Nghị luận về đức tính chăm chỉ

nghi-luan-ve-duc-tinh-cham-chi

Nghị luận về đức tính chăm chỉ

  • Mở bài:

– Có người nói: “Sự chăm chỉ tạo ra kết quả, còn lười biếng chỉ tạo ra lý do”. Chăm chỉ chính là chìa khóa mở cánh cửa thành công. Đây là đức tính cần có ở mỗi con người.

  • Thân bài:

1. Giải thích.

Chăm chỉ là gì?

Chăm chỉ là sự cố gắng không ngừng nghỉ, không ngại khó khăn, gian khổ, luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc từng ngày cho đến khi đạt tới mục tiêu. Đức tính này được thể hiện qua tần suất và trách nhiệm khi thực hiện công việc nào đó, dù là những thứ nhỏ nhặt như việc nhà cho đến học tập, xây dựng sự nghiệp.

– Người có đức tính chăm chỉ luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ cho dù phải mất nhiều thời gian. Họ không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất. Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và hoàn thành nó.

2. Bàn luận.

Vì sao cần phải làm việc chăm chỉ?

Chăm chỉ là một phẩm chất đáng quý của con người. Nó là một trong những thước đo để đánh giá đạo đức, phẩm chất, lối sống của mỗi người. Nó giúp chúng ta hoàn thiên bản thân mình hơn.

Chăm chỉ giúp cho con người đạt được những điều mình mong muốn trong cuộc sống. Chăm chỉ trong học tập thì kết quả học tập sẽ ngày càng tiến bộ, chăm chỉ trong công việc thì công việc sẽ sớm hoàn thành

– Chăm chỉ còn rèn luyện đức tính kiên nhẫn cho mỗi người. Trong xã hội ngày càng xô bồ như hiện nay thì kiên nhẫn là một đức tính cực kì quan trọng

– Ông cha ta có câu “cần cù bù thông minh”. Nếu bạn không thông minh thì sự chăm chỉ cũng có thể đưa bạn đến với những điều mà bạn mong muốn. Làm việc chăm chỉ, luôn kiên trì, bền bỉ cũng đóng vai trò quan trọng không kém so với tài năng.

Người chăm chỉ luôn được mọi người tôn trọng, tin tưởng, giúp đỡ chân thành cũng vì thế mà người chăm chỉ dễ có được thành công trong cuộc sống, được mọi người yêu mến ngưỡng mộ.

* Dẫn chứng: Nhà khoa học Thomas Edison đã tiến hành hơn 1000 thí nghiệm để tìm ra dây tóc cho bóng đèn ngày nay. Ngay cả thiên tài cũng phải lao động miệt mài, cật lực, chăm chỉ mới có thể thành công và đem thành quả của mình để góp phần cho sự phát triển của thế giới.

Rèn luyện tính chăm chỉ như thế nào?

– Luôn nỗ lực, vượt qua cả khả năng của mình. Không trì hoãn hay bỏ cuộc khi gặp trở ngại. Thay vì đổ lỗi cho người khác và từ bỏ, hãy kiên nhẫn và kiên trì tìm cách vượt qua khó khăn và tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu.

– Luôn say mê và tin tưởng trong mọi công việc, dù đó là công việc nhỏ nhặt.

– Biết cách tổ chức công việc một cách bài bản, sắp xếp ưu tiên trong công việc, lập kế hoạch và phân chia thời gian một cách hợp lý. Bằng cách sắp xếp công việc hiệu quả thể tận dụng thời gian và năng lượng một cách tối đa.

– Cẩn thận, tỉ mỉ khi làm việc, không chủ quan, nóng vội.

– Tự giác làm việc, không cần ai sai bảo, nhắc nhỏ. Chủ động hoàn thành công việc trước yêu cầu.

– Ham học hỏi và nâng cao kỹ năng, đầu tư thời gian công sức để rèn luyện bản thân.

– Sống và làm việc có trách nhiệm, tận tâm và trách nhiệm cao trong công việc.

– Khuyên bảo con người cần rèn luyện đức tính chăm chỉ, tục ngữ có câu: “Kiến tha lâu đầy tổ”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

3. Bàn luận mở rộng.

Chăm chỉ không chỉ là hành động, mà còn là tâm huyết và đam mê đặt vào mỗi công việc. Chăm chỉ, miệt mài với công việc, không bao giờ trì hoãn, bỏ cuộc nhưng phải có kế hoạch, có mục tiêu chứ không phải làm việc mù quáng, khiến bản thân hao tốn công sức, tiền bạc và thời gian.

– Không có gì có thể thay thế được sự chăm chỉ và nỗ lực. Tuy nhiên, có những người lười biếng, ỷ lại và không chịu cố gắng thì sẽ không thu được kết quả tốt. Những người như thế thật đáng chê trách.

4. Bài học.

– Không có gì quý bằng sự chăm chỉ và lòng kiên nhẫn trong công việc. Siêng năng, chăm chỉ là nền tảng của thành công, không có thứ gì có thể thay thế được sự nỗ lực không ngừng. Thất bại là cơ hội học hỏi, và sự chăm chỉ là chìa khóa để mở cánh cửa của cơ hội đó.

– Tự rèn luyện tinh thần đạo đức, chăm chỉ học tập để có nhiều kiến thức bổ ích.

  • Kết bài

– Khẳng định: Đức tính chăm chỉ vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của con người.

– Liên hệ: Là một học sinh, bản thân phải luôn cố gắng học tập thật chăm chỉ, siêng năng và luôn kiên trì với mục tiêu trong học tập.

Bài văn tham khảo:

Chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Người có tính chăm chỉ luôn đạt được những gì mình mong muốn trong cuộc sống. Ví dụ như trong học tập, học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cái đích cuối cùng là tốt nghiệp được các cấp học và ra trường để có ngành nghề, tạo lập cuộc sống cho mình, họ phải vượt qua được những khó khăn, thử thách, chăm chỉ lao động, học tập, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đạt được mục đích đó.

Trong công việc, nếu ta muốn hoàn thành tốt cộng việc được giao, ta phải tập trung, cố gắng hoàn tất công việc một cách cẩn thận, thì hiệu quả công việc mới cao được. Trong lao động, nếu ta chịu khó, chăm chỉ thì năng suất lao động sẽ được nang cao. Một ví dụ điển hình như nhà khoa học Thomas Edison đã tiến hành hơn 1000 thí nghiệm để tìm ra dây tóc cho bóng đèn ngày nay. Ngay cả thiên tài cũng phải lao động miệt mài, cật lực, chăm chỉ mới có thể thành công và đem thành quả cùa mình để góp phần cho sự phát triển cùa thế giới.

Trong khi mọi người cố gắng chăm chỉ học tập, cố gắng phấn đấu để đạt được thành công trong cuộc sống thì còn có những người lười biếng, ỷ lại, không phấn đấu trong học tập. Nhiều người cho rằng mình thông minh, là tài năng không cần học chăm chỉ mà chỉ cần học lướt qua, không rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo trong học tập. Đến khi vào công việc, bài học cụ thể thì không giải quyết được đúng quy trình dẫn đến sai kết quả. Cũng có không ít người vì quá ham chơi mà sa ngã vào các tệ nạn xã hội, nhiều người đã phải trả giá rất đắt cho sự lười biếng, không chăm chỉ học tập, lao động,.. của mình.

Để thành công trong cuộc sống, ta phải chăm chỉ học tập, làm việc,.. thì mới có kết quả được như mong muốn. Trong xã hội, thế hệ trẻ có rất nhiều người đã thành công trong học tập, lao động, công tác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhờ quá trình chăm chỉ học tập, lao động, nghiên cứu,…

Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, đạo đức để tự thân lập nghiệp, đạt được thành công trong cuộc sống.

Đức tính chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Vì vậy ta phải siêng năng, chăm chỉ, nỗ lực hết sức để đạt được mục đích sống, niềm vui, hạnh phúc của cuộc đời mình, để thành đạt trong xã hội, làm đất nước thêm phồn vinh, phát triển, sánh ngang với các nước trên thế giới.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.