Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử

day-thon-vi-da-han-mac-tu

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

  • Mở bài:

Hàn Mặc Tử là hồn thơ đau thương nhưng là một nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ mới. Ông để lại cho văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị như: “Gái quê”, “Thơ điên”, “Chơi giữa mùa trăng”… Đặc sắc và gây xúc động nhất là bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được trích trong tập “Thơ điên”. Bài thơ là bức tranh tuyệt đẹp về miền quê đất nước và là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
….
Ai biết tình ai có đậm đà”

  • Thân bài:

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ rút trong tập “Thơ điên” xuất bản năm 1940. Theo thi sĩ Quách Tấn – bạn thơ của Hàn Mặc Tử thì bài thơ được gợi cảm hứng từ tấm bưu ảnh do cô gái Huế có tên Hoàng Cúc gửi tặng. Đó là tấm bưu thiếp vẽ cảnh Huế với dòng sông, con đò, bến trăng hay một buổi bình minh. Khi ấy Hàn Mặc Tử đang điều trị bệnh phong tại Quy Nhơn. Nhận được tấm bưu ảnh cùng những lời thăm hỏi của cô gái xứ Huế, ông đã xúc động viết bài thơ này.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Có lẽ, với bất cứ ai khi đọc bài thơ này, cũng đều bị cuốn hút ngay từ câu thơ đầu với những băn khoăn, vừa như hờn dỗi, như trách yêu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. Câu hỏi ấy chính là sự phân thân của nhà thơ, sự hóa thân của nhà thơ vào cô gái Huế. Chỉ một câu thôi, câu hỏi nhưng lại chan chứa yêu thương. Tại sao lâu rồi anh không về chơi thôn Vĩ bên bờ sông Hương thơ mộng, có người con gái anh thương? Nhà thơ sử dụng từ “chơi” mà không sử dụng từ “thăm”.

Nếu sử dụng từ “thăm” thì cấu trúc câu thơ không thay đổi nhưng nó trở nên khách sáo, từ “chơi” gợi nên sự thân mật, gần gũi thắm thiết, thân tình. Trong câu thơ, nhà thơ đã hé lộ cho người đọc tình cảm của mình đối với cô gái Huế, xem cô gái Huế là một người thân thương hay chính cô gái ấy xem nhà thơ như bạn tâm giao, tri kỷ. Mặt khác, sắc thái tu từ trong câu thơ đầu còn là lời tự hỏi, tự trách mình: sao cảnh Huế đẹp vậy mà mình không trở về ? Đó là một câu hỏi đớn đau, khắc khoải vì trở về Huế là điều không thể bởi nhà thơ đang ở giai đoạn cuối của cơn bạo bệnh. Nhưng cũng chính câu hỏi tu từ ấy là nguyên cớ để khơi dậy khao khát, hoài niệm. Vì không thể trở về nên nhà thơ đã làm một cuộc hành hương trong tâm tưởng.

Ba câu thơ tiếp theo là hình ảnh thôn Vĩ hiện lên qua cái nhìn tha thiết:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Cảnh sắc thôn Vĩ được chiêm ngưỡng từ xa đến gần. Từ xa nhà thơ đã nhìn thấy “nắng hàng cau nắng mới lên”. Câu thơ với điệp từ “nắng” và cách ngắt nhịp 4/3 gợi ra trong mắt người đọc một không gian tràn đầy ánh sáng. Cảnh hiện lên rõ nét sống động, đầu tiên là vẻ đẹp của “nắng hàng cau”. Cau là loài cây cao nên đón ánh nắng đầu tiên của ngày mới.

Không gian thôn Vĩ vì thế như được đẩy lên cao, thoáng đãng, khoáng đạt. Đặc biệt sau một đêm tắm gội dưới làn sương, những tàu cau trở nên xanh biếc hơn dưới ánh mặt trời. Cụm từ “nắng mới lên” cho ta thấy đó là ánh nắng của buổi ban mai thật rực rỡ, trong sáng. Câu thơ vẽ nên một hàng cau đầy sức sống đang vươn lên mãnh liệt đón ánh nắng đầu tiên của buổi sớm. Ánh nắng mới mẻ, tinh khôi như làm sáng bừng lên không gian khoáng đạt, rộng lớn.

Nhớ đến thôn Vĩ, nhà thơ nhớ ngay đến hình ảnh hàng cau đầu tiên. Bởi lẽ hàng cau là hình ảnh quá đỗi thân thuộc với mỗi người dân thôn Vĩ. Hình ảnh tưởng chừng như đơn sơ, bình dị ấy lại có sức gợi hình, gợi cảm lớn và có ý nghĩa sâu sắc trong trái tim nhà thơ. Nhắc đến cau còn là nhắc đến loại cây rất thân thuộc với làng quê Việt Nam, nơi có phong tục ăn trầu từ ngàn đời nay.

Ở khoảng cách gần, thôn Vĩ hiện lên bởi vẻ đẹp của khu vườn tràn đầy nhựa sống “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Câu thơ đã gợi ra một khoảng không gian xanh của thiên nhiên Vĩ Dạ, cái màu xanh mượt mà, mỡ màng của hàng cây khiến cho người đọc cảm nhận được một sức sống tràn trề, mơn mởn. Tác giả dùng màu xanh như ngọc để diễn tả sức sống, vẻ đẹp của thiên nhiên thôn Vĩ, một màu sắc cao quý, lấp lánh và trong trẻo. Nếu không có một tình yêu nồng nàn đối với đất và người Vĩ Dạ, có lẽ thi sĩ họ Hàn không thể gieo được những vần thơ trong trẻo đến như vậy.

Với hình ảnh “Vườn ai”? làm cho ý thơ lững khững, không thể xác định nhưng ngầm hiểu đó là khu vườn cô gái Huế. “Mướt” là một tính từ khác với “mượt” bởi “mượt” chỉ gợi lên mịn màng mà “mướt” thì gợi sự sáng lên, tươi mới của cảnh vật. Xuân Diệu đã từng viết:

“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”

Thủ pháp nghệ thuật so sánh “xanh như ngọc”. Xanh ngọc tức là xanh trong, màu xanh đi liền với ánh sáng nhưng không chói chang mà lại rất dịu, người đọc có thể hình dung vẻ đẹp của viên ngọc đính giữa bầu trời xứ Huế. Câu thơ với “vườn ai mướt quá” như một lời trầm trồ, thán phục, ngợi ca cũng như lời thầm cảm ơn chủ nhân của khu vườn đã dày công chăm bẵm cho khu vườn thêm đẹp.

Cảnh vật thôn Vĩ càng đẹp hơn trước bởi sự xuất hiện hình bóng con người “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Vĩ Dạ nổi tiếng với màu xanh của trúc – một loài cây họ tre được trồng trước ngõ. Trong tâm tưởng thi nhân bất chợt hiện về khuôn mặt chữ điền lấp ló sau hàng trúc. Lá trúc thì mảnh mai, mặt chữ điền gợi sự vuông vắn, phúc hậu. Tất cả tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa con người và cảnh vật đồng thời qua đó người đọc nhìn thấy không chỉ vẻ đẹp phúc hậu của người con gái Huế mà còn là vẻ đẹp của sự kín đáo, duyên dáng, e ấp rất thiếu nữ, rất Huế.

Thiên nhiên và con người có sự gắn bó, hòa quyện hấp dẫn tạo xúc động mạnh trong lòng nhà thơ. Nhà thơ đã ghi lại linh hồn của tạo vật với những gì đặc sắc, lắng đọng trong ký ức hoài niệm, trong nỗi niềm nhớ thương. Bằng việc miêu tả vẻ đẹp thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử đã thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng thiết tha đằm thắm đối với cảnh và người xứ Huế. Tất cả ẩn chứa một sự nuối tiếc, một niềm khát khao trở về thôn Vĩ yêu thương.

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”.

Sông Hương, núi Ngự hiện lên với vẻ đẹp đặc trưng của xứ Huế, dòng sông Hương luôn chảy lững lờ, chậm rãi – đó là “điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Hai bên bờ sông là những vườn bắp với những bông hoa nhẹ nhàng lay động. Thế mà trong đôi mắt Hàn Mặc Tử thì cảnh vật hiện lên chia lìa “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay“. Phép nhân hoá làm dòng sông như chở nặng nỗi sầu thương chất ngất của nhà thơ. Đó là lúc tâm cảnh đã nhuốm vào ngoại cảnh. Nỗi buồn của thi nhân dường như phủ khắp cảnh vật: gió, mây, dòng sông, hoa bắp…

Gió và mây là hai sự vật luôn sánh đôi với nhau như thuyền và nước nhưng trong thơ Hàn Mặc Tử thì gió mây chia lìa. Gió đóng khung trong gió, mây đóng khung trong mây “Gió theo lối gió, mây đường mây”.  Nhìn xuống dòng sông, thi nhân thấy dòng sông trở nên “buồn thiu”, còn hoa bắp chỉ khẽ “lay” – một cử động rất nhỏ tạo cho bức tranh nỗi buồn hiu hắt vắng lặng. Chữ “lay” ấy như từ trong ca dao bay về đậu vào thơ Hàn Mặc Tử :

“Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em”

Không gian sông nước xứ Huế nhuốm màu sắc hư ảo. Nỗi buồn phủ khắp cảnh vật từ gió mây đến dòng nước và hoa bắp bên sông. Buồn đến não ruột, buồn đến mềm lòng. Gió và mây vốn gắn kết cũng đã có sự chia lìa đôi ngả, dòng sông mang đầy tâm trạng chảy về niềm tâm tưởng. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, đơn phương.

Hai câu thơ tiếp theo, thi nhân đưa người đọc vào cõi mộng. Vẫn là dòng sông Hương, là Huế thơ mộng nhưng không còn nắng, còn xanh của Vĩ Dạ mà trước mắt người đọc là không gian ngập đầy ánh trăng, con thuyền trở thành thuyền trăng, dòng sông thì sông trăng, bến thì thành bến trăng. Từ xưa đến nay, có thuyền trăng, bến trăng nhưng nay lại có sáng tạo sông trăng độc đáo của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Đọc câu thơ, người đọc có cảm tưởng như đang trôi vào cõi mộng, dường như đang sống trong khắc khoải hoài mong của thi nhân.

Thơ Hàn Mặc Tử ít nhiều nhuộm màu sắc trường phái tượng trưng siêu thực của phương Tây vì thế nên có nhiều hình ảnh khó nắm bắt, ví như câu viết về trăng trong tác phẩm này. “Thuyền ai” phải chăng đó là con thuyền của cô gái Huế, con thuyền mà nhà thơ đang mơ ước chở trăng và phải chăng trăng chính là tình yêu mà nỗi chờ mong của Hàn Mặc Tử. “Tối nay” là tối nào, phải chăng đây là giới hạn cuối cùng của cuộc đời nhà thơ – khi mà cuộc sống của nhà thơ là cuộc chạy đua với thời gian.

“Tối nay” phải chăng chính là ranh giới của sự sống và cái chết. Có phải vì thế mà câu hỏi tu từ vang lên khẩn thiết: “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Liệu rồi con thuyền ấy có cập bến bờ trước lúc Hàn Mặc Tử trở về với cõi vĩnh hằng hay không? Từ “kịp” vì thế mà chất chứa tâm trạng hoài mong và cả tin yêu lẫn bi kịch và hoài nghi của con người.

“Có chở trăng về kịp tối nay?” là câu hỏi ẩn chứa một sự day dứt, mong ước và lo sợ. Một niềm hy vọng đầy khắc khoải và phấp phỏng trong tâm trạng thi nhân. Hàn Mặc Tử cảm nhận thời gian đang trôi chảy trong lúc mình bất lực. Chính vì vậy mà người đọc càng thấu hiểu hơn cái giục giã trong lời mời gọi ở câu thơ đầu, càng đồng cảm hơn với khát vọng sống mãnh liệt của nhà thơ khi cái chết đang kề cận. Mặc dù sống trong mơ nhưng thi nhân không mất hết hy vọng mà vẫn mong ước một cách riết róng:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Nhịp thơ 4/3 và điệp ngữ “Khách đường xa” được lặp lại hai lần thể hiện tâm trạng khắc khoải chờ đợi và niềm khát khao đến mãnh liệt. Từ “mơ” nằm đầu câu đã thể hiện rõ tâm trạng mong chờ ấy của thi nhân. “Mơ” chứ không phải là “mong”, vì không mong được nên mơ, vì sống trong mơ có lẽ sẽ bớt đi nỗi cô đơn thì phải. “Khách đường xa” có lẽ chính là cô gái Huế, và khách đường xa xuất hiện trong màu áo trắng. Màu trắng tượng trưng cho vẻ đẹp trong trắng tinh khôi của cô gái Huế – nhất là Hoàng Cúc từng là nữ sinh của trường Đồng Khánh.

Trong sự đa nghĩa của câu thơ, màu trắng còn là sắc màu chỉ sự trong trắng của mối tình đơn phương; màu trắng ở đây vượt lên trên mức bình thường nên đã hóa thành màu của ảo ảnh và chính vì nhìn vào ảo ảnh nên hình bóng của giai nhân cứ mờ nhoè, hư ảo.

Câu hỏi cuối khổ thơ vang lên đầy hoài nghi, đầy khắc khoải về một mối tình vô vọng: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Đây là sự hoài nghi của người yêu đời tha thiết. Nhà thơ trong trạng thái bị dày vò vì khát khao tình yêu, vì trái tim đang rơi vào trống trải. Câu hỏi như một tiếng kêu đau đớn, mang theo nỗi buồn vô vọng và những uẩn khúc của Hàn Mặc Tử – một tâm hồn đau thương chới với, bất lực trong mặc cảm chia lìa nhưng cũng hết lòng thiết tha với cuộc đời.

Bài thơ sử dụng một số biện pháp tu từ như: điệp từ, nhân hóa, so sánh, câu hỏi tu từ… Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, tác giả Hàn Mặc Tử đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: nỗi đau đớn trước sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Dầu vậy nhưng ông vẫn sống hết mình trong sự đau đớn của tinh thần và thể xác. Điều đó chứng tỏ ông không buông thả mình trong dòng sông số phận mà luôn cố gắng vượt lên nó để khi xa lìa cõi đời sẽ không còn gì phải hối tiếc. Trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc. “Tình yêu trong ước mơ của con người đau đớn ấy có sức bay bổng kì lạ” nhưng nó cũng giản dị, trong sáng và tươi đẹp như làng quê Vĩ Dạ.

  • Kết bài:

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một thi phẩm nói lên mối tình đơn phương vô vọng nhưng cũng rất đỗi thiết tha yêu đời của thi nhân Hàn Mặc Tử. Nhắc đến Huế, ta không thể quên bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, và nhắc đến Hàn Mặc Tử ta càng không thể quên vẻ đẹp của Huế, đặc biệt là không thể quên vẻ đẹp thôn Vĩ trong thi phẩm để đời của ông.


Tham khảo:

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

  • Mở bài:

Hàn Mặc Tử là một trong ba đỉnh cao của phong trào Thơ mới tại Việt Nam vào những năm 1932 – 1935 ở thế kỉ trước. Ông khẳng định bản thân mình trên dòng chảy của văn học dân tộc với thể loại “thơ điên”. Theo như Bạch Cư Dị đã từng nói: “Lời là gốc, ý là cành, thanh là hoa, nghĩa là quả. Thơ ca là nghệ thuật tổ chức ngôn từ sao cho tạo ra trùng trùng điệp điệp những lớp nghĩa“. Phần lớn đọng lại trong tâm hồn những người yêu thơ ca Việt Nam là những bài thơ viết về xứ Huế của tác giả Hàn Mặc Tử. Trong đó, không thể không kể đến tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” – một thi phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ ca Hàn Mặc Tử. Bài thơ là một bức tranh thôn Vĩ vô cùng xinh xắn, đẹp đẽ cùng với dòng tâm trạng của nhà thơ.

  • Thân bài:

“Đây thôn Vĩ Dạ” được lấy cảm hứng từ bức ảnh của Hoàng Cúc – một người con gái thôn Vĩ mà tác giả thầm thương trộm nhớ. Hàn Mặc Tử viết tác phẩm này khi ông đang điều trị căn bệnh quái ác tại trại phong Quy Hòa, tức là những ngày tháng cuối đời của ông. Bài thơ lúc đầu được đặt tên là “Ở đây thôn Vĩ Dạ”.

Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”

Một câu hỏi tu từ không phải để hỏi, mà để bộc lộ cảm xúc. Đó như là một lời trách móc, nhắn nhủ; cũng lại giống như một lời mời mọc. Nhưng, câu nói ấy là của ai? Nhiều người cho rằng, đây là lời của Hoàng Cúc; hay nói cách khác, là lời của một người con gái thôn Vĩ. Tuy nhiên, ta cũng có thể hiểu rằng đây chính là lời nói của Hàn Mặc Tử – tác giả tự phân thân, tự hỏi chính bản thân mình. Từ ngữ mà nhà thơ sử dụng, là “không về” chứ không phải là “chưa về”. Bởi ông biết chắc rằng mình sẽ chẳng thể trở về được nữa, căn bệnh quái ác đang dày vò, xâu xé người thi nhân. Câu thơ khi mới đọc qua, ta tưởng như đó chỉ là một lời trách móc trong trẻo, nhẹ nhàng; nhưng càng tìm hiểu sâu hơn, ta mới càng thấy được nỗi niềm u uất lớn. Còn gì đau đớn và xót xa hơn khi không thể trở về nơi có người mình hằng mong nhớ yêu thương, nơi đã gắn bó cả cuộc đời của tác giả.

Dù rằng thân xác không thể quay lại, nhưng tâm hồn Hàn Mặc Tử vẫn luôn nhớ về mảnh đất thôn Vĩ:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

Động từ “nhìn” gợi ra một ánh mắt đau đáu dõi về quê hương từ phương xa của tác giả. Cảnh đẹp nơi mảnh đất xứ Huế in sâu trong tâm tưởng nhà thơ. Hàn Mặc Tử dùng hình ảnh “hàng cau” – loài cây cao nhất trong vườn để làm một thước đo mực nắng từ thiên nhiên. Cụm từ “nắng mới lên” là bổ ngữ, bổ sung ý nghĩa cho “nắng hàng cau”. Buổi sớm, những tia nắng dịu dàng chạm nhẹ vào từng kẽ lá, rơi xuống long lanh như những hạt kim tuyến xinh đẹp. Thời gian trong bức tranh không hề tĩnh tại mà đang từ từ, chầm chậm chuyển động. Hiểu sâu xa hơn nữa, đặt vào hoàn cảnh của tác giả lúc bấy giờ – thời gian đầu của căn bệnh – hình ảnh “nắng mới lên” rất khác với “Dọc bờ sông nắng chang chang” – cái nắng gay gắt và đau đớn của chặng sau căn bệnh.

Không chỉ miêu tả mỗi “nắng hàng cau”, Hàn Mặc Tử còn miêu tả lại tổng quát cả khu vườn đặc trưng xứ Huế:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Qua tính từ “mướt” cùng phép so sánh “xanh như ngọc”, độc giả có thể hình dung một khu vườn tuyệt đẹp với vẻ xanh mượt, óng ả, mỡ màng và tràn đầy sức sống. Mảnh vườn ấy từ vẻ quê điền, mộc mạc nay trở nên thật quý giá và long lanh như một viên ngọc. Từ “quá” đồng nghĩa với “rất”, nhưng phải là từ “quá” bởi nó diễn tả sự ngạc nhiên. Một bức tranh thiên nhiên xinh xắn tới mức ngỡ ngàng! Không cần biết chủ nhân của khu vườn này là ai, nhưng chắc chắn “ai” đó phải là một con người rất đẹp.

Lúc này đây, Hàn Mặc Tử đang dùng hết tâm trí của mình để nhớ về xứ Huế, nhớ về thôn Vĩ Dạ – không chỉ thiên nhiên, mà cả con người:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Theo quan niệm xưa, “mặt chữ điền” là khuôn mặt của người con trai khỏe khoắn và chất phác; nhưng ở xứ Huế, người ta lại có câu ca dao:

“Mặt em vuông tựa chữ điền
Da em thì trắng áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung”

Như vậy, không cần phân biệt là trai hay gái, hình ảnh “mặt chữ điền” tượng trưng cho những con người phúc hậu, thủy chung, nhân nghĩa. Vẻ đẹp ấy không lồ lộ mà được bày tỏ kín đáo qua hình ảnh “lá trúc che ngang”.

Tựu chung lại, khổ thơ thứ nhất là hình ảnh thôn Vĩ được tác giả miêu tả bằng cả tâm hồn, bằng sự gắn bó và tình yêu thương sâu sắc. Cảnh thôn Vĩ đẹp đẽ thơ mộng, người thôn Vĩ thật thà, nhân hậu!

Đến với khổ thơ thứ hai, tác giả đưa chúng ta đến với cảnh sông nước xứ Huế. Nếu có ai đã từng ghé thăm Huế, chắc hẳn sẽ không thể quên được vẻ đẹp của dòng sông Hương:

“Hương giang ơi dòng sông êm
Quả tim ta vẫn ngày đêm tự tình”

Vậy mà, qua ngòi bút của Hàn Mặc Tử, cảnh đẹp ấy bỗng trở nên thật là buồn biết bao:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

Gió khép chặt mình trong hai chữ “gió”, mây đóng khung mình trong hai từ “mây”. Hình ảnh gió và mây vốn luôn song hành, gắn bó mà giờ đây lại bị chia cắt, chia lìa. Nước có dòng nhưng không buồn chảy, hoa mặc mình để gió nhẹ lay. Mọi vật đều đã nhuốm màu nỗi buồn. Hai câu thơ được ngắt nhịp 4/3 như để bẻ gãy sự nối kết, chia cắt chia lìa thiên nhiên. Không gian thì trống vắng, thời gian thì ngưng đọng, cảnh vật đều vô cùng hời hợt và hờ hững. Những hình ảnh ấy giống như mối tình của Hàn Mặc Tử đơn phương Hoàng Cúc – một mối tình không thể nào cứu vãn. Từ tầm cao cho tới tầm thấp, từ bầu trời cho tới dòng nước; nỗi buồn, nỗi đau của nhà thơ đã giăng kín mọi ngóc ngách của cảnh vật.

Ở hai câu thơ cuối của khổ thơ thứ hai, những câu từ của Hàn Mặc Tử như cánh cửa mở ra một không gian vừa thực lại vừa ảo:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Một lần nữa, đại từ phiếm chỉ “ai” và câu hỏi tu từ lại xuất hiện. Tác giả gọi dòng sông Hương là một dòng “sông trăng”. Con sông ấy như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu lại ánh trăng trên bầu trời, khiến cho không gian trở nên ngập tràn ánh trăng, giống như được dát vàng vậy! Con thuyền chở trăng trôi trên dòng sông trăng. Một không gian thật thơ mộng và huyền ảo! Như ta đã biết, thơ của Hàn Mặc Tử luôn gắn liền với hai hình ảnh “trăng” và “máu”. Trong đó, “trăng” chính là tình yêu quê hương da diết, sâu sắc mà bình dị, mộc mạc. Tác giả nhớ quê, nhớ Huế, nhớ người con gái thôn Vĩ. Hàn Mặc Tử tự đặt ra một câu hỏi cho mình: liệu có còn kịp để trở về hay không? Mang trong mình căn bệnh phong quái ác – một thứ bệnh không thể chữa khỏi – ông tự ý thức được thời gian của bản thân không còn nhiều nữa. Câu thơ, câu hỏi tu từ là nỗi niềm băn khoăn, day dứt, dằn vặt không thôi của người thi sĩ.

Theo dòng cảm xúc của Hàn Mặc Tử, khổ thơ cuối cùng của “Đây thôn Vĩ Dạ” dường như là hiện thân của chữ “máu” trong thơ ông. Đó là những đau đớn, day dứt, dằn vặt và ma quái:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra”

Động từ “mơ” cho ta một cảm giác không hề chân thực, có chút mơ hồ, mộng mị. Cụm từ “khách đường xa” được lặp lại hai lần càng nhấn mạnh sự xa cách, chia lìa, khó có thể nắm bắt. Sự xa cách ấy không chỉ là xa cách về không gian, khoảng cách địa lý; mà còn là sự xa cách về thời gian và quan trọng hơn là xa cách ở lòng người. Trong cõi hư ảo, ngay cả người mà mình thầm thương trộm nhớ, tác giả cũng đã không còn nhận ra nữa rồi, thật là xót xa làm sao!

Một lần nữa, câu hỏi được tác giả cất lên nhưng không hề có lời hồi đáp:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

“Ở đây” – ở đâu? Cụm từ ấy định danh một địa điểm cụ thể. Đó là thế giới riêng của tác giả – một nơi cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. “Ở đây” cũng có thể hiểu là một từ chỉ thời gian. Tại thời điểm hiện tại, mọi hình bóng, dáng vóc của con người ngày hôm qua đều đã mờ đi, nhòe đi trong tâm trí của nhà thơ rồi. Đại từ phiếm chỉ “ai” được sử dụng tới hai lần, song câu thơ có thể được hiểu theo hai nghĩa: một là, liệu Hoàng Cúc có biết tới tình cảm, có nhớ tới tấm lòng của Hàn Mặc Tử này không; hai là, mọi người, những người khác có hiểu được nỗi niềm của một người như ông hay không? Dù hiểu theo cách nào, ta cũng đều cảm nhận được nỗi cô đơn tột cùng của nhà thơ, cảm nhận được nỗi niềm khao khát của một kẻ đang bị cách ly với thế giới bên ngoài, đang mang trong mình căn bạo bệnh quái ác…

  • Kết bài:

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ hay nói về cảnh sắc, con người thôn Vĩ cũng như nỗi niềm tâm trạng băn khoăn, đau đáu, khắc khoải của Hàn Mặc Tử. Hiểu thôn Vĩ như mọi miền quê khác của tổ quốc, ta mới thấy được tình yêu đất nước thầm kín nhưng mãnh liệt của người thi sĩ. Cho tới tận ngày hôm nay, chưa một ai dám khẳng định rằng đã có thể bóc tách hết những lớp nghĩa của tác phẩm này. Vậy nên, “Đây thôn Vĩ Dạ” vẫn sẽ luôn là một hành trang tinh thần, gắn bó lâu dài với những người yêu văn chương, yêu thơ ca Việt Nam

14 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận những rung động tinh tế của Hàn Mặc Tử trước cảnh đẹp thôn Vĩ - Theki.vn
  2. Thời gian và không gian trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử - Theki.vn
  3. Chứng minh: bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài ca về tình yêu - Theki.vn
  4. Chứng minh: "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài ca về tình quê - Theki.vn
  5. Nghị luận: So sánh hình ảnh dòng sông và con thuyền trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" (Hàn Mặc Tử) và Tràng giang (Huy Cận) - Theki.vn
  6. Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Theki.vn
  7. Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Theki.vn
  8. Đề bài: Đọc - hiểu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Theki.vn
  9. Soạn bài: Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) - Theki.vn
  10. Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Theki.vn
  11. Phân tích và cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Theki.vn
  12. Qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử làm sáng tỏ: Thơ không cần nhiều từ ngữ... - Theki.vn
  13. Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên và tình yêu trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Theki.vn
  14. Chứng minh: Tràng giang đã tiếp nối mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.