Thuyết minh di tích Bến Nhà Rồng.

thuyet-minh-di-tich-ben-nha-rong

Thuyết minh di tích Bến Nhà Rồng.

  • Mở bài:

Bến Nhà Rồng là một trong những di tích quan trọng và nổi bậc nhất trong quần thể các di sản Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây, Bác Hồ đã bước chân lên tàu Amiral Latouche Tréville, mở đầu hành trình 30 năm bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước. Ngày nay, hơn một thế kỷ trôi qua, dù đã có nhiều sự đổi thay nhưng Bến Nhà Rồng vẫn còn đó, vẹn nguyên lý tưởng của người thanh niên yêu nước, ghi dấu sự kiện có ý nghĩa quan trọng khởi đầu lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

  • Thân bài:

♦ Vị trí.

Bến Nhà Rồng tọa lạc trên ngã ba sông Sài Gòn, số 01 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những công trình lịch sử lâu đời, được người Pháp xây dựng để phục vụ cho trụ sở Tàu biển 5 sao của họ.

♦ Lịch sử hình thành.

Nhà Rồng nguyên là trụ sở của đại diện hãng chuyên chở hàng hải Pháp xây cất năm 1862 làm nơi ở cho viên tổng quản lý và là nơi bán vé tàu.  Ngôi nhà được xây dựng đến cuối năm 1863 hoàn thành.

Sau khi thực dân Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý, sử dụng phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Sài Gòn.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Bến Nhà Rồng được tu sửa, trang trí lại. Cụm di tích kiến trúc của thương cảng Nhà Rồng đã được Nhà nước Việt Nam xây dựng lại thành Khu lưu niệm Hồ Chí Minh.

Trải qua bao năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Bến Nhà Rồng vẫn tồn tại vững chắc và trở thành một cửa ngõ thương cảng sầm uất bậc nhất cả nước.

♦ Đặc điểm kiến trúc:

Do được xây bởi người Pháp nên Bến Nhà Rồng mang dấu ấn kiến trúc của Pháp đậm nét. Tòa nhà có mái ngói gạch đỏ, những hành lang dài với các cột trụ hình tròn vững chãi tạo không gian khoáng rộng. Những mái vòm cong và rất nhiều cửa sổ khiến công trình vừa hại hoà với thiên nhiên xung quanh vừa huy hoàng, tráng lệ.

Điểm thú vị là mặc dù mang kiến trúc Pháp rõ nét như vậy nhưng công trình này vẫn thể hiện sự kết hợp với kiến trúc phương Đông đặc sắc. Đó là trên nóc tòa nhà có một đôi rồng châu đầu vào nhau theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt” , một kiểu trang trí thường thấy ở công trình kiến trúc chùa chiền Việt Nam. Tuy nhiên, ở giữa hai con rồng, thay vì trái châu thì là chiếc phù hiệu mang hình đầu ngựa và chiếc mỏ neo. Phù hiệu đầu ngựa hàm chỉ thời trước bên Pháp. Công ty này chuyên lãnh chở đường bộ với ngựa kéo xe. Còn mỏ neo tượng trưng cho tàu thuyền. Có lẽ cũng chính vì công trình nổi bậc với hai đầu rồng uy nghiêm, mang đậm dấu ấn văn hoá phương Đông mà nó có tên là Nhà Rồng và nơi tàu thuyền qua lại được gọi là Bến cảng Nhà Rồng từ đó. Trải qua thời gian, di tích có nhiều tên gọi khác nhau, tuy nhiên, tên gọi Bến Nhà Rồng vẫn là tên gọi phổ biến nhất.

♦ Ý nghĩa lịch sử.

Nơi đây đã minh chứng cho nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình đấu tranh gìn và giữ nước. Bến Nhà Rồng là nơi Bác Hồ lần đầu tiên xuống con tàu Amiral Latouche Tréville vào ngày 5/6/1911 để tìm đường giải phóng dân tộc khỏi áp bức, lầm than.

Năm 1979, để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong nước và quốc tế, bến Nhà Rồng được chọn làm địa điểm trưng bày những hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.

Ngoài ý nghĩa lịch sử, mỗi kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn là hiện thân của tình cảm và sự kính yêu mà mỗi người con miền Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 100 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Bến Nhà Rồng đã có nhiều sự thay đổi theo năm tháng. Sài Gòn năm xưa nay là Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thì nay đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của đất nước, năng động và không ngừng phát triển. Bến Nhà Rồng thực sự là điểm đến với những ý nghĩa lịch sử, văn hóa không thể phủ nhận của Việt Nam.

Với giá trị lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bến Nhà Rồng và di tích lịch sử Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của thành phố Hồ Chí Minh và cũng là niềm tự hào lớn lao của nhân dân cả nước về tinh thần yêu nước.

  • Kết bài:

Di tích Bến Nhà Rồng vừa mang giá trị kiến thức to lớn, vừa mang giá trị lịch sử cao cả, vĩ đại, luôn tự hào khẳng định tình yêu đất nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của dân tộc ta trong những năm tháng hào hùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.