Cảm nghĩ về nhân vật Dế Choắt trong Bài học đường đời đầu tiên
- Mở bài:
Bài học đường đời đầu tiên trích từ chương I của truyện Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Bên cạnh nhân vật chính là Dế Mèn, một thanh niên cường tráng nhưng tính tình kiêu căng, sốc nổi, nhân vật Dế Choắt cũng để lại cho người đọc niềm cảm thương sâu sắc.
- Thân bài:
Chương truyện xoay quanh nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt. Dế Mèn là một chàng dế thanh niên cường tráng, khỏe mạnh nhưng lại có tính cách rất kiêu ngạo, hay cà khịa với những hàng xóm xung quanh. Dế Mèn có hàng xóm là Dế Choắt. Dế Choắt ốm yếu hơn, cánh ngắn củn, mặt lúc nào cũng ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Một hôm, Dế Choắt nhờ Dế Mèn đào giúp cho một cái hang thông sang ngách để phòng khi hoạn nạn. Nhưng Dế Mèn từ chối còn nói giọng khinh khỉnh trở về nhà. Sau đó, Dế Mèn còn rủ Dế Choắt trêu chị Cốc. Dế Choắt sợ đã từ chối, can ngăn nhưng anh ta không nghe. Dế Mèn vẫn hát bài đồng dao đó và chạy vào hang nằm yên vị trí. Không may cho Dế Choắt là chị Cốc nhìn thấy, liền dùng mỏ đánh Dế Choắt. Dế Choắt nằm thoi thóp và Dế Mèn mới bò ra cửa hang. Dế Mèn ân hận và trước khi Dế Choắt chết đã cho Dế Mèn một bài học ở đời.
Nhân vật Dế Choắt hiện lên trong đoạn trích với ngoại hình thật thảm thương, tội nghiệp. Dế Choắt có dáng người gầy gò, dài lêu nghêu “như một gã nghiện thuốc phiện”. Mặc dù đã tới tuổi thanh niên những cánh vẫn chưa dài, “ngắn củn đến giữa lưng”, hở cả mạng sườn “như người cởi trần mặc áo gi-lê”. Không những gầy yếu, chậm phát triển, Dế Choắt lại thêm vẻ xấu xí của đôi càng “bè bè, nặng nề”, râu ria ngắn cũn, cụt ngủn còn có một mẩu, trông hết sức buồn cười. Dưới con mắt của Dế Mèn, Dế Choắt lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Có thể thấy, đối với Dế Choắt, Dế Mèn có thái độ trịch thượng, coi thường, không xem Dế Choắt ra gì.
Với tài quan sát, miêu tả hình dáng nhân vật Dế Choắt, nhà văn Tô Hoài đã giúp người đọc hình dung được ngoại hình gầy gò, tội nghiệp, đáng thương của Dế Choắt. Từ đó, khêu gợi ở người đọc sự thương cảm sâu sắc đối với Choắt (gợi cho người đọc liên tưởng đến những thân phận bất hạnh, kém may mắn… trong cuộc sống).
Vì ốm yếu nên hang của Dế Choắt không được sâu như những chú dế khác. Chính bởi chú ốm yếu quá, không có sức khỏe để đào được một cái hang sâu chứ không phải vì lười biếng. Dù cho Dế Mèn có chê trách, chê bai hay đùa cho vui miệng thì Dế Choắt cũng đành chịu, chỉ đành than thở sức mình hèn kém. Quả thật ta thấy nhân vật Dế Choắt thật đáng thương và tội nghiệp.
Dế Choắt càng đáng thương hơn khi ở cạnh Dế Mèn. Chỉ vì cái tính ngông ngang, sĩ diện của Dế Mèn mà Dế Choắt đã phải trả một cái giá quá đắt. Trong một lần thấy chị Cốc đang đứng rỉa lông trên đầm, vì muốn chứng tỏ với Dế Choắt rằng mình chẳng sợ một ai, Dế Mèn đã ngông cuồng trêu tức chị Cốc khiến chị ta nổi giận. Dế Choắt yếu ớt, vô tội đã bị vạ lây, bị chị Cốc mổ cho đến chết. Trước khi chết, Dế Choắt đã đưa ra những lời khuyên chân thành cho Dế Mèn: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết suy nghĩ sớm muộn rồi cũng mang họa vào thân”. Câu nói của Choắt giống như một lời thức tỉnh dành cho Dế Mèn, để cậu ta nhận ra bài học cho chính bản thân mình. Quả thực, Dế Choắt là người thấu hiểu lẽ đời, chẳng oán giận Dế Mèn dù chính Dế Mèn là kẻ đã gây ra tai họa cho mình.
Dế Choắt xuất hiện chỉ khoảng thời gian ngắn nhưng giúp cho Dế Mèn nhận ra nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống, nhận ra bài học đầu tiên trong cuộc đời thấm thía: Ở đời mà có thói hung hăng, coi trời bằng vung, làm những điều bậy bạ, thiếu suy nghĩ thì sớm muộn gì cũng mang họa vào thân và ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Từ lời khuyên của Dế Choắt đối với Dế Mèn, người đọc cũng rút ra cho mình bài học về cuộc sống đầy ý nghĩa: đó là bài học về lối sống thân ái, chan hòa; yêu thương giúp đỡ bạn bè, cách ứng xử lễ độ, khiêm nhường, sự tự chủ, ăn năn hối lội trước cử chỉ sai lầm.
- Kết bài:
Dế Choắt là nhân vật tội nghiệp, đáng thương, cần được cảm thông, chia sẻ, yêu thương. Sự xuất hiện của Dế Choắt vừa làm rõ bản tính của Dế Mèn, lại vừa giúp cho Dế Mèn nhận ra được thói xấu của mình. Là học sinh, chúng ta không kiêu căng, tự phụ, không khinh thường ai, phải biết yêu thương, giúp đỡ kẻ yếu thế hơn mình, biết tự hoàn thiện bản thân để có ích cho xã hội.
»»» Xem thêm: