Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
Hàn Mặc Tử là một hiện tượng thơ kì lạ và bậc nhất của phong trào Thơ mới. Cuộc đời ông ngắn ngủi, đầy bi thương nhưng lại là một nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ để lại chặng đường thơ sáng ngời và nhiều bài thơ bất hủ cho hậu thế. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là tác phẩm xuất sắc nhất của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Hai khổ thơ đầu, tác giả giải bày tâm tư nhớ nhung tha thiết về thiên nhiên và con người xứ Huế. Nỗi buồn man mác thắm đượm cảnh vật.
- Thân bài:
Khổ 1: Cảnh vườn thôn Vĩ và tình người tha thiết:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
– Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Câu hỏi tu từ mở đầu mang nhiều sắc thái. Đó có thể là nhà thơ tự hỏi chính mình, tự vấn, trách bản thân không về thôn Vĩ. Đó có thể là câu hỏi của cô gái xứ Huế trách móc, hờn dỗi một cách duyên dáng, nhẹ nhàng, cũng như nhắc nhở, mời mọc một người bạn lâu rồi không về thăm.
– Dù là câu hỏi của người xứ Huế hay của chính tác giả đều biểu hiện khát khao, mong mỏi được mở lòng mình ra với cuộc đời mà nơi hướng về chính là thôn Vĩ.
– Ba câu sau gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thôn Vĩ trong khoảnh khắc hừng đông:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
– Điệp từ “nắng” gợi ra ấn tượng về ánh sáng tràn ngập, tươi sáng, bao phủ chan hòa khắp không gian. “Nắng hàng cau”: hình ảnh của vườn cau tắm mình trong nắng. “Nắng mới lên”: tia nắng đầu tiên trong ngày đánh thức vạn vật, trong trẻo, tinh khôi, thanh khiết, dịu dàng
– Khu vườn: “mướt”: đó là màu xanh của sự mỡ màng, non tơ gợi sự trù phú của mảnh vườn thôn Vĩ, có thể là ướt nước do sương đêm còn đọng lại hoặc cũng có thể do nước mưa dài ngày ở Huế, gợi sự đan xen giữa xúc giác và thị giác.
– “Xanh như ngọc”: phản chiếu ánh nắng của mặt trời, biện pháp so sánh độc đáo khiến trong màu xanh có ánh sáng, có sương long lanh của buổi sớm mai.
– Đại từ phiếm chỉ “ai”: gợi suy nghĩ về chủ nhân khu vườn xứ Huế khiến bức tranh có hồn, có tình hơn.
– Con người thôn Vĩ: “Lá trúc che ngang”: vẻ đẹp kín đáo, bản tính dịu dàng của con người xứ Huế. Mang vẻ đẹp rất phương Đông: cái đẹp hài hòa giữa con người với thiên nhiên. “Mặt chữ điền” là khuôn mặt đầy đặn cân đối đẹp phúc hậu. Đó là một hình ảnh được cách điệu hóa. Đó không là mặt của một ai cụ thể mà nó đại diện cho vẻ đẹp của tâm hồn Huế, con người Huế : ngay thẳng, phúc hậu.
⇒ Khung cảnh thôn Vĩ được miêu tả rất tươi đẹp, đơn sơ, ấn tượng, giàu sức sống. Cảnh vật tinh khôi, trong trẻo, mướt xanh trong nắng sớm mai; con người kín đáo, phúc hậu. Đằng sau bức tranh phong cảnh là tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người tha thiết cùng niềm băn khoăn day dứt của tác giả. Đó cũng là cái đẹp của tâm hồn tha thiết tình người, tình đời.
Khổ 2: Cảnh trời, mây, sông nước và niềm đau cô lẻ, chia lìa:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
– Nhịp thơ 4/3 gió theo lối gió/mây đường mây + điệp từ ⇒ gió giăng một đằng, mây bay một nẻo không theo logic tự nhiên gợi sự chia cách, không thể trùng phùng
– Thủ pháp nhân hóa: “buồn thiu”: nhân hóa con sông thành một sinh thể có tâm trạng, vừa gợi hình, gợi cảm: dòng sông trôi đi một cách hờ hững, lặng lẽ, cô đơn.
– Động từ “lay”: sự lay động rất nhẹ như là sự níu giữ vu vơ, một lưu luyến vô vọng của kẻ bị chia lìa.
– “Thuyền ai”: đại từ phiếm chỉ “ai” tạo nên tính bất định cho chủ thể “thuyền” gợi lên một hình ảnh xa vời, diệu vợi, mông lung.
– Từ “kịp” thể hiện sự ám ảnh thời gian, sự chia lìa. Chữ “kịp” nghe thật xót xa, khắc khoải, gây nên nỗi xót thương cho người đọc.
– Thủ pháp ẩn dụ:
+ “Trăng”: hình ảnh quen thuộc, ám ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử. Nhiều bài thơ, trăng là biểu tượng của tình yêu, hạnh phúc sự sống
+ “Bến sông trăng”: Bến bờ hạnh phúc, cõi sống.
+ Thuyền “chở trăng”: Thuyền chở hy vọng, hạnh phúc, sự sống
– Câu hỏi tu từ: “Có chở trăng về kịp tối nay?” thể hiện một sự thảng thốt, băn khoăn. Dường như tác tác giả đang ngóng trông, hy vọng và chạy đua với thời gian. Chỉ “tối nay” thôi, chứ tối mai hay tối kia đều muộn màng, không còn kịp nữa.
⇒ Cái thực và ảo hòa quyện, đan xen, giàu sức gợi: tâm trạng hoài nghi, mong ngóng, thể hiện khát vọng giao cảm với thiên nhiên và con người. Đó là tình yêu cuộc sống mãnh liệt.
+ Hai câu đầu bao quát toàn cảnh với hình ảnh gió mây chia lìa đôi ngả, “ dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” gợi nỗi buồn hiu hắt.
+ Hai câu sau tả cảnh dòng sông trong đêm trăng lung linh, huyền ảo, vừa thực vừa mộng. Đằng sau cảnh vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khát khao cháy bỏng của nhà thơ.
Nghệ thuật:
– Từ ngữ chọn lọc, hình ảnh độc đáo, giàu sức gợi, có sự hòa quyện giữa thực và ảo.
– Sử dụng có hiệu quả các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ.
– Ngôn ngữ trong sáng, tinh tế, đa nghĩa
– Câu hỏi tu từ phù hợp với tâm trạng.
– Giọng điệu khi tha thiết, khi đắm say, khi khắc khoải, u buồn
⇒ Bài thơ là cảnh xứ Huế thơ mộng, trữ tình, tràn đầy sức sống, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước. Đồng thời, bài thơ cũng chứa đựng nỗi cô đơn, tuyệt vọng của thi nhân nhưng vẫn khát khao yêu, sống mãnh liệt, thể hiện một nghị lực sống phi thường.
- Kết bài:
Hai khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh đẹp về cảnh và người của xứ Huế, thể hiện qua tâm hồn giàu tưởng tượng và đầy yêu thương của nhà thơ. Đoạn thơ kết tinh sự sáng tạo và phong cách nghệ thuật độc đáo của Hàn Mặc Tử, thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu dời, yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ. Với nghệ thuật gợi liên tưởng, hoà quyện thiên nhiên với lòng người, trải qua bao năm tháng, cái tình Hàn Mặc Tử vẫn còn nguyên nóng hổi, lay động day dứt lòng người đọc.