Cảm nghĩ về nhân vật bé Thu sau khi đọc truyện ngắn “Chiếc lược ngà”.
1. Bé Thu là một cô bé ương ngạnh, bướng bình nhưng rất hồn nhiên, chân thật.
– Sự ương ngạnh của bé Thu thể hiện ở việc dứt khoát không chịu nhận ông Sáu là cha. Đáp lại sự vồ vập của người cha, bé Thu lại tỏ ra ngờ vực, lảng tránh. Ông Sáu càng muốn gần con thì đứa con lại càng tỏ ra lạnh nhật, xa cách.
+ Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn ngơ ngác lạ lùng… khi ông Sáu đến gặp lặp đi lặp lại: ba đây con! Thì nó lạ quá, mặt bỗng tái đi, chớp chớp mắt nhìn người đàn ông ? (vẫn im lặng) như muốn hỏi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: Má! Má!
+ Trong hai ngày đêm tiếp theo, mặc kệ những lời nói, cử chỉ âu yếm, làm thân, vỗ về tình cảm của anh Sáu, bé Thu một thực thờ ơ, lạnh lùng đến mức bướng bỉnh, ngang ngạnh bất cần… Ông càng chiều thương, nó càng lảng ra. Ông càng khao khát được nghe tiếng “ba” từ lòng con, nó càng cố tình cự nự.
+ Lúc cơm sôi một mình nó bé, không thể tự nhấc nổi để chắt nước, nó sẽ phải cầu cứu người lớn giúp đỡ, người đọc cứ ngỡ rằng nó sẽ phải chịu thua, không thể chiến tranh lạnh được nữa – nó buộc phải gọi ba… Nhưng không. Nó vẫn không chịu cất lên cái tiếng mà ba nó từng mong mỏi. Nó vẫn hành động theo sự bướng bỉnh, bất cần – tự mình làm lấy công việc nguy hiểm và quá sức. Nghĩa là nó không chịu nhượng bộ…
+ Khi bị ông Sáu tức giận đánh một cái thì nó bỏ về nhà bà ngoại, khi xuống xuồng còn cố ý khua dây cột xuống kêu rộn ràng thật to.
– Sự ương ngạnh, hồn nhiên của bé Thu hoàn toàn không đáng trách mà còn có phần đáng yêu. Đó là phản ứng tâm lý hoàn toàn tự nhiên của một đứa trẻ có cả tính mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé nhỏ để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le của đời sống và người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho nó đón nhận những khả năng bất thường, nên nó không tin ông Sáu là ba chỉ vì trên mặt ông Sáu có thêm vết sẹo, khác với hình ba mà nó đã được biết. Cô bé không tin thậm chí còn ngờ vực.
+ Cô bé không dễ tin người khác cả bạn của cha, cả mẹ xác nhận là cha nhưng không ai tháo gỡ được thắc mắc thầm kín trong lòng mình thì cô bé chưa chịu thông. Phản ứng tâm lý của em là hoàn toàn tự nhiên, nó còn chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, tình cảm của em sâu sắc, chân thật, em chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba. Chính cái thái độ quyết liệt ngang ngạnh đó lại là biểu hiện tuyệt vời của tình cảm người con dành cho cha – người trong tấm hình chụp chung với má em, một tình yêu chân thực, sâu sắc và mãnh liệt.
2. Bé Thu dành cho cha một tình yêu thương tha thiết.
– Trong buổi sáng cuối cùng tren bến sông, trước giờ phút ông Sáu phải đi xa thì thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột, thay đổi hoàn toàn. Nó đã dành cho ba một tình cảm thật mãnh liệt. Nỗi nhớ mong với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, nay bùng ra thật mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận. Giờ đây người cha sắp phải đi xa, xe mẹ, xa con và tiếp tục cuộc đời người lính gian khổ.
– Lần đầu tiên, Thu cất tiếng gọi “Ba….” và tiếng kêu như tiếng “xé”, không còn là tiếng kêu biểu lộ sợ hãi mà là tiếng nói của tình yêu thương ruột thịt. Rồi nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thốt lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó, nó hôn lên ba nó cùng khắp, hôn cả vết thẹo dài trên má như để nhận lỗi. Hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cải hai chân rồi cấu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run. Thì ra trong đêm bỏ về nhà bà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết thẹo làm thay đổi khuôn mặt ba nó. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải toả và ở Thu nảy sinh một trạng thái như là sự ân hận, hối tiếc: “nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Giờ đây cô mới vỡ lẽ ra người cha của cô thật đẹp và thật anh hùng. Cô bé không chỉ yêu cha, thương cha mà còn tự hào về cha.
– Qua biểu hiện tâm lý và thái độ, tình cảm, hành động của bé Thu, ta thấy đó là cô bé có tình cảm thật sâu sắc, mạnh mẽ, nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. ở Thu còn có nét cá tính là sự cứng cỏi đến mức tưởng như ương ngạnh, nhưng Thu vẫn là một đứa trẻ với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Hình ảnh bé Thu và tình yêu cha sâu sắc của Thu đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc, để lại những ấn tượng sâu sắc.
→ Tình cảm cha con trong chiến tranh có những xa cách, trắc trở nhưng rất thiêng liêng và sâu sắc. Người đọc thực sự xúc động về tình cảm của họ nhưng không khỏi có những trăn trở suy ngẫm.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng tập trung miêu tả cuộc sống và tình cảm của gia đình anh Sáu. Nổi bậc lên trong truyện là nhân vật bé Thu, một cô bé gan dạ, dũng cảm, có tình yêu thương cha tha thiết. Qua hình ảnh của bé Thu, Nguyễn Quang Sáng khắc họa thành công đời sống, chiến đấu và tinh thần gan dạ, dũng cảm, quyết chiến đấu hi sinh của nhân dân miền nam trong cuộc chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược.
- Thân bài:
Anh Sáu là cán bộ kháng chiến. Rời gia đình lên căn cứ lúc bé thư chưa tròn một tuổi, anh Sáu mang theo nỗi nhớ thương con tha thiết. Bé Thu dần lớn lên với mẹ. Bé chỉ được nhìn ngắm ba của mình trong những bức ảnh và gửi gắm hết tình cảm, cảm xúc của mình dành cho ba vào đấy. Nhưng trớ trêu thay, năm bé Thu tám tuổi, anh Sáu đã có dịp quay về quê hương để thăm gia đình, chỉ vì một vết sẹo trên gương mặt anh Sáu, bé Thu không chịu nhận ba của mình. Trong những ngày anh Sáu còn ở nhà, nhiều việc đã diễn ra dẫn đến tình cảm cha con giữa anh Sáu và bé Thu không hoà hợp được.
Đến khi bé Thu hiểu ra mọi lẽ thì cũng là lúc anh Sáu phải quay về chiến khu. Tình yêu thương ba mãnh liệt của bé Thu bùng toả dữ dôi lúc chia tay anh Sáu trên bến sông. Khi trở lại căn cứ, anh Sáu dồn hết tình yêu thương con tha thiết của mình vào làm chiếc lược tặng con. Nhưng không kết thúc ở đó, tình huống truyện lật trở một lần nữa. Trong một trận càn quét của địch, anh Sáu đã hy sinh. trước khi trút hơi thở cuối cùng,anh chỉ kịp gửi gắm lại tình yêu thương của mình dành cho bé Thu vào món quà thiêng liêng và nhờ đồng đội trao lại cho con gái.
Nếu ai chưa đọc hết câu truyện này mà chỉ nghe kể qua sẽ cảm thấy bé Thu là một cô bé bướng bỉnh, cứng đầu và bất hiếu với ba. Thật tế, bé Thu là cô bé rất ngoan. Bé Thu cự tuyệt, không nghe theo lời anh sáu trong lần anh trở về thăm nhà có lẽ là hành động lần đầu và cũng như lần cuối cùng của em vô lễ như thế. Bởi cái tình cảm tha thiết quá lớn của một đứa trẻ ngây thơ như em đã dành hết phần cho người ba trong bức ảnh mẹ vẫn hay cho em xem cùng để gạt bớt nỗi nhớ.
Hình ảnh người cha trẻ với gương mặt điển trai không một vết sẹo trên ảnh mà em được biết từ khi nào được khắc sâu vào trái tim nhỏ bé của Thu. Vậy mà giờ đây người đàn ông lạ lẫm nhận làm ba với một vết sẹo dài trên mặt khiến nó kinh ngạc và sợ hãi.
Hành động và cử chỉ của bé Thu trong những ngày cuối anh Sáu còn ở lại đã dẫn đến đỉnh điểm. Vào ngày cuối cùng trước khi anh Sáu rời đi, bé Thu vẫn kiên quyết phủ nhận tình cảm của anh Sáu bằng việc hất miếng trứng cá anh Sáu gắp cho ra khỏi chén cơm. Cơn tức giận của anh Sáu đã lên đỉnh điểm và trong cơn giận, anh đã đánh con. Cứ ngỡ rằng bé Thu sẽ khóc và giận hờn anh, nhưng không, một lần nữa, em lại thể hiện sự bướng bỉnh của mình. Không vùng vằng, không la hét, em chỉ lẳng lặng bỏ đi. Chúng ta có thể thấy bé Thu thật mạnh mẽ và kiên định,nhưng em không biết rằng hành động ấy có thể làm em hối hận về sau.
Điều này đối với một đứa trẻ như Thu phản ứng như thế thì không có gì lấy làm lạ cả. Thu cũng đã rất hối lỗi trước việc làm đáng trách của mình. Nó đã trằn trọc suốt đêm không ngủ được khi biết rõ sự tình qua lời ngoại kể. Trước khi rời xa ba, nó ôm lấy ba mình bằng hai tay, hay chân bằng hết thảy sinh lực mà nó có. Thế nhưng, nó cũng không giữ anh Sáu ở lại được.
Vào những khắc cuối cùng anh còn ở lại quê nhà, điều mà không ai ngờ đến diễn ra. Bé Thu sau khi nghe lời giải thích từ bà ngoại, đã bừng tỉnh ra và nhận anh Sáu là ba của mình. Giây phút tình yêu thương cha mãnh liệt của bé Thu được giải toả ra đều khiến mọi người nghẹn lòng.
Ẩn dưới sự bướng bỉnh, mạnh mẽ ấy là một cô bé hồn nhiên, dễ thương, giàu tình cảm, có niềm yêu thương ba mãnh liệt, da diết. Một cô bé mạnh mẽ nhưng đầm ấm, kiên quyết nhưng yếu đuối, mong mỏi chờ ba mình về.
Trong tim mỗi người tất luôn có một hình bóng những người thương yêu đậm sâu thì khó mà thay đổi được huống chi là trong hoàn cảnh chiến tranh như thế này. Tuy là buồn khi không nhận ra ba sớm hơn nhưng điều quan trọng là ta biết được bé Thu vẫn rất yêu thương ba mình nhiều đến thế. Từ việc hiểu ra được nguyên nhân anh Sáu có vết sẹo trên mặt từ lời kể của bà, Thu còn nhận ra được một điều sâu xa mà từ trước đến giờ bản thân Thu vẫn không thể nào hiểu đó chính là chiến tranh thật khốc liệt. Điều này cũng rất ý nghĩa giúp em quyết định hi sinh vì đất nước giống ba khi chọn công việc làm cô giao liên hiểm trở.
Chỉ mới hai nhân vật thôi cũng đã thấy được chiến tranh tàn ác đến mức nào, nó đã khiến cho con người ta cách xa nhau, không nhận ra nhau lẫn tình cảm mà mỗi người dành cho nhau. Không những thế chiến tranh còn là những vết dao găm tàn nhẫn đâm sâu vào trái tim con người khi khiến người ta phải hi sinh và người nhà phải đau buồn.
Trước lúc lên đường tiếp tục chinh chiến, anh Sáu cũng đã hứa sẽ mang về cho con một chiếc lược. Chỉ là một chiếc lược thôi mà lại mang một ý nghĩa rất lớn, là lời hứa hẹn rằng ba sẽ trở về. Thế nhưng chiến tranh đã ngăn cách hai cha con mãi mãi. Trong một trận càn khốc liệt của kẻ thù, anh Sáu đã hi sinh.
Chiến tranh đã giết chết anh Sáu, cướp đi của bé Thu người cha nó yêu quý nhất. Ấy vậy mà tình cha con vẫn chưa dừng lại ở đó, anh Sáu trước khi trút hết hơi thở cuối cùng đã kịp gửi lại chiếc lược ngà và nhờ bác Ba chuyển lại cho con gái anh. Đấy có lẽ là kỉ vật quý báu nhất của tình yêu thương mà anh Sáu đã cất công làm bằng cả tâm hồn, tình yêu thương, nỗi mong nhớ và hạnh phúc của một người cha.
Trong chiến tranh, tình cảm con người thì vẫn được truyền đi khắp nơi kho vẫn có những thứ tình cảm nhỏ bé mà lại đáng quý. Như tình cảm đồng chí của bác Ba với anh Sáu trong hoàn cảnh chiến tranh là không thể thiếu. Bác Ba vẫn không ngừng giúp đỡ anh Sáu, hai người luôn đi cạnh nhau hỗ trợ nhau trong nhiệm vụ. Cả đến khi anh Sáu không còn nữa bác Ba vẫn cố để giúp người bạn, người anh em đưa lại kỉ vật cuối cùng cho bé Thu. Ngoài ra còn một nhắn vật không kém phần quan trọng trong gia đình, đây chính là mẹ bé Thu. Người đã luôn theo sát con và anh Sáu. Bà vẫn luôn chăm lo từng chút, cố gắng vượt rừng thăm chồng và làm việc nuôi bé Thu thay cả phần chồng.
- Kết bài:
“Chiếc lược ngà” là một bài ca cảm động về tình cảm gia đình trong hoàn cảnh chiến tranh. Cho dù trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt đến cỡ nào, hoàn cảnh khó khăn đến mấy thì trái tim con người vẫn luôn nồng cháy tình thương yêu, vẫn luôn thấy hạnh phúc và chở che trong tình người. Chiến tranh có thể giết chết họ nhưng không thể nào hủy diệt tình yêu thương trong trái tim của họ. Nó mãi mãi còn đấy, mãi lan tỏa và ẩn mình. Nó biến thành sự căm phẫn, nỗi giận dữ, lòng căm thù và trút lên đầu kẻ thù cơn thịnh nộ dữ dội. Nó làm nên sức sống, sức chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta.