Thuyết minh Nhà hát lớn Hà Nội

thuyet-minh-nha-hat-lon-ha-noi

Thuyết minh Nhà hát lớn Hà Nội

  • Mở bài:

Có thể nói Hà Nội là một trong những thành phố  độc đáo bậc nhất thế giới. Nơi đây là hoà quyện hoàn hảo giữa sông ngòi và ruộng vườn, giữa đền và hồ, giữa cổ kính và hiện đại. Một trong những công trình tiêu biểu, tạo nên vẻ đẹp khó hoà lẫn của Hà Nội đó là Nhà hát lớn Hà Nội, một công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỉ 20.

  • Thân  bài:

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc tại thành phố Hà Nội, được dùng để phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí ở số 1A phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Ra đời muộn hơn các Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát lớn Hải Phòng, nhưng Nhà hát lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành hình ảnh quen thuộc và đặc trưng của thành phố Hà Nội.

Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.

Công trình có chiều dài 87 mét, bề ngang trung bình 30 mét, phần đỉnh mái cao nhất cao 34 mét so với nền đường, và diện tích xây dựng khoảng 2.600 mét vuông. Bên phải nhà hát, khách sạn Hilton Opera nằm hơi uốn cong, cũng là một công trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Mang những đường nét cổ điển như hàng cột cao, bộ mái Mansard…, khách sạn hiện đại Hilton Opera không những không phá vỡ không gian kiến trúc của quảng trường mà còn giúp tôn thêm vẻ đẹp của nhà hát.

Mặt bằng Nhà hát Lớn Hà Nội được chia thành ba phần tương đối rõ rệt. Không gian đầu tiên ngay lối vào là chính sảnh với một cầu thang hình chữ T bằng đá dẫn lên tầng hai. Đây là nơi đầu tiên đón khách tới nhà hát, gạch lát nền sử dụng loại đá vân thạch kết hợp với những họa tiết trang trí theo tinh thần cổ điển, đem lại cảm giác sang trọng. Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo lối cổ, còn đèn chùm phía trên cao được mạ một lớp vàng bằng công nghệ hiện đại.

Có thể tìm thấy ở bề ngoài của công trình nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Mặt chính nhà hát nổi bật nhờ hàng cột theo thức Ionic La Mã, phía trên nhấn bởi các mái chóp cong lợp ngói đá. Dường như những nguyên tắc kiến trúc Phục Hưng được nhấn mạnh phía mặt ngoài này. Tuy vậy, những đường cong uốn lượn của các ban công kết hợp với hình thức cuốn vòm phía trên lối vào lại làm nổi bật những yếu tố Baroque. Ở cả mặt bên lẫn mặt chính giữa, các trang trí cầu kỳ, các thanh đỡ uốn lượn, các cửa sổ hình chữ nhật hay cuốn vòm, tất cả đều giàu tính điêu khắc và mang nét Baroque nổi trội. Riêng phần mái đón lối vào cho người đi xe hơi ở hai mặt bên lại theo phong cách Art Nouveau.

Ở phía trên nhà hát, hệ mái lợp ngói đá đen được tổ chức rất kỳ công với sự kết hợp của nhiều hình thức, đem lại cảm giác về tinh thần Tân cổ điển Pháp. Tất cả những hòa trộn này đưa đến ấn tượng về một công trình kiến trúc Tân cổ điển kiểu chiết trung với những giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về nghệ thuật trang trí.

Bao quanh Nhà hát Lớn có nhiều điểm vui chơi giải trí như vườn hoa Nhà hát Lớn nằm chếch phía tây nam, quán cà phê Highlands Coffee ở hai khu vực sườn và tầng hầm (trước đó tầng hầm là quán Nineteen11, lấy theo tên năm khánh thành).

Khoảng sân trước mặt Nhà hát Lớn và đoạn vườn về phía nam nối với khách sạn Hilton là một địa điểm lý tưởng của các đôi cô dâu chú rể đến chụp ảnh đám cưới và kỷ niệm. Xa xa về phía đông bắc là viện bảo tàng cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Viện Viễn Đông Bác cổ ngày xưa). Phía bắc của quảng trường Cách mạng tháng Tám là một loạt các khu trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp của các cơ quan quốc tế như đại sứ quán New Zealand, Câu lạc bộ Báo chí Hà Nội.

Kể từ khi hoàn thành sau đợt trùng tu từ năm 1995 đến năm 1997, Nhà hát Lớn Hà Nội tiếp tục vai trò trong quá khứ, là nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật Việt Nam và nước ngoài.

Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi đã chứng kiến những giây phút hòa bình đầu tiên trên đất nước của chúng ta, và là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay Nhà hát luôn luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị, họp quan trọng và các buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao của các đòan nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Nhà hát lớn Hà nội có một giá trị rất lớn về mặt lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng. Nó là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa và xã hội của Hà Nội và Việt nam thời kỳ Pháp thuộc, là một di tích của một giai đoạn phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi đã chứng kiến những giây phút hòa bình đầu tiên trên đất nước của chúng ta, và là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay Nhà hát luôn luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị, họp quan trọng và các buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao của các đòan nghệ thuật trong nước và quốc tế.

  • Kết bài:

Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc có một không hai với những giá trị kiệt xuất về lịch sử, văn hoá, kiến trúc và mỹ thuật. Một thành phần hiếm có của đô thị và kiến trúc thủ đô góp phần tạo lập bộ mặt đất nước ta ngày nay trong lĩnh vực văn hoá, tạo ra những tiền đề cần thiết cho sự mở rộng giao lưu văn hoá, trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội hiện nay, đặc biệt trong công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình lớn của Thủ đô, mang nhiều ý nghĩa về lịch sử và kiến trúc. Công trình có tuổi đời hơn 100 năm này gây ấn tượng với nghệ thuật – kiến trúc và nội thất độc đáo, cuốn hút. Đến với Nhà hát Lớn Hà Nội, chúng ta sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng một tuyệt tác nghệ thuật với sự giao thoa của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Hơn hết, nơi đây còn là điểm đến lý tưởng cho những khán giả yêu thích các loại hình nghệ thuật hàn lâm.

  • Thân bài:

Nhà hát Lớn Hà Nội toạ lạc tại số 1 phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, nơi nhộn nhịp và sầm uất bậc nhất thành phố Hà Nội. Nhà hát Lớn tọa lạc ngay Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám bề thế, cách đó không xa là hồ Hoàn Kiếm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ, được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Nơi đây gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô. Nhà hát Lớn là một trong những nhà hát lớn bật nhất nước ta, nổi tiếng với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm. Nhà hát sở hữu kiến trúc độc đáo, là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến Hà Nội.

Sự ra đời của Nhà hát Lớn Hà Nội gắn liền với công cuộc đô hộ của thực dân Pháp ở nước ta. Ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội năm 1883, chính quyền thực dân Pháp đã có ý định xây dựng một khu trung tâm văn hóa – nghệ thuật để phục vụ cho quan chức và bi h lính viễn chinh Pháp. Năm 1901, Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng và khánh thành năm 1911.

Tuyệt tác nghệ thuật này được thiết kế theo mô hình nhà hát Opéra Garnier ở Paris, có ảnh hưởng của phong cách kiến trúc miền nam nước Pháp. Vì thế, Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội mang đậm dấu ấn kiến trúc châu Âu cổ điển với sự hoàn hảo đến từng chi tiết, đem lại một không gian nghệ thuật hàn lâm, sang trọng bậc nhất Đông Dương thời bấy giờ. Bởi mang kiến trúc kiểu Pháp, Nhà hát Lớn thủ đô được ví như Nhà hát Opera de Paris.

Sau năm 1945, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành địa điểm hội họp của Quốc hội, Chính phủ, là nơi diễn ra những cuộc duyệt binh của Quân đội… Nhiều đoàn kịch nói của Việt Nam cũng có thể thuê nhà hát để biểu diễn. Cùng với sự hình thành của tầng lớp thị dân Hà thành và trí thức mới, nhà hát đã trở thành nơi sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi của giới văn nghệ sĩ Việt Nam thời bấy giờ.

Đến cuối thế kỷ 20, Nhà hát Lớn Hà Nội rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Khi đó, Chính phủ Việt Nam đã quyết định cho trùng tu công trình. Dự án bắt đầu năm 1995, hoàn công năm 1997. Đây là lần trùng tu nhà hát đầu tiên và duy nhất từ trước tới nay.

  • Kết bài:

Ngày nay, Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong những nhà hát có quy mô lớn nhất Việt Nam. Nơi đây thường xuyên diễn ra những chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm và cũng là địa điểm hút khách du lịch khi đặt chân đến Hà Nội.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình lớn mà chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, công trình Nhà hát Lớn Hà Nội tồn tại như một biểu tượng về không gian kiến trúc, văn hoá và cả chính trị của Thủ đô hơn 1.000 năm tuổi.

  • Thân bài:

Nhà hát tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí ở số 1A phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Xưa kia, kia nơi đây là một vùng đầm lầy thuộc đất của 2 làng Thạch Tần và Tây Luông giáp gianh với làng Cựu Lâu, thuộc Tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương.

Vào năm 1899, hội đồng thành phố họp dưới quyền chủ toạ của Richard – Công sứ Hà Nội, đề nghị lên Toàn quyền Fourer cho xây Nhà hát Lớn Hà Nội. Bản đồ thiết kế do hai kiến trúc sư là Broyer và Harvy được xét duyệt với kinh phí xây dựng là 2 triệu franc.

Công trình được khởi công vào ngày 7/6/1901. Việc san lấp mặt bằng được tiến hành khá vất vả. Hàng ngày có 300 công nhân làm việc. Những người thiết kế công trình đã tìm tòi tham khảo kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với kiểu lâu dài Tuy-lơ-ri và Nhà hát Opera de Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt. Năm 1911, công trình được hoàn thành.

Về tổng thể kiến trúc, chiều dài Nhà hát mặt ngoài là 87m, rộng trung bình 30m, diện tích 26.000m2, điểm cao nhất là 24m. Mặt trước của Nhà hát rất bề thế khang trang, có nhiều bậc trông ra quảng trường rộng (nay gọi là quảng trường Cách mạng tháng 8) – chỗ đầu mối tập trung của 6, 7 đường phố lớn.

Bên trong Nhà hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính có diện tích 24x24m, chứa được 870 chỗ ngồi, tầng giữa có nhiều phòng nhỏ giành cho khán giả có vé riêng. So với dân số Hà Nội năm 1945 khoảng 20 vạn dân, thì quy mô kiến trúc Nhà hát thời điểm ấy là rất lớn.

Cầu thang chính lên tầng 2 là sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở phía 2 bên. Phía sau Nhà hát là phòng quản trị, 18 buồng cho diễn viên hoá trang, 2 phòng tập hát, phòng gương, thư viện, phòng họp.

Trong thời gian đầu, Nhà hát Lớn Hà Nội được dành cho những gánh hát từ phương Tây hằng năm sang diễn cho giới chức quan lại Pháp xem. Những người thượng lưu Việt Nam cũng được tham dự, song muốn vào Nhà hát phải mặc lễ phục và trả giá vé đắt.

Về sau, Nhà hát Lớn Hà Nội cũng có những tối công diễn do người Việt Nam tổ chức để làm việc nghĩa (cứu nạn nhân các tỉnh bị lụt, làm nhà tế bần…). Tuy nhiên, trong lịch sử hoạt động của mình, Nhà hát phải đình lại nhiều lần do chủ trương khác nhau của nhà cầm quyền. Từ năm 1940, nhiều đoàn kịch nói của ta có thể thuê được “Nhà hát tây” để diễn.

Nhận xét về công trình Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tuy ra đời muộn hơn so với nhà hát ở thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, song xét về quy mô kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội là một điển hình khác biệt. Và quan trọng hơn nó còn là một thiết chế văn hoá.

Không chỉ là một không gian văn hoá, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Thời điểm tháng 8/1945, Quảng trường Nhà hát Lớn là trung tâm sôi động nhất của không khí chính trị ngày đó. Tại đây, ngày 17/8/1945 đã diễn ra buổi mít tinh của Tổng hội viên chức và ngay sau đó đã biến thành buổi ra mắt của Mặt trận Việt Minh, lãnh đạo nhân dân ta làm nên thành công vang dội của cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử.

Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành các kỳ họp quan trọng. Ngày 5/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp khoá đầu tiên ở Nhà hát Lớn. Cũng trong năm 1946, ngày 28/10, Quốc hội khoá 2 họp thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đây…

Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi đã chứng kiến những giây phút hoà bình đầu tiên trên đất nước, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kể từ đó đến nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm của các cuộc hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của thủ đô, từ giữa năm 1955, Nhà hát Lớn Hà Nội bước vào đợt trùng tu lớn nhất với ngân sách cho phép là 156 tỷ đồng (khoảng 14 triệu USD). Đó là lần trùng tu duy nhất từ khi ra đời cho đến gày nay.

Kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

  • Kết bài:

Trải qua các biến chứng thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác và cả những loại hình văn hoá phi vật thể, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một di sản mà chúng ta tiếp nhận và phát huy nó như một chứng cớ cho một thời kỳ mà các nền văn hoá giao thoa nhau, giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ di sản này, làm cho ý nghĩa công trình có giá trị sâu sắc hơn, phong phú hơn là những gì mà cả nước và nhân dân Thủ đô luôn hướng tới.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.