Nội dung:
Thuyết minh về thành phố Hải Phòng.
- Mở bài:
Hải Phòng còn được gọi là thành phố Hoa phượng đỏ, là thành phố cảng lớn nhất phía bắc (cảng Hải Phòng) và cũng là một thành phố công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam nằm trong vùng Duyên hải Bắc Bộ. Hải Phòng là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thành phố Hải Phòng còn là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương, một trung tâm cấp quốc gia, cùng với Đà Nẵng và cần Thơ.
- Thân bài:
Lịch sử hình thành.
Sự hình thành và phát triển của Hải Phòng gắn liền với các chứng tích của người tiền sử ở di chỉ khảo cổ học Cái Bèo (Cát Bà) thuộc Văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng từ 4000 đến 6000 năm; với sự hình thành của nền văn minh sông Hồng thuộc văn hóa Đông Sơn với các chứng tích của con người ở di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh (Thuỷ Nguyên), Núi Voi (An Lão) cách ngày nay từ 2000 năm đến hơn 3000 năm; với truyền thuyết về tên tuổi của nữ tướng Lê Chân – người lập Trang An Biên vào đầu Công nguyên – cái nôi hình thành nên đô thị Hải Phòng ngày nay.
Vào những năm đầu Công nguyên, Hải Phòng là một làng nhỏ nằm bên bờ sông Cấm. Bà Lê Chân – một nữ tướng của Hai Bà Trưng đã dựng ở đây một trang trại làm căn cứ chống giặc lấy tên là An Biên (còn được biết đến là trấn Hải Tần phòng thủ). Năm 1871 đời Tự Đức, Bùi Viện lập ti sở nha Hải phòng sứ hay đồn Hải Phòng. Thế kỉ XVII, khi giao lưu thương mại quốc tế phát triển, tàu buôn của nước ngoài đến Việt Nam thường qua Hải Phòng. Năm 1817 tại đây đã lập một bến gọi là Ninh Hải. Sau đó tại cảng Ninh Hải này, nhà Nguyễn và Pháp lập một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại ở vùng cảng này gọi là Hải Dương thương chính quan phòng, gọi tắt là Hải Phòng. Ngày 19 tháng 7 năm 1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hải Phòng và từ đây thành phố Hải Phòng chính thức có tên trên bản đồ Liên bang Đông Dương. Ngày 27/10/1962, thành phố Hải Phòng như ngày nay được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra quyết định thành lập trên cơ sở hợp nhất thành phố Hải Phòng cũ và tỉnh Kiến An.
Đặc điểm địa lí và kiến trúc.
Hải Phòng nằm ở vùng đông bắc đồng bằng Bắc Bộ, bên bờ biển Thái Bình Dương, phía bắc giáp Quảng Ninh, phía nam giáp Thái Bình, phía tây giáp Hải Dương, phía đông giáp vịnh Bắc Bộ. Hải Phòng thuộc vùng đồng bằng ven biển. Hải Phòng có 16 con sông chảy qua địa phận thành phố với những con sông lớn như: Bạch Đằng, Lạch Tray, Thái Bình, Văn Úc, Sông Cấm,… Bờ biển dài 94 km. Hải Phòng có nhiều đảo, lớn nhất là đảo Cát Bà, xa nhất là đảo Bạch Long Vĩ, các bờ biển dài 170 km. Hải Phòng là đầu môi giao thông quan trọng, cửa ngõ chính của cả miền Bắc. Chính vì thế mà hệ thống cảng biển thành phố này vô cùng phát triển. Ngày nay, cảng Hải Phòng đã có môi quan hệ gắn bó với nhiều cảng lớn ở Đông Nam Á, châu Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ, ven Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, Đại Tây Dương, biển Bắc Âu,…
Kiến trúc của thành phố Hải Phòng là sự pha trộn hài hòa giữa 2 nền văn hóa Á – Âu. Sự pha trộn này tạo ra cho thành phố một nét đẹp đô thị riêng biệt, vừa thanh lịch, vừa mạnh mẽ. Đến thời điểm 2011, Hải Phòng còn giữ được nhiều khu phố với kiến trúc khá nguyên vẹn từ thời Pháp thuộc. Như ở quận Hồng Bàng, nhiều phố với những biệt thự do người Pháp xây dựng vẫn được giữ nguyên về tổng thể, tập trung các cơ quan hành chính sự nghiệp. Ở quận Hồng Bàng có khu phố Tàu gần Chợ Sắt (phố Khách nay là phố Phan Bội Châu và phố Trung Quốc nay là phố Lý Thường Kiệt) có những nét giống như khu vực Chợ Lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là phố Tam Bạc nằm ngay bên con sông Tam Bạc thơ mộng, trên bến dưới thuyền, từng là đề tài cho nhiều họa sĩ.
Một nét độc đáo về đô thị Hải Phòng còn là những dòng sông. Những con sông chảy trong lòng thành phố hiện đại cùng với những cây cầu lớn nhỏ bắc qua. Hiện nay thành phố có khoảng 20 cây cầu lớn nhỏ, lớn nhất là cầu Bính – một trong những cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á.
Thành phố đang được quy hoạch theo 5 hướng giống như 5 cánh phượng ra biển, đồng thời bám theo những dòng sông lịch sử như sông Cấm, Tam Bạc, Lạch Tray,… để xứng tầm là một đô thị đặc biệt và thành phố dịch vụ cảng văn minh, hiện đại trong tương lai rất gần. Theo quy hoạch, đến năm 2015 Hải Phòng sẽ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp cùng với Quảng Ninh, đi trước cả nước 5 năm và dự kiến vào trước năm 2020, muộn nhất là 2025 sẽ là thành phố thứ 3 xếp loại đô thị đặc biệt và tầm nhìn từ năm 2025 đến năm 2050 sẽ trở thành thành phố quốc tế.
Các quận nội thành cũ (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân) hiện nay còn lưu giữ nhiều tòa nhà, ngôi nhà mang di sản kiến trúc từ thời Pháp thuộc, đặc biệt là hai tuyến phố Tam Bạc và phố Lý Thường Kiệt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Tam Bạc vẫn giữ được những nét cổ kính trong không gian kiến trúc với những tòa nhà hàng trăm năm tuổi. Phố Tam Bạc được mở từ thời Pháp thuộc, ban đầu gồm hai đoạn phố với tên gọi là Marésanne Proc và Gaull de Luis. Năm 1953, phố được đổi tên là Bạch Thái Bưởi. Sau năm 1954, chính quyền cách mạng tiếp quản thành phố và đổi tên thành phố Tam Bạc. Sở dĩ có tên gọi này giản đơn vì tuyến phố chạy dọc theo một dòng sông có tên là Tam Bạc.
Chạy song song với phố Tam Bạc, phố Lý Thường Kiệt còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc xưa. Nhà ở đây xuyên từ phố Lý Thường Kiệt sang phố Tam Bạc. Những bức tường vàng ố màu thời gian, những cánh cửa gỗ hẹp ngang và cao của các ngôi nhà ống lợp ngói âm dương theo phong cách kiến trúc cổ Trung Quốc (thời kỳ trước phố này được gọi là phố Khách vì có nhiều người Hoa đến đây sinh sống, buôn bán) xen lẫn với những ngôi biệt thự kiến trúc Gô-tích của Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX với những ô cửa sổ nhỏ nằm chót vót trên các mái vòm cong cong, tạo nên vẻ đẹp kiến trúc giao thoa Đông – Tây cho con phố. Nhà số 14 ngõ Gạo (nay là ngõ 61) từng là trạm giao liên quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời trước Cách mạng Tháng Tám.
Con người và văn hóa Hải Phòng.
Hải Phòng là nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều tài năng nghê thuật lớn của đất nước. Nơi đây đã sinh ra tên tuổi Văn Cao trong âm nhạc, tên tuổi Trần Văn cẩn trong hội họa, là nơi đã nuôi dưỡng tài năng văn học của Nguyên Hồng cũng như nhiều tên tuổi nghệ thuật lớn khác: Thế Lữ, Đỗ Nhuận, Trà Giang,…
Từ lâu, hoa phượng đỏ (phượng vĩ) đã trở thành biểu tượng của thành phố cảng Hải Phòng. Đối với mỗi người Hải Phòng, dù già hay trẻ, dù đang sông tại thành phố hay sống xa quê hương thì vẫn luôn giữ trong kí ức một màu đỏ rực khó phai của hoa phượng vĩ hai bên bờ hồ Tam Bạc mỗi độ hè về. Dù ngày nay, phượng vĩ được trồng khắp mọi nơi tại Việt Nam nhưng nhắc đến Hải Phòng người ta vẫn thường gọi bằng cái tên đầy thi vị là Thành hoa phượng đỏ.
Hải Phòng còn là nơi chiếm giữ vị trí chiến lược quan trọng, địa thế hiểm trở, là cửa ngõ vào Đại La – Thăng Long. Các vương triều Việt Nam đã từng có những chiến tích lừng lẫy trong lịch sử chống lại sự xâm lược của láng giềng phương Bắc với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng như trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, trận Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn và trận Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo.
Hải Phòng cũng là nơi có các lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Miền văn hóa cổ của Hải Phòng còn lưu đọng đến bây giờ những điệu hát dân ca, những tích chèo, múa rối,… như hát trù, hát dúm ở Thủy Nguyên; hát chèo, nhạc múa rối ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo; các điệu hò kéo thuyền vùng ven biển,… Những làn điệu ấy gắn liền với nền văn minh lúa nước, tạo thành bản sắc của cư dân vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió. Hải Phòng còn có các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng như biển Đồ Sơn, đảo Cát Bà và vườn quốc gia Cát Bà, đình Hàng Kênh, nhà hát lớn Hải Phòng, chợ Sắt,…
- Kết bài:
Là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của đất nước, Hải Phòng có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người Hải Phòng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã từng chứng kiến và tham gia vào nhiều trận quyết chiến chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Để lại một phản hồi