Cảm nghĩ về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long
- Mở bài:
Nguyễn Thành Long là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và ký. Ông thành công trong đề tài tìm kiếm, phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp con người trong lao động và chiến đấu. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long nhẹ nhàng, tình cảm, thường pha chất, hình tượng đẹp, ngôn ngữ giàu chất thơ, trong trẻo và nhẹ nhàng. Văn ông thường ánh lên vẻ đẹp của con người nên có khả năng thanh lọc làm trong sáng tâm hồn, khiến chúng ta thêm yêu cuộc sống. “Lặng lẽ Sa Pa” là truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Thành Long, được viết trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Sa Pa năm 1970. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nguyễn Thành Long đã rất thành công trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật anh thanh niên – một cán bộ làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn cao 2500m, hoàn toàn cách biệt với đời sống xã hội.
- Thân bài:
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được xây dựng xoay quanh một tình huống truyện khá đơn giản mà tự nhiên. Đó chính là cuộc gặp gỡ tình cờ của mấy người khách trên chuyến xe lên Sa Pa với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Trên chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai, ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ tình cờ quen nhau. Bác lái xe đã giới thiệu cho ông họa sĩ và cô kĩ sư làm quen với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Trong cuộc gặp gỡ 30 phút đã để lại trong lòng các vị khách nhiều ấn tượng tốt đẹp về anh kĩ sư.
Tình huống gặp gỡ này là cơ hội thuận tiện để tác giả khắc họa “bức chân dung” nhân vật chính một cách tự nhiên và tập trung, qua sự quan sát của các nhân vật khác và qua chính lời lẽ, hành động của anh. Đồng thời, qua “bức chân dung” (cả cuộc sống và những suy nghĩ) của người thanh niên, qua sự cảm nhận của các nhân vật khác (chủ yếu là ông họa sĩ) về anh và những người như anh, tác giả đã làm nổi bật được chủ đề của tác phẩm: Trong cái lặng lẽ, vắng vẻ trên núi cao Sa Pa, nơi mà nghe tên người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, vẫn có bao nhiêu người đang ngày đêm làm việc miệt mài, say mê cho đất nước.
Đây là nhân vật chính của truyện. Tuy nhiên tác giả không cho nhân vật xuất hiện ngay từ đầu mà chỉ gián tiếp qua lời giới thiệu rất ấn tượng của bác lái xe (rằng anh ta là “một trong những người cô độc nhất thế gian”, rằng anh ta rất “thèm người” và nếu họa sĩ đến gặp thì thế nào “cũng thích vẽ”; sau đó xuất hiện trực tiếp qua cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các nhân vật khác trong khoảng thời gian ngắn ngủi (ba mươi phút).
Chỉ 30 phút nhưng cũng đủ để những người tiếp xúc kịp ghi một ấn tượng – kịp để ông họa sĩ thực hiện bức kí họa chân dung, kịp để cô kỹ sư bàng hoàng và có những cái gì đó như hàm ơn về anh. Rồi dường như anh lại khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi cao Sa Pa.
Anh biết tạo ra một cuộc sống nền nếp văn minh và thơ mộng ngay giữa chốn rừng sâu núi thẳm.Vốn là người lính, anh thanh niên lúc nào cũng biết sắp xếp cho cuộc sống của mình thật gọn gàng, ngăn nắp: “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”. Không gian sống tuy nhỏ hẹp nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất hết mức. Tất cả chỉ “thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con,một chiếc bàn học, một giá sách”. Đó là một tinh thần tự giác, biết làm cho cuộc sống của mình trở nên tiện nghi và văn hóa. Dù sống cách biệt con người nhưng anh hằng ngày vẫn tuân thủ những chuẩn mực vốn có của xã hội. Một mặt là để làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn; mặt khác đó cũng là hành động tự giác tự rèn luyện mình.
Ngoài công việc, anh còn trồng hoa, nuôi gà, làm cho cuộc sống của mình thêm thi vị, phong phú về vật chất và tinh thần. Xung quanh ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng có hoa tươi, cây cỏ xanh tốt, một vườn rau nhỏ. Anh muốn kéo cả cuộc sống về với mình và không bao giờ để cho những hình ảnh quen thuộc tách rời mình. Đó cũng là cách mà con người thường làm khi sống tách biệt, thiếu vắng hơi hướng cuộc sống con người.
Cuộc sống của anh không cô đơn, buồn tẻ vì anh có một nguồn vui đó là đọc sách. Anh coi sách như một người bạn để trò chuyện, để thanh lọc tâm hồn, để di dưỡng tinh thần, vượt qua cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Thế giới trong sách sẽ làm tinh thần anh trở nên năng động, thấy mình gần hơn với cuộc sống, được hòa vui trong khí thế của cả dân tộc. Sách là nhịp cầu kết nối với thế giới nhộn nhịp bên ngoài. Bởi thế mà, khi được bác lái xe tặng sách anh đã vô cùng vui sướng, muốn nhảy cẫng lên reo hò.
Không gian sống của anh thanh niên là bằng chứng mạnh mẽ minh chứng một điều con người có thể sống tách biệt với xã hôi nhưng không bao giờ từ bỏ chính mình. Xây dựng một lối sống văn minh, biết tự sản xuất để cung cấp cho cuộc sống và làm phong phú thêm tinh thần là điều đáng cảm phục đối với những con người dám hi sinh hạnh phúc riêng, cống hiến sức mình vì lợi ích chung của đất nước.
Anh thanh niên là người rất yêu công việc, yêu đời, yêu cuộc sống; tận tụy, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Hiện ra trong trang văn của Nguyễn Thành long, ta thấy anh thanh niên 27 tuổi sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao 2600m, quanh năm làm bạn với mây mù và cây cỏ. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Đó là một công việc tuy không khó nhưng phải hết sức chăm chỉ và tỉ mỉ. Bao nhiêu năm làm việc ở đây, chưa một lần anh lơ là công việc, lúc nào cũng gắn mình với công việc trong một trách nhiệm cao cả. Có lúc “Nửa đêm dù mưa tuyết, gió lạnh, đúng giờ ốp thì cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm việc”.
Bốn lần ốp trong ngày: 4 giờ, 11 giờ, 19 giờ, lại 1 giờ, gian khổ nhất là lần báo lúc 1 giờ sáng, vậy mà anh chưa một lần trễ nãi. Anh tuân thủ nguyên tắc làm việc một cách nghiêm ngặt đã bốn năm nay. Công việc của anh không chỉ đòi hỏi tính chính xác mà còn tinh thần tránh nhiệm cao. Công việc tưởng chừng bình thường, đơn giản nhưng có ý chí, sức mạnh mới có thể thực hiện tốt được. Anh từng tâm sự: “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”; “Công việc tuy gian khổ nhưng cất nó đi, cháu buồn đến chết mất!”
Hoàn cảnh sống khắc nghiệt vô cùng bởi sự heo hút, vắng vẻ; cuộc sống và công việc có phần đơn điệu, giản đơn…là thử thách thực sự đối với tuổi trẻ vốn sung sức và khát khao trời rộng, khát khao hành động. Nhưng cái gian khổ nhất đối với chàng trai trẻ ấy là phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ quanh năm suốt tháng ở nơi núi cao không một bóng người. Cô đơn đến mức “thèm người”, phải lăn cây chặn đường dừng xe khách qua núi để được gặp gỡ, trò chuyện.
Đó cũng là nhu cầu cần thiết của con người để thể hiện và khẳng định tính xã hội của mình. Càng hình dung về hoàn cảnh sống của anh thanh niên chúng ta càng thêm cảm phục tinh thần dám hi sinh vì công việc của anh. Hằng ngày anh dường như câm lặng, chỉ có suy nghĩ và chân tay là vận động. Thế nhưng, anh vẫn luôn vui vẻ. Anh biết tạo ra niềm vui cho riêng mình để vượt qua sự đơn điệu của công việc và cuộc sống. Anh là biểu tượng của thế hệ thanh niên trong thời đại mới, sống có lý tưởng và yêu lý tưởng của mình! Sống có nghĩa là dâng hiến!
Anh thanh niên là người chân thành, cởi mở, hiếu khách và quan tâm chu đáo tới mọi người xung quanh. Không phải bởi “thèm người” mà anh tỏ ra cởi mở, hiếu khách. Người thanh niên vốn luôn sẵn có một tình yêu mến dành cho mọi người từ lâu. Đó cũng là phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Anh vui sướng cuống cuồng khi có khách đến thăm nhà. Bởi sự xuất hiện của con người nhất định sẽ mang đến cho anh những điều mới mẻ mà chốn cao xa này anh không thể có được. Anh đón tiếp khách nồng nhiệt, ân cần bằng tất cả tấm lòng của mình. Anh hăm hở hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái chưa hề quen biết, pha nước chè cho ông họa sĩ và hồ hởi kể về công việc và đời sống của mình.
Mấy lần gặp bác lái xe anh đã rất thân tình, ân cần và chu đáo. Anh còn nhớ tặng củ tam thất cho vợ bác vừa mới ốm dậy. Anh đếm từng phút vì sợ hết mất ba mươi phút gặp gỡ vô cùng quý báu và lưu luyến với khách khi chia tay, xúc động đến nỗi phải “quay mặt đi” và ấn vào tay ông hoạ sĩ già cái làn trứng làm quà, không dám tiễn khách ra xe dù chưa đến giờ “ốp”.
Tất cả không chỉ chứng tỏ tấm lòng hiếu khách của người thanh niên mà còn thể hiện sự cởi mở, chân thành, nhiệt tình đáng quí.
Anh thanh niên là người hết sức khiêm tốn, cởi mở và chân thành. Tuy đã xung phong làm việc nơi đỉnh cao vắng vẻ, một hành động dũng cảm nhưng anh tự nhận đó là trách nhiệm của mình, là bổn phận đối với nhân dân và đất nước, góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chung của đất nước. Anh từ chối tất cả mọi lời đề nghị, mọi sự tôn vinh và thầm khâm phục những con người dũng cảm và tài giỏi hơn mình. Anh ngượng ngùng khi thấy bác họa sĩ vẽ mình và khéo léo từ chối và xin giới thiệu người khác xứng đáng hơn. Tấm lòng chân thành của anh càng khiến đoàn khách thêm mến yêu và cảm phục.
Tóm lại, chỉ bằng một số chi tiết và anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện, nhưng tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc. Anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
- Kết bài:
Anh thanh niên, nhân vật trung tâm của tác phẩm, một trong những nhân vật “vô danh”, cao thượng, đáng quý của truyện ngắn này đang “âm thầm làm việc và lo nghĩ vì đất nước”. Tình cảm yêu thương, trân trọng, cảm phục… của độc giả nói chung và của cá nhân em nói riêng dành cho anh thanh niên. Hình ảnh của nhân vật này cùng với những nét tính cách tốt đẹp sống mãi trong lòng bạn đọc. Sa Pa hoang sơ, lặng lẽ nhưng thật bất ngờ khi từng giây từng phút sự sống vẫn tuôn trào trong cái lặng lẽ ấy.