Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

cam-nhan-kho-tho-cuoi-bai-tho-day-thon-vi-da

Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử

  • Mở bài:

Hàn Mặc Tử là nhà thơ thuộc trường phái thơ siêu thực, quan niệm thơ độc đáo, khác lạ, cái nhìn siêu thực, ngôn ngữ lạ hóa. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một thi phẩm mang phong vị trong trẻo, thiết tha, hiếm gặp trong thơ Hàn Mặc Tử. Lấy cảm hứng từ một cuốn bưu thiếp mà Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử sau khi biết được tình yêu đơn phương mà Hàn Mặc Tử dành cho mình, thi sĩ đã viết nên bài thơ để cảm nhớ về mối tình xưa cũ vẫn còn nồng cháy trong tim. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, niềm khao khát của con người tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, con người. Đặc biệt, khổ thơ cuối của bài thơ đọng lại nỗi hoang mang của tác giả, vừa có chút hoài mong, vừa như vô vọng trong tình yêu đơn phương:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?” 

  • Thân bài:

Theo lời của bạn bè và người thân nhà thơ kể lại khi làm ở sở đạc điền ở Qui Nhơn, Hàn Mạc Tử đem lòng yêu cô gái tên là Hoàng Thị Kim Cúc mà chúng ta vẫn quen gọi là Hoàng Cúc. Đây là cô gái con nhà viên chức lại có vẻ đẹp dịu dàng kín đáo kiểu chân quê. Thực ra đây chỉ là mối tình đơn phương từ phía Hàn Mạc Tử.

Khi nhà thơ mắc bệnh nan y, ông đã nhận được tấm thiệp kèm lời hỏi thăm của Hoàng Cúc. Lời thăm hỏi không ký tên, nhưng bức ảnh và những dòng chữ kia đã kích thích trí tưởng tượng, cảm hứng, và đã gợi dậy những gì thầm kín xa xưa của Hàn Mặc Tử… Thi sĩ đã viết bài thơ này để tặng cho cô gái. “Đây thôn Vĩ Dạ” mang giọng điệu tha thiết. Tha thiết với người con gái anh thầm yêu, với cảnh Huế, người Huế và trên hết với cuộc đời. Những điều này đã biến tiếng nói nội tâm riêng tư của Hàn Mặc Tử trở thành tiếng lòng muôn đời của người trong cuộc đời.

Căn cứ vào bài thơ, ta sẽ thấy rõ dòng chảy của tình cảm của nhà thơ. Nếu khổ thơ thứ nhất tả vẻ đẹp của vườn cây thôn Vĩ và thi sĩ gửi gắm ước mong một ngày nào đó được trở về thăm cảnh cũ người xưa; đến khổ thơ thứ hai tả cảnh sông nước đêm trăng huyền ảo: gió, mây, dòng nước, hoa bắp tay… trong không gian quạnh vắng, đìu hiu. Nét thực nét ảo cứ chập chờn chuyển hóa. Khung cảnh thấm đẫm nỗi buồn thương, giống như tâm trạng đang chới với, lo âu, nghẹn ngào của thi sĩ trước linh cảm tan vỡ, chia lìa của tình yêu; thì khổ thơ thứ ba lại khắc đậm hình ảnh khách đường xa và chốn sương khói mông lung, cảnh chìm trong mộng ảo. Dẫu có hình ảnh của khách đường xa, áo trắng… nhưng tất cả đều nhạt nhòa, vô định như một mối tình vừa mới định hình đã vội hóa thành hư vô, đọng lại trong lòng người một nỗi hoài nghi, hi vọng.

Những người con gái trong thơ Hàn Mặc Tử bao giờ cũng hiện thân cho vẻ đẹp tuyệt đỉnh của trần thế. Ở khổ thơ cuối của bài thơ cũng tập trung vào hình ảnh của thiếu nữ. Hình ảnh gần gũi thân thương của “em” đã trở thành nhân cách, xa vời, hư ảo. Lời thơ nghe như có gì thổn thức, nghẹn ngào, hụt hẫng, chới với, bẽ bàng:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…”.

Trên là vườn đẹp, trăng đẹp và bây giờ đến hình bóng đẹp của “khách đường xa”. Hình ảnh này gợi cho ta nhớ tới gương mặt chữ điền có lá trúc che ngang không thể nào quên. Đây là hình ảnh người con gái Huế có vẻ đẹp trinh khiết đầy xuân tình mà thi sĩ hằng yêu mến. Gắn với hình dáng ấy là sắc áo trắng tinh khôi. Màu áo ở đây cũng là màu áo trong tâm tưởng. Tác giả hình dung trong tâm tưởng để thấy lại cái màu trắng của kí ức, cho nên nó hư hư thực thực. Câu thơ đầy ảo giác nhưng rất hay, rất có lí và bất ngờ: Áo em trắng quá nhìn không ra. Màu trắng giờ đang choán hết tâm tư, tình cảm của thi nhân. Bài thơ tả cảnh đã thành bài thơ thổ lộ tình yêu. Một thứ tình yêu đơn phương, thiết tha và có phần tội nghiệp:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?” 

Giữa anh và nơi ấy là khoảng cách của sương khói: sương khói không gian, thời gian sương khói của mối tình vô vọng. Ở câu thơ cuối hai đại từ “ai” chỉ hai người trong mối quan hệ khăng khít. Tín hiệu tình người có nhưng chưa đủ để cứu rối linh hồn, nhất là những linh hồn bất hạnh. Nhà thơ mong cái tuyệt đỉnh của tình người: đậm đà. Câu thơ có chút hờn giận nhẹ nhàng, có phủ bòng hoài nghi và trên hết là sự ghi nhận một tấm lòng.

Hai câu thờ cuối dẫn ta vào cõi hoài niệm của nhà thơ. Sương khói làm mờ nhân ảnh không phải là sương khói ngoài đời mà là sương khói trong mối tình đương nhen nơi lòng thi sĩ, là cái khoảnh khắc nhà thơ đắm đuối trong cơn mộng tưởng. Đâu còn nắng hàng cau, vườn mướt quả Đâu còn xanh như ngọc, mặt chữ điền Cũng chẳng còn gió mây, dòng nước buồn, hoa bắp lay, sông trăng và con thuyền chở trăng về… Chỉ còn sương khói che khuất bóng người. Không chỉ hình bóng em mờ mà thân xác anh cũng mờ tan trong sương khói lạnh lẽo. Còn lại may có chữ tình, nhưng nhà thơ vẫn băn khoăn, khắc khoải: Ai biết tình ai có đậm đà ?

Ở đây, một tình yêu đơn phương, day dứt đến tội nghiệp. Nỗi niềm băn khoăn, day dứt khôn nguôi càng nhấn mạnh khao khát được sống, được giao cảm yêu thương và chia sẻ với cuộc đời. Nỗi niềm băn khoăn, day dứt khôn nguôi càng nhấn mạnh khao khát được sống, được giao cảm yêu thương và chia sẻ với cuộc đời của tác giả.

Điệp ngữ “khách đường xa” có sức gợi tả, ngắt nhịp 4/3 tạo nhịp điệu khẩn trương gấp gáp. Nhấn mạnh sự mong đợi tha thiết, lời khẩn khoan van nài những người xưa thật xa xôi, tất cả trở nên vô vọng. Hình ảnh màu áo trắng mờ ảo trong sương khói khiến cho dáng hình con người nhòa đi trước mắt, nhòa đi cả trong tiềm thức. Màu áo trong tâm tưởng vốn trần đầy kỉ niệm nay trở nên nhạt nhòa, xa cách. Câu hỏi tu từ cùng với đại từ phiếm chỉ “ai” – lớp từ đa nghĩa càng khiến cho ý cho rơi vào mênh mang. Thiên nhiên chập chờn, ma mị, mộng ảo, vận động theo logic của tâm trạng. Đó là cái tôi đau thương, nhạt nhòa không ra đường nét, là nỗi niềm hoài nghi, khắc khoải, mong chờ trong vô vọng, là tâm trạng đau thương, mặc cảm không dám trông mong vào sự đậm đà của tình người trong chốn nhân gian.

Khổ thơ thứ ba tiếp nối nguồn mạch tình cảm ở hai khổ thơ trên và đi sâu vào bên trong mối tình, từ nỗi cách ngăn gió mảy chia đường đến sự đứt gãy. Từ cảnh thiên nhiên như reo vui, tràn đầy sức sống ở khổ thơ thứ nhất đi dần tới sự xóa nhòa tất cả vào mơ, vào sương khói ở khổ thứ ba. Một mối tình hết sức thiết tha, nồng ấm nhưng đành để nó mất hút vào cõi mông lung, mờ mịt; chỉ còn lại dư vị đậm đà trong lòng người và cả lòng mình.

Bài thơ bắt đầu bằng điệu vui tươi nhưng kết thúc lại buồn như vừa lỡ một cuộc hẹn hò. Có phải nội dung bài thơ chỉ giới hạn ở một nỗi đau cụ thể là mối tình lỡ làng của tác giả với một người con gái Huế ? Nếu vậy, nó không tồn tại đến tận ngày nay. Cũng không phải nó nói giùm niềm đau của ngàn vạn chàng trai không may trong trường tình. Gốc rễ sâu xa của nỗi bẽ bàng trong bài thơ vượt ra khỏi khuôn khổ tình yêu của một đôi trai gái, mà nói lên tâm trạng chưa kịp vui đã thấy buồn, mới vừa ban mai mà đã vội chiều tà, bao ước mơ tốt đẹp tất thảy đều tuột khỏi tầm tay. Đó là tâm trạng của tầng lớp trí thức trẻ 1930 – 1945 rất hào hứng tự khẳng định mình nhưng luôn bị những áp lực của xã hội phủ định, trong khi ánh sáng của cách mạng chưa soi rọi tới.

Tác giả lặng đi trong mơ tưởng. Người khách đường xa này hình như không liên quan gì đến nhân vật anh ờ câu đầu mà lại gợi tả người khách má hồng thoáng gặp mà nhớ mãi. Màu áo trắng là màu tâm tưởng, màu kí ức hư hư ảo ảo. Thôn Vĩ đến đây chỉ còn là địa điểm có liên quan đến màu trắng ấy. Bài thơ cảnh quê đã thành bài thơ tình yêu. Một tình yêu đơn phương khó xác định.
Câu thơ cuối dẫn ta đến cõi nào của tâm tưởng. Ở đây là ở mối tình mới nhen, là khoảng khắc đắm đuối nhìn không ra. Ý thơ chơi vơi, gợi mở, cảm được mà khó cắt nghĩa…

Tâm trạng của thi sĩ diễn biến theo chiều hướng: ao ước đắm say – hoài vọng phấp phỏng – mơ tưởng hoài nghi. Càng về sau càng có phần u uẩn và sầu muộn. Đó là những cung bậc khác nhau của một mối tình vô vọng. Tuy nhiên, đằng sau mối tình ấy vẫn là một niềm thiết tha gắn bó với đời. Những câu hỏi này là hình thức để nhà thơ tỏ bày tâm trạng. Âm điệu bài thơ càng về sau càng da diết, sâu lắng và nhờ đó mà ba khổ thơ tưởng như tách biệt lại liên kết với nhau một cách tự nhiên, tạo thành một bài thơ hoàn chỉnh có vẻ đẹp khác thường.

Ở Khổ thơ cuối bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, mỗi câu thơ đều ôm chứa một chất thơ hoàn chỉnh, có thể trích độc lập mà vẫn có vị. Mỗi khổ là một bài tứ tuyệt. Nhưng gộp cả lại thì tất cả lại ràng buộc với nhau, không thể tháo bỏ, không cần thêm ý, không thể đảo lộn vị trí từng câu, không thể thay thế các từ. Bài thơ thật trong sáng. Hình như ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nó nhưng phân tích mãi, vẻ đẹp ấy vẫn còn bí ẩn. Nỗi buồn của bài thơ trong sáng và thấm thía.

  • Kết bài:

Thấp thoáng trong màn sương khói hư ảo của tình yêu đôi lứa là tình yêu thiết tha, đằm thắm đối với quê hương đất nước. Vì khơi gợi và làm rung động tình cảm chung của nhiều người như thế nên bài thơ vốn diễn tả tâm trạng riêng của tác giả lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm hồn của nhiều thế hệ yêu thơ Hàn Mặc Tử. Khổ thơ cuối bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” khép lại niềm vọng tưởng trong khói sương mơ hồ và nỗi hoang mang bất tận. Niềm tin rơi vào thinh không đáng sợ.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đọc - hiểu văn bản: "Đây thôn Vĩ Dạ" (Hàn Mặc Tử) - Theki.vn
  2. Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên và tình yêu trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" - Theki.vn
  3. Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang (Huy Cận) và Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử). - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.