
- Kể lại những ngày tết thật ý nghĩa mà em đã trải qua.
- Cảm nghĩ về thú chơi hoa mai, hoa đào ngày tết của người Việt Nam